Cách trồng đậu cải tạo đất trong vườn rừng

Cách trồng đậu cải tạo đất trong vườn rừng

Bài viết này mình chia sẻ cách mà mình trồng các loại đậu cải tạo đất (đậu đen xanh lòng hạt nhỏ, đậu đỏ, đậu xanh) ở farm theo hướng vườn rừng thuận tự nhiên ít chi phí và khá là năng suất.

1. Công đoạn gieo các loại hạt đậu cải tạo đất

Sau khi đã thu hoạch vải u hồng và điều xong, mình tiến hành cắt tỉa cành điều, cành vải u hồng cho thông thoáng, tấp hết các cành đã cắt vào gốc vải u hồng, việc làm này nhằm cung cấp một lượng phân tự nhiên đáng kể cho cây vải u hồng thời kỳ sau thu hoạch, nhằm giúp cây hồi sức và ra lộc mới.

Sau đó phát cỏ sát gốc, khi mưa xuống mình tiến hành cuốc lỗ và gieo hạt giống, tùy theo mục đích trồng đậu để cải tạo đất hay trồng đậu vừa cho thu hoạch vừa cải tạo đất mà chúng ta thực hiện cách gieo hạt khác nhau, nếu các bạn chỉ có mục đích trồng đậu cải tạo đất thì có thể gieo hạt trước khi phát cỏ.

2. Công đoạn kiểm soát cỏ dại và côn trùng gây hại

Mình để cỏ và cây đậu con mọc tự nhiên, không cần tác động, đến khi cây đậu bắt đầu ra hoa, mình tiến hành cắt cỏ quanh gốc đậu (lúc này chỉ cần cắt những cây cỏ cao, có khả năng vượt tán cây đậu).

Trong quá trình cây đậu phát triển mình thấy rệp đen khá nhiều, vì ở vườn có rất nhiều loại kiến khác nhau và một trong số chúng sinh ra rệp, mặc dù có khá nhiều các loài côn trùng có ích như bọ rùa, kiến sư tử, bọ ngựa, và cả gà,… nhưng số lượng rệp vẫn khá nhiều.

Theo kinh nghiệm của mình khi phát hiện một số cây bị rệp chúng ta tiến hành bắt bằng tay ngay không chúng sẽ lan rất nhanh, nếu vườn các bạn số lượng rệp nhiều quá thì nên dùng (gừng, ớt, bồ hòn, lá thầu đâu, lá mùng tơi,… tất cả giã nát, vắt lấy nước pha tỷ lệ 1:1 rồi tiến hành phun, mình đã thử nghiệm ở một đám bị rệp lan ra và thấy hiệu quả).

Việc trồng đan xen các loài cây khác nhau cũng góp phần giảm đáng kể côn trùng gây hại, năm nay vườn mình chỉ bị rệp tấn công, không phát hiện các loài côn trùng khác.

3. Công đoạn thu hoạch và bảo quản đậu

Thu hoạch những quả đậu đã chín, sau đó đậu được di chuyển đến giàn phơi, phơi tầm 2 giờ đồng hồ dưới nắng to, kế tiếp cho đậu vào bao buộc chặt và dùng cây đập mạnh vào bao, kế đến là công đoạn loại bỏ vỏ đậu và các hạt kém chất lượng, sau cùng là đem phơi khô và bảo quản vào hũ kín.

4. Lợi ích của việc trồng đậu cải tạo đất ở vườn rừng sinh thái

Theo quan điểm cá nhân mình nhận thấy, khi trồng đậu ở vườn có một số lợi ích sau:

Cung cấp nguồn đạm dồi dào cho đất, giúp cải tạo đất rất hiệu quả.

Giúp kiểm tra các khu đất còn nghèo chất dinh dưỡng, theo mình nhận thấy những khu có đậu tốt chất đất rất mềm, màu đen sẫm, còn chỗ nào cây đậu lên chưa được tốt đất ở chỗ đó khá cứng và không đậm màu bằng đất ở chỗ đậu lên tốt, như vậy chúng ta có thể khoanh vùng và tiến hành cải tạo những cụm đất chưa thực sự tốt một cách hợp lý.

Thân cây đậu sau khi đã thu hoạch là một nguồn sinh khối rất dồi dào chất dinh dưỡng, sau khi thu hoạch xong đậu chúng ta có thể cắt và tủ vào làm phân bón cho các loài cây ăn quả trong vườn.

Việc trồng đậu cải tạo đất còn giúp cân bằng thiên địch trong vườn, đặc biệt thời kỳ này vườn vải u hồng nhà mình đang ra lộc non, việc trồng các loài đậu sẽ thu hút các loài thiên địch và đảm bảo cây vải ra lộc non không bị côn trùng gây hại tấn công.

5. Sản lượng đậu đạt được sau khi thu hoạch

Mình gieo tổng cộng 7kg đậu giống, 4 kg đậu đen xanh lòng, 2kg đậu đỏ và 1kg đậu xanh.

Sản lượng ước tính như sau: Đậu đen xanh lòng khoảng 100kg, đậu đỏ khoảng 80kg, đậu xanh số lượng khoảng 30kg.

Như vậy chúng ta có thể thấy việc trồng các loại đậu trong vườn rừng sinh thái rất đơn giản, tốn ít nhân công mà đem lại hiệu quả vô cùng lớn, cung cấp lượng đạm dồi dào cho đất, cân bằng thiên địch cho vườn cây ăn trái thời kỳ ra lộc và còn được cả đậu để dùng hoặc có thể kinh doanh.

Mình đã áp dụng và khá thành công, còn các bạn yêu nông nghiệp vườn rừng, có muốn thử không nào?

Xem thêm: Các loại cây họ đậu cố định đạm và không cố định đạm phần 1

Vân Hồng

Xem thêm về: Cây cải tạo đất

Danh mục: Các loại cây cỏ cải tạo đất, Cách cải tạo đất, Đất