Cách trả lời phỏng vấn hay, nhận ngay vé “pass” | CakeResume
Hồ sơ xin việc thể hiện trực quan những thông tin thông qua bằng cấp, CV, sơ yếu lý lịch, v.v. nhưng không thể phản ánh được hết những gì mà nhà tuyển dụng cần xác nhận ở ứng viên. Đó là yếu tố con người, các kỹ năng mềm, cách nói chuyện, ứng xử, phong thái, v.v. – thể hiện ở cách trả lời phỏng vấn của ứng viên.
Nếu bạn đã tới được vòng này thì hãy nắm chắc lấy cơ hội, vì bạn đã ghi được điểm trong mắt nhà tuyển dụng so với những ứng viên khác. Biết cách trả lời phỏng vấn xin việc sao cho ấn tượng và thông minh là chìa khoá để “săn job” thành công. Bài viết này sẽ bật mí các mẹo trả lời phỏng vấn giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng hiệu quả nhất.
Mục Lục
Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp
Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn
Để bắt đầu buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân. Đây là bước đầu để nhà tuyển dụng xác nhận những thông tin cơ bản của ứng viên, đồng thời thông qua cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân mà họ cũng có thể có những đánh giá ban đầu.
Mẫu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn:
“Cảm ơn anh/chị đã cho em mở lời giới thiệu về bản thân. Em là Mai Hoàng Ngọc Minh, 22 tuổi, hiện em là sinh viên năm cuối của Đại Học Thương Mại, chuyên ngành Kiểm toán kế toán. Em rất cảm kích khi nhận được lời mời phỏng vấn từ anh/chị, và mong là thông qua cuộc trao đổi này có thể giúp anh chị hiểu hơn về năng lực của em.”
Cách trả lời điểm mạnh, điểm yếu
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá nhiều về cách trả lời điểm mạnh, điểm yếu của bản thân hơn là về chính những phẩm chất mà bạn đưa ra. Nếu bạn nêu ra điểm mạnh quá khoa trương hay điểm yếu “chí mạng” thể hiện sự kém cỏi, thì chắc chắn sẽ mất điểm tuyệt đối. Đây được coi là câu hỏi phỏng vấn hay và khó mà nhiều nhà tuyển dụng đặt ra để xem thái độ và cách bạn xử lý tình huống ra sao.
Tip nói về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân:
- Lựa chọn điểm mạnh có lợi nhất cho vị trí ứng tuyển
- Khi nói về điểm yếu của bản thân, cần đưa ra cách khắc phục và thậm chí là biến nó trở thành điểm mạnh
Cách trả lời điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn:
“Trong suốt quá trình đi học đại học, em luôn có công việc sinh viên nhằm tự trang trải chi phí cho bản thân mà không phụ thuộc vào bố mẹ. Mặc dù lịch học dày đặc lại thêm việc đi làm, em vẫn hoàn thành chương trình cử nhân với xếp loại Giỏi. Em tin rằng sự chăm chỉ của mình là một điểm mạnh giúp em đạt được điều đó! Còn điểm yếu của bản thân là em chưa thực sự thành thạo về Excel, vì vậy em đang theo học khóa đào tạo chuyên nghiệp của Microsoft. Mặc dù chưa kết thúc chương trình, nhưng em thấy mình tiến bộ rất nhiều thông qua các bài test.”
Cách trả lời phỏng vấn về kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc thường được viết ngắn gọn, súc tích trong CV xin việc nên khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian để trao đổi kỹ hơn với ứng viên. Vì vậy bạn cần đảm bảo tất cả thông tin xác thực và trùng khớp khi trả lời phỏng vấn.
Cách trả lời về kinh nghiệm làm việc khi phỏng vấn:
– Bạn đề cập trong CV về kinh nghiệm quản lý đối tác khi bạn làm ở công ty Nam Hải, hãy cho chúng tôi hiểu rõ hơn?
– Khi làm ở công ty Nam Hải, tôi quản lý tệp 13 đối tác với nhiệm vụ chính là soạn thảo hợp đồng, theo dõi chương trình truyền thông mà họ mong muốn đăng tải thông qua công ty, hỗ trợ các sự kiện mà đối tác tham dự và đồng hành cùng công ty.
Cách trả lời phỏng vấn về kỹ năng
Để trả lời câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng thì bạn cần đảm bảo nắm rõ những yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Điều này đòi hỏi bạn cần đọc kỹ bản mô tả công việc và đồng thời tự đánh giá năng lực của bản thân để tăng sự tự tin khi trả lời phỏng vấn.
Cách trả lời về kỹ năng khi phỏng vấn:
– Kỹ năng lập kế hoạch rất cần thiết cho vị trí này, bạn có kinh nghiệm gì không?
– Từ hồi sinh viên, em đã là trưởng ban tổ chức của câu lạc bộ Guitar, nên đã được làm quen với các sự kiện, chương trình và lập kế hoạch rất chi tiết cho từng dự án. Làm việc ở HGV, em cũng thường xuyên lên kế hoạch và theo dõi tiến độ cho 3 dự án truyền thông với nhóm 4 người.
Cách trả lời phỏng vấn về vị trí ứng tuyển
Để trả lời câu hỏi phỏng vấn liên quan đến vị trí ứng tuyển, bạn cần hiểu rõ những nhiệm vụ mình sẽ đảm nhận, và yêu cầu mà công ty đưa ra. Bạn có thể tăng điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng nếu khéo léo thể hiện được động lực và mong muốn được tuyển dụng.
Cách trả lời về vị trí ứng tuyển khi phỏng vấn:
“Cơ hội được thử sức và học việc trong môi trường quốc tế như công ty là không nhiều, nhất là đối với sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn như em. Em biết rằng quá trình học tập chăm chỉ của mình đã giúp mình có được hành tranh chắc chắn để có thể tự tin làm việc hiệu quả. Hơn hết, vị trí này yêu cầu khả năng chuyên môn kế toán kiểm toán, là một trong những nghiệp vụ mà em nắm chắc nhất trong những nghiệp vụ em được đào tạo.”
Cách deal lương với nhà tuyển dụng
“Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?” là câu hỏi khiến nhiều ứng viên lúng túng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cách trả lời phỏng vấn về mức lương sẽ ảnh hưởng nhiều đến đánh giá về ứng viên cũng như quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp.
Cách deal lương khi phỏng vấn:
– Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
– Em xin phép hỏi thêm anh/chị một vài câu hỏi nhỏ về điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ của công ty trước khi trả lời cụ thể câu hỏi này được không ạ? Em muốn có cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò của mình và từ đó có thể đưa ra được một mức lương cụ thể phù hợp.
Mẹo deal lương khi phỏng vấn
Mẹo trả lời phỏng vấn đảm bảo thành công
💡 Tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển
Việc tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển sẽ giúp bạn tránh đưa ra những thông tin sai lệch và trả lời phỏng vấn tự tin hơn. Đồng thời, điều này cũng giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn thực sự nghiêm túc apply công việc này.
💡 Luyện tập trả lời phỏng vấn
Việc luyện tập là cực kỳ cần thiết, nhất là để tìm được cách trả lời phỏng vấn xin việc thông minh giúp bạn đạt được vị trí tuyển dụng mong muốn. Hãy dành thời gian chuẩn bị phỏng vấn thật kỹ càng và nếu có thể nhờ được bạn bè, người thân vào vai nhà tuyển dụng để giúp bạn thì càng hiệu quả hơn.
💡 Đọc kỹ bản tin tuyển dụng
Đây là một kỹ năng phỏng vấn quan trọng và góp phần không nhỏ vào thành công của vòng này. Dù bạn đã xem qua bản JD nhiều lần thì cũng đừng ngần ngại đọc thêm và phân tích kỹ hơn những chi tiết nhỏ để chuẩn bị cho mình cách trả lời phỏng vấn hay nhất.
💡Tham khảo các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời
Đối với những bạn chưa đi phỏng vấn bao giờ thì những ví dụ thực tế sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung hơn về những tình huống và kiểu câu hỏi nhà tuyển dụng thường đưa ra. Ngoài những ví dụ mà CakeResume đã đưa ra bên trên, bạn có thể tìm hiểu các video mô phỏng để hiểu rõ hơn về phong thái, cử chỉ và tìm ra được cách đi phỏng vấn thành công.
Cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm
1. Thể hiện sự nhiệt huyết, chân thành
Thái độ của bạn quyết định rất nhiều đến sự thành công của buổi phỏng vấn. Kỹ năng phỏng vấn cho sinh viên khi chưa có kinh nghiệm là bạn cần thể hiện sự nhiệt huyết và thành thật của mình. Nếu như bạn đã từng tham gia vào các hội sinh viên thì hãy hình dung như cách trả lời phỏng vấn câu lạc bộ mà bạn trải qua, hãy là chính mình và cố gắng cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự quyết tâm.
2. Nhấn mạnh vào kỹ năng và chứng chỉ liên quan
Để bù đắp cho việc chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, hãy nhấn mạnh vào những kỹ năng và chứng chỉ liên quan bạn đã có được. Cần lưu ý đọc kỹ JD để đưa ra được những thông tin liên quan đến vị trí ứng tuyển thôi nhé!
3. Chủ động hỏi nhà tuyển dụng
Thái độ chủ động trong quá trình phỏng vấn thường được đánh giá cao. Phỏng vấn không chỉ là ứng viên trả lời các câu hỏi phỏng vấn mà bạn cũng có quyền đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đặc biệt là khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì đây là kinh nghiệm phỏng vấn hiệu quả, và bạn cũng trở nên ấn tượng hơn trong mắt công ty.
Đọc thêm: Các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng
Công cụ tạo CV miễn phí trên CakeResume cung cấp hơn 500 mẫu CV đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Nhờ đó, bạn có thể tạo CV online dễ dàng mà vẫn vô cùng ấn tượng. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV chuyên nghiệp ngay hôm nay!
Tạo CV
— Tác giả bài viết: Moon Tran —