Cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chôm chôm Long Khánh

Bà con nông dân áp dụng đúng quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sẽ đảm bảo chôm chôm cho năng suất cùng chất lượng cao hơn.

Công đoạn trồng và chăm sóc cây chôm chôm

Về cây giống chôm chôm: Vùng này trồng chủ yếu 2 giống chôm chôm nhãn và chôm chôm Java (chôm chôm tróc). Nhân giống bằng cách ghép hoặc chiết cành. Cần chọn những cây sinh trưởng tốt, ít sâu bênh, năng suất và chất lượng cao làm cây mẹ để chiết hoặc ghép cành.

Cây chôm chôm được trồng làm gốc ghép ở độ tuổi từ 8-12 tháng, gốc ghép cao khoảng 80-100cm, đường kính gốc ghép là 1,2-1,5cm.

Đối với chiết cành: Chọn những cành to, thẳng, thời gian trồng trong vườn ươm sau khi hạ bầu chiết từ 6-12 tháng để chăm bón, tạo hình cây con. Nên ra ngôi cành chiết trong bầu nilon hay sọt tre, đường kính miệng bầu 15cm, chiều cao 20-25cm.

Cây chôm chôm được trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm chi phí và công tưới. Khi trồng cần đào hố vừa đủ kích thước bầu cây con, đặt cây và phủ đất vừa qua mặt bầu, ép chặt lấy đất và cắm cọc giữ cho cây được vững. Che bóng và tưới sau khi trồng, tránh cây bị cháy lá vào năm đầu tiên.

Làm cỏ và giữ ẩm cho cây: Cần làm cỏ bằng máy hoặc thủ công để giúp chống xói mòn cho đất, bảo vệ dinh dưỡng trong tầng đât mặt, hạn chế dùng thuốc trừ cỏ làm ảnh hưởng đến hệ quần thể sinh vật có ích. Tiến hành giữ ẩm cho cây bằng phân hữu cơ và lá cây hoai mục sẵn có trong vườn để tăng độ ẩm và giúp cải tạo đất tơi xốp. Nhất là giai đoạn đậu trái, ổn định độ ẩm cho gốc rất cần thiết để đảo bảo tỉ lệ đậu trái cao.

Sau mỗi đợt thu hoạch, cần tiến hành tỉa cành cho cây, cắt tỉa toàn bộ đọt cành, độ dài cành bấm bỏ là 30cm. Đồng thời tỉa bỏ chồi vượt là cành non mọc thẳng từ trong thân chính và cành chính. Tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành đan chéo ngoài tán, cành dưới tán, cành trong tán cho hợp lý để thúc đẩy cây mọc chồi non và cho quả vụ sau.

Cây giống chôm chôm. Ảnh: Cayxanhgianguyen.

Cây giống chôm chôm. Ảnh: Cayxanhgianguyen.

Chăm sóc để cây ra hoa: Tiến hành xiết nước vào đầu mùa khô từ 3-6 tuần tùy độ lớn, sức sinh trưởng của cây và đặc điểm của đất. Sau đó, bón phân nhử (bón ít) và tưới nhử (tưới ít) vài ngày trước khi bón đậm, tưới đậm và đều trở lại, cây sẽ ra hoa sớm hơn bình thường. Khi phát hoa đạt 10-15cm, tưới nước lại nhưng không tưới quá nhiều, đến khi hoa nở giảm lượng nước tưới. Nguồn nước tưới không bị nhiễm mặn (Nacl<2g/l nước). Lượng nước tưới, chu kỳ tùy loại đất, thời tiết, giai đoạn phát triển của cây.

Bón phân cho cây: Liều lượng và công thức phân NPK bón cho cây hàng năm thay đổi tùy theo điều kiện đất đai, tình trạng sinh trưởng của cây, tuổi cây, thời kỳ bón, năng suất thu hoạch vụ trước.

Để tăng đậu quả chôm chôm, ngoài biện pháp trồng xen cây hoặc tháp, ghép cành chôm chôm đực, kết hợp nuôi ong mật trong vườn chôm chôm, phun chế phẩm Siêu Bo để tăng đậu quả hoặc Ramale để tạo hoa đực (pha 30cc trong 6-8 lít nước). Khi gié hoa bắt đầu nở 30%, phun trên 2-3 gié hoa trên chòm của tán cây và khoảng cách chòm 2-4mm, phun lặp lại 2-3 lần, cách nhau 2-3 ngày/lần.

Trong quá trình chăm sóc cây, phải luôn theo dõi và xử lý các loại sâu bệnh như trên cây như: Rệp sáp, sâu ăn hoa, sâu đục trái, bệnh cháy lá và vàng lá, bệnh thối rễ, bệnh phấn trắng, bệnh thối trái, bệnh đốm rong… Khi phát hiện sâu bệnh phải sử dụng các biện pháp phòng trừ, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học và biện pháp thủ công truyền thống.

Ảnh: Ngochieu.

Ảnh: Ngochieu.

Công đoạn thu hoạch và bảo quản

Thời gian ra hoa từ đến thu hoạch quả khoảng 100-120 ngày, khi quả chín màu sắc của vỏ quả thường có màu từ đỏ vàng đến đỏ sậm và râu của vỏ quả thưởng đỏ nhưng chóp râu có thể có màu vàng, xanh thay đổi tùy vào giống.

Thu hoạch quả làm nhiều đợt để quả có màu sắc đẹp, không thu hoạch quá chín vì màu sắc vỏ sẽ sậm, thịt quả bị đục có hương vị kém, dễ bị côn trùng tấn công.

Sau khi thu hoạch, cần phân loại chôm chôm: Loại bỏ những quả sâu bệnh, thối, lép… đảm bảo chôm chôm đáp ứng được chất lượng.

Trong điều kiện nhiệt đới, màu sắc của vỏ và râu vỏ quả chôm chôm bắt đầu xấu đi khoảng 3 ngày sau khi thu hoạch. Tồn trữ trái ở nhiệt độ 10-15 độ C trong túi PE có đục lỗ giữ được 10 ngày, trong túi PE dày, kín có thể giữ được 12 ngày.