Cách làm tan vết bầm cho trẻ và lưu ý các trường hợp cần đi khám
Tuy nhiên, dù việc trẻ bị bầm tím dưới da ít khi là dấu hiệu của một vấn đề, bệnh lý nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Nếu trẻ rất dễ bầm tím, vết bầm thường kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì nên sớm đưa trẻ đi khám nhé!
Vết bầm tím hình thành như thế nào và kéo dài bao lâu?
Vết bầm tím trên da thường xuất hiện khi một phần của cơ thể bị chấn thương sau va chạm với một vật cứng nào đó. Về cơ bản, vết bầm hình thành là do các mao mạch (mạch máu nhỏ) dưới da bị vỡ và rò rỉ máu khi chấn thương xảy ra đủ mạnh. Lúc này, máu không có lối thoát sẽ tụ lại dưới da, từ đó tạo thành vết đỏ, sưng tấy và cảm thấy mềm khi chạm vào.
Trong vòng 24 giờ, máu chảy trong các mô mềm sẽ bị khử oxy nên vết bầm thường thay đổi màu sắc. Điều này cũng cho thấy vết bầm trên da trẻ đang lành. Trung bình, các vết bầm tím thông thường có thể biến mất trong khoảng 2 tuần. Cụ thể hơn, các vết bầm có thể thay đổi màu sắc theo thời gian như sau:
-
Khi vết bầm vừa hình thành sẽ có màu hơi đỏ do máu xuất hiện dưới da
-
Trong 1 đến 2 ngày, tế bào trong máu thay đổi nên vết bầm sẽ có màu xanh tím hoặc có thể là màu đen
-
Sau 5 đến 10 ngày, vết bầm thường có màu xanh lá hoặc vàng
-
Sau 10 đến 14 ngày, vết bầm chuyển sang màu vàng nâu hoặc nâu nhạt và cuối cùng là biến mất.
Nhìn chung, vết bầm tím thay đổi màu sắc như thế nào và kéo dài bao lâu có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Thêm vào đó, một số trẻ thường dễ bị bầm tím hơn các bé khác và điều này phụ thuộc vào các yếu tố như bề dày lớp mô dưới da, bệnh lý, di truyền hoặc dùng một số loại thuốc.