Cách thu hoạch lúa “độc nhất vô nhị” ở miền Tây
Dù cơ giới hóa đã phổ biến trên khắp các ruộng đồng ở cả nước nhưng người dân vùng biên giới thuộc ấp Xà Xía (phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, Kiên Giang) vẫn còn thu hoạch lúa theo cách truyền thống.
Đây là hình thức gặt lúa phổ biến của bà con trồng lúa nước từ xa xưa với quy trình rất đơn giản, nông dân cắt lúa bằng tay rồi đập lấy hạt bằng bồ lúa. Nhiều người nghỡ rằng hình thức gặt lúa này đã “tuyệt chủng” nên những hình ảnh được ghi nhận ở Xà Xía được cho là hiếm gặp.
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi thu hoạch lúa thô sơ của người dân tại biên giới Hà Tiên – Campuchia được phóng viên ghi nhận:
Khung cảnh thu hoạch, đập lúa nhộn nhịp ở một ruộng lúa thuộc ấp Xà Xía. Mỗi người trên tay ôm một bó lúa di chuyển đến chiếc bồ để đập lúa (Ảnh: Bảo Kỳ).
Theo nông dân, những ruộng lúa nhỏ khoảng vài ba công (1.000m2) đất rất khó thuê máy cắt vì chi phí cao. Thay vào đó các chủ ruộng lúa sẽ tìm những hộ có chăn nuôi đến gặt lúa tay, thù lao mỗi người nhận được là rơm rạ (Ảnh: Bảo Kỳ).
Lúa cắt xong được buộc thành từng bó. Người dân sẽ khuân vác từ ruộng đến bãi tập kết (Ảnh: Bảo Kỳ).
Chiếc bồ đập lúa cao khoảng 2,5m được làm bằng chiếc cần xé (đồ đựng hàng làm bằng mây, tre). Miệng cần xé đóng thêm các thành tre dài được bọc lại bằng lưới tạo thành hình vòng tròn nhưng có chừa một khoảng trống cho người đứng đập lúa (Ảnh: Bảo Kỳ).
Để có điểm tựa đập cho hạt lúa rơi ra khỏi thân lúa, trong bồ phải có cái thang bồ. Thang bồ được làm từ 2 miếng tre già và có độ cong để làm thanh dọc gác lên khung bồ, còn các thanh ngang đóng bằng cây tầm vông già, cứng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Anh Vũ Văn Xoa (47 tuổi, ngụ ấp Xà Xía) cho biết, các chủ ruộng thường không bán rơm rạ, họ cho lại các hộ chăn nuôi gia súc. Thế nên tranh thủ thu hoạch mùa màng, các hộ chăn nuôi sẽ đến cắt lúa, đập lúa cho chủ ruộng rồi mang rơm về. “Sau 2 giờ cắt và đập lúa tôi cắt được hơn 20 bó rơm, số này đủ cho 2 con bò của tôi ăn trong 2 ngày”, anh Xoa nói (Ảnh: Bảo Kỳ).
Thu hoạch lúa theo kiểu này giúp cả chủ ruộng và người nuôi trâu, bò đều có lợi. Chủ không cần tốn tiền thuê máy móc thu hoạch còn người nuôi lại có thức ăn cho vật nuôi, không phải nhọc công thả gia súc ra đồng ăn cỏ (Ảnh: Bảo Kỳ).
Lúa đập xong sẽ cho vào từng bao giao cho chủ ruộng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Dù rơm rạ miễn phí nhưng trước nay không xảy ra tình trạng tranh giành. Ai cắt, đập được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Xong việc “chiến lợi phẩm” được chở bằng xe máy, xe đạp đem về nhà (Ảnh: Bảo Kỳ).