Cách giảm tái phát trào ngược dạ dày thực quản – VnExpress
Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo, giảm cân, ngừng hút thuốc lá… giúp giảm nguy cơ tái phát trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp, khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, khoảng 70% bệnh nhân tái phát trào ngược dạ dày thực quản trong vòng một năm. Nguyên nhân do triệu chứng của bệnh phức tạp, có thể biểu hiện ở đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ; các thuốc điều trị giảm tiết axit không có tác dụng lâu dài cũng là lý do khiến bệnh tái phát.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, dù không đe dọa tính mạng, song nếu không kịp phát hiện và điều trị, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra nhiều vấn đề hô hấp (viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi…) hoặc dẫn đến các biến chứng như hẹp thực quản, Barrett thực quản, ung thư thực quản. Người bệnh có thể ngăn tình trạng tái phát nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị, kết hợp duy trì những thói quen dưới đây.
Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo
Người bệnh nên giảm sử dụng thực phẩm giàu chất béo, thay bằng axit béo omega-3 từ cá, chất béo không bão hòa đơn từ dầu ô liu hoặc quả bơ; tăng cường ăn trái cây, rau củ và chất xơ. Ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo dễ làm mở cơ thắt dưới thực quản, tăng nguy cơ trào ngược.
Giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn
Giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu carbohydrate (như bánh mì, bánh chưng, khoai lang…) có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng ợ nóng và các triệu chứng trào ngược axit. Do những thực phẩm này khó tiêu hóa, hạn chế quá trình làm rỗng dạ dày, gây áp lực lên các cơ giữa dạ dày và cơ vòng thực quản dưới.
Tránh thực phẩm gây kích thích dạ dày, thực quản
Thực phẩm chua cay chứa các hợp chất như vitamin C gây khó tiêu, kích ứng niêm mạc thực quản. Chúng có tính axit cao, có thể làm tăng triệu chứng ợ nóng. Thức uống chứa caffeine có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, tăng nguy cơ trào ngược axit. Nước có ga chứa nhiều khí carbon dioxide, gây ợ hơi thường xuyên, làm tăng lượng axit từ dạ dày thoát ra thực quản.
Hạn chế ăn các loại cam, quýt, buổi… vì có thể làm kích ứng thực quản, gây ợ nóng. Ảnh: Freepik
Đồ uống chứa cồn như bia, rượu ngoài gây hại niêm mạc thực quản còn làm tăng tiết axit trong dạ dày, giãn cơ vòng thực quản dưới, khiến khả năng đào thải axit của thực quản suy giảm. Tránh sử dụng các sản phẩm này có thể giúp giảm tái phát bệnh.
Tạo thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học
Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn, không nên ăn quá no vì có thể làm tăng áp lực trong dạ dày, dẫn tới tăng trào ngược. Bữa ăn tối nên cách 2-3 giờ trước khi ngủ để tạo cơ hội cho dạ dày rỗng, giúp giảm tình trạng trào ngược axit. Không vận động mạnh hoặc nằm nghỉ ngay sau khi ăn cũng hạn chế ợ nóng.
Ngừng hút thuốc lá
Hút thuốc lá khiến cơ vòng thực quản dưới suy yếu, làm giảm sản xuất nước bọt giàu bicarbonate – chất đệm giúp trung hòa dịch vị axit dạ dày dư thừa, hạn chế quá trình thanh thải axit trong thực quản. Dừng hút thuốc lá giúp hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày, đồng thời giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Giảm cân
Ở người béo phì, mỡ thừa vùng bụng có thể tạo áp lực ổ bụng và niêm mạc dạ dày, hình thành khối thoát vị gián đoạn, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên có thể giảm tái phát các triệu chứng trào ngược.
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến trong kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản gồm nhóm kháng axit, nhóm ức chế bơm proton và nhóm đối kháng thụ thể H2.
Tiến sĩ Khanh giải thích, nhóm thuốc này có cơ chế giảm tiết axit trong dạ dày, giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh nên người bệnh có thể lầm tưởng đã điều trị khỏi nên tự ý ngưng thuốc hoặc không tái khám. Các loại thuốc giảm tiết axit chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn, khi ngừng sử dụng, những triệu chứng trào ngược có thể tái phát nhanh chóng. Để tránh tình trạng này, người bệnh nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị, uống thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Không tự ý ngừng uống thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ giúp giảm tái phát trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh: Freepik
Theo Tiến sĩ Khanh, thông thường, dịch dạ dày gồm thức ăn, hơi, men tiêu hóa có thể trào ngược từ dạ dày lên thực quản sau ăn khoảng dưới 40 lần trong 24 giờ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, không gây hậu quả. Trào ngược dạ dày thực quản được xem là bệnh khi hiện tượng trào ngược gây ra các triệu chứng hoặc tổn thương niêm mạc thực quản. Hiện nay, đo pH và trở kháng thực quản là phương pháp giúp chẩn đoán xác định hoặc loại trừ bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nội soi không thể chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản nếu bệnh không gây ra các tổn thương tại thực quản và biến chứng.
Trịnh Mai