Cách trồng và chăm sóc hoa lay ơn cho nhiều nụ | Sfarm

Hoa lay ơn có hình dáng đặc biệt và màu sắc đa dạng. Người dân Việt Nam rất yêu thích loài hoa lay ơn này và thường sử dụng trang trí không gian trong nhà hay thờ cúng vào dịp lễ Tết. Cách trồng hoa lay ơn như thế nào để cây phát triển mạnh mẽ? Cách chăm sóc ra sao để hoa lay ơn cho nhiều nụ? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu những thông tin hữu ích về hoa lay ơn trong bài viết sau.

1/ Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến hoa lay ơn

1.1 Nhiệt độ

Lay ơn là loài hoa sống ở điều kiện khí hậu mát mẻ, nên nhiệt độ lý tưởng để cây hoa phát triển tốt là khoảng 15 – 27 độ C. Hoa lay ơn không chịu được nắng nóng, vì nếu nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cây khiến chúng sinh trưởng chậm, kháng bệnh kém, ra ít hoa và cho hoa nhỏ.

1.2 Ánh sáng

Hoa lay ơn rất ưa ánh sáng, thời gian chiếu sáng phải từ 12 – 14 giờ/ngày. Nếu thiếu ánh sáng, cây hoa sinh trưởng yếu, dễ nhiễm bệnh và ra hoa nhỏ.

1.3 Đất

Loài hoa này sống tốt nếu được trồng trong đất thịt, có độ pH khoảng 6 – 6,5. Yêu cầu đất phải có độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoáng khí.

Lưu ý trong đất trồng hoa lay ơn không được có muối kim loại nặng hay hàm lượng chì cao vì cây hoa rất mẫn cảm với những thành phần này.

1.4 Nước

Cũng giống nhiều loài hoa khác, hoa lay ơn tuy ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Độ ẩm thích hợp đối với lay ơn là từ 70 – 75%. Nếu thiếu nước khiến đất khô hạn sẽ ảnh hưởng đến sự ra hoa. Nếu đất ngập úng sẽ làm thối rễ và củ, lá vàng úa và cây chết dần.

1.5 Không khí

Điều đặc biệt khi trồng hoa lay ơn, phải chú ý đến không khí tại khu vực trồng. Lay ơn mẫn cảm cao với không khí, nhất là khí Flo. Phải tránh trồng lay ơn ở những nơi gần khu công nghiệp hay lò gạch vì những nơi này có nồng độ Flo cao trong không khí, dễ khiến cây hoa lay ơn bị khô đầu lá.

2/ Chuẩn bị trồng hoa lay ơn

2.1 Thời gian trồng

Với đặc điểm sinh trưởng như trên, hoa lay ơn có thể trồng để thu hoa quanh năm tại những vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Mộc Châu,… Tại vùng đồng bằng thì hoa lay ơn được trồng chủ yếu vào khoảng tháng 8 – 10 (vụ thu đông) và tháng 11 – 1 (vụ đông xuân). Ngoài ra, nếu muốn chơi hoa vào đúng dịp Tết thì thời gian trồng hoa lay ơn thích hợp nhất là khoảng tháng 9 – 11.

2.2 Chọn củ trồng

Hiện nay, tại Việt Nam có khá nhiều giống hoa lay ơn. Dựa vào màu sắc, hoa lay ơn có những giống màu đỏ tươi, vàng, cam, hồng, trắng, vàng viền cam,… Bạn nên chọn giống lay ơn theo sở thích và điều kiện của mình. Tuy nhiên, hoa lay ơn đỏ tươi đang được ưa chuộng nhất bởi giống này cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh và năng suất cao.

Củ giống được chọn phải khỏe mạnh, có kích thước và màu sắc đồng đều, không có mầm bệnh và không bị sứt sẹo. Bạn nên chọn những củ có kích thước trung bình, ước chừng bằng củ tỏi, đã xuất hiện các nốt rễ và mắt mầm.

2.3 Đất trồng

Theo yêu cầu về đất trồng đối với hoa lay ơn, bạn có thể tự trộn hỗn hợp gồm đất vườn, giá thể (xơ dừa, mùn) và phân hữu cơ (phân bò, phân dê, phân trùn quế) với tỉ lệ 5:3:2. Sau đó, bạn nên bón lót một lớp vôi, trộn đều trong đất để xử lý mầm bệnh.

Ngoài ra, đơn giản và thuận tiện hơn, trên thị trường có rất nhiều loại đất sạch hữu cơ cho bạn sử dụng. Đất sạch hữu cơ Sfarm đã được ủ vi sinh là một sự lựa chọn tuyệt vời. Đất đã được phối trộn đầy đủ các thành phần hữu cơ với tỉ lệ phù hợp cho từng loại cây trồng. Sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoáng khí.

2.4 Chậu trồng

Khi chọn chậu trồng hoa lay ơn, bạn có thể sử dụng chậu nhựa. Chậu trồng phải có các lỗ thoát nước dưới đáy để tránh tình trạng đất ngập úng khi tưới nước. Kích thước đường kính chậu khoảng 7 – 10cm hoặc 18 – 20cm, phù hợp cho mật độ trồng từ 1 – 3 cây/chậu.

Nếu trường hợp bạn chỉ trồng lay ơn để thu hoạch hoa cắm bình trang trí trong nhà hay bàn thờ thì có thể tận dụng các khay, chậu cũ hay thùng xốp có lỗ thoát nước để trồng.

3/ Cách trồng hoa lay ơn cho nhiều nụ

3.1 Xử lý củ giống trước khi trồng

Trước khi trồng, bạn cần xử lý củ giống bằng các loại dung dịch trừ mầm bệnh. Ngâm củ giống trong dung dịch Daconil 75WP, Mancozeb 2% với nồng độ 1g/1 lít nước. Sau 5 – 10 phút, vớt củ ra và để ráo nước rồi đem đi trồng.

3.2 Cách trồng hoa lay ơn

Đầu tiên, bạn cho hỗn hợp đất trồng đã chuẩn bị lấp đầy 2/3 chậu. Tiến hành đặt củ vào chậu, mầm hướng lên trên rồi lấp một lớp đất mặt dày khoảng 3 – 3,5cm. Khi lấp đất thì chú ý tránh làm củ bị nghiêng hay gãy mầm. Sau khi trồng, bạn tưới ẩm cho đất để củ nhanh chóng thích nghi và phát triển.

Chăm sóc đều đặn, sau khoảng 10 ngày, mầm cây sẽ mọc ra khỏi mặt đất. Với những củ có nhiều mầm, thì nên cắt bỏ những mầm phụ, để lại 1 mầm chính khỏe nhất để cây tập trung dinh dưỡng phát triển. Lưu ý, bạn tiến hành tỉa mầm vào thời gian sau trồng khoảng 20 – 25 ngày, và khi tỉa thì không làm long gốc cây.

Cách trồng hoa lay ơn

Cách trồng hoa lay ơn trong chậu cho hoa nở nhiều

4/ Cách chăm sóc hoa lay ơn

4.1 Tưới nước

Duy trì chế độ tưới nước thường xuyên, mỗi ngày 1 – 2 lần để đảm bảo độ ẩm của đất từ 70 – 75%. Nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, vì khi này nhiệt độ không khí và đất chênh lệch ít, không làm tổn thương rễ cây khiến cây chết.

Khi chăm sóc, chú ý thời tiết và tình trạng cây hoa lay ơn để điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp. Những ngày trời nắng, bạn nên tưới nhiều nước và giảm xuống khi trời mưa nhiều. Đặc biệt, thời điểm lay ơn cần nhiều nước nhất là khi cây bắt đầu mọc khoảng 5 – 8 lá.

4.2 Bón phân

Khi cây mọc được 4 – 6 lá thì bạn tiến hành bón phân chuồng hoai mục hoặc lân, kali để giúp cây phát triển cứng cáp, kích thích tạo mầm hoa. Sau đó, cứ cách 15 – 20 ngày thì bạn lại bón phân đợt tiếp theo, cho đến khi cây trổ đòng.

Lưu ý mỗi lần bón phân, phải kết hợp với vun xới gốc, làm cỏ và tưới nước. Hơn nữa, thân cây hoa lay ơn khá mềm, bạn nên cắm cọc để chống đỡ cho cây không bị đổ.

4.3 Giảm nhiệt độ

Nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của nụ, sự phân hóa và phát dục của hoa. Nụ hoa đã phân hóa nếu gặp nhiệt độ thấp thì sẽ sinh trưởng chậm lại, hoa nở muộn hơn. Vì thế, bạn có thể giảm nhiệt độ nếu không muốn hoa lay ơn nở sớm hơn dự định.

5/ Phòng trừ sâu bệnh hại trên hoa lay ơn

Biểu hiện

– Sâu ăn lá: cắn phá lá, làm giảm năng suất và chất lượng hoa; xuất hiện phá hoại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây.

– Sâu xám: xuất hiện ở thời kỳ cây non, đặc biệt phá hoại mạnh hơn khi thời tiết ấm và độ ẩm cao.

– Bọ trĩ: tấn công thân cây khiến cây sinh trưởng chậm, hoa không nở được; thường xuất hiện khi cây được 1 tháng tuổi.

– Bệnh trắng lá: vết bệnh ban đầu nhỏ như mũi kim châm rồi lan dần ra; thường gây hại ở lá bánh tẻ hoặc lá già.

– Bệnh héo vàng: gốc thân hoặc cổ rễ bị khô héo, chuyển màu nâu.

– Bệnh thối xám: gây thối nhũn ở lá hoặc thân cây; vết bệnh ban đầu có màu nâu xám hoặc nâu vàng.

Phòng trừ

– Chuẩn bị củ giống khỏe mạnh và khả năng kháng bệnh tốt.

– Đất trồng đã được xử lý mầm bệnh.

– Đảm bảo điều kiện ngoại cảnh về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp.

– Thường xuyên vun xới đất quanh gốc và kết hợp làm sạch cỏ dại.

– Có thể dùng tay bắt thủ công sâu hại, côn trùng tấn công cây nếu không quá nhiều.

– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu bệnh hại khi cần thiết, đúng liều lượng và không được lạm dụng.

6/ Thu hoạch hoa lay ơn

Thời điểm cây đã có 1 – 2 búp hoa hé nở và đã có màu thì có thể thu hoạch được. Nên thu hoạch hoa trước 10 giờ sáng, khi trời còn mát mẻ, nắng không gắt.

Khi thu hoạch, dùng kéo sắc cắt vát đoạn cành dài khoảng 50 – 80cm, chừa lại ít nhất 2 – 3 lá để nuôi củ giống. Lưu ý không làm dập hoa, không đặt hoa lên nơi đất bẩn. Hoa lay ơn vừa thu hoạch nên dùng giấy báo bọc kín lại rồi để nơi khuất gió, tránh ánh nắng. Sau đó, cắt bớt phần cành phía dưới tùy theo độ dài mong muốn, rồi cắm hoa vào bình đã đổ đầy 2/3 nước. Chỉ khoảng nửa giờ sau, hoa sẽ tươi trở lại và nở dần dần.

7/ Cách bảo quản củ lay ơn cho vụ sau

Bạn có thể thu hoạch củ làm giống sau khi thu hái hoa khoảng 6 – 8 tuần và vào những ngày nắng ráo. Ngưng tưới nước trước khi thu hoạch củ khoảng 2 tuần. Khi đào hoặc nhổ củ thì tránh làm xây xát củ.

Sau khi thu hoạch củ, loại bỏ những củ bị bệnh ngay để tránh ảnh hưởng đến các củ khỏe mạnh khác. Rửa sạch củ và tiến hành ngâm trong Mancozeb 0,2% khoảng 15 – 20 phút để xử lý mầm bệnh.

Sau đó, phơi củ giống ở nơi thoáng mát khoảng 7 – 10 ngày để giảm bớt nước giúp lưu trữ tốt hơn. Có thể lưu trữ củ ở nhiệt độ thường 18 – 25 độ C hoặc trong kho lạnh 7 – 10 độ C. Kiểm tra thường xuyên, tránh củ bị tấn công bởi chuột bọ hay sâu bệnh.

Bài viết trên đây là toàn bộ những chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lay ơn cho nhiều nụ. Chúc bạn có thể áp dụng thành công cách trồng hoa lay ơn để có những chậu lay ơn thật nhiều hoa, hoa đều và đẹp nhé.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

Đánh giá bài viết