Cách trồng cây đu đủ đực cho hoa quanh năm
Phân biệt cây đu đủ đực và cây đu đủ cái
Cây đu đủ được chia thành 2 loại chính: cây đu đủ đực và cây đu đủ cái, mỗi loại lại có những công dụng và giá trị khác nhau. Bà con có thể dễ dàng phân biệt 2 loại đu đủ này qua những đặc điểm nhận biết sau:
Đu đủ cái: Khác với đu đủ đực, đu đủ cái thân cây thường to, nếu được chăm sóc tốt và đúng cách sẽ cho ra rất nhiều quả chất lượng, to và đẹp. Hoa to và mọc ở sát thân, không mọc theo chùm. Hạt đu đủ cái thường có màu đen và đậm hơn so với hạt đu đủ đực, khi ngâm nước thường chìm sâu dưới nước và nặng hơn. Rễ của cây đu đủ là dạng rễ chùm, mọc và đâm sâu vào lòng đất để thân cây chắc khỏe và hút được nhiều chất dinh dưỡng giúp cho quá trình cây phát triển, ra hoa cũng như ra quả.
Đu đủ đực: Một trong những điểm khác biệt so với đu đủ cái đó chính là đu đủ đực có thân khá nhỏ. Hoa đu đủ đực mọc ở phần kẽ lá, có nhánh dài, nhiều hoa và mọc theo chùm. Đu đủ đực thường cho nhiều hoa và ít quả, chủ yếu được trồng để lấy hoa chứ không lấy quả. Hạt đu đủ đực có màu trắng nhạt, không có màu đen và bóng giống như hạt đu đủ cái. Rễ cây đu đủ đực là loại rễ cọc, mọc thẳng, đâm sâu vào lòng đất.
Thời vụ trồng
Miền Bắc: Gieo hạt vào tháng 7, trồng vào tháng 9.
Đông Nam bộ và Tây Nguyên: Gieo tháng 2 – 3 và trồng tháng 4 – 5.
Tây Nam bộ: gieo tháng 10 – 11 vàtrồng tháng 12 – 1 .
Chọn giống
Nên dùng hạt đu đủ ở phần giữa quả đu đủ chín trên cây, sau đó chà sát nhẹ và đãi bỏ lần vỏ nhớt ở ngoài rồi phơi trong bóng râm đến khô. Hạt đu đủ có thể bảo quản qua vài năm ở trong lọ nút kín.
Khi chọn hạt, ta nên chọn những hạt có trái thon dài, hạt căng bóng, không thối rũa và bị nát, không có sâu bệnh hại, vì nếu khi chọn những hạt kém chất lượng khi đem đi gieo trồng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, thậm chí hạt không phát triển và chết ngay sau khi gieo xuống đất. Theo kinh nghiệm dân gian lúc chuẩn bị trồng thì đem hạt ngâm vào nước. Hạt nổi là hạt đực còn hạt chìm sẽ cho cây đu đủ cái.
Chuẩn bị đất trồng
Nên trồng cây trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên cũng có thể lựa chọn trồng đu đủ trong các chậu bằng sứ. Thùng xốp hoặc các chậu xi măng chuyên dụng cho cây cảnh. Nên chọn chậu có kích thước to để cây dễ sinh trưởng và phát triển. Chậu phải có lỗ thoát nước, đảm bảo thoát nước tốt, giữ ẩm tốt, không quá chua và độ PH thích hợp là 6 – 6,5.
Nếu trồng trong chậu thì tốt nhất nên trộn đất với phân bò, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, .. để đủ dinh dưỡng cho cây.
Kỹ thuật trồng đu đủ đực
Bà con nên ngâm hạt trong nước khoảng 40 độ C trong 4 đến 5 giờ, rồi tiến hành ủ hạt trong túi vải ẩm 4 – 5 ngày. Đợi đến khi hạt nứt vỏ lên mộng thì gieo hạt.
Gieo 2 – 3 hột trong bầu nhỏ để trừ hao khi hạt ít nảy mầm, sâu bệnh phá hại hay để tỉa bớt cây. Sau khoảng 15 – 30 ngày đu đủ sẽ nảy mầm và phát triển cặp lá. Tỉa bỏ bớt cây cái bằng cách quan sát rễ cây. Đối với cây con có rễ chùm, to khỏe, là cây cái, cây có rễ cọc dài, mọc thẳng đứng là cây đực. Gỡ bỏ bầu và trồng vào đất hoặc chậu.
Đào hố 40 x 40 x 40 cm với khoảng cách 1 x 1 m, nếu giống cây thấp có thể trồng dày hơn.
Mỗi hố bón lót 12 – 20 kg phân chuồng hoai mục, 0,5 – 1 kg phân supe lân, 0,5 kg vôi bột, 0,2 – 0,3 kg kali sulfat. Trộn đều phân với đất, đổ xuống hố và vun cao 25 – 30 cm .
Trồng 2 – 3 cây vào hốc đã đào sẵn. Trồng xong cần tưới ngay và giữ ẩm liên tục. Dùng rơm, dạ, cỏ khô để phủ gốc.
Bà con cũng cần lưu ý đến tiến độ bón phân để cây ra nhiều hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao như:
Đối với cây từ 1 tháng tuổi: Pha 50gr phân NPK 16-12-18-11+TE vào trong 10 lít nước, tưới cho cây, 1 tuần 1 lần để cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây phát triển tốt.
Cây từ 1 – 3 tháng tuổi: Bón phân cho mỗi gốc cây từ 50 – 100gr/1 lần. Bón từ 15 – 20 ngày/1 lần
Cây từ 3 – 7 tháng tuổi: Lượng phân bón cho cây ở trong giai đoạn này là từ 100 – 150gr NPK 12-12-17-9+TE. Bón 1 tháng 1 lần. Từ tháng thứ 6 trở đi, có thể bón thêm 1kg phân hữu cơ sinh học HG01 và 100gr vôi cho một cây, kết hợp vun gốc hoặc thêm phân bón lá.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cây bà con cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào mùa nắng và thoát nước tốt cho cây khi vào các vụ mùa mưa hoặc khi bị úng, bị lũ. Cần làm cỏ thường xuyên hoặc phun trừ thuốc diệt cỏ để đảm bảo cho cây được khỏe mạnh và không bị mất các chất dinh dưỡng.
Phòng trừ sâu bệnh
Nhện đỏ: Đây là loại bệnh thường gây hại cho cây vào mùa nắng, biểu hiện của sâu bệnh này là xuất hiện các đốm vàng, loang lổ ở mặt dưới của lá làm cho cành lá cây đu đủ dễ bị rụng, cháy … từ đó ảnh hưởng đến sự sống của cây. Với loại bệnh này chúng ta phải tiêu diệt ngay, càng sớm càng tốt.
Một số loại thuốc dùng để diệt trừ sâu bệnh nhện đỏ: Phun thuốc trừ sâu danitol, bi 58 nồng độ 0,1%.
Rệp sáp hại quả và lá non: dùng Bi 58 ( 0,1 – 0,2 %), Mipxin ( 0,1 -0,2 %); rệp, rầy, bọ nhẩy, dùng Kenthane ( 0,3 %) hoặc Decis ( 0,1 %) để trừ
Bệnh thối rễ (Phytophthora) là bệnh thường xuyên xuất hiện do đất quá ẩm, bệnh phấn trắng ( Odium caricea), nguy hiểm nhất là bệnh hoa lá ( virus). Bệnh thối cổ rễ có thể phòng bằng cách khơi rãnh thoát nước kịp thời. Bệnh phấn trắng dùng Benlat, Zineb và các thuốc có lưu huỳnh để phun. Đối với bệnh hoa lá, tốt nhất là nhổ bỏ cây bệnh.
Thu hoạch
Sau khi trồng 8 – 10 tháng có thể thu hoạch, nhưng thu hoạch cao nhất vào năm thứ 3 trở đi. Nên thu hoạch vào mùa hè khi cây bắt đầu ra hoa./.