Cách kiểm soát cơn giận

Một số sách như “Giận”, “Không tức giận bạn đã thắng”, “Cái bẫy của cơn giận” chỉ cách chế ngự cơn nóng giận, giữ cân bằng cảm xúc.

Trước những việc không như ý, phải nghe những lời đầy căm hờn, chua chát mà người khác vô cớ đưa đến… người đối diện sẽ cảm thấy khó chịu. Rơi vào tình trạng ấy, ta sẽ phản ứng lại như thế nào?

Cơn giận dữ dễ khiến chúng ta đưa ra những hành động mất kiểm soát, dẫn tới hậu quả khôn lường. Cách chế ngự cơn giận được đề xuất trong một số cuốn sách.

Che ngu con gian anh 1

Cuốn sách khuyên mỗi người trở về thân tâm, chăm sóc cơn giận của mình. Ảnh: YN.

Giận

Một trong những cuốn sách được yêu thích của thiền sư Thích Nhất Hạnh là Giận. Lấy chủ đề là giận, nhưng phần mở đầu của sách lại nói về hạnh phúc. Tác phẩm mở ra với định nghĩa về hạnh phúc: “Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc”.

Tác giả ví cơn giận như một quả bom, việc vượt qua cơn giận cũng giống như gỡ bom vậy. Khi ai làm cho ta giận, đau khổ, ta muốn nói một câu, đưa ra hành động gì đó để người kia khổ, nghĩ rằng như vậy mình sẽ bớt giận. Nhưng cách trả đũa ấy chỉ làm ta đau khổ thêm.

Muốn chăm sóc cơn giận, trước tiên phải chăm sóc thân thể. Bực bội, tuyệt vọng đều có thể bắt nguồn từ thể chất của ta, cách ta tiêu thụ thức ăn cùng những sản phẩm văn hóa, tinh thần mà ta nạp vào. Do đó, cần lựa chọn, hoạch định một đường lối tiêu thụ đúng đắn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng khi một ai đó làm cho ta giận thì ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. “Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi”.

Việc dập tắt lửa giận cũng giống cứu ngôi nhà cháy. Nếu một cái nhà đang cháy, việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy đuổi theo bắt người đốt nhà.

Sách đề xuất những phương pháp thực hành để ta tự mình từng bước thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội xung quanh. Vượt lên việc chuyển hóa cơn giận, cuốn sách đề ra phương hướng để đi tìm cuộc sống hạnh phúc.

Che ngu con gian anh 2

Tức giận với ai đó chính là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt mình. Ảnh: Bloombooks.

Không tức giận bạn đã thắng

“Vui vẻ qua một ngày, u sầu cũng qua một ngày. Vậy thì đã có lựa chọn ‘vui vẻ’ rồi, chúng ta sao phải tự chuốc lấy muộn phiền, đi lòng vòng rồi lại tìm đến lo âu chứ?”, đó là tinh thần mà cuốn sách Không tức giận bạn đã thắng muốn truyền đạt.

Trong cuộc sống, vô vàn sự việc, cảm xúc, kiểu người sẽ xảy đến, xuất hiện. Trước những rắc rối hay vấn đề nảy sinh, nhiều người trở nên bực bội. Đó là phản ứng của những người thiếu kỹ năng, tự chuốc lấy mệt mỏi. Bởi tức giận với bất trắc xảy đến, tức giận với ai đó chính là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình.

Soi chiếu vào cơn giận, cuốn sách giúp người đọc nhận diện, đối mặt với những “điểm nóng”, điều dễ khiến con người dẫn đến hành động mất kiểm soát khi cơn giận bùng nổ. Từ đó, sách hướng dẫn cách tìm ra điểm cân bằng, thay đổi thái độ, kiềm chế cảm xúc. Không chỉ nói về cách kiềm chế cơn giận, cuốn sách hướng tới lĩnh vực rộng lớn hơn: Cách chế ngự cảm xúc trước những áp lực cuộc sống.

Cân bằng cảm xúc có tác động tới cách ta giải quyết từng sự việc, từng thời khắc trong cuộc đời mỗi người. Tác giả khuyên thay vì tức giận, hãy lựa chọn một tâm thế, góc nhìn lạc quan để những điều khó chịu dần trở nên nhỏ nhặt và niềm vui như ánh mặt trời sẽ tỏa rạng.

Che ngu con gian anh 3

Cơn giận như cái bẫy giam hãm người không chế ngự được cảm xúc. Ảnh: Zelenina/pexels.

Cái bẫy của cơn giận

“Người hay tức giận là người dễ bị tổn thương, lại dễ làm hỏng việc… Cơn giận trở thành cái bẫy giữ chặt họ, giam hãm họ vào bên trong cuộc đời khổ sở”, tác giả Les Carter chỉ ra tác hại của cơn giận.

Ông viết cuốn Cái bẫy của cơn giận, trình bày cách vượt qua cơn giận tiêu cực, đồng thời cải thiện các mối quan hệ. Tác giả chỉ ra ta có thể dễ dàng nhận ra cơn thịnh nộ ở những người mất bình tĩnh khi tắc đường, những đứa trẻ có phần ngang bướng, hay cáu kỉnh… Nhưng chúng ta khó nhận ra những biểu hiện tinh vi hơn của sự tức giận, như hành động thiếu kiên nhẫn, chỉ trích thái quá… Đó cũng là sự tức giận.

Những người tức giận không nhận ra rằng hành vi gây ra vấn đề cho họ, dù ở nhà hay công sở, đều bắt nguồn từ những nỗi đau và tổn thương tình cảm trong quá khứ.

Những cảm xúc tiêu cực này không thể tránh khỏi. Nhưng ta có thể lựa chọn cách nghĩ và hành động để cải thiện các mối quan hệ cá nhân cũng như bảo vệ “sức khỏe” cảm xúc.

Cái bẫy của cơn giận mang đến hiểu biết về các nhân tố có thể vây hãm cá nhân vào trong những thất vọng không mong muốn. Đi kèm là lời giải thích cặn kẽ về cách bạn có thể thay đổi lối suy nghĩ của mình như thế nào, cách nói năng và thái độ khi tự giải thoát khỏi tác hại của cơn giận trước khi nó trở nên tồi tệ.