Cách viết blog kiếm tiền cho học sinh và sinh viên từ A đến Z

Cách viết blog kiếm tiền cho học sinh và sinh viên chẳng hề đơn giản. Thế nhưng, đây cũng không phải là điều không thể thực hiện. Bởi chỉ cần chăm chỉ học hỏi và kiên trì trong từng bước nhỏ, bạn vẫn có thể tận hưởng thành quả từ chiếc blog bé xinh của mình.

Trong thời gian gần đây, kiếm tiền bằng cách viết blog đang trở thành phương pháp cải thiện thu nhập được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Không chỉ nổi tiếng trong giới Marketing, viết blog kiếm tiền dường như đã lan rộng đến mọi đối tượng ở mọi ngành nghề. Bất cứ ai sở hữu niềm đam mê viết lách và mong muốn lan tỏa thông tin hữu ích đều có thể tạo blog, cũng như kiếm tiền từ nó.

Nếu vậy, tại sao học sinh và sinh viên lại không thể viết blog kiếm tiền? Nhiều định kiến cho rằng việc tạo thu nhập từ blog quá phức tạp nên chỉ dành cho những người có chuyên môn.

Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều người với xuất phát điểm không hiểu nhiều về SEO, code, quản trị web hay Marketing vẫn có thể tạo ra những website cho riêng mình và bắt đầu hành trình kiếm thêm thu nhập từ blog (mình là một ví dụ ^^).

Chính vì vậy, mình nghĩ rằng không quan trọng bạn là ai, đang làm nghề gì, mà quan trọng bạn có chịu “dấn thân”, chịu khó học hỏi, đủ đam mê và sự kiên trì hay không. Nếu thỏa mãn được các yếu tố này, học sinh viết blog kiếm tiền cũng chẳng phải là điều bất khả.

Hướng dẫn cách viết blog kiếm tiền cho học sinh và sinh viên

Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn tổng quan về cách tạo blog kiếm tiền cho học sinh – sinh viên. Tức bạn sẽ tự tạo blog cho bản thân và kiếm tiền từ nó (chứ không phải viết blog cho người khác để kiếm nhuận bút đâu nhé, hai chủ đề này khác nhau đó nha).

Nói là tổng quan vì mình không thể hướng dẫn chi tiết tất tần tật các công đoạn của việc lập ra một chiếc blog như thế nào, xây dựng nội dung, duy trì blog và kiếm tiền từ nó ra sao.

Vì vậy, có thể đây sẽ là bài khởi đầu cho series “viết blog kiếm tiền” trên Learn With Me và mình hy vọng những bài viết này sẽ hữu ích với bạn.

1. Blog kiếm tiền bằng cách nào?

Với những ai mới “nhập môn” kiềm tiền từ blog, đây chắc hẳn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Từ một trang blog, bạn có thể tối đa hóa lợi nhuận theo cách khác nhau. Trong đó, dưới đây là những cách phổ biến nhất ở thị trường Việt Nam:

✤ Đặt quảng cáo từ Google Adsense

Adsense là phương thức kiếm tiền được các blogger nghĩ đến đầu tiên. Dù ở Việt Nam, giá tiền cho mỗi lượt click vào quảng cáo khá thấp (trung bình 0.02 – 0.1USD/click), nhưng đặt Adsense vẫn không hề mất đi sức hút của mình.

Dù không có khả năng làm blog hướng đến người dùng ở nước ngoài (giá click quảng cáo cao hơn nhiều lần), bạn vẫn có thể kiếm được kha khá tiền từ Adsense, nếu blog của bạn có lượng truy cập lớn hoặc hướng đến những ngách có giá thầu quảng cáo hấp dẫn (tài chính là một ví dụ).

Theo kinh nghiệm của cá nhân mình, blog về một ngách chủ đề cụ thể thường có CPC (giá tiền trên mỗi lượt click quảng cáo) cao hơn so với blog tổng hợp. Vì vậy, dù Learn With Me là một blog tổng hợp và có CPC không đến nỗi nào, mình vẫn quyết định thử làm những blog về các chủ đề nhỏ hơn.

✤ Liên kết tiếp thị

Affiliate Marketing – Tiếp thị liên kết là một cụm từ gần đây hot đến mức khiến mình có cảm giác người người nhà nhà đều làm Affiliate vậy. Không chỉ được các blogger quan tâm, tiếp thị liên kết còn là “mảnh đất màu mỡ” được nhiều Tiktoker và Vlogger tận dụng.

Hiểu một cách đơn giản, với Affiliate Marketing, trang blog của bạn sẽ trở thành cầu nối giữa bên cung cấp sản phẩm/dịch vụ với những người có nhu cầu. Khi khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ thông qua đường link trên blog, bạn sẽ nhận được hoa hồng. Đây là “cần câu cơm” chính của những blog chuyên về review.

✤ Quảng bá sản phẩm/dịch vụ mình đang kinh doanh

Trong tất cả những hình thức kiếm tiền từ blog, mình nhận định đây là cách có thể mang đến cho bạn thu nhập tốt nhất. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp phức tạp và không dành cho tất cả mọi người.

Nếu đang nung nấu ý định cung cấp một sản phẩm/dịch vụ nào đó, nhất là các sản phẩm/dịch vụ digital (khóa học, ebook, template,…), blog sẽ giúp bạn tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng.

✤ Viết bài PR, đặt banner, bán guest post

Khi blog của bạn đã sở hữu traffic ổn định, bạn có thể được những bên liên quan book bài viết PR hoặc đặt banner để quảng bá dịch vụ/sản phẩm của họ.

Tương tự, bạn cũng có thể bán guest post – tức những bài viết chứa link trỏ về trang web cùng chủ đề của người đặt mua (trung bình giá khoảng 200k – 2 triệu, tùy dạng bài và độ “khủng” của blog).

Hiện nay, nhu cầu mua guest post khá lớn bởi đây là thủ thuật SEO được nhiều bên áp dụng. Do đó, bán guest post cũng là một cách giúp nhiều blogger “ăn nên làm ra” đó.

2. Các bước tạo blog kiếm tiền cho học sinh và sinh viên

Nhìn chung, để tạo ra một chiếc blog có thể kiếm tiền được, các bạn học sinh – sinh viên cần từng bước tiếp cận và thực hiện theo những bước CƠ BẢN sau đây:

Bước 1: Xác định chủ đề của blog

Chủ đề là một khía cạnh quan trọng bạn cần định hướng trước khi tạo blog. Nếu muốn viết blog để kiếm tiền, mình khuyên bạn nên tìm đến các chủ đề có thể mang thông tin hoặc kiến thức cho người đọc, tránh tập trung viết những chủ đề mang hơi hướng cá nhân.

Đó là lý do nếu muốn kiếm tiền từ blog, bạn nên từ bỏ ý định viết truyện, tản văn hay tâm sự về cuộc sống hàng ngày (trừ khi bạn đã có một cộng đồng fan đông đảo, hoặc kết hợp những bài viết dạng này với chủ đề khác).

Với học sinh và sinh viên, bạn có thể tham khảo một số chủ đề viết blog như:

✤ Học tập (tips học tập, các vấn đề liên quan đến học đường,…).

✤ Phát triển bản thân.

✤ Làm đẹp.

✤ Review mỹ phẩm, sách, phim,…

✤ Chuyên ngành bạn đang học (Marketing, Tài chính, Tâm lý,…).

✤ Phong cách sống (lối sống tối giản, lành mạnh, chăm sóc đời sống tinh thần,…).

Ngoài ra, bạn cũng có thể linh hoạt kết hợp nhiều chủ đề có mối liên hệ với nhau. Chẳng hạn như một blog vừa viết làm đẹp, review mỹ phẩm, vừa đề cập đến những khía cạnh khác trong phong cách sống. Một blog về phát triển bản thân đi kèm với các tips học tập, những vấn đề học đường.

Thậm chí bạn cũng có thể viết tâm sự hay tản văn trên những blog này, nếu muốn (miễn sao blog của bạn có thêm những chuyên mục khác, không chỉ có mỗi phần tâm sự hay truyện ngắn. Bởi đây là phần gần như không thể SEO). Tốt nhất, bạn chỉ nên chọn chủ đề mình quan tâm, yêu thích hoặc có khả năng viết, chứ đừng mải mê chọn chủ đề hot nhưng bản thân lại không thực sự yêu thích nhé.

Song song với chủ đề, bạn nên viết ra những chuyên mục sẽ có mặt trên blog của bạn. Đồng thời, bạn hãy thử lên trước một danh sách các bài viết (hay list các từ khóa) mà bạn sẽ viết và đăng tải lên blog, tránh trường hợp tự dưng tạo blog xong lại không biết viết gì (trường hợp mình thường xuyên gặp phải).

Bước 2: Mua Hosting và tên miền

Nếu lập blog chỉ với mục đích làm đẹp CV sau này hoặc để cải thiện khả năng viết, bạn có thể tìm đến những nền tảng tạo blog miễn phí như WordPress.com (khác với WordPress.org), Blogger, Wix,…

Tuy nhiên, muốn kiềm tiền thì phải đầu tư. Kiếm thu nhập từ blog cũng vậy. Vì thế, bạn cần một khoản tiền để mua Hosting (dịch vụ lưu trữ website) và tên miền (tức địa chỉ web, chẳng hạn như learnwithmee.com) cho chiếc blog của mình.

Trước khi tạo blog, mình luôn lo lắng về việc tạo một chiếc blog với Hosting và tên miền, bởi nghĩ rằng công đoạn này sẽ phức tạp lắm. Thế nhưng, khi đã bắt tay vào thực hiện, mình mới thấy mọi chuyện không hề khó khăn như bản thân từng nghĩ. Bởi chỉ cần tra cứu trên Google, bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết từ A đến Z.

Với những người chưa có kinh nghiệm, mình nghĩ bạn nên mua Hosting và domain (tên miền) từ cùng một bên cung cấp để tiện thao tác.

Đồng thời, bạn cũng nên ưu tiên mua Hosting ở Việt Nam, thay vì chọn dịch vụ này từ nước ngoài (trừ khi đối tượng người đọc bạn hướng đến là người dùng quốc tế). Hosting nước ngoài giúp những công cụ của Google hoạt động hiệu quả trên blog của bạn hơn so với Hosting ở Việt Nam.

Thế nhưng, người dùng Việt Nam khi truy cập blog của bạn có thể gặp phải hiện tượng website load chậm. Tốc độ là một yếu tố cực kỳ quan trọng của một website bất kỳ. Do đó, bạn nên dùng dịch vụ Hosting trong nước để hạn chế tình trạng web load như “rùa bò”. Ngoài ra, việc dùng Hosting trong nước còn giúp bạn dễ dàng “nhờ vả” hỗ trợ khi cần, nhất là khi website bỗng dưng có “biến”.

Đối với việc chọn tên miền, bạn nên chọn những cái tên ngắn gọn và dễ nhớ. Sai lầm của mình khi lập chiếc blog đầu tiên chính là cố gắng đặt một cái tên miền nghe có – vẻ – sâu – sắc, nhưng vừa dài vừa khó nhớ. Nghĩ lại hối hận lắm đó. ^^

Theo kinh nghiệm của cá nhân Mee, với chiếc blog đầu tiên, bạn có thể tìm đến những gói Hosting vừa phải để tiết kiệm chi phí. Có nhiều bên cung cấp Hosting và domain tại Việt Nam lắm nè, bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng để chọn ra một dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình.

Hiện tại, các chiếc blog của mình, bao gồm Learn With Me đều dùng dịch vụ Hosting và tên miền của AZDIGI– công ty của anh Thạch Phạm, một người vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng người dùng WordPress ở Việt Nam.

Ngoại trừ giá domain hơi cao hơn so với những nơi khác thì mọi thứ về AZDIGI đều khiến mình cảm thấy hài lòng: Tốc độ web ổn, đội ngũ support luôn hỗ trợ nhiệt tình mọi lúc nơi.

Thông thường, giá domain thường dao động trong khoảng trên dưới 300k/năm. Bạn nên mua domain kết hợp với dịch vụ ẩn thông tin tên miền (khoảng 100k/năm). Với Hosting, bạn nên mua những gói có dung lượng SSD từ 1GB trở lên với mức giá từ 500k/năm. Ngoài ra, bạn cần mua thêm dịch vụ SSL (từ 170k/năm), bởi đây là một chứng chỉ bảo mật quan trọng cho website của bạn.

Với học sinh và sinh viên, mình thấy gói Hosting AZ Pro 2 của AZDIGI là một sự lựa chọn tiết kiệm và ổn áp (SSD 1GB, giá khoảng 450k/năm, được miễn phí SSL và có thể gia hạn theo tháng). Còn hiện tại, các website của mình đều dùng gói AZ Pro 3 của AZDIGI với giá 780k/năm, tên miền và dịch vụ tên miền khoảng 400k/năm.

Như vậy mỗi năm, mình cần bỏ ra khoảng 1,2 triệu để duy trì blog. AZDIGI thường xuyên có chương trình khuyến mãi, nhất là cho khách hàng mới. Do đó, bạn vẫn có thể tiết kiệm được thêm một khoản tiền khi mua dịch vụ Hosting và domain tại đây.

Với nhiều bạn học sinh và sinh viên, 1 triệu đồng vẫn là một con số tương đối lớn. Đây cũng là lý do cản trở nhiều bạn bước vào con đường viết blog kiếm tiền. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng, làm blog cũng giống như một khoản đầu tư cho bản thân vậy.

Bạn có thể coi 1 triệu là số vốn bạn cần bỏ ra để “kinh doanh”, hoặc một khoản học phí để bạn có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thú vị.

Nếu nghiêm túc với việc viết blog, khoản tiền 1 triệu mỗi năm sẽ không bao giờ lỗ, ngay cả khi bạn chỉ viết blog vì đam mê, chứ không phải để kiếm thêm thu nhập.

Còn với Mee, mình chỉ ước gì bản thân ngày xưa tạo blog sớm hơn, chứ vì suốt ngày chần chừ, trì hoãn, lo lắng đủ thứ mà cuối cùng mình đã bắt đầu con đường này khá muộn.

Sau khi mua xong Hosting và tên miền, bạn hãy đăng nhập trang quản lý dịch vụ của mình ở bên cung cấp Hosting, vào Cpanel và tiến hành cài đặt ở phần WordPress (Google hướng dẫn các bước đầy đủ).

Nếu thấy mọi thứ phức tạp, bạn chỉ cần nhờ bên cung cấp Hosting support là xong. Chẳng hạn với việc cài đặt SSL, mình luôn nhờ AZDIGI làm hộ, chứ mình cũng không biết phải cài đặt ra sao. ^^

Bước 3: Thiết kế giao diện và cài đặt Plugin

Khi đã có chiếc blog của mình, bạn cần truy cập vào trang admin của blog (https:domain/wp-admin/) để tự tay thực hiện những cài đặt cần thiết, bao gồm:

✤ Thiết kế giao diện của blog. Bạn có thể dùng theme miễn phí của WordPress, nhưng mình không khuyến khích điều này. Bởi giao diện là một yếu tố vô quan trọng, theme miễn phí lại chưa được tối ưu và có nhiều hạn chế. Nếu được, bạn nên mua theme bản quyền.

Chẳng hạn nếu thích blog theo style đáng yêu và dịu dàng, 17th Avenue Soledad là hai gợi ý dành cho bạn (giá hơi mắc khi mua riêng, bạn nên tìm nhóm bạn mua chung để share tiền, mình nghĩ vào các group chuyên về viết blog sẽ tìm được người có nhu cầu).

Còn nếu muốn làm blog cung cấp kiến thức như Learn With Me, Jnews là một lựa chọn vô cùng ổn áp (mình thấy một số bên bán lại với giá chỉ 100k).

Thiết kế giao diện chắc chắn sẽ làm tốn kha khá thời gian của bạn, nhất là với những ai thực hiện công việc này lần đầu. Vì vậy, hãy kiên nhẫn một chút nhé. Mỗi kiểu theme sẽ có cách cài đặt khác nhau, nếu dùng theme Jnews và chưa biết cách cài đặt, bạn có thể inbox Learn With Me, mình sẽ cố gắng hỗ trợ trong khả năng.

✤ Cài đặt một số Plugin để hoàn thiện website. Bạn nên cài đặt một số Plugin có sẵn của WordPress như Akismet Anti-Spam để chặn spam trên web, Contact From 7 để làm form liên hệ (giống như phần bình luận bên dưới mỗi bài viết trên Learn With Me), Class Editor để có giao diện soạn thảo bài viết chỉn chu và khoa học, Use Any Font để dùng font chữ mình muốn (dùng font chữ mặc định đôi khi sẽ khiến bạn hốt hoảng đó), Yoast SEO để hỗ trợ SEO, Table of Contents Plus để làm phần Mục lục của bài viết.

Trên đây là những Plugin cơ bản mà mình nghĩ website WordPress nào cũng cần. Tùy vào nhu cầu của bản thân, bạn có thể cài đặt thêm một số Plugin khác. Tuy nhiên, cài đặt quá nhiều Plugin có thể làm web thêm nặng và load chậm, cũng như làm tăng nguy cơ dính mã độc. Do đó, bạn chỉ nên cài đặt các Plugin thật sự cần thiết và uy tín thôi nha.

Cài đặt Plugin là thao tác đơn giản, bạn chỉ cần bỏ ra chưa đầy 1 phút là có thể cài đặt xong 1 Plugin rồi đó.

Bước 4: Xây dựng chuyên mục và bắt đầu viết nội dung

Bây giờ, bạn cần tạo chuyên mục và một số trang cho blog của mình. Để tạo điều kiện cho việc đăng ký Adsense sau này, blog của bạn nên có những trang sau:

✤ Giới thiệu

✤ Liên hệ

✤ Chính sách bảo mật (có thể copy từ trang web khác rồi chỉnh sửa một chút là xong).

Về các chuyên mục, bạn nhớ suy nghĩ thật kỹ để có được sự phân chia hợp lý. Trong bước này, bạn cần chú ý đến đường link của chuyên mục. Bạn nên vào Yoast SEO cài đặt lại, để đường link chuyên mục không có chữ category (vào SEO => Hiển thị khi tìm kiếm => tab Nguyên tắc phân loại và chọn Gỡ bỏ ở phần Đường dẫn danh mục).

Tương tự, bạn cũng cần vào Cài đặt => Đường dẫn tĩnh để chọn định dạng link cho bài viết trên blog. Tại đây, bạn cần chọn định dạng ngắn gọn nhất, tức Tiêu đề bài viết. Link là yếu tố không nên thay đổi trên website. Vì thế, bạn nên thực hiện những cài đặt này ngay từ đầu, để tránh những rắc rối về sau.

Thông thường sau khi tạo chuyên mục, bạn sẽ cần thực hiện một vài chỉnh sửa về giao diện của website. Lúc này, bạn đã có được bộ khung cơ bản của web. Vì vậy, việc còn lại chỉ là bắt đầu viết những nội dung đầu tiên và đăng lên blog mà thôi.

Bước 5: Duy trì và phát triển blog

Bạn đã phải bỏ ra một khoản tiền và tốn kha khá công sức để tạo nên một website cơ bản. Do đó, đừng quên duy trì và phát triển blog của mình.

Mỗi người có cách phát triển blog khác nhau. Người tập trung vào SEO, người quan tâm đến việc seeding trên mạng xã hội hoặc giải pháp tối ưu là kết hợp mọi phương pháp trong khả năng.

Để blog có thể phát triển tốt, bạn nên tìm hiểu thêm về SEO. Không cần quá chuyên sâu, nhưng bạn nên biết cách tìm từ khóa, viết bài chuẩn SEO (không cần chuẩn một cách cứng nhắc, nhưng cần chuẩn để Google ưu tiên bài viết của bạn), cách đặt link nội bộ. Những kiến thức này đều không quá khó để tiếp thu.

Điều quan trọng nhất, bạn đừng quên viết bài thường xuyên và đầu tư vào việc xuất bản những nội dung hữu ích. Bởi đây chính là chìa khóa giúp blog của bạn được nhiều người biết đến và phát triển không ngừng.

3. Kết:

Để học hỏi thêm về viết blog nói chung và viết blog kiếm tiền nói riêng, bạn nên tham gia một số group trên Facebook như Tâm Sự Con Sen, Viết Blog Kiếm Tiền, Để Viết Tốt Hơn, Hội Thích Kinh Doanh Kiếm Tiền Online và một số group về SEO như SEOmxh, Nghiện SEO, Newbie Làm SEO,… Các group này sẽ mang đến cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc tạo và duy trì website riêng của bản thân.

Nếu đọc qua cách viết blog kiếm tiền cho học sinh và sinh viên, có thể bạn vẫn thấy hơi mơ hồ và phức tạp. Tuy nhiên chỉ cần bắt tay vào thực hiện, bạn sẽ thấy đây là một hành trình thú vị và cũng không quá khó khăn như những gì bạn từng nghĩ. Chắc chắn, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều khi bước trên con đường này đấy. Vậy sao bạn không thử bắt đầu ngay từ hôm nay nhỉ?