Cách làm lồng đèn ông sao truyền thống đơn giản với 3 bước
Mục Lục
Cách làm lồng đèn ông sao truyền thống đơn giản với 3 bước
Tết Trung thu đang đến gần, không khí náo nức ngày trung thu được thể hiện rõ trên khuôn mặt trẻ con, màu sắc Trung thu lại toát lên từ ánh sáng đèn lồng. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn cách làm lồng đèn ngôi sao bằng tre nhé.
Đèn ông sao, đèn cá chép, đèn bươm bướm, đèn giấy… lung linh ánh nến dưới ánh trăng rằm, hằn lên ánh sáng dịu dáng trên gương mặt thơ ngây đầy háo hức của trẻ nhỏ là hình ảnh ấm áp thân thương nhất mùa trông trăng.
Bỏ qua những chiếc đèn điện, đèn giấy công nghiệp, đưa trẻ về với tuổi thơ truyền thống đầy ắp kỷ niệm của ba mẹ, ông bà qua những chiếc đèn ngôi sao bằng tre đơn giản dễ làm nào.
Tham khảo thêm: Ý nghĩa các loại lồng đèn Trung thu truyền thống
1Nguồn gốc và ý nghĩa lồng đèn Ông sao
Sự tích về chiếc lồng đèn Ông sao
Ngày xửa ngày xưa tại một ngôi làng gần khu rừng nọ, ngôi làng này rất nghèo,bọn trẻ trong làng thường cầm những cành cây nhỏ và nhảy múa như vẫy gọi phía trời cao. Trên Trời, Trăng tỏa sáng nên làm Sao trở nên mờ nhạt. Nhìn bọn trẻ đông vui nên Sao xin Ngọc Hoàng xuống trần gian vui chơi cùng.
Mỗi ngôi sao xuống trần gian nhấp nháy trên những cành cây trên tay lũ trẻ. Sao sáng cả đêm vào dịp Trăng lên. Từ đó cứ đến rằm Trung thu, khi nhớ đến Sao, bọn trẻ lấy những nguyên liệu như tre nứa, cành cây làm hình ngôi sao và rước đi chơi. Từ những thời gian đầu bây giờ lồng đèn Ông sao đã phát triển và tồn tại đến bây giờ.
Ý nghĩa lồng đèn Ông sao
Lồng đèn ông sao là loại lồng đèn được nhiều trẻ em sử dụng trong đêm trung thu. Vì hình dáng đẹp và cách làm đơn giản, dễ làm. Ngoài ra, lồng đèn ông sao cũng mang thêm nhiều ý nghĩa khác.
Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy sự kết hợp của vòng tròn xung quanh năm cánh sao và các gọng tre dùng để nâng đỡ giấy bóng. Đó chính là hình ảnh tượng trưng cho phong thủy theo văn hóa phương đông với 5 hành chính: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, như muốn gửi gắm thông điệp về sự cân bằng, hài hòa trong các mối quan hệ của cuộc sống.
Tham khảo thêm: Ý nghĩa đèn Trung thu truyền thống
2Cách làm lồng đèn Ông sao
Dụng cụ làm lồng đèn Ông sao
- 10 thanh tre vót dẹp, mỏng, dài khoảng 50 cm/thanh (độ dài cần đều nhau).
- 5 thanh tre dẹp dài 8 cm/thanh.
- Hồ dán.
- Giấy kiếng màu bé yêu thích.
- Kéo, kềm, dây kẽm mỏng.
Các bước làm lồng đèn Ông sao đơn giản
Bước 1 Tạo khung hình ông sao
Nối 10 thanh tre dài đã chuẩn bị thành 2 hình ông sao 5 cánh, cố định các đầu nối bằng dây kẽm cho chắc chắn.
Chồng 2 ngôi sao lên nhau rồi tiếp tục cố định 5 đầu nhọn của 2 ngôi sao lại bằng dây kẽm.
Dùng các đoạn tre ngắn chống vào các điểm giao nhau tạo thành hình ngũ giác ở giữa 2 ngôi sao để tạo khung xương hoàn chỉnh cho lồng đèn. Cố định chắc chắn các cây chống này để chúng không xê dịch khi dán giấy kiếng lên.
Bước 2 Dán giấy kiếng cho lồng đèn
Trước tiên bôi hồ dán lên 2 mặt chính của ngôi sao (thực hiện từng mặt 1).
Cắt giấy kiếng to hơn phần cánh tam giác của ngôi sao rồi dán đè lên phần keo đã bôi trước đó. Để keo khô và cắt bỏ phần giấy thừa.
Thực hiện lần lượt với các ô trống còn lại của khung đèn, chừa lại 2 ô đáy và 2 ô bên trên để châm đèn cầy cho lồng đèn và để thông khí.
Bước 3 Trang trí cho lồng đèn ngôi sao thêm sinh động
Tùy theo sở thích của bé mà bạn trang trí các họa tiết, hoa văn đa màu sắc cho lồng đèn trở nên bắt mắt và sinh động hơn.
Lưu ý khi làm lồng đèn ông sao Trung Thu
– Cẩn trọng khi dùng hồ dán trên giấy kiếng, hồ dán lem ra có thể khiến giấy kiếng bị nhăn, giảm độ bóng mịn.
– Sau khi hoàn thành lồng đèn sẽ cần sấy khô nhẹ hoặc phơi nắng để giấy kiếng căng ra, tạo độ căng bóng đẹp mắt cho lồng đèn.
Vậy là chiếc lồng đèn ngôi sao bằng tre đã hoàn thành cho bé đón Trung thu. Hẳn bé sẽ thật hào hứng và yêu thích chiếc lồng đèn hơn nếu được cùng tham gia vào quá trình sáng tạo lồng đèn này.
Mua bánh kẹo các loại tại Bách hóa XANH nhé:
Bách hóa XANH