Cách làm hay về xã hội hóa giáo dục tại Trường Tiểu học Vũ Phúc
8,552
lượt xem
Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, phụ huynh học sinh đồng lòng hưởng ứng là vấn đề cần đặt ra. “Làm đến đâu chắc đến đấy” là cách mà Trường Tiểu học Vũ Phúc đã thực hiện và trở thành điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục tại thành phố Thái Bình.
Hiệu quả từ sự đồng thuận
Những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Trường Tiểu học Vũ Phúc đã có sự thay đổi rõ nét. Gần đây nhất là 4 phòng học được lắp điều hòa; 20 máy tính mới được trang bị cho phòng tin học; xây dựng được phòng đọc sách khang trang và lắp đặt bồn rửa tay vệ sinh ngoài trời. Tất cả đều hiện đại, sạch sẽ vào bậc nhất so với các trường tiểu học ở khu vực thành phố Thái Bình. Điều đáng nói là các công trình trên được xây dựng bằng nguồn kinh phí huy động từ các mạnh thường quân và sự đóng góp của cha mẹ học sinh nhà trường qua các năm học.
Cô giáo Đặng Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xã hội hóa giáo dục nếu không thực hiện tốt, không tạo sự đồng thuận thì rất khó để kêu gọi, huy động nguồn lực ngoài nhà trường. Vì vậy, sau khi Ban đại diện hội cha mẹ học sinh đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất trường học, nhất là khi thầy và trò phải dạy, học trong thời tiết nắng nóng, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất vận động kinh phí từ mạnh thường quân là chủ yếu. Việc huy động trên tinh thần đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh, không bắt buộc, không phân chia đồng đều mức đóng góp cho mỗi học sinh. Nhờ vậy, trong những năm qua, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản ánh không tốt của các bậc phụ huynh.
Cũng theo cô giáo Đặng Thị Vui, dù kêu gọi xã hội hóa song trường cũng nên trích nguồn ngân sách, dù số tiền rất nhỏ để cùng đồng hành với phụ huynh học sinh. Gần đây nhất, đó là việc Ban đại diện hội cha mẹ học sinh xin chủ trương về việc lắp điều hòa nhiệt độ. Do đặc thù mùa hè miền Bắc nắng nóng, hơn nữa năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian học kỳ II lùi lại vào chính giữa hè ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Vì vậy, trường đã đồng ý với đề xuất của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, quan điểm của trường là không lắp điều hòa đồng loạt, lớp nào có 100% phụ huynh đồng ý thì sẽ lắp.
Cô giáo Đặng Thị Vui chia sẻ thêm: Trường đã trích một phần từ nguồn ngân sách hoạt động, cùng với việc kêu gọi con em xa quê, các nhà hảo tâm để đầu tư đồng bộ đường dây điện đấu nối công tơ điện riêng của từng lớp. Như vậy, khi phụ huynh các lớp lắp điều hòa chỉ kêu gọi ủng hộ tiền mua điều hòa, bình quân mỗi lớp 2 chiếc. Chính vì thế, sau khi 100% phụ huynh của 4 lớp đồng thuận, trường đã giám sát quá trình lắp điều hòa. Đến nay, điều hòa các lớp hoạt động tốt, góp phần bảo đảm sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh khi thời tiết nắng nóng.
Bài học rút ra
Từ cách làm, cách kêu gọi ủng hộ cơ sở vật chất trường học của Trường Tiểu học Vũ Phúc, có thể thấy, hoạt động của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh đóng vai trò quan trọng đối với nhà trường trong công tác xã hội hóa giáo dục. Nếu trường có chủ trương đúng, lại phối hợp tốt với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh thì sẽ đạt được sự đồng thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường.
Cô giáo Đặng Thị Vui tâm sự: Việc kêu gọi sự ủng hộ của cha mẹ học sinh rất khó, nhưng nếu việc làm của mình xuất phát từ cái tâm, không bị cám dỗ bởi những lợi ích cá nhân, việc sử dụng những đồng tiền đóng góp của phụ huynh minh bạch, công khai thì sẽ được phụ huynh tin tưởng, hết lòng ủng hộ. Và đặc biệt, việc kêu gọi ủng hộ, đóng góp cũng phải phù hợp, vừa sức phụ huynh. Qua các lần xã hội hóa giáo dục, có lẽ vì thấy được tinh thần quyết tâm, cách làm minh bạch, công khai và mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của con em mình nên đa số phụ huynh nhà trường đều đồng tình hưởng ứng. Đối với những công trình xã hội hóa, cha mẹ học sinh vừa là người đóng góp nhưng cũng đồng thời phải là người giám sát. Các khoản xã hội hóa phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách theo dõi, kế toán của trường. Mọi khoản thu, chi phải công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Sau khi nghiệm thu công trình, phải báo cáo, công khai quyết toán kinh phí cho toàn thể cha mẹ học sinh được biết. Khi những mạnh thường quân thấy được các sản phẩm, hạng mục thiết thực cho con em mình, họ sẽ thoải mái và đặt nhiều niềm tin đối với trường học nơi con em mình học tập.
Thời gian qua, ở một số trường học, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chưa mạnh, việc kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường vẫn còn “lời ra tiếng vào” ở các khía cạnh khác nhau. Theo cô giáo Đặng Thị Vui, công tác xã hội hóa phải làm đến đâu chắc đến đấy. Việc xã hội hóa cần thực hiện theo lộ trình, công khai, minh bạch và vừa sức với phụ huynh học sinh.
Đặng Anh