Cách trồng khoai lang – Chia sẻ trọn bộ kỹ thuật trồng khoai lang A-Z
Thực tế cho thấy, có nhiều lợi thế để phát triển quy mô trồng thâm canh khoai lang lấy củ, lấy rau. Nhưng trước hết muốn thành công, bà con phải nắm vững cách trồng khoai lang, những kỹ thuật canh tác, chăm sóc cơ bản nhất. Dưới đây, 3A chia sẻ trọn bộ kỹ thuật trồng khoai lang A-Z để bà con tham khảo.
Cách trồng khoai lang – Chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang cho năng suất vượt trội
Trung bình từ 75 ngày sau khi trồng, khoai lang đã cho thu hoạch. Một năm, bà con có thể trồng từ 3 – 4 vụ. Các giống khoai lang siêu củ, siêu ngọn mới với khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao vượt trội.
Thực tế cho thấy, có nhiều lợi thế để phát triển quy mô trồng thâm canh khoai lang lấy củ, lấy rau. Nhưng trước hết muốn thành công, bà con phải nắm vững cách trồng khoai lang, những kỹ thuật canh tác, chăm sóc cơ bản nhất. Dưới đây, 3A chia sẻ trọn bộ kỹ thuật trồng khoai lang A-Z để bà con tham khảo.
1. Những chuẩn bị cần thiết
Yếu tố ngoại cảnh
Các yếu tố ngoại cảnh có tác động trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây. Bà con lưu ý các điều kiện như sau:
-
Nhiệt độ:
Thích hợp nhất là từ 20 – 30 độ C. Dưới 10 độ C, lá chuyển thành màu vàng, cây héo dần và chết. Trên 45 độ, tốc độ sinh trưởng chậm, năng suất thấp. Thường thì từ 15 độ C trở lên, bà con có thể trồng khoai
-
Ánh sáng:
Dây khoai lang chỉ cần chiếu sáng khoảng 13 giờ/ngày, thích hợp nhất là 8 – 10 giờ ánh sáng. Điều kiện thuận lợi để khoai lang ra hoa là ngày ngắn, cường độ ánh sáng yếu. Tuy nhiên điều kiện này lại rơi vào mùa đông lạnh, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây. Hoa khoai lang cũng khó thụ tinh, kết hạt.
Nói chung, nếu trồng khoai lang thu thân và lá thì mùa đông sẽ thích hợp. Còn trồng khoai lang lấy củ thì ngày ngắn – đêm dài là thuận lợi.
-
Nước
Duy trì độ ẩm trong đất ruộng từ 70 – 80%. Lượng nước tưới tiêu phải linh hoạt thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của thân và củ.
-
Đất đai
Khoai lang dễ trồng, không kén đất. Trồng khoai lang ở bất kỳ loại đất nào nếu có điều kiện chăm sóc tốt thì vẫn cho năng suất cao. Trừ đất sét có hàm lượng nhôm nặng.
Tuy nhiên vẫn yêu cầu: đất tơi xốp, đất nhẹ, lớp đất mặt sâu, thông thoáng. Độ pH trong đất: 6,5 – 7.
Thời vụ trồng khoai lang
Trồng khoai lang vào tháng mấy? Khoai lang có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, trồng đúng thời vụ sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
-
Thời vụ trồng khoai lang ở miền Bắc: vụ Đông trồng từ tháng 9 – 10. Đến tháng 1 – 2 thu hoạch. Vụ Xuân trồng từ tháng 3 trở đi, đến tháng 7 – 8 thu hoạch. Vụ Hè Thu trồng tháng 5 – 6, thu hoạch vào tháng 8 – 9.
-
Thời vụ trồng khoai lang ở miền Nam: Từ trung bộ đổ vào trồng được quanh năm. Ngoài 3 vụ ở trên thì có thể trồng thêm vụ Đông Xuân từ tháng 11 – 12, đến tháng 4 – 5 thu hoạch.
Chọn giống khoai lang năng suất cao
-
Nhóm giống khoai lang lấy ngọn làm rau: H 1.2, VDD1, TV1… Cho năng suất thân và lá cao hơn củ. Ngọn không bị chất, hàm lượng protein cao.
-
Nhóm giống khoai lang lấy củ, dây lang: Hồng Quảng, KL5… Một số giống khoai lang siêu củ như: K2, K3, KB1, TV1, K51… Khoai lang Nhật, khoai lang mật, khoai lang tím, khoai lang vàng.. là các giống được ưa chuộng nhiều nhất. Cho năng suất cao, củ ngọt.
Cụ thể từng loại giống, năng suất, thời vụ trồng thích hợp sẽ được khái quát ở bảng sau:
Tên giống
Diện tích trồng (1000ha)
Năng suất (tạ/ha)
Vùng trồng nhiều
Vụ trồng chính
K51
25
250 – 300
ĐBSH, BTB, ĐB – TB
4 vụ
K4
20
150 – 160
ĐB – TB, TN, ĐNB
Đông, đông xuân
Giống số 8 (K3)
10
100 – 120
ĐBSH
Đông, đông xuân
KL5
2
120 – 150
ĐBSH
Đông, đông xuân
Hoàng Long
3
80 – 100
ĐBSH, ĐB
Đông, đông xuân, xuân
Hồng Quảng
1,5
120 – 150
ĐBSH, TB
Đông, đông xuân
Khoai lang Nhật
0,02
110 – 120
ĐB, ĐBSH
Đông, đông xuân
Khoai lang bí
1,0
100 – 110
ĐBSCL
Đông, đông xuân
Khoai lang dâu đỏ
0,5
60 – 70
DHNTB
Đông xuân
HL3
1,0
80 – 100
ĐNB
Đông, đông xuân
Giống cực nhanh
22
11- 130
BTB, DHNTB
Đông, đông xuân
2. Kỹ thuật trồng khoai lang
Làm đất trồng
Cày xới đất ruộng tơi xốp, dọn sạch cỏ dại, chuẩn bị lên luống trồng khoai lang.
Lập thành từng luống trồng có chiều ngang rộng 1m, cao từ 35 – 40cm. Ở giữa luống đất làm thêm 1 rãnh nhỏ có kích thước chiều rộng 20cm, sâu 25cm để duy trì độ ẩm khi cần thiết.
Bà con có thể tham khảo các bước lên luống kết hợp bón lót phân chuồng ủ hoai mục như sau:
Nhân giống khoai lang
Bà con có thể chọn giống khoai lang từ phần dây lang ở ngay trên ruộng khoai của mình hoặc trồng khoai lang bằng củ đã ươm ra mầm cây.
-
Chọn giống bằng dây: Chọn dây bánh tẻ, không có rễ, không sâu bệnh. Nên lấy đoạn 1 và đoạn 2, mỗi đoạn có 5 – 8 đốt là hợp lý và cho hiệu quả tốt. Thu hoạch dây lang trước 7 – 10 ngày. Sau đó đem về duy trì độ ẩm thích hợp trong vườn ươm.
-
Trồng khoai lang bằng củ đòi hỏi thêm kỹ thuật ươm mầm. Sau đó mới lấy dây khoai mầm trồng trên ruộng.
Bí quyết trồng khoai lang củ to, năng suất cao một phần nằm ở công đoạn nhân giống. Dùng giống liên tục trong nhiều vụ cây sẽ bị thoái hóa. Thay vào đó nhân giống bằng củ vào vụ xuân, vụ hè thu. Sau đó lấy giống cây trồng vụ đông.
Cách trồng khoai lang đúng kỹ thuật
Quy trình trồng khoai lang có tính quyết định rất cao đến năng suất củ đạt được. Vì thế đòi hỏi bà con nên tuân thủ các khâu canh tác kỹ thuật:
-
Nên trồng vào chiều mát. Sau khi trồng, tưới nước, cấp ẩm.
-
Nếu đất quá khô, phải tưới nước vào rãnh trước khi tiến hành trồng khoai lang.
-
Hướng trồng dây lang là từ Tây sang Đông hoặc từ Tây Nam sang Đông Bắc.
-
Khi trồng, thực hiện theo kỹ thuật: đặt dây thẳng, dọc luống nối đuôi nhau. Sau khi đặt cây xuống, dùng tay cào vun đất ở 2 bên vào giữa. Lấp đất thịt nhẹ ở phần gốc với độ dày từ 5 – 7cm.
-
Bà con
chỉ nên duy trì mật độ từ 4 – 5 dây/m dài
3. Kỹ thuật chăm sóc ruộng khoai lang
Bón phân cho khoai lang
Liều lượng phân bón cho 1ha khoai lang lấy củ như sau:
Phân chuồng (tấn/ha)
Phân bón vô cơ (kg/ha)
Đạm
Lân VĐ
Kali
N
Ure
P2O5
Lân
K2O
KCl
10
40 – 60
87 – 130
30 – 40
175 – 235
80 – 90
133 – 150
Các thời kỳ bón phân:
-
Bón lót: Sử dụng toàn bộ phân chuồng, phân lân bón lót trước khi lên luống. Sau đó dùng tiếp ⅓ đạm + ⅓ kali bón lót khi lên luống.
-
Bón thúc lần 1:
15 – 30 ngày sau khi trồng. Dùng ⅓ đạm + ⅓ kali bón 2 bên luống dây khoai lang. Cách gốc ít nhất 15 – 20cm. Lấp lại đất luống sau khi bón phân để tránh bị rửa trôi.
-
Bón thúc lần 2:
45 – 60 ngày sau khi trồng khoai. Bón hết số phân vô cơ còn lại. Cách bón phân tiến hành tương tự.
Để tăng năng suất, chất lượng, bà con nên bón lót thêm nhiều hơn phân chuồng ủ hoai mục hoặc dùng phân vi sinh, chế phẩm sinh học EM… Kết hợp dùng rơm rạ ủ gốc để giữ độ ẩm cho đất.
Chăm sóc ruộng khoai lang
Sau 20 – 25 ngày trồng, tiến hành ngắt ngọn, nhấc dây, vun gốc để làm đất tơi xốp. Đồng thời xới sâu để đứt rễ cấp 1, tưới nước đầy đủ.
Sau 45 – 60 ngày sau trồng, nhấc dây lần 2 để làm đứt rễ phụ, tập trung chất dinh dưỡng về rễ chính, chuyển hóa chất dinh dưỡng nuôi củ. Khi nhấc dây, phải để dây nằm dọc theo sườn luống tránh để gió bấc thổi mạnh gây chột khoai.
Tưới nước duy trì độ ẩm cho ruộng khoai lang trong suất thời gian sinh trưởng, nhất là vụ đông. Bà con có thể áp dụng phương pháp tưới rãnh. Nhưng mực nước trong rãnh không vượt quá ⅓ độ cao luống khoai lang.
4. Phòng trừ sâu bệnh hại
-
Bọ hà
Đây là bọ gây hại phổ biến nhất ở khoai lang. Chúng ăn trên bề mặt củ, tạo thành từng lỗ thùng tròn, nhỏ. Sâu non có thể đục bên trong dây và củ khiến cho dây lang trở nên dị dàn, phình to, nứt.
Ngăn ngừa bệnh bằng cách:
-
Tuyển chọn giống kỹ càng, không sử dụng các loại giống bị nhiễm bệnh.
-
Thường xuyên thăm nom ruộng, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư sâu bệnh.
-
Sau khi thu hoạch khoai, nên cho ruộng ngập nước ít nhất 24 giờ để tiêu diệt mầm bệnh. Tránh tác động đến vụ sau.
-
Trồng cách xa ruộng khoai đã bị nhiễm bọ hà.
Diệt trừ bệnh bằng cách dùng chất dẫn dụ giới tính, vi sinh vật để giết chết bọ hà trưởng thành. Dùng kiến, nhện, bọ chân chạy để tấn công.
-
Sùng trắng
Sùng trắng gây ra các lỗ đục to ở trên củ khoai. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng. Phòng trừ bằng cách dọn dẹp cỏ dại. Hoặc cũng có thể dùng đèn để tiêu diệt những con trưởng thành.
-
Sâu đục dây
Sâu non sẽ chui vào cuống và củ, ăn phần thân bên trong khiến cho đoạn thân bị phình to ra. Lâu dần, cây có thể bị héo và chết.
Bà con nên luân canh cây trồng khác nhau để giảm trừ dịch bệnh. Ngoài ra, các biện pháp phòng trừ bọ hà ở trên cũng có tác dụng với sâu đục dây.
-
Bệnh virus gây còi củ khoai lang
Triệu chứng gây bệnh dễ nhận thấy. Củ khoai lang còi cọc, lá bị nhỏ và hẹp, méo, biến dạng, dúm dó, đốm lá…
Phòng trừ virus gây còi bằng các thăm ruộng thường xuyên. Loại bỏ những cây bị bệnh tránh làm lây lan ra cả ruộng.
-
Bệnh thối gốc
Phần dây lang ngay sát mặt đất có triệu chứng bị héo và chết. Cành màu đen, có sẹo kéo dài dọc từ trên xuống dưới, gây hại đầu cuống củ.
Biện pháp phòng trừ chủ yếu là ở khâu chọn giống. Lựa chọn, vệ sinh và sử dụng những hom giống sạch bệnh.
5. Thu hoạch khoai lang
Trồng khoai lang bao lâu thì thu hoạch? Thường thì sau khi trồng từ 75 – 80 ngày thì cho thu hoạch. Vụ thu đông, thời gian kéo dài hơn, từ 85 – 90 ngày.
Kiểm tra khoai già: đào 1 củ lên, dùng dao cắt đôi, để ngoài môi trường tự nhiên. Nếu chỗ cắt khô, không bị đen nghĩa là đã đến lúc thu hoạch.
Sau khi dỡ hết khoai phải để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không bị ngấm nước. Bà con có thể đào hầm dưới đất theo kiểu lòng chum, có nắp đậy kín, rãnh thoát nước.
Hi vọng trọn bộ kỹ thuật về cách trồng khoai lang trên đây sẽ giúp bà con gặt hái những mùa vụ bội thu. Chúc bà con thành công.