Cách trồng cây chùm ngây đơn giản đem lại hiệu quả cao
Chùm ngây được biết đến là loại cây giàu chất dinh dưỡng và có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách trồng loại cây này đúng kỹ thuật đem lại năng suất cao. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Lisado để tìm hiểu chi tiết về cách trồng cây chùm ngây đơn giản nhất đem lại hiệu quả cao.
Cây chùm ngây là gì? cây chùm ngây có công dụng như nào?
Cây chùm ngây (tên khoa học: Moringa Oleifera) còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây cải ngựa, ba đậu dại, cây dùi trống,… Đây là một loại thảo dược bắt nguồn từ Ấn Độ.
Cây thân mộc cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành cây có thể mọc cao hàng chục mét;1 tuổi nếu không cắt ngọn cây có thể cao tới 5-6m và có đường kính 10 cm; 3-4 năm tuổi là cây ở độ tuổi trưởng thành. Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30–60cm, hình lông chim, màu xanh mốc; lá chét dài 12–20mm hình trứng, mọc đối có 6-9 đôi.
Cây trổ hoa vào các tháng 1–2. Hoa trắng kem, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật. Quả dạng nang treo, dài 25–40cm, ngang 2 cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hà Lan.
Cây chùm ngây có những đặc điểm rất giống với cây rau ngót vì thế khá nhiều người nhầm lẫn hai loại cây này. Những bộ phận của cây như lá, cành, hoa, quả đều có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chế biến thành những món ăn rất ngon. Bên cạnh đó, người ta cũng sử dụng chùm ngây như một loại thảo dược để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Hầu như tất cả các bộ phận của cây chùm ngây đều có thể sử dụng được với nhiều công dụng khác nhau tuy nhiên lá chùm ngây được xem là có giá trị dinh dưỡng vượt trội nhất. Nếu so sánh thì trong cây chùm ngây có lượng vitamin C cao gấp 7 lần một trái cam, lượng vitamin A cao gấp 4 lần cà rốt và lượng canxi gấp 4 lần so với sữa.
Đặc biệt, lá và quả tươi của cây chùm ngây chứa rất nhiều năng lượng và có khả năng cung cấp đáng kể các chất xơ, canxi, magie, sắt và các vitamin cần thiết như vitamin A, vitamin B6, vitamin C,…
Với giá trị dinh dưỡng cao như vậy chùm ngây được xem là một loại thần dược có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người:
- Ngăn ngừa ung thư
- Cải thiện hệ miễn dịch
- Bảo vệ gan
- Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Giảm lượng đường huyết
- Hạn chế huyết áp cao
- Ngăn ngừa thiếu máu
- Làm đẹp da…
Chính vì những giá trị sức khỏe vượt trội này mà rất nhiều gia đình lựa chọn trồng chúng nhằm cung cấp một sản phẩm lành mạnh bổ sung vào thực đơn của gia đình. Cùng theo dõi cách trồng chùm ngây trong phần tiếp theo của bài viết.
Chuẩn bị trồng cây chùm ngây
Chuẩn bị giống chùm ngây
Bạn hoàn toàn có thể trồng chùm ngây từ hạt, từ cành hay từ củ, mỗi cách đều có những ưu nhược điểm nhất định và được lựa chọn sao cho phù hợp nhất với mục đích canh tác. Lưu ý khi mua hạt giống chùm ngây nên chọn những cơ sở vật tư uy tín để đảm bảo chất lượng hạt giống.
Chuẩn bị đất trồng chùm ngây
Cây chùm ngây không quá kén đất, nó có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
Blog liên quan: Cách nhận biết rau cải sạch các chị em nhất định phải biết | Lisado
Cách trồng cây chùm ngây đơn giản đem lại hiệu quả cao
Trồng cây chùm ngây từ hạt
Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 40 độ C trong vòng 8 tiếng giúp hạt nảy mầm nhanh. Sau đó vớt ra để ráo, ủ hạt vào cát ẩm. Khoảng 5 -7 ngày sau, khi thấy hạt nứt nanh thì chuẩn bị cấy hạt vào bầu hoặc khay giống đã chuẩn bị.
Dùng ngón tay ấn vào giữa bầu sâu bằng 2 đốt ngón tay, đặt 1 hạt chùm ngây vào rồi phủ đất lại, tưới nước vừa phải, sau vài ngày hạt sẽ nảy mầm, tiếp tục tưới nước hàng ngày, khi cây chùm ngây cao 20 – 30cm thì đem trồng. Lưu ý nên giữ ẩm 2 – 3 tuần cây sẽ sống khoẻ, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước nữa.
Trồng cây bằng cành, củ, hom rễ
Giâm cành: Chặt cành non (không chặt xéo), đường kính 3 – 5cm, mỗi cành dài 0,5 – 1m. Chôn sâu cành 10cm phần gốc, nén đất xung quanh giúp cây đứng vững sau đó tưới nước hàng ngày. Sau 20 ngày cành sẽ bắt đầu đâm chồi.
Hom rễ, củ: Khi cây có độ tuổi từ 6 tháng trở lên, sử dụng bộ phận rễ tiến hành vùi trong cát ẩm (lưu ý độ ẩm cát vừa phải chỉ đủ mát phần rễ củ), sau thời gian khoảng 0,5 – 1 tháng phần rễ củ này có thể hình thành cây mới.
Kỹ thuật chăm sóc cây chùm ngây
Cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
Khi trồng cây chùm ngây được khoảng 15 ngày thì tiến hành bón lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phần bò, phân dê, phân trùn quế… Sau đó cứ khoảng 1 tháng thì bón 1 đợt.
Thường xuyên chú ý đến quá trình phát triển của cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh tránh lây lan trên diện rộng.
Dưới đây là một số loại sâu bệnh thường xuất hiện trên cây chùm ngây:
- Kiến: Cắn, đục khoét làm hư Hạt giống, các cành non. Phòng trừ dùng Basudin ( Diazinon) 10H, Padan 4G, 10G trộn đền cát 2/1000 rải đều quanh gốc hoặc những nơi chúng làm tổ. Khi tấn công vào các tổ kiến dùng Bi 58, Diazinon …
- Sâu bệnh hại: Ruồi đục quả Gitona spp., các loài bọ cánh cứng hại lá cây con và cây chồi giâm hom như: Mylloceus discolor, M. viridanus, Ptochus ovulum, thực vật ký sinh Dendrophthoe flacata và các nấm hại bao gồm: Cercospora moringicola, Sphaceloma morindae, Puccinia moringae, Oidium sp., Polyporus gilvus.
Lưu ý nên cùng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật gây tác động tới môi trường và con người. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng nên tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm: Bất ngờ với những Giá trị dinh dưỡng của rau chân vịt | Lisado
Thu hoạch và bảo quản chùm ngây
Thu hoạch lá: Cây 3 tháng tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn và mỗi tháng tiến hành tỉa cành thúc đẩy cây đâm chồi, chăm sóc bón phân, sau 6 tháng tuổi, cây cao khoảng 2 mét, là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình cây đã có thể cho 600g lá tươi /cây /tháng. Thời gian thu hoạch lá 3 – 5 năm từ khi trồng.
Thu củ và quả: Cây 5 năm tuổi sẽ có thể thu hoạch củ, mỗi cây cho từ 3 – 10kg củ lớn với giá trị cao làm dược liệu. Quả già có thể phơi khô làm giống hoặc lấy hạt rang ăn như lạc cũng rất tốt. Chùm ngây là loại hạt có dầu nên cần bảo quản cẩn thận thì mới đảm bảo được khả năng nảy mầm của hạt.
Khi loại bỏ các tạp chất xấu của hạt như hạt lép, hạt nhỏ, hạt sâu…ta cho vào bịch bảo quản. Bảo quản ở nhiệt độ khoảng 100C. Sử dụng hạt để gieo trong năm thì khả năng nảy mầm của hạt sẽ cao hơn 75%, còn để sang năm sau thì khả năng nảy mầm chỉ còn khoảng 20-30%.
Lisado cung cấp vật tư thuỷ canh, vật tư cây ăn quả, trồng rau sạch tại nhà trên các khu vực sân thượng, ban công hay sân vườn giúp đảm bảo các tiêu chí hàng đầu: an toàn, tiện lợi, thẩm mỹ, tiết kiệm thời gian chăm sóc.
Xem thêm: Các loại bệnh trên rau chân vịt thủy canh và cách phòng trừ | Lisado