Cách trồng dưa leo trong chậu an toàn, đúng cách và nhiều quả – SMART GARDEN
Cách trồng dưa leo trong chậu an toàn, đúng cách và nhiều quả
Dưa leo xuất hiện trong mọi bữa ăn của gia đình người Việt. Nhiều người tự trồng dưa leo để mang nguồn rau sạch đến mâm cơm nhưng không phải kết quả lúc nào cũng khả quan vì chưa biết cách trồng dưa leo trong chậu. Đây là giống cây khá “khó chiều”. Smart Garden sẽ hướng dẫn bạn cách trồng dưa leo trong chậu an toàn, đúng cách để thu hoạch thật nhiều quả nhé!
Chọn giống dưa leo – dưa chuột
Có thể bạn chưa biết dưa leo hay còn gọi là dưa chuột có cùng họ với bầu, bí, dưa hấu, mướp, khổ qua. Loại cây này được trồng quanh năm ở các vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tuy vậy, với hiện trạng sử dụng quá mức thuốc trừ sâu hoặc các chất kích thích trong rau củ ngày nay, trồng dưa leo trong chậu tại nhà không chỉ tiết kiệm, mà còn giúp bạn an tâm về sức khỏe.
Dưa leo là món ăn phổ biến, nhiều dinh dưỡng cho cơ thể được các chị em phụ nữ yêu thích
Có rất nhiều giống dưa leo phổ biến như dưa leo xanh, dưa leo trắng, dưa leo gai, dưa leo Thái. Với nhu cầu trồng dưa leo trong chậu tại nhà để trực tiếp thu hoạch, bạn không cần quá cầu kỳ trong bước chọn giống. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các gói hạt giống dưa leo tại siêu thị hoặc các cửa hàng bán rau quả, cây trồng. Trường hợp đầu tư với quy mô lớn thì nên lựa chọn hạt giống có năng suất cao ở những nơi bán uy tín.
Hướng dẫn chi tiết cách trồng dưa leo trong chậu
Bước 1: Ủ và gieo hạt giống dưa chuột
Đầu tiên, bạn chọn mua hạt giống dưa chuột về để ươm hoặc cây có sẵn để tiếp tục trồng tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Ngâm hạt giống dưa leo vào nước ấm khoảng 30 – 35°C trong 2 – 3 tiếng (theo tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh), sau đó vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch và ủ vào khăn ẩm ở nhiệt độ 27 – 30°C. Bạn nhớ phải luôn giữ độ ẩm cho bọc ủ xuyên suốt 3 – 5 ngày đến khi hạt giống nứt ra, nảy mầm thì đem gieo.
Chuẩn bị sẵn đất và bỏ vào trong khay, xốp, chậu nhỏ. Đất phải tơi xốp, ẩm và đủ dinh dưỡng. Gieo các hạt mầm vào sâu trong lòng đất khoảng 1cm tính từ bề mặt đất, sau đó, phủ một lớp đất mỏng bên trên. Sau khi gieo hạt, tưới nước cho ẩm bề mặt và bao phủ một lớp nilon lên khay xốp. Bạn hãy đặt ở nơi có ánh nắng vừa phải để thúc đẩy việc nảy mầm.
Bước 2: Cách trồng dưa leo trong chậu
Khi cây con ra 3 – 4 lá, bạn có thể nhấc từng bầu cây ra chậu riêng, xô nhựa, thùng xốp. Đối với đất để trồng dưa leo, bạn nên chọn đất pha cát, đất chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ trộn với trấu, gỗ mùn, phân động vật hoặc phân xanh hữu cơ. Khoảng 7 – 10 ngày sau, thêm phân trộn hữu cơ, phân đạm + lân + kali để tăng thêm dinh dưỡng và độ pH cho cây phát triển tốt trong những giai đoạn ban đầu.
Cách trồng dưa leo trong chậu hiệu quả là bạn cần chú ý về lượng nước và bón phân thường xuyên
Bước 3: Cách chăm sóc cây dưa chuột trong chậu
Giống cây này sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới. Nói vậy không có nghĩa là bạn không cần tưới nước đều đặn. Duy trì việc tưới tiêu 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối khi bạn trồng dưa chuột trong chậu. Nếu tưới quá nhiều nước, cây sẽ chết úng, ngược lại, ít nước quá cây cũng không thể phát triển và cho ra quả được. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo ánh nắng vừa phải để cây có môi trường sinh trưởng tốt nhất.
Các giai đoạn gieo trồng dưa leo
Để chắc chắn chậu cây dưa leo nhà bạn phát triển bình thường, đúng tiến độ và đảm bảo việc ra trái, bạn nên thực hiện và theo dõi các giai đoạn gieo trồng dưa leo như sau.
Giai đoạn 1: Hai tuần đầu
Với hai tuần đầu tiên, cách trồng dưa leo trong chậu chuẩn nhất là bạn cần phủ trên mặt đất xung quanh cây như: rơm rạ, cỏ khô, phân chuồng, phân gà để giữ ẩm cho đất. Duy trì việc tưới nước 2 lần đều đặn mỗi ngày.
Giai đoạn 2: Tuần thứ 3
Đến tuần thứ 3, hòa phân bón đạm + lân + kali vào nước tưới cho cây dưa leo tăng thêm dưỡng chất. Lúc này, cây bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn nên bạn cần làm giàn cho cây leo. Với những cây dưa leo trồng trong chậu, bạn có thể làm giàn tựa vào vách tường, cho cây leo lên lan can, ban công. Ngày nay, nhiều người sử dụng nhôm hay thậm chí là dây nilon dựng thẳng vuông góc từ chậu lên để cây có thể leo lên.
Cách trồng dưa leo trong chậu chuẩn là cần thêm dây kẽm hay nilon để cây leo lên
Giai đoạn 3: Cây trồng được 1 tháng
Đây là giai đoạn “vàng” để nạp dưỡng chất cho cây phát triển tốt nhất. Trộn phân lân, đạm, kali, ure bón thêm vào đất hoặc hòa vào nước để tưới thêm cho cây. Sau khi bón hoặc tưới phân, bạn nhớ hãy tưới nước để tránh phân làm cháy rễ cây. Giai đoạn này cây cũng đòi hỏi lượng nước tưới nhiều hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên nhặt cỏ ở phần gốc và tỉa bớt các lá già để lá con phát triển. Bạn cũng nên hạn chế việc cây leo cao, nếu không cây sẽ không ra nhiều nhánh và không cho nhiều trái.
Giai đoạn 4: Dưa leo ra hoa kết trái
Khoảng 30 – 50 ngày sau khi gieo mầm, cây bắt đầu ra hoa, hoa đực và hoa cái mọc ra từ các nách lá. Thời gian này nếu để cây thiếu nước thì cây sẽ cho ra trái nhỏ, ăn lại đắng. Để thu hút ong hút mật thụ phấn, bạn pha loãng nước đường rồi tưới lên thân cây.
Ngoài ra, nhu cầu dinh dưỡng của cây cũng gấp đôi so với trước nên tăng cường phun HVP Auxin Organic, các chất khoáng và dưỡng chất để cây hấp thụ chuẩn bị cho việc ra trái.
Giai đoạn 5: Thu hoạch
Khoảng 60 – 80 ngày là bạn có thể thu hoạch trái dưa leo. Thời điểm thu hoạch thích hợp là vào buổi sáng, khi thời tiết mát mẻ. Sau khi thu hoạch, tiếp tục bón phân kali và đạm, tưới cây đều đặn để cây tiếp tục cho trái các lứa tiếp theo.
Cách trồng dưa chuột trong chậu không quá khó, đây sẽ là thành quả của bạn
Nhìn chung, cách trồng dưa leo trong chậu không quá phức tạp, cây sẽ phát triển tốt nếu bạn thực hiện theo các bước trên. Nếu bạn muốn tạo ra một khu vườn nhỏ tưới tự động tại nhà, hãy tham khảo các thiết bị tưới thông minh tại Smart Garden! Chúng tôi cung cấp các loại tưới thông minh như thiết bị tưới nhỏ giọt, thiết bị tưới phun mưa, thiết bị tưới phun sương… Smart Garden chúc bạn sẽ thu hoạch mẻ dưa leo đầu tiên một cách thuận lợi nhé! Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về cách trồng dưa leo trong chậu, hãy liên hệ đến Smart Garden!