Cách nuôi cua đồng trong bể xi măng cực đơn giản, hiệu quả
Rate this post
Nuôi cua đồng trong bể xi măng đang là kỹ thuật nuôi cua đồng được nhiều bà con quan tâm bởi dễ áp dụng, phù hợp với nhiều nơi trên khắp cả nước và mang lại giá trị kinh tế cao.
Giới thiệu mô hình nuôi cua đồng trong bể xi măng
Cua đồng là món ăn giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và rất được người tiêu dùng yêu thích. Trước đây, nước ta có sản lượng của đồng trong tự nhiên rất lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật và phương pháp khai thác của con người là những nguyên nhân chính khiến số lượng cua đồng trong tự nhiên giảm rõ rệt.
Để nhân rộng số lượng cua đồng, bà con nông dân đã áp dụng nhiều cách nuôi cua đồng khác nhau. Cua đồng có thể được nuôi ruộng trũng, nuôi của đồng trong ao, trong thùng nhựa, trong đó mô hình nuôi cua đồng trong bể xi măng được quan tâm hơn cả. Mô hình này giúp cua dễ dàng được chăm sóc, quản lí và thu hoạch. Nuôi cua đồng trong bể xi măng vừa giúp đảm bảo lượng cua đồng cung ứng ra thị trường, lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Chuẩn bị bể xi măng để nuôi cua đồng
Bể xi măng nuôi cua đồng có kích thước to hay nhỏ còn tùy thuộc vào quy mô và mô hình của từng hộ gia đình. Trung bình, một bể xi măng có kích thước rộng khoảng 50m2, chiều cao khoảng 1m là lý tưởng nhất. Để thuận tiện cho việc xả thải, thay nước trong bể, bà con nên thiết kế phần đáy bể có độ dốc vừa phải. Ở phần trũng hơn, bà con xây dựng hệ thống cấp thoát nước bằng ống nhựa có van. Để giảm ánh nắng chiếu xuống trực tiếp bể nuôi cua đồng, bà con nên trang bị thêm một tấm lưới che chắn phía trên bể.
Sau khi xây dựng bể xong cần vệ sinh sạch sẽ xi măng trước khi nuôi cua đồng. Sử dụng thân cây chuối thái nhỏ, ngâm trong nước bể khoảng 1 tuần, sau đó tháo sạch. Sau đó, dùng vòi xịt mạnh (thích hợp nhất là vòi rửa xe) để đẩy hết lớp cặn xi măng còn bám trên thành bể.
Để tạo nơi trú ẩn cho cua đồng, bà con sử dụng những tảng đá ong vững chắc xếp chồng lên nhau, đá cách thành bể khoảng 0,5m. Bạn nên xếp đá ở phần đáy bể cao hơn, khô ráo hơn.
Điều kiện nước và nhiệt độ nuôi cua đồng
Nhiệt độ thích hợp nhất để cua đồng sinh trưởng và phát triển từ 25 – 28 độ C. Cua đồng sống trong nguồn nước ngọt 100%, không có chất tẩy rửa. Nước giếng khoan có độ pH khoảng 6,5 – 8 là nguồn nước lí tưởng để nuôi cua đồng trong bể xi măng. Bơm nước vào bể cho đến khi phần bể trũng chứa nước cao từ 4 – 7cm, diện tích nước chiếm khoảng ⅓ diện tích bể nuôi thì dừng lại.
Chọn giống cua đồng nuôi trong bể xi măng
Chọn cua giống có kích thước từ 1,2 – 1,4 cm, trọng lượng khoảng 350 – 400 con cua giống/ kg, to khỏe mạnh, đủ 8 chân, vỏ sáng và nhanh nhẹn. Chọn mua số lượng giống cua đồng tùy thuộc vào diện tích bể nuôi thả. Mật độ lý tưởng để nuôi cua đồng trong bể xi măng là 20 – 30 con/ m2 diện tích bể.
Đối với kỹ thuật nuôi cua đồng trong bể xi măng, chọn giống cua đều, cùng một lứa được coi một trong những bước quan trọng nhất. Việc chọn giống đồng đều giúp cả đàn cua có quá trình phát triển, lột xác cùng lúc. Điều này giúp bạn tránh được việc những con cua lột xác trước bị thương bởi những con cua đồng chưa lột có chiếc mai sắc nhọn. Thậm chí, nếu không lột vỏ đồng đều, những con cua lột vỏ yếu đuối có thể bị những con cua khác ăn thịt.
Bạn nên bắt đầu thả cua vào khoảng thời gian từ tháng 2- tháng 4 hàng năm, vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Chuẩn bị thức ăn cho cua đồng
Cua đồng là loại ăn tạp, dễ nuôi nên thức ăn của chúng không tốn nhiều chi phí. Một số loại thức ăn ưa thích của cua đồng mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm như mùn bã hữu cơ, cám rang, bột gạo,… Ngoài ra, một số loại thịt từ các loài thân mềm như ốc, hến, trai, giun,… cũng là thức ăn phổ biến khi nuôi cua đồng trong bể xi măng.
Trong tháng đầu tiên khi mới thả cua, bà con có thể cho cua ăn bột ngô nấu chín với khẩu phần 5%. Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4, kết hợp cho cua ăn thêm các loại thức ăn khác như thịt ốc bươu vàng, cám công nghiệp,… và tăng khẩu phần ăn lên 7%. Sau tháng thứ 4, cho cua ăn đầy đủ thức ăn với khẩu phần đạt 10%.
Một ngày nên cho cua đồng ăn 2 lần, và cố định vào các khung giờ. Thông thường, buổi sáng nên để cua ăn lúc 5 giờ sáng và bữa chiều là 6 giờ chiều. Khung giờ này là khung giờ cua bò ra khỏi hang đi tìm thức ăn.
Thay nước, vệ sinh bể xi măng khi nuôi cua đồng
Để giữ vệ sinh môi trường nước và tránh để cua ăn thức ăn thừa, bị ôi thiu, bà con cần thường xuyên thay nước mới cho cua. Khi cua còn nhỏ, ở tháng đầu tiên, cách 5 ngày bà con nên thay nước một lần. Các tháng tiếp theo, khi cua đã lớn hơn và khỏe mạnh, bà con nên thay nước thường xuyên hơn, 2 lần/ ngày. Môi trường sống sạch giúp phòng trừ một số bệnh ký sinh trùng trong cua. Ngoài ra, thay nước thường xuyên giúp kích thích nhanh quá trình cua lột vỏ.
Bạn nên thay nước vào buổi trưa, khi mà cua vẫn đang trú ẩn trong hang. Sử dụng một miếng lưới bịt ở miệng cống thoát nước để tránh cua bị cuốn vào. Tiến hành tháo cạn nước trong bể, nhặt những con cua đã chết ra khỏi bể. Sau khi bể cạn nước, bơm nước sạch từ từ vào bể để cua không bị tổn thương.
Thu hoạch cua đồng thương phẩm
Khi cua đồng đạt kích thước từ 50 – 55 con/ kg (thường sau khoảng 9-10 tháng nuôi) thì bà con có thể tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch, bà con có thể lựa chọn những con cua đồng cái to, khỏe để nhân giống cho vụ tiếp theo.
Đầu tư nuôi của đồng trong bể xi măng với chi phí thấp mang lại hiệu quả kinh tế cao là hướng đi đúng đắn trong thời gian này. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cách nuôi cua đồng trong bể xi măng để bà con có thể áp dụng vào thực tế. Chúc bà con có một vụ bội thu!