Cách trị táo bón cho trẻ – VnExpress

Trẻ bị táo bón nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách có trẻ dẫn đến trĩ, viêm trực tràng, suy kiệt…

Theo ThS.BS Nguyễn Duy Anh Tùng – Trung tâm Y khoa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, tình trạng táo bón ở trẻ gia tăng vào mùa Tết do bé ăn nhiều món ăn nóng như bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, kẹo ngọt… uống ít nước lọc, ít vận động.

Trẻ bị táo bón thông thường do các nguyên nhân chức năng (chiếm 95% trường hợp), gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều protein, thiếu hụt chất xơ, thiếu nước hoặc do trẻ nhịn đi tiêu thường xuyên. Ngoài ra, trẻ có thể bị táo bón do các nguyên nhân thực thể (chiếm 5%) gồm một số bệnh lý về thần kinh cơ bụng, cường giáp, phì đại tràng bẩm sinh, đái tháo đường…

Bé bị táo bón gặp khó khăn khi đại tiện như phân khô, cứng, đi tiêu ít, đau,… Bên cạnh đó, bé có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng, biếng ăn, chậm phát triển, hay cáu gắt, khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, ngứa hậu môn…

Để điều trị táo bón cho trẻ, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gây tình trạng này và cân chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, các thói quen sinh hoạt của trẻ. Bố mẹ có thể tham khảo các cách sau:

Bù nước: Táo bón khiến trẻ bị đầy bụng, không muốn uống nước nữa dẫn đến thiếu nước. Mẹ có thể cho trẻ uống một ít nước khoáng có gas để hỗ trợ hệ tiêu hóa, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất nước xảy ra. Biện pháp này có thể áp dụng cho cả trẻ bị táo bón mạn tính hay mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).

Trẻ bị táo bón cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn chặn của các hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Freepik

Bổ sung chất xơ: Dựa theo kết quả của một cuộc khảo sát, việc tăng hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ bị táo bón có tác dụng hỗ trợ vận động của ruột, cải thiện tình trạng táo bón. Phương pháp này có hiệu quả điều trị táo bón cho trẻ lên đến 77%.

Bổ sung lợi khuẩn: Khi trẻ bị táo bón, hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ có thể bị mất cân bằng. Do đó, việc bổ sung thêm các lợi khuẩn cho đường ruột như sữa chua, men vi sinh,… giúp hệ vi khuẩn đường ruột trở lại mức bình thường, giảm nhẹ các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón ở trẻ.

Ăn mận khô: Một nghiên cứu cho thấy mận là một loại thực phẩm không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn chứa sorbitol nhuận tràng tự nhiên. Do đó, khi trẻ bị táo bón, mẹ có thể cho trẻ ăn mận khô để trị táo bón.

Tránh các thực phẩm được làm từ sữa: Loại protein trong sữa có thể gây kích ứng ở một số trẻ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ, chuyển động ruột. Vì vậy, trong trường hợp này, mẹ nên tạm thời loại bỏ sản phẩm ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ, thay thế chúng bằng thực phẩm chứa nhiều canxi khác để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho trẻ.

Rèn luyện thể dục, thể thao mỗi ngày: Việc vận động 30-60 phút mỗi ngày sẽ giúp ruột được chuyển động dễ dàng hơn, từ đó, cải thiện tình trạng táo bón.

Xây dựng thói quen đi vệ sinh đều đặn cho trẻ: Một số trẻ có thói quen nhịn đi tiêu khi đang tập trung làm một điều gì đó hay không muốn đi tiêu ở chỗ lạ. Đây là nguyên nhân là tăng nguy cơ bị táo bón ở trẻ. Hơn nữa, khi trẻ bị táo bón, cảm giác đau rát, khó chịu khi đi tiêu vô tình khiến bé cảm thấy sợ hãi và muốn nhịn đi tiêu nhiều hơn. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, mẹ nên thiết lập giờ đi vệ sinh cho trẻ.

Mát xa bụng: Khi trẻ được mát xa bụng, các nhu động ruột được kích thích, giảm nhanh các triệu chứng táo bón.

Bên cạnh các cách trị táo bón trên, bố mẹ có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ khoa Nhi để được hỗ trợ điều trị bằng một số loại thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ. Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm khi có các biểu hiện sau: sốt, nôn mửa, phân lẫn máu, suy dinh dưỡng, táo bón kéo dài.

Giản Đơn