Cách thu hoạch trùn quế đúng kỹ thuật từ chuyên gia – Sfarm
Phân trùn quế là phân bón giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng sử dụng cho vườn phố, trang trại,… Chính vì thế mà ngày càng nhiều nông dân chuyển hướng sang nuôi trùn quế để tăng thu nhập. Tuy nhiên, để thu được một mẻ phân trùn quế chất lượng, các bạn cần phải nắm được kỹ thuật thu hoạch trùn quế. Có nhiều cách để thu hoạch trùn quế, tùy yêu cầu mà chọn các cách phù hợp như dưới đây.
1/ Thu hoạch trùn quế nhanh bằng tay
Ta biết rằng, giun thường bò lên mặt luống nuôi (dưới tấm phủ) để quấn nhau. Đối với chúng, điều kiện vừa tối, vừa ẩm, vừa rộng rãi như thế là tuyệt hảo. Chúng tha hồ quấn nhau. Lúc đó, ta nhẹ nhàng nâng dần tấm phủ lên. Giun nằm la liệt trên mặt. Ta nhanh chóng vơ lấy giun và cho vào một chậu nhỏ. Trong chậu có một lớp phân giun mỏng. Giun sẽ hốt hoảng chui ngay xuống lớp phân mỏng đó. Ta tiếp tục nâng tấm phủ lên và lại vơ lấy giun để cho vào chậu. Cứ như vậy ta tiến hành tới khi có đủ lượng giun cần thiết thì thôi. Phương pháp này thường được dùng khi khai thác giun cho gia cầm ăn hàng ngày.
Ở đây, cần lưu ý bà con một việc: Ta lấy giun cho gia cầm ăn, nhưng không phải là cho chúng ăn no bằng giun. Thức ăn chính cho chúng là ngô, cám nhưng mỗi bữa cho thêm mỗi con năm, bảy chú giun thì nó rất nhanh lớn, đẻ khỏe. Vì vậy, phải coi giun là thức ăn đạm động vật tươi sống cần thiết để bổ sung cho bữa ăn của gia cầm. Khi cho gà vịt ăn ta đổ chậu giun ra đất. Toàn bộ đám giun sẽ phơi ra đỏ au. Gà, vịt tha hồ ăn.
2/ Thu hoạch trùn quế bằng phương pháp nhử mồi
Phương pháp này thực hiện khi trong luống nuôi đã hết thức ăn. Ta không cho tiếp thức ăn lên mặt luống. Dùng các loại sảo hoặc rổ đan bằng tre và đựng thức ăn vào đó, đặt lên trên mặt luống và cũng chỉ che phủ lên trên các sảo hoặc rổ này. Đồng
thời, cũng chỉ tưới ẩm vào đó mà không tưới toàn luống. Giun đói sẽ đi tìm thức ăn. Chúng chui hết lên các sảo vì ở đó mới có thức ăn. Hôm sau, nhấc cả sảo ra. Trong đó nhung nhúc đầy giun. Cũng có thể nhử giun bằng cách đổ thức ăn vào giữa luống. Ta gạt toàn bộ phần phân giun ở giữa luống ra hoặc gạt sang hai đầu của luống. Phần trống ở giữa ta cho phân trâu bò vào. Tất cả giun trong luống sẽ đổ dồn về đó để ăn. Vài hôm sau, ta xúc toàn bộ chỗ phân đó ra sẽ thu hoạch được hầu hết giun.
Phân trùn quế sau khi được thu hoạch sẽ giảm ẩm, ray mịn và đóng bao
3/ Phương pháp thu hoạch bằng đe dọa
Giun rất nhát. Nó rất sợ ánh sáng, tiếng động và các kích thích cơ học. Vì vậy, sử dụng ngay các tác nhân này để phục vụ cho việc bắt giun. Phương pháp này cũng thực hiện khi trong các luống nuôi đã hết thức ăn, tiến hành như sau: Lấy một chậu giặt lớn hoặt một cái bàn, xúc toàn bộ phân giun hoặc giun ở trong luống lên đó (phải làm nhiều lần), vun lên thành ngọn và gõ nhẹ vào thành chậu hoặc chân bàn. Giun gặp ánh sáng thì chui vào giữa. Mặt khác, khi bị tiếng động dội vào, chúng chui sâu xuống dưới. Được một lúc, ta gạt bớt phần ngọn ra ngoài. Giun bị lộ ra, lại tiếp tục chui sâu xuống dưới, tiếp tục gõ và gạt dần phần bên trên. Cứ như vậy, làm dần dần. Cuối cùng, ở dưới bàn hoặc dưới đáy chậu là cả một lớp giun dày đặc. Ta có thể thu hàng cân thậm chí hàng yến giun.
Phương pháp này cũng có thể tiến hành ngay trên mặt đất. Ta lấy 1 tấm nilon lớn trải rộng, xúc phân giun và giun ở trong luống ra vun lên thành ngọn. Dùng một đôi đũa cứ gạt nhẹ ở bên trên. Giun sợ sẽ chui xuống dưới. Ta xúc bớt lớp ngọn ra. Sau đó lại vun lên ngọn khác và lại tiếp tục tác động. Trong khi đó ở xung quanh cũng gạt dần phân ra. Giun luôn luôn tìm cách chui vào giữa đống. Như vậy, ta sẽ loại dần dần phân giun ra. Cuối cùng, ở chính giữa là đầy giun. Bà con ở Bắc Cạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Long An, An Giang,… thường sử dụng phương pháp này để thu hoạch giun.
Phương pháp này sử dụng khi cần thu hoạch nhiều giun hoặc khi muốn thay luống. Sau khi độ nửa năm trong luống có quá nhiều phân giun, cần phải loại bớt phân giun ra. Để làm việc này ta nên dùng phương pháp trên để lấy phân và giun riêng ra. Cần lưu ý, trong phần phân giun loại ra đó còn rất nhiều giun và hàng triệu kén giun. Để thu hoạch hết nên xúc loại phân này vào luống giun và thu hoạch dần bằng phương pháp nhử mồi tiến hành liên tục trong 3 tuần. Như vậy, có thể thu hoạch được hầu hết giun có trong luống nuôi. Phân giun còn lại là một loại phân hữu cơ rất tốt. Người ta cho biết, các dạng phân lân và phân kali khó tiêu sau khi qua bụng giun đã trở thành loại phân dễ tiêu. Bản thân phân giun rất tơi, xốp và giữ ẩm tốt. Nếu thêm vào đó một ít phân vô cơ thì ta sẽ có một loại phân bón cao cấp rất tốt mà không có mùi hôi thối. Loại phân bón này nên để bón cho các cây cảnh, cho các khuôn viên trong bệnh viện, trường học, cơ quan, khách sạn,… Cố Thiếu tướng Lê Soạn – nguyên Tư lện lực lượng cảnh vệ của Lăng Bác Hồ, hồi đó đã nhờ chúng tôi giúp đơn vị tổ chức nuôi giun trên trại bò ở Ba Vì để lấy phân giun bón cho cây cảnh quanh lăng Bác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có ý định thu mua phân giun để chế ra các loại phân đặc biệt cung cấp cho nhân dân ở các đô thị. Chắc rằng, người tiêu dùng sẽ hài lòng với
loại phân mới này.
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Sách “Kỹ thuật nuôi trùn đất”)
Sfarm.vn tổng hợp
3.5/5 – (2 bình chọn)