Cách trồng rau húng lủi đơn giản, xanh mướt ăn quanh năm

Rau húng lủi là một loại cây gia vị quen thuộc, thường được cho vào món ăn làm gia tăng hương vị. Không chỉ là một loại cây gia vị, húng lủi còn là một dược liệu quý giúp bảo vệ răng, làm đẹp, trị viêm họng và nhiều bệnh khác rất hữu hiệu. Trồng rau húng lủi không quá khó, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật sau đây bạn sẽ có những cây rau xanh mướt, ăn cả năm không hết.

Chuẩn bị trước khi trồng

Dụng cụ trồng: Nếu diện tích eo hẹp, bạn có thể tận dụng các thùng xốp, chậu cây, bồn hoa,… để trồng rau húng lủi. Hoặc có thể trồng trực tiếp ra đất vườn. 

Đất trồng: Có thể trồng rau húng lủi trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên để tạo điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng của cây, nên trồng ở đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt. Nếu bạn có sẵn đất vườn, nên trộn thêm phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, mùn hữu cơ, xơ dừa,… mục đích làm tăng độ phì nhiêu cho đất trồng. Nếu không có đất, bạn có thể mua đất đã trộn sẵn trong bao hoặc đất nén dạng hữu cơ về trồng. Đối với đất ngoài vườn nên xới đất tơi, sau đó bón lót bằng vôi và phơi ải từ 7-10 ngày để phòng trừ các mầm bệnh trong đất. Tiến hành bón thêm phân hữu cơ sau khi phơi ải.

Giống trồng: Bạn có thể trồng rau húng lủi bằng 2 phương pháp, giâm cành hoặc bằng hạt. Có thể tận dụng các cành già từ vụ cũ để trồng. Chọn giống từ những cây to khỏe, không sâu bệnh. Đối với cách trồng bằng hạt, có thể tìm mua hạt tại các cửa hàng rau, sàn thương mại điện tử. 

Cách trồng rau húng lủi

Nếu trồng bằng phương pháp giâm cành, có thể trồng trực tiếp ra đất đã trộn phân bón. Cắt mỗi đoạn cành giống từ 15-20cm, cắm cành nghiêng trên mặt đất, khoảng cách 8-10cm. Tưới đẫm gốc sau trồng, để chậu, thùng trồng nơi thoáng mát có bóng râm. Hoặc có thể che chắn bớt nắng nếu trồng trực tiếp ngoài vườn. Nếu trồng trong chậu thì chỉ nên để từ 3-4 cành, tạo độ thoáng vừa để diện tích cho các cây con mọc. 

Đối với phương pháp gieo hạt, trước khi gieo nên ngâm với nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh trong khoảng 3-4 giờ. Mục đích nhằm tăng tỉ lệ nảy mầm cho hạt giống. Sau đó vớt ra để ráo nước rồi tiến hành gieo hạt. Mỗi chậu trồng có thể gieo từ 5-6 hạt, tùy theo diện tích trồng mà số lượng hạt gieo khác nhau. Tiến hành tỉa bớt, đem trồng chỗ khác khi hạt đã lên cây con cứng cáp. Trong suốt quá trình gieo hạt, đợi nảy mầm và phát triển thành cây con chỉ nên dùng bình xịt dạng phun sương. Mục đích để tránh tưới nước mạnh, hạt bị rửa trôi.

Chế độ chăm sóc rau húng lủi

Tưới nước: Đặc điểm của rau húng lủi là loại cây ưa ẩm, vì vậy nên tưới nước 2 lần cho cây/ngày. Khi cây con lên tầm 2-3 lá tăng lượng nước tưới lên 3 lần/ngày. Cây sẽ có hiện tượng đen thân, chết dần khi thiếu nước hoặc bị ngập úng thối thân, rễ. Vì vậy lượng nước tưới cần vừa đủ, tiến hành tháo thoát nước khi bị ngập nước. 

Ngắt ngọn: Để kích thích cây phát triển mạnh nên tiến hành ngắt tỉa ngọn. Khoảng 1 tuần sau trồng, sử dụng kéo để cắt tỉa để cây nhanh ra lại lá, vết cắt nhanh phục hồi.

Bón phân: Giai đoạn cây con cần ưu tiên bổ sung thêm các loại phân hữu cơ cho cây. Có thể tham khảo các loại phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, phân sinh học để cung cấp thêm dinh dưỡng. Khi cây có hiện tượng đen thân lá quá nhiều hoặc mỗi lần thu hoạch nên tiến hành cắt cây, chỉ chừa lại đoạn gốc. Sau đó bón thêm phân để cây tiếp tục sinh trưởng cho vụ mới. 

Phòng trừ sâu bệnh: Cây húng lủi là loại cây có sức sống khỏe, ít sâu bệnh. Tuy nhiên cũng nên thường xuyên kiểm tra, nếu có sâu với số lượng ít có thể tiến hành bắt bằng phương pháp thủ công. Hạn chế tưới nước vào ban đêm, dễ sinh các bệnh nấm mốc. 

Thu hoạch rau húng lủi

Skhoảng 50 – 60 ngày trồng là có thể thu hoạch rau húng lủi. Dùng kéo để cắt tỉa khi thu hoạch, chừa lại đoạn gốc tầm 10-15cm để cây có thể ra tiếp vụ mới.

Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm trồng rau húng lủi hiệu quả, hi vọng thông qua bài viết bạn có thể ứng dụng thành công trong thực tiễn. Chúc bạn trồng thành công và có vựa rau sạch, an toàn sức khỏe.

Đánh giá bài viết