Cách trồng rau má xanh non, không sâu bệnh
Rau má là loại rau quen thuộc của người Việt, vừa được dùng làm món ăn, vừa để làm thuốc chữa bệnh. Hiện nay rau má mọc ngoài tự nhiên rất hiếm, vì vậy nhiều người thường trồng tại nhà để có thể chủ động được nguồn rau sạch cung cấp cho gia đình. Hãy cùng tìm hiểu cách trồng rau má có gì đặc biệt ngay tại bài viết này nhé.
Rau má là loại rau xanh rất tốt cho sức khỏe, có thể dùng để nấu canh, xào, làm nộm, ăn sống, muối dưa hoặc có thể xay lọc lấy nước. Rau má có tác dụng thanh nhiệt tốt, làm giảm tình trạng căng thẳng mệt mỏi, căng thẳng. Rau má còn là vị thuốc trong đông y chữa các bệnh như: Hen suyễn, viêm gan, viêm loét dạ dày, lupus ban đỏ, động kinh,… Loại cây này cũng được khai thác công dụng trong ngành làm đẹp, các loại mỹ phẩm điều trị mụn nhọt, trị côn trùng cắn, mát da, cung cấp độ ẩm, chống lão hóa,… Hiện nay rau má mọc ngoài tự nhiên không còn nhiều, vì vậy nhiều gia đình, cơ sở sản xuất đã tự trồng rau má chuyên canh.
Chuẩn bị trước khi trồng
Đất: Rau má không quá kén đất, vì vậy có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên loại rau này sẽ phát triển tốt, cây non xanh mướt hơn nếu trồng ở các loại đất thịt pha cát, đất tơi xốp. Nên chọn trồng ở vị trí bán nắng hoặc nơi có nắng, khu vực có độ thoát nước tốt. Có thể cải tạo đất, tăng độ dinh dưỡng bằng cách pha trộn phân hữu cơ và phân chuồng tạo điều kiện cho rau má sinh trưởng tốt hơn.
Nếu trồng ở vườn có thể xử lý đất trước trồng, giúp loại bỏ các vi sinh vật có hại và tăng độ màu mỡ cho đất. Nếu không có diện tích mặt đất có thể tận dụng các thùng xốp, có đục lỗ thoát nước để trồng rau má. Có thể mua đất đã trộn sẵn tại các cửa hàng, nhà vườn hay trang thương mại.
Tiến hành gieo trồng rau má
Không cần phải ngâm hạt giống qua nước ấm, bởi hạt rau má rất dễ nảy mầm. Bạn chỉ cần cung cấp độ ẩm cho đất, dùng cuốc, xẻng xới thành từng hàng để gieo hạt. Lưu ý không gieo quá dày. Sau đó lấp một lớp đất mỏng lên phủ hạt giống, tưới nước ngay sau khi gieo để giữ ẩm cho đất, kích thích khả năng nảy mầm.Tuy nhiên nên tưới dạng phun sương hoặc dùng ô doa tưới tránh tưới mạnh, khiến hạt bị trôi. Sau khoảng 3-5 ngày có thể dùng rơm rạ để giữ ẩm, tăng độ mùn, tránh ánh nắng trực tiếp vào hạt. Kiểm tra khi hạt giống nảy mầm có thể bỏ rơm rạ ra để giúp cây con đón ánh sáng.
Chăm sóc rau má
Cây rau má không cần tốn nhiều công chăm sóc, là loại cây mọc bò trên mặt đất, ưa ẩm nên cần chú ý chế độ tưới nước. Luôn giữ ẩm cho đất đặc biệt vào mùa hanh khô. Ngoài ra có thể giúp rau mọc tốt hơn, xanh mơn mởn bằng cách bón thêm phân bón hữu cơ. Thường xuyên làm cỏ để cây không bị tranh dinh dưỡng, có nhiều diện tích sinh trưởng.
Sau khoảng 2 tuần trồng, nếu thấy rau má phát triển mạnh và quá dày nên tiến hành tỉa bớt.
Thu hoạch rau má
Rau má có thể thu hoạch bằng cách tỉa, để lại gốc và những thân già để rau tiếp tục mọc. Nếu chăm sóc tốt chỉ khoảng 2 tháng sau trồng là có thể bắt đầu thu hoạch. Vì rau má bò trên mặt đất nên sẽ bám rất nhiều bụi, đất bẩn vì vậy cần phải rửa sạch bằng nước nhiều lần.
Rau má tự trồng tại nhà bảo đảm sạch sẽ, bạn có thể sử dụng để làm món ăn hay xay lấy nước. Thức uống này rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng detox cơ thể, vừa đẹp da giữ dáng.
Trên đây là hướng dẫn cách trồng rau má đơn giản nhất, hi vọng với những thông tin này bạn có thể tự trồng rau má tại nhà. Chúc bạn có những vườn rau má xanh non mơn mởn.
Đánh giá bài viết