Cách ghi thành phần phụ gia trên nhãn sản phẩm thực phẩm được xác định như thế nào? Thành phần phụ gia nào không phải ghi định lượng hàng hóa?
Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề về ghi thành phần phụ gia của sản phẩm. Cho tôi hỏi cách ghi thành phần phụ gia trên nhãn sản phẩm thực phẩm được xác định như thế nào? Thành phần phụ gia nào không phải ghi định lượng hàng hóa không? Câu hỏi của chị Quế Trân ở Bà Rịa- Vũng Tàu.
Cách ghi thành phần phụ gia trên nhãn sản phẩm thực phẩm được xác định như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về thành phần, thành phần định lượng như sau:
Thành phần, thành phần định lượng
…
3. Đối với một số loại hàng hóa, việc ghi thành phần, thành phần định lượng thực hiện như sau:
a) Đối với thực phẩm ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng
a1) Nếu thành phần là chất phụ gia ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có);
a2) Trường hợp chất phụ gia là chất tạo ngọt, chất tạo màu ghi tên nhóm chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất hoặc mã số quốc tế INS (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”.
a3) Trường hợp chất phụ gia là hương liệu ghi “hương liệu” kèm theo một hoặc một số các cụm từ sau đây để làm rõ nghĩa: “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp”; “nhân tạo”.
a4) Đối với trường hợp mã số phụ gia của quốc gia trùng với mã số quốc tế (INS) thì có thể ghi mã số quốc gia thay cho mã số quốc tế (INS)
…
Như vậy, việc ghi thành phần phụ gia trên nhãn sản phẩm thực phẩm được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 16 nêu trên.
Trong trường hợp nếu thành phần phụ gia là chất phụ gia ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có).
Trường hợp chất phụ gia là chất tạo ngọt, chất tạo màu ghi tên nhóm chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất hoặc mã số quốc tế INS (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”.
Đối với trường hợp chất phụ gia là hương liệu ghi “hương liệu” kèm theo một hoặc một số các cụm từ sau đây để làm rõ nghĩa: “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp”; “nhân tạo”.
Và trong trường hợp mã số phụ gia của quốc gia trùng với mã số quốc tế (INS) thì có thể ghi mã số quốc gia thay cho mã số quốc tế (INS).
Nhãn sản phẩm thực phẩm (Hình từ Internet)
Thành phần phụ gia nào không phải ghi định lượng hàng hóa?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về định lượng hàng hóa như sau:
Định lượng hàng hóa
1. Hàng hóa định lượng bằng đại lượng đo lường thì phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.
2. Hàng hóa định lượng bằng số đếm thì phải ghi định lượng theo số đếm tự nhiên.
3. Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hóa thì phải ghi định lượng của từng đơn vị hàng hóa và định lượng tổng của các đơn vị hàng hóa.
4. Trường hợp chất phụ gia dùng để tạo màu sắc, hương, vị mà màu sắc, hương, vị đó ghi kèm theo tên hàng hóa thì không phải ghi định lượng.
5. Trường hợp tên chất chiết xuất, tinh chất từ các nguyên liệu tự nhiên ghi kèm tên hàng hóa thì phải ghi thành phần định lượng chất chiết xuất, tinh chất hoặc khối lượng nguyên liệu tương đương dùng để tạo ra lượng chất chiết xuất, tinh chất đó.
6. Cách ghi định lượng hàng hóa quy định tại Phụ lục II của Nghị định này.
Theo đó, hàng hóa định lượng bằng đại lượng đo lường thì phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.
Tuy nhiên, trong trường hợp thành phần phụ gia là chất dùng để tạo màu sắc, hương, vị mà màu sắc, hương, vị đó ghi kèm theo tên hàng hóa thì không phải ghi định lượng.
Phụ gia thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất và không bán ra thị trường thì có cần ghi nhãn phụ không?
Căn cứ khoản 5 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn phụ như sau:
Ghi nhãn phụ
…
5. Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:
a) Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;
b) Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.
Như vậy, những hàng hóa được quy định tại khoản 5 Điều 8 nêu trên thì sẽ không phải ghi nhãn phụ.
Trong những hàng hóa đó có nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.