Cách giảm ngứa khi bị dị ứng
Cảm giác ngứa da gây bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến viêm nhiễm, lan rộng toàn thân. Vậy có cách giảm ngứa khi bị dị ứng nào không?
Mục Lục
1. Các nguyên nhân gây ngứa
Trên da có hàng rào miễn dịch không đặc hiệu giúp bảo vệ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… xâm nhập. Khi có sự tiếp xúc với dị nguyên, các tế bào của hàng rào miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng bảo vệ khiến vùng da bị viêm, do đó có thể gây ra ngứa.
Ngứa là hiện tượng kích ứng da làm cho người bệnh muốn gãi vùng ngứa, cảm giác ngứa gây khó chịu, bực bội. Các nguyên nhân gây ngứa da như dị ứng, da khô, viêm da thần kinh, ghẻ, các bệnh lý, như tiểu đường, HIV/AIDS, suy thận, xơ gan, … Trong đó, ngứa da do dị ứng (thuốc, thời tiết, …) là thường gặp.
Ngứa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ cao hơn như người già, bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ có thai, người bị dị ứng thời tiết, hen phế quản, eczema, HIV/AIDS, ung thư, …
2. Các phương pháp điều trị ngứa
2.1. Phương pháp không dùng thuốc
Gãi là một trong những cách giảm ngứa khi bị dị ứng mà phần lớn bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, gãi làm tăng thêm kích ứng da và làm nặng nề thêm tình trạng ngứa. Do đó, cần hạn chế gãi vùng da bị ngứa.
Ngoài ra, bệnh nhân cần cắt ngắn móng tay, mặc quần áo thoáng mát, rộng. Khi tắm, không nên dùng nước nóng, không dùng các loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội gây kích ứng da hoặc có nguy cơ gây dị ứng cũng như các loại mỹ phẩm có chứa chất tạo màu, tạo mùi.
Đồng thời, giữ cho không khí trong nhà ẩm để hạn chế làm da khô, nên giữ nhiệt độ trong nhà phù hợp. Cách làm giảm ngứa khi bị dị ứng đơn giản là chườm đá hoặc nước mát lên vùng da ngứa hoặc bôi tinh dầu bạc hà để làm mát.
2.2. Phương pháp dùng thuốc
Thuốc bôi tại chỗ: dùng trong trường hợp ngứa da khu trú như côn trùng cắn, ban đỏ, … Một số thuốc thường được sử dụng như thuốc kháng histamin (Mepyramine, diphenhydramine). Trong đó, diphenhydramine thường được sử dụng như một cách giảm ngứa khi bị dị ứng hiệu quả. Ngoài ra, các thuốc gây tê như benzocaine, lidocaine hoặc tetracaine cũng được sử dụng để giảm ngứa. Tuy nhiên cần tránh dùng kéo dài và trên diện rộng vì những thuốc này có thể gây nên những tác dụng bất lợi như rối loạn nhịp tim, …
Thuốc uống: thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân ngứa lan tỏa hoặc điều trị bằng thuốc bôi không đáp ứng. Cách làm giảm ngứa khi bị dị ứng phổ biến là dùng thuốc kháng histamin (cetirizine, chlorphenamine, cimetidine, loratadine, hydroxyzine, ranitidine, ..), doxepin, mirtazapine, ondansetron, paroxetine, …
Lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc trị ngứa khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc.
- Tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, đường dùng, thời gian dùng thuốc.
- Không bôi thuốc trên diện rộng hoặc lạm dụng quá mức với dạng thuốc bôi.
- Khi bôi, tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, tai.
3. Chế độ dinh dưỡng khi bị ngứa da
Ngoài việc sử dụng những cách làm giảm ngứa khi bị dị ứng như dùng thuốc và không dùng thuốc thì ăn uống cũng là một trong những mà người bệnh cần chú ý.
Người bệnh cần tránh những loại thực phẩm sau để giảm ngứa:
- Hải sản
- Sữa và các sản phẩm làm từ sữa như sữa chua, bơ, kem, phô mai … có chứa hàm lượng vitamin D cao, protein, canxi, … là những chất có tác dụng kích thích tiết bã nhờn trên da. Do đó, làm cho vết thương lâu lành, tăng tỉ lệ tái phát viêm.
- Chất béo: cách giảm ngứa khi bị dị ứng là hạn chế sử dụng chất béo bão hòa.
- Thức ăn ngọt như bánh kẹo, trà sữa, …
- Đồ cay nóng, kích thích
- Thực phẩm lên men
- Đồ uống chứa cồn và các chất kích thích như rượu bia, cà phê, ..
Khi bị ngứa da nên ăn gì?
- Rau củ quả
- Thịt lợn
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Uống nhiều nước giúp giữ ẩm cho da, tránh da khô. Ngoài ra nước giúp giải độc cơ thể, làm da căng bóng.
Bên cạnh đó để giảm ngứa da, không nên thức khuya, ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng/ngày), tập luyện để tăng sức đề kháng, tránh căng thẳng, thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ, giặt sạch chăn màn, … Nếu đã áp dụng những cách trên nhưng tình trạng ngứa da không mấy cải thiện bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế để được kiểm tra nhằm có những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.