Cách sơ cứu khi bị chó dại cắn: Làm gì để tránh lây bệnh dại?
Vậy khi bị chó cắn nên làm gì để xử lý vết thương, nhất là khi bị chó dại hay thú hoang tấn công? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé.
Những việc cần làm ngay khi bị chó cắn
Bị chó cắn phải làm sao hay bị chó dại cắn thì phải làm sao? Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu xem con vật cắn bạn đã được tiêm ngừa bệnh dại hay chưa. Nếu bạn không biết chủ sở hữu của con vật hoặc con vật đã rời đi, hãy liên hệ với các cơ quan kiểm soát động vật và người dân xung quanh để họ tìm giúp bạn.
Nếu bị cắn trong khi đi ngang qua một con chó bị xích, bạn nên kiểm tra xem vết cắn có làm rách da hay không, đồng thời lấy thông tin về chó từ chủ sở hữu ngay. Đừng chờ đợi đến khi về nhà mới kiểm tra vết cắn.
Tất cả chó và mèo khi cắn người cần được cách ly trong 10 ngày và được bác sĩ thú y kiểm tra các dấu hiệu bệnh dại. Nếu con vật không có dấu hiệu bệnh dại sau 10 ngày thì bạn không cần tiếp tục tiêm ngừa. Ngược lại, bạn sẽ phải tiêm phòng bệnh dại đầy đủ theo liệu trình.
Các bước sơ cứu khi bị chó dại cắn
Nhiều người thường thắc mắc bị chó cắn phải làm sao hay bị chó dại cắn thì phải làm sao? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây cho từng trường hợp cụ thế.
Trường hợp bị chó dại cắn thì phải làm sao? Nếu đã xác định được con vật cắn bạn mắc bệnh dại, bạn cần ngay lập tức thực hiện các bước sau:
- Đầu tiên, bạn nên rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước. Sử dụng dung dịch povidone-iodine 10% nếu có để sát trùng vết thương.
- Sau đó, bạn đến bệnh viện ngay để được tư vấn về việc tiêm phòng bệnh dại và xử lý vết thương. Nếu bạn không chủng ngừa đúng thời điểm, virus gây bệnh dại sẽ di chuyển qua hệ thống thần kinh, tấn công não bộ của bạn. Khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện, không có bất kỳ phương pháp điều trị nào có thể mang lại hiệu quả.