Cách thu hoạch rau ngót đúng cách, đúng thời điểm
Thu hoạch rau ngót dường như là công đoạn dễ dàng nhất trong cả một quá trình gieo trồng và chăm sóc rau, hơn nữa, nó còn mang lại niềm vui cho người trồng khi thấy được thành quả lao động của mình. Tuy nhiên, nếu thu hoạch không đúng cách, đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng nhất định tới chất lượng rau ngót cũng như ảnh hưởng tới sự sinh trưởng tiếp theo của cây. Chính vì thế, NNO muốn chia sẻ với các bạn cách thu hoạch rau ngót sao cho mang lại hiệu quả nhất nhé.
Cách thu hoạch rau ngót đúng cách đúng thời điểm
Khi cây rau ngót cao khoảng 30 – 40 cm, các bạn nên vặt bỏ các lá xung quanh gốc nhằm giúp cho gốc cây được thông thoáng, giữ lại phần lá non gần ngọn để cây phát triển tiếp. Phần lá quanh gốc này, nếu không quá già thì vẫn có thể sử dụng để nấu ăn.
Tùy theo điều kiện chăm sóc, trồng ở ruộng vườn hay trong thùng xốp mà thời gian thu hoạch có thể nhanh hoặc lâu, nhưng thông thường, sau khi trồng rau ngót bằng cành khoảng 2 tháng, chúng ta sẽ được thu hoạch lứa rau ngót lần đầu tiên.
Cách thu hoạch rau ngót rất đơn giản, có thể dùng tay tỉa hoặc dùng kéo để cắt cành lá. Các bạn chỉ cần lấy tay tỉa cành, hoặc dùng kéo cắt sát thân, hết phần cành lá là được. Thật đơn giản phải không các bạn? Tuy nhiên, NNO khuyến khích các bạn dùng kéo để cắt bởi vì khi tỉa cành bằng tay, có thể làm thân cây bị xước vỏ nhiều, hoặc dễ làm cây bị long rễ nếu dùng sức tỉa mạnh, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rau ngót. Đôi khi chúng ta còn làm gãy ngọn nếu không chú ý, tuy nhiên thì vấn đề này không đáng lo vì nếu bị gãy ngọn, rau ngót sẽ mọc thêm các nhánh phụ mới.
Một điểm cần lưu ý trong cách thu hoạch rau ngót, đó là chúng ta không được tỉa hoặc cắt trụi các cành lá trên cây, mà cần bỏ lại khoảng 4 – 5 lá ở phần ngọn để rau ngót có thể tiếp tục phát triển, thân vươn cao và ra nhiều nhánh mới. Nếu chăm sóc tốt, rau ngót rất nhanh cho thu hái, từ 10 – 15 ngày sau lần thu hoạch trước đó. Cũng có trường hợp thay vì tỉa lá, người ta lựa chọn cách ngắt toàn bộ ngọn cây dù cây không quá cao. Cách thu hoạch rau ngót như vậy không có vấn đề gì, tuy nhiên, nếu ngắt cả ngọn cây, rau ngót sẽ mất nhiều thời gian để cây mọc mầm, ngọn nhỏ phát triển cho đến lúc được thu hái hơn so với việc chỉ tỉa cành lá. Chính vì thế, để nhanh được ăn rau ngót, mình chỉ tỉa cành lá, và để lại ngọn cây để cây tiếp tục phát triển.
Sau khi cắt các cành lá rau ngót, xếp các cành cho gọn rồi để vào rổ, tránh làm mạnh khiến rau bị vò nát, làm mất giá trị dinh dưỡng của rau. Nếu thu hoạch rau ngót để bán, các bạn xếp gọn gàng, dùng dây mềm để bó thành bó rồi để chỗ mát trước khi mang đi bán.
Trong trường hợp thu hoạch rau ngót nhiều lần, thân cây vươn quá cao, không thuận tiện để hái lá hoặc cây đã già cỗi, chúng ta có thể cắt ngắn để cây mọc lại nhánh mới thấp và non hơn. Chu ý khi cắt để lại khoảng 15 – 30 cm tính từ gốc ( tùy theo sự lựa chọn của bạn) và chỉ cắt khi cành thân đã già chuyển sang màu xanh thẫm hoặc rám màu, không cắt khi cành còn xanh non vì cắt cành khi non có thể khiến cây bị chột.
Một số chú ý khi thu hoạch rau ngót
-
Không nên thu hoạch rau ngót khi lá cây quá non hoặc quá già. Nếu hái rau ngót già quá, rau ăn sẽ không mềm, và làm chậm sự phát triển của các nhánh mới.
-
Nên hái rau ngót vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thu hoạch lúc nắng nóng vì nhiệt độ cao và ánh nắng mặt trời sẽ làm rau ngót bị héo, giảm chất lượng rau.
-
Sau mỗi lần tỉa hát rau ngót, chúng ta cần bón phân bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây phát triển, đồng thời vun đất vào gốc cho cây nếu cây bị trơ gốc. NNO khuyến khích việc sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho rau ngót để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Việc bón phân sau mỗi lần thu hoạch rau ngót là một yếu tố quan trọng để có vườn rau ngót xanh tốt quanh năm.
Với cách thu hoạch rau ngót ở trên, có thể thấy đây là công đoạn dễ nhất trong quá trình trồng rau ngót nhưng cũng phải biết cách thu hoạch nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nếu bạn còn thắc mắc các vấn đề liên quan đến cây rau ngót thì hãy để lại comment để được NNO giải đáp nhé.