Cách tính lương giáo viên mới nhất năm 2022
Luật Giáo dục năm 2019 có rất nhiều điểm mới quan trọng tác động trực tiếp tới người dạy, như thay đổi chuẩn trình độ đào tạo và cách tính lương của giáo viên ở từng cấp học. Có rất nhiều ý kiến băn khoăn về thu nhập của đội ngũ nhà giáo sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 4 dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến THPT công lập.
Hiểu được những băn khoăn đó, trong bài viết lần này chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin xoay quanh vấn đề lương của giáo viên sẽ có những thay đổi của giáo viên năm 2022, cách tính lương giáo viên năm 2022.
Lương là gì?
Lương là khoản tiền mà người lao động, công chức, cán bộ, viên chức nhận được từ người sử dụng lao động, theo đó mức lương này tùy thuộc vào đối tượng nào và theo thỏa thuận từ hợp đồng lao động/ theo quy định pháp luật.
Mức lương cơ sở
Tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 quy định, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Do vậy, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 38 năm 2019 của Chính phủ. Và hiện nay năm 2022 Chính phủ cũng chưa có quy định về điều chỉnh mức lương cơ sở, nên năm 2022 chúng ta vẫn áp dụng theo mức lương là 1,49 triệu đồng/tháng.
Cách tính lương giáo viên năm 2022
Hiện nay, lương của giáo viên được tính theo công thức:
Lương giáo viên = Mức lương cơ sở x Hệ số lương + Các loại phụ cấp được hưởng – Mức đóng các loại bảo hiểm
Trong đó:
Mức lương cơ sở được áp dụng trong năm 2022 vẫn giữ nguyên là 1.490.000 đồng/tháng nêu tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Hệ số lương giáo viên từng cấp học được quy định chung như bảng lương ban hành kèm Nghị định 204. Tuy nhiên, với mỗi cấp học khác nhau, giáo viên lại được chia theo các hạng tương ứng.
Bảng lương của giáo viên theo từng cấp
Mục Lục
+ Bảng lương giáo viên mầm non công lập:
Giáo viên mầm non được phân loại thành ba hạng là giáo viên mầm non Hạng II, hạng III và hạng IV. Lương của giáo viên mầm non cụ thể theo từng hạng như sau:
Hạng II: Áp dung hệ số lương của viên chức loại A1 từ 2,34 – 4,98.
Hạng III: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ 2,10 – 4,89.
Hạng IV: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ 1,86 – 4,06.
+ Bảng lương giáo viên tiểu học công lập:
Hạng II: Áp dụng hệ số lương viên chức A1 từ 2,34 – 4,98.
Hạng III: Áp dung hệ số lương viên chức loại A0 từ 2,10 – 4,89.
Hạng IV: Áp dụng hệ số lương viên chức loại B từ 1,86 – 4,06.
+ Bảng lương giáo viên trung học cơ sở (cấp 2) công lập:
Hạng I: Áp dụng hệ số lương loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 – 6,38.
Hạng II: Áp dụng hệ số lương loại A1, nhóm A1 từ 2,34 – 4,98.
Hạng III: Áp dụng hệ số lương loại A0 từ 2,10 – 4,89.
+ Bảng lương giáo viên trung học phổ thông (cấp 3) công lập:
Hạng I: Áp dụng hệ số lương của viên chứng loại A2, nhóm A2.1 từ 4,40 – 6,78.
Hạng II: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 – 6,38.
Hạng III: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ 2,34 – 4,98.
+ Bảng lương giảng viên đại học công lập:
Hạng I: Áp dụng hệ số lương hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm A3.1 từ 6,2 – 8,0.
Hạng II: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 từ 4,4 – 6,78.
Hạng III: Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ 2,34 – 4,98.
Một số phụ cấp đối với giáo viên
+ Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn:
Theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, có hai loại phụ cấp dành riêng cho đối tượng như sau:
Phụ cấp lưu động: phụ cấp lưu động hiện nay của giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn là 0,2 so với mức lương cơ sở tương đương 298.000 đồng.
Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số: giáo viên quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
+ Phụ cấp khu vực: Giáo viên giảng dạy, làm việc tại vùng có yếu tố địa lý khí hậu khắc nghiệt, xa xôi, hẻo lánh, đường xá đi lại khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, sình lấy… thì được hưởng phụ cấp khu vực. Cụ thể xem tại Thông tư liên tịch số 11 năm 2005.
+ Phụ cấp ưu đãi theo nghề của giáo viên: Quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&DT-BNV-BTC, đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề là nhà giáo kể cả đang thử việc, hợp đồng:
Thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.
Thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm.
Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, cách tính mức phụ cấp ưu đãi được hưởng của các nhà giáo nêu trên là:
Mức lương phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x (hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi gồm các mức: 25%, 30%, 35%, 40%, 45%, 50%.
Mức đóng các loại bảo hiểm của giáo viên
Căn cứ các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Việc làm 2013, Luật Bảo hiểm y tế 2008, mức đóng bảo hiểm của giáo viên như sau:
– Hưu trí – tử tuất: 8%;
– Bảo hiểm thất nghiệp: 1%;
– Bảo hiểm y tế: 1,5%
Trong đó, theo khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội, khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế, khoản 1 Điều 58 Luật Việc làm thì: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của giáo viên là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tóm lại, như bài viết đã phân tích và trình bày phía trên năm 2021 mức lương, cách tính lương giáo viên năm 2021 cũng không có gì thay đổi so với những năm gần đây.