Cách tỉa cành – tạo tán cho Cây Na

CÁCH TỈA CÀNH – TẠO TÁN CHO CÂY NA

1. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TỈA CÀNH – TẠO TÁN

– Cây Na trồng sau 3 năm cho quả, năm thứ 4, thứ 5 trở đi quả ngày một nhiều. Nếu được chăm tốt năng suất ngày càng cao và sẽ kéo dài được thời gian cho quả. Cùng với việc bón phân tưới nước đầy đủ, cắt tỉa cành là biện pháp kỹ thuật để góp phần khắc phục hiện tượng chóng tàn của cây: Làm cho cây khỏe, trẻ, hạn chế sâu, bệnh hại, sai quả, quả to và phẩm chất thơm ngon, cây không cao dễ chăm sóc thu hoạch.

Do đặc điểm của cây Na là sau khi rụng lá, gặp mưa hoặc tưới nước cành sẽ ra lá mới đồng thời kèm theo nụ hoa. Đặc biệt là các cành mọc trong thân sẽ cho trái to và nhanh thu hoach. Tỉa cành kết hợp tuốt lá là một trong những biện pháp điều khiển cho cây Na ra hoa trái vụ, rải vụ thu hoạch (Na gối).

2. CÁCH TỈA CÀNH TẠO TÁN

– Cây Na là cây có cành đa cấp, chúng nên được tạo tán để có dáng thích hợp như tán hình phễu, hình nón ngược. Người trồng sẽ có lợi nếu làm theo hệ thống này dễ dàng chăm sóc cây kể cả phun thuốc và thu hái quả, các cây trẻ cho tán mọc nhanh và ra quả sớm.

+ Chon 3 – 4 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo 3 – 4 hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Cành cấp 1 cùng với thân chính tạo thành 1 góc 35 – 40o. Từ cành cấp 1 sẽ phát triển các cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2 – 3 cành.

+ Cành cấp 2 phải để cách thân chính 15 – 30 cm và cành này cách cành khác 20 – 25 cm và cùng cành cấp 1 tạo thành một góc 30 – 35o. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.

+ Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

         

Tỉa cành – tạo tán cho Cây Na

3. TỈA CÀNH SAU THU HOẠCH

Trong kỹ thuật đốn (tỉa), có “kỹ thuật đốn phớt”, “kỹ thuật đốn lửng”, “kỹ thuật đốn đau”.

Đốn phớt: Với những cây đang thời kỳ sung sức nhưng phát triển quá rậm, ít quả thì cắt bỏ toàn bộ những cành nhỏ mọc trong tán, chừa lại những cành to bằng ngón tay út trở lên và trên những cành ấy cắt bỏ tất cả ngọn ở nơi tiếp giáp giữa cành bánh tẻ và cành non. Sau khi cắt, ta có một bộ tán trụi lá toàn cành hữu hiệu, sẵn sang đâm chồi mới và ra hoa.

* Tỉa cành: Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:

 + Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 – 15cm).

+ Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu (cành tăm), cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả.

 + Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời gian cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Đốn lửng: Khi cây có chiều cao quá tầm hái, mật độ cành trên tán quá dầy cành và cho quả nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng. Dùng dao hoặc kéo để đốn, tạo mặt tán chè bằng.

Đốn đau: những cây được đốn lửng nhiều lần, cây phát triển kém, năng suất giảm rõ rệt thì đốn đau cách mặt đất 40 – 45 cm nhằm tạo một bộ khung tán mới cho cây Na.

** Lưu ý: Dùng dao, kéo sắc để tạo vết cắt gọn, tránh làm xước cành sẽ làm ảnh hưởng đến cấc mầm phía dưới vừa dễ nhiễm bệnh. Vết cắt, đốn vát 45o.

– Sau khi cắt tỉa cành xong dùng dung dịch Bordeaux (booc đô) 3% hoặc các thuốc có hoạt chất Mancozeb bôi lên vết cắt vừa để hạn chế cây bốc hơi nước, vừa để chống nhiễm khuẩn cho cây nhanh liền sẹo.

– Ngay sau khi tạo tán xong bón 25 kg phân hữu cơ + 1 – 2 kg NPK 16-16-8 + 0,4 kg vôi/cây hoặc 25 kg phân hữu cơ + 1,5 kg đạm urea + 0,8 kg super lân + 0,7 kg KCl/cây. Cuốc xới đất, vùi đất kỹ, tủ hốc, tưới nước giữ ẩm cho cây để chuẩn bị phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt.

– Sau khi cắt tỉa 10 ngày, trên mỗi cành sẽ mọc ra nhiều chồi, nên tỉa bớt chỉ chừa lại 4 – 6 chồi khỏe mạnh được phân đều về các hướng.

 

Công ty cổ phần BVTV Delta

Bài viết liên quan

Đặc điểm thực vật của Cây Na