Cách trồng cây đinh lăng đúng kỹ thuật, củ to
Cây đinh lăng không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn là vị thuốc quý trong Đông y. Vì vậy hiện nay nhiều hộ gia đình đã trồng loại cây này, để gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Vậy cách trồng đinh lăng như thế nào là đúng kỹ thuật, giúp cây ít sâu bệnh, củ to. Những vấn đề bạn quan tâm về cây đinh lăng sẽ được chia sẻ tại bài viết dưới đây.
Thông tin về cây đinh lăng
Cây đinh lăng còn được biết đến với cái tên cây gỏi cá hay nam dương sâm. Rất nhiều nhà trồng loại cây này trong chậu hay bồn hoa để làm cảnh. Ngoài ra loại cây này còn là vị thuốc quý trong Đông Y, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng được. Phần lá đinh lăng có thể dùng để ăn hoặc hãm nước, dùng như một loại trà. Phụ nữ sau sinh nên dùng lá đinh lăng đun nước uống, có tác dụng lợi sữa, chống stress. Phần thân, củ và rễ thường dùng để ngâm rượu hoặc phơi khô sắc thuốc. Ngoài ra một số công dụng của đinh lăng có thể biết tới như: Tăng cường hệ miễn dịch, kích thích sự hoạt động của não bộ, bảo vệ gan,…
Chuẩn bị trước khi trồng đinh lăng
Chuẩn bị cây giống: Nếu bạn trồng đinh lăng để kinh doanh, thì khâu chọn giống là công đoạn quan trọng, giúp bạn quyết định năng suất của cây trồng. Có 2 loại đinh lăng, đó là đinh lăng nếp và đinh lăng tẻ. Hãy cùng phân tích ưu nhược điểm của 2 loại giống này, để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
-
Đinh lăng tẻ có đặc điểm là vỏ sần, lá to, thân thẳng, ít rễ, củ nhỏ. Điểm hạn chế của giống này nằm ở lớp vỏ bì khá mỏng, cứng, củ lại nhỏ nên giá trị kinh tế không cao.
-
Đinh lăng nếp có đặc điểm lá nhỏ, xoăn, củ to, nhiều rễ. Phần vỏ bì của củ dày, củ to nên cho chất lượng và năng suất hơn.
Vì vậy nên chọn đinh lăng nếp để trồng, chọn cắt cành ở những cây đinh lăng lớn, khỏe, không sâu bệnh.
Chuẩn bị đất trồng: Đinh lăng là loại cây không quá kén đất trồng, thích nghi tốt trên nhiều loại đất. Tuy nhiên cần đảm bảo nơi trồng không bị ngập úng, đất thoáng. Ở những vùng có địa hình đồi núi, đất cao có thể đào hố trồng trực tiếp. Đối với những vùng đất trũng, bằng phẳng thì cần xới đất, làm luống cao. Điều này giúp cây không bị ngập úng khi xảy ra mưa, cũng dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.
Cách trồng cây đinh lăng
Tiến hành dùng dao rạch lớp nilon của bầu đất cây giống. Chú ý thao tác nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu, đứt rễ. Đặt cây vào chính giữa hố đã đào, bề mặt bầu cây ngang mặt đất. Lấp đất đắp vào phần gốc tạo thành mô cao có độ dốc, điều này giúp cây không bị ngập úng khi trời mưa.
Khi trồng xong nên tưới nước luôn để cấp ẩm cho đất, kích thích khả năng bén rễ của cây. Nếu thời tiết quá nắng có thể dùng rơm rạ phủ quanh gốc, sau đó tưới nước giúp cây hấp thụ nước tốt hơn, giảm tình trạng bay hơi.
Chăm sóc cây đinh lăng
Chăm sóc cây đinh lăng khá đơn giản, bởi sức sống của loại cây này khá tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường. Tuy nhiên bạn vẫn cần nắm chắc kỹ thuật chăm sóc dưới đây, giúp cây đinh lăng tươi tốt, củ to đạt năng suất hơn.
Tưới nước: 6 tháng đầu tiên sau trồng bạn nên thường xuyên tưới nước cho cây. Giai đoạn này bộ rễ chưa phát triển vì vậy khả năng hút nước trong đất còn kém. Tuy nhiên mỗi lần tưới, không nên tưới đẫm, tránh làm cây ngập úng thối rễ. Lượng nước tưới chỉ cần vừa đủ ẩm cho đất. Ngoài ra lượng nước được điều chỉnh phù hợp tùy theo tình hình thời tiết. Nếu mùa nóng kéo dài phải tưới nhiều nước hơn. Tránh tình trạng cây thiếu nước, héo, rụng lá, cây khô.
Làm cỏ: Nên làm sạch cỏ định kỳ từ 2-3 tháng 1 lần. Cỏ dại phát triển mạnh cạnh tranh dinh dưỡng với cây đinh lăng, khiến cây bị còi, củ không to. Ngoài ra cỏ dại mọc nhiều là môi trường sống của các loại sâu bệnh hại. Làm sạch cỏ giúp quá trình chăm sóc cây đinh lăng dễ dàng hơn, việc tưới nước, bón phân giúp cây hấp thụ tốt hơn.
Bón phân: Yếu tố then chốt quyết định đến năng suất cây trồng là kỹ thuật bón phân. Thực hiện bón lót trước khi trồng giúp đất màu mỡ hơn. Ngoài ra nên bón thúc từ 2-3 lần ngay từ năm đầu tiên trồng, sử dụng Urê để bón với liều lượng 80kg/hecta. Sang đến cuối năm thứ 2 nên thực hiện bón thúc thêm lần nữa. Ở giai đoạn này bạn nên kết hợp cắt tỉa để cây mọc cành với lá mới. Có thể bón thêm phân chuồng mỗi năm, liều lượng khoảng 10 tấn phân chuồng/hecta. Việc bón phân này giúp tăng cường độ dinh dưỡng cho đất, giúp đất tơi xốp hơn.
Phòng sâu bệnh cho cây đinh lăng
Giai đoạn ươm cây đinh lăng: Nên tiến hành che bạt, che lưới giúp hạn chế nước mưa ngập bầu đất, sẽ khiến cây con bị rụng lá, thối rễ. Tiến hành phun thêm các loại thuốc trị nấm: Coc 85 hoặc Ridomil,…
Giai đoạn năm đầu tiên trồng: Thời gian này cây dễ bị các loại sâu hại tấn công như: Sâu ăn lá, ốc sên, rầy,… Nên sử dụng thuốc trừ sâu hoạt lực nhẹ hoặc các chế phẩm sinh học để phun, tiến hành phun định kỳ từ 2-3 tháng/lần. Hoặc có thể rải thuốc sâu quanh gốc, giúp hạn chế cây sâu bệnh lan sang cây khác.
Giai đoạn các năm tiếp theo: Ở giai đoạn này cây đã phát triển bộ rễ khá khỏe mạnh, sức đề kháng cao. Vì vậy nên bổ sung thêm dinh dưỡng bằng cách bón phân định kỳ, tưới nước giữ ẩm cho đất là được.
Thu hoạch đinh lăng
Thu hoạch lá đinh lăng: Lá cây có tác dụng chữa bệnh mất ngủ, làm đẹp da, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh,… Không nên phơi nắng sẽ khiến công dụng của lá bị giảm, nên sử dụng phương pháp sấy khô hoặc sao khô.
Thu hoạch thân đinh lăng: Phần thân cây đinh lăng to khỏe, ít sâu bệnh có thể sử dụng để làm cành giâm trồng vụ mới.
Thu hoạch củ đinh lăng: Sau khoảng 3 năm trồng có thể tiến hành thu hoạch củ đinh lăng. Tuy nhiên loại củ có tuổi đời từ 5-7 năm hoặc cao hơn sẽ đem lại giá trị kinh tế cao. Tiến hành thu hoạch củ đinh lăng cần rửa sạch đất, cắt bỏ phần rễ phụ nhỏ, để lại các rễ lớn. Sau đó có thể thái mỏng để sấy khô. Hoặc có thể bán củ tươi để ngâm rượu, sơ chế tùy theo nhu cầu của người dùng.
Trên đây là kỹ thuật trồng cây đinh lăng đơn giản, ai cũng có thể áp dụng được. Chúc bạn trồng thành công những cây đinh lăng to, khỏe mạnh cho năng suất cao.
Đánh giá bài viết