Cách giúp trẻ đỡ nghiến răng khi ngủ
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu – Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nghiến răng là hai hàm răng nghiến chặt vào nhau tạo áp lực lên răng và phát ra âm thanh ken két khi ngủ. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng đây chỉ là một hiện tượng thông thường ở trẻ nhỏ và không đáng lo ngại, nhưng thực chất việc trẻ nghiến răng khi ngủ sẽ làm thay đổi trật tự răng, phá hủy men răng và ảnh hưởng đến khớp hàm của trẻ.
Mục Lục
1. Nguyên nhân khiến trẻ em ngủ hay nghiến răng
Hiện nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy những yếu tố dưới đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nghiến răng khi ngủ.
1.1 Do tâm lý lo lắng, căng thẳng
Những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng… có thể khiến trẻ nghiến răng khi đang ngủ. Đây được xem là một phản ứng của cơ thể đối với sự căng thẳng thần kinh và phần lớn thường gặp ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Những việc nhỏ như bị bố mẹ la mắng, cãi nhau với bạn bè hay căng thẳng về bài tập trên lớp cũng khiến trẻ gặp phải tình trạng này.
1.2 Do sai lệch khớp cắn ở trẻ
Khi các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch nhau, răng không thẳng hàng, không khít nhau, dẫn đến việc khép 2 hàm răng không ăn khớp với nhau. Điều này khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu. Theo phản xạ, hai hàm răng sẽ có xu hướng cọ xát vào nhau làm trẻ nghiến răng khi ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giữa sai lệch khớp cắn và nghiến răng có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Khoảng 12,75% số trẻ mắc phải cả 2 vấn đề này.
1.3 Do trẻ đang trong giai đoạn mọc răng
Việc mọc răng gây ra đau đớn cho trẻ, vì vậy, phản xạ cọ xát hai hàm răng vào nhau được cho là giúp trẻ giảm cảm giác đau.
1.4 Do trẻ bị thiếu hụt Calci
Thiếu hụt calci trong cơ thể là một trong những nguyên nhân gặp nhiều nhất dẫn đến tình trạng trẻ nghiến răng vào ban đêm. Khi cơ thể thiếu canxi, tình trạng nặng có thể gây ra những cơn co giật, nhẹ thì gây ra triệu chứng nghiến răng.
1.5 Liên quan đến các chứng rối loạn khác
Các nghiên cứu cũng cho thấy, việc trẻ ngủ nghiến răng có thể xuất phát từ những hội chứng như: chứng rối loạn tâm thần, động kinh, hội chứng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ và tăng động hay thiếu tập trung.
2. Hậu quả khi trẻ ngủ hay nghiến răng
Nếu tình trạng nghiến răng khi ngủ diễn ra trong một thời gian dài, trẻ sẽ gặp phải những vấn đề sau:
- Mòn răng, hỏng men răng.
Ngoài việc làm mất thẩm mỹ răng, hiện tượng này còn làm cho những thức ăn có acid và đường bám vào răng nhiều hơn, răng cũng trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ. Vì vậy, tình trạng ê buốt hay sâu răng cũng sẽ tồi tệ hơn.
- Răng bị xô lệch, thay đổi trật tự của các răng.
- Căng, đau nhức vùng đầu.
- Đau nhức xương hàm.
- Mắc phải hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TemporoMandibular Joint-TMJ).
3. Cách chữa nghiến răng ở trẻ em
Để giúp trẻ tránh được những vấn đề không mong muốn khi liên tục nghiến răng trong một thời gian dài, các bậc phụ huynh có thể làm giảm tật nghiến răng khi ngủ ở trẻ bằng một vài phương pháp sau đây:
- Nếu như việc nghiến răng của trẻ có liên quan đến tâm lý lo lắng, căng thẳng thì cha mẹ cần tạo cảm giác thư giãn cho trẻ trước khi đi ngủ.
Bạn cần theo dõi cuộc sống của trẻ để tìm ra vấn đề khiến con mình bị căng thẳng hay lo lắng, từ đó đưa ra cách khắc phục. Bạn nên trò chuyện thân mật với con, cùng con chơi một vài trò chơi nhỏ hay đọc truyện cho con nghe trước khi đi ngủ nhằm tạo cảm giác thoải mái cho trẻ. Nên tạo cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và tập thể dục mỗi ngày. Hãy biến những hoạt động này thành thói quen, điều đó sẽ giúp trẻ bớt nghiến răng khi ngủ.
- Núm vú giả có thể giúp giảm cảm giác khó chịu trong thời gian tập bỏ thói quen nghiến răng. Những loại núm vú này có thể giúp trẻ bình tĩnh khi lo lắng nhưng không được dùng trong thời gian dài vì có thể dẫn đến những vấn đề về răng miệng.
- Những trẻ có răng mọc không đều dẫn đến gặp khó khăn trong việc khép miệng, điều này làm trẻ thường xuyên nghiến răng. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.
- Đeo khay/máng chống nghiến răng là một phương pháp phổ biến trong điều trị nghiến răng ngày nay. Khay được đúc dựa trên chính hàm răng của trẻ, có tác dụng làm giảm đi lực ma sát giữa hai hàm răng khi trẻ nghiến răng. Tuy nhiên để sử dụng khay/máng này, cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là calci và magie. Những chất này có tác dụng hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thần kinh. Vì vậy, thiếu canxi và magie có thể khiến trẻ nghiến răng khi ngủ. Bạn hãy bổ sung thêm sữa, rau chân vịt và các loại rau có màu xanh đậm vào chế độ ăn của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.