Cách xử lý cho điều ra hoa đồng loạt

Phần lớn bà con chưa chú ý các khâu kỹ thuật, thiếu đầu tư thâm canh nên cây điều ra hoa lai rai, không tập trung, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết do đó năng suất không cao, chất lượng hạt điều giảm, lợi nhuận thu được thấp. Một số nơi do trồng quảng canh bằng các giống cũ nên điều hầu như không ra hoa. Để giúp bà con có kinh nghiệm trong việc xử lý để cây điều ra hoa tập trung cho sản lượng thu hoạch cao, chúng tôi hướng dẫn một số kỹ thuật của ngành điều.

Đặc điểm và yêu cầu sinh thái để cây điều ra hoa:

– Hoa điều có 2 loại: Hoa đực (chỉ toàn nhị đực), hoa lưỡng tính (gồm 8-12 nhị đực và 1 nhụy cái ở giữa). Hoa điều mọc thành chùm có từ vài chục tới hàng trăm hoa gồm cả hoa đực và hoa lưỡng tính, trong đó phần lớn là hoa đực, số hoa cái chiếm tỷ lệ rất thấp (0-30%). Các chùm hoa đầu và cuối vụ thường là hoa đực, hoa lưỡng tính thường chiếm tỷ lệ cao vào giai đoạn giữa kỳ ra hoa. Ngoài ra, tỷ lệ hoa lưỡng tính còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giống; cá thể cây trong vườn (có cây cho tỷ lệ hoa lưỡng tính thấp, có cây cho hoa lưỡng tính cao gọi là điều chùm) và chế độ chăm sóc (chăm sóc tốt, bón phân cân đối, cây sinh trưởng, phát triển tốt sẽ cho nhiều hoa, tỷ lệ hoa lưỡng tính cao và ngược lại).

– Hoa điều thường nở bắt đầu từ tháng 11 kéo dài tới tháng 3 năm sau, rộ nhất vào tháng giêng, tháng 2. Việc thụ phấn của hoa điều chủ yếu nhờ vào côn trùng. Vào thời điểm hoa nở rộ nếu gặp mưa, túi phấn sẽ không tung được dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp. Trong mỗi chùm sẽ có hoa nở sớm, nở muộn lệch nhau 2-3 ngày. Giữa các chùm hoa trên 1 cây và giữa các cây trong vườn cũng có chênh lệch thời điểm nở hoa do đó đây là những nguyên nhân làm cho tỷ lệ đậu trái của điều không cao nếu không áp dụng các biện pháp xử lý ra hoa đồng loạt nhằm giúp cho điều nở hoa và thụ phấn tập trung, đậu trái cao.

Kỹ thuật xử lý điều ra hoa tập trung:

– Vào đầu mùa mưa phải tập trung chăm sóc, bón phân đầy đủ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt để chuẩn bị phân hóa mầm hoa vào cuối mùa mưa. Bón các loại phân tổng hợp có tỷ lệ đạm cao như 16-16-8, 20-20-16 hoặc 20-20-10. Nên sử dụng kết hợp phân hữu cơ sinh với lượng từ 3-4 kg/gốc cho cây từ 5 tuổi trở lên.

– Cuối mùa mưa (khoảng tháng 10, tháng 11), khi thấy cây xuất hiện đợt đọt non thứ 2 cần phun thuốc trừ sâu bệnh để bảo vệ đợt lộc sẽ cho hoa này. Khi thấy vườn điều rụng lá khoảng 20%, sử dụng phân bón lá có chứa Thioure để phun nhằm giúp cây điều rụng lá hoàn toàn. Sau phun 5-7 ngày cây rụng lá rất nhanh, bắt đầu xuất hiện đọt non. Khi thấy chồi non có khoảng 5 lá, phun thuốc kích thích ra hoa bằng các loại phân bón lá có hàm lượng lân cao, đạm thấp như 6-30-30, 10-52-10. Nên phun liên tiếp 2 lần cách nhau 3-4 ngày. Sau phun khoảng 10 ngày thì điều sẽ ra hoa đồng loạt.

Một số lưu ý

– Vào giai đoạn xử lý ra hoa chỉ nên bón phân gốc bằng các loại có tỷ lệ đạm thấp, đặc biệt không được dùng phân urê mà tăng cường loại phân NPK có hàm lượng lân cao, DAP hoặc supe lân. Có thể bón thêm phân hữu cơ vi sinh sẽ có tác dụng nhanh và cũng chỉ bón sau khi điều ra hoa.

– Cần chọn thời điểm thích hợp để xử lý cho điều ra hoa và nở hoa được thuận lợi. Kinh nghiệm muốn cho điều trỗ hoa tập trung vào thời điểm sau khi dứt mưa 15-20 ngày thì phải xử lý trước đó, trong thời điểm còn một số cơn mưa cuối vụ. Muốn xác định được thời điểm chính xác người trồng điều phải theo dõi dự báo thời tiết cho chính xác để có quyết định đúng.

– Chú ý đảm bảo đủ độ ẩm đất, nếu khô hạn cần tưới nhẹ trong thời kỳ ra và trổ hoa sẽ giúp cây ra hoa tốt, đậu trái cao, chống rụng trái non. Theo dõi và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho điều, nhất là sau khi đậu trái và nuôi trái lớn.

 

Nguồn: nongnghiep