Cách vệ sinh rốn đã rụng cho trẻ sơ sinh mà mẹ nên biết

1. Bao lâu thì trẻ sơ sinh rụng rốn?

Thông thường, thời gian rụng rốn tự nhiên ở trẻ sơ sinh là sau 10 – 14 ngày tuổi. Tuy nhiên, thời gian chính xác có thể thay đổi, sớm hoặc trễ hơn tùy thuộc vào cơ địa và cách chăm sóc của ba mẹ, có bé đến tuần thứ 3 mới bắt đầu rụng rốn. 

Nếu sau 3 tuần mà mẹ thấy rốn của con chưa rụng thì cũng đừng nên nóng vội tự ý kéo đứt cuống rốn, mà hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng xử lý thích hợp nhé.

2. Tại sao cần phải vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh?

Sau khi rụng rốn, các mạch máu ở đây là cửa ngõ mà vi khuẩn có thể xâm nhập và đi vào cơ thể bé. Gây nên tình trạng viêm, nhiễm trùng, vùng mô xung quanh sưng đau, đỏ bầm, rỉ dịch và có mủ tiết ra trên bề mặt rốn. Đó là lý do mà mẹ cần giữ vệ sinh vùng rốn của con luôn sạch sẽ và khô ráo.

vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

 

3. Cách chăm sóc rốn đã rụng cho trẻ sơ sinh

Dưới đây là 7 cách vệ sinh rốn đã rụng cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết:

3.1. Giữ cho gốc rốn khô và sạch

Giữ cho rốn khô và sạch là cách giúp bé hạn chế bị nhiễm trùng. Mẹ có thể làm sạch rốn và vùng xung quanh rốn của con với cồn 70 độ, lau khô sạch sẽ rồi che rốn bằng gạc mỏng vô trùng hoặc để hở rốn. Nếu thấy rốn có rỉ mủ, rớm ít máu và có mùi hôi thì mẹ dùng oxy già để làm sạch 3 lần/ngày. Đảm bảo rốn của con luôn sạch và khô thoáng.

3.2. Không để rốn tiếp xúc với nước quá lâu

Nếu để rốn nhiễm nước quá lâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và khiến vùng da lâu lành hơn. Vì vậy, sau khi rụng rốn, mẹ có thể tắm cho con thoải mái, nhưng chú ý đừng để vùng rốn của con tiếp xúc với nước quá lâu. Khi tắm xong, mẹ lau khô người cho con, thấm hết nước còn trong rốn đến khi khô ráo, không còn ẩm ướt.

3.3. Chọn quần áo thoải mái, không quá ôm sát vào người bé

Phần da rốn mới rụng chưa lành hẳn nên mẹ cần ưu tiên chọn quần áo rộng thoải mái, không ôm sát vào người. Tránh gây xây xát vết thương, khiến vùng rốn lâu hồi phục, đồng thời tạo sự dễ chịu cho bé khi cử động. 

  >> Xem thêm: Mách mẹ mẹo mua đồ sơ sinh không lãng phí mà vẫn đầy đủ

3.4. Cẩn thận khi thay tã cho bé

Mẹ cần cẩn thận khi thay tã cho con, tránh để tã chà sát vào vùng da rốn gây tổn thương và ngăn nhiễm bẩn từ nước tiểu, phân. Mẹ có thể gấp phần trước của tã xuống thấp dưới rốn, nới lỏng phần eo hoặc cắt một lỗ nhỏ trên tã ở vùng rốn.

cách vệ sinh rốn đã rụng cho trẻ

 

3.5. Không tự ý bôi bất kỳ chất gì lên rốn con nếu không có sự chỉ định của bác sĩ

Vùng da rốn mỏng manh sau khi rụng rất dễ bị viêm nhiễm, do vậy mẹ không nên tự ý bôi thoa thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá thuốc theo dân gian hay rắc kháng sinh, bột chống hăm lên rốn của con mà chưa có chỉ định của bác sĩ. 

3.6. Không nên băng rốn quá chặt

Nhiều mẹ thường nhầm lẫn rằng phải băng rốn kín và chặt thì vết thương của con mới không bị vi khuẩn tấn công và nhanh lành hơn. Thế nhưng, thực tế điều này lại không đúng, vì băng rốn quá chặt, không khí bí bách tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm cho rốn bị viêm sưng, nhiễm trùng. Tốt nhất mẹ chỉ nên dùng băng gạc mỏng để che rốn hoặc để hở rốn tiếp xúc với không khí thì sẽ nhanh lành thương hơn.

3.7. Đưa trẻ đi khám khi rốn có dấu hiệu nhiễm trùng

Sau khi rụng rốn, mẹ cần quan sát kỹ xem rốn của con có dấu hiệu bất thường nào không để có cách xử lý phù hợp, tránh để lâu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu vùng rốn bị sưng đỏ, chảy máu, có nước vàng, rỉ mủ, u hạt kèm theo bé bị sốt, bỏ bú, khóc khi chạm vào rốn thì mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để được khám chữa trị kịp thời. 

Trên đây là những thông tin về cách vệ sinh rốn đã rụng cho trẻ sơ sinh. Mẹ cần lưu ý làm sạch rốn cho con cẩn thận, luôn giữ da khô sạch và tránh chà sát mạnh để vết thương nhanh lành, ngăn ngừa viêm nhiễm nhé.