Cách ghi mẫu phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm – LAVN

Công bố mỹ phẩm là thủ tục mà các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên để được cấp số tiếp nhận, bước đầu doanh nghiệp cần phải thực hiện kê khai phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng việc điền thông tin vào phiếu công bố đúng cách không phải doanh nghiệp nào cũng biết. Đó là lý do chúng tôi muốn chia sẻ bài viết hướng dẫn chi tiết cách ghi nội dung phiếu công bố mỹ phẩm dưới đây.

Cách lập phiếu công bố mỹ phẩm

Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là văn bản được Bộ Y tế quy định biểu mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 29/2020/TT-BYT, đây là tài liệu bắt buộc phải có trong thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu và công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước. Trong phiếu công bố bao gồm các nội dung như: thông tin sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất/đóng gói, thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, thông tin về người đại diện theo pháp luật của công ty, thông tin về công ty nhập khẩu, danh sách thành phần và cam kết của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định mỗi sản phẩm mỹ phẩm được công bố trong một Phiếu công bố. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất hoàn chỉnh tại mỗi công ty sản xuất khác nhau thì công bố riêng. Trường hợp có trên một công ty tham gia các công đoạn sản xuất để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì lập chung trong một Phiếu công bố và phải nêu rõ tên và địa chỉ đầy đủ của từng công ty.

Lưu ý: Các sản phẩm cùng một chủ sở hữu sản phẩm thuộc một trong các trường hợp sau đây được phép công bố trong một Phiếu công bố:

– Các sản phẩm được đóng dưới tên chung và được bán dưới dạng một bộ sản phẩm.

– Các sản phẩm cùng tên, cùng dòng sản phẩm có công thức tương tự nhau nhưng có màu sắc hoặc mùi khác nhau. Đối với sản phẩm nhuộm tóc, nước hoa công bố riêng cho từng màu, mùi.

– Các dạng khác sẽ được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế quyết định dựa vào quyết định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN.

mẫu phiếu công bố mỹ phẩm

Hướng dẫn chi tiết cách ghi nội dung phiếu công bố mỹ phẩm

1. Tên đầy đủ của sản phẩm phải được cung cấp, theo trình tự sau: tên nhãn hàng, dòng sản phẩm (nếu có), tên sản phẩm. Nếu là một màu riêng lẻ đ­ược công bố thì ghi tên màu và số màu (ví dụ: L’oreal Feria Color 3D Hot Ginger). Nếu có nhiều màu thì tên và số màu của mỗi màu phải đư­ợc công bố.

2. Phân loại và kê khai dạng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với bản chất, tính năng của mỹ phẩm và tích chọn vào ô phù hợp. Ví dụ:

STT

Dạng sản phẩm

Phân loại 

1

Kem, nhũ tương, sữa, gel hoặc dầu dùng trên da (tay, mặt, chân, ….)

Dầu dùng cho trẻ em, sản phẩm dưỡng da, sản phẩm mát-xa, sản phẩm tẩy tế bào da chết, sản phẩm dùng cho vùng mắt, sản phẩm dùng cho da mụn,…

2

Mặt nạ (chỉ trừ sản phẩm làm bong da nguồn gốc hoá học) 

Mặt nạ, mặt nạ tẩy da chết, mặt nạ cho mắt,…

3

Sản phẩm trang điểm nền (dạng lỏng, sệt, bột,…)

Sản phẩm trang điểm nền cho mặt, sản phẩm trang điểm nền cho mắt, sản phẩm che khuyết điểm,..

4

Sản phẩm dùng để tắm 

Xà phòng tắm dạng lỏng, xà phòng tắm dạng rắn, dầu tắm, muối tắm, bột để tắm,…

5

Sản phẩm chăm sóc tóc

Sản phẩm nhộm tóc, sản phẩm tẩy tóc, sản phẩm tạo màu giả tưởng, sản phẩm uốn tóc, sản phẩm duỗi tóc, dầu gội, dầu gội khô, dầu gọi giảm gàu, sản phẩm tắm gội cho trẻ, dầu xả, sản phẩm cung cấp dưỡng chất cho tóc, mặt nạ tóc, …

 

Lưu ý: Danh sách minh họa là chưa đầy đủ và có thể đề cập đến các dạng sản phẩm khác không có trong danh sách bằng cách lựa chọn mục “các dạng khác” và ghi rõ dạng sản phẩm. Có thể lựa chọn nhiều hơn một dạng sản phẩm, ví dụ “sản phẩm dùng để tắm” và “ sản phẩm chăm sóc tóc” nếu như sản phẩm sử dụng được trong các trường hợp này

3. Mục đích sử dụng: là thông tin về chức năng hoặc công dụng của sản phẩm, không phải cách sử dụng, ví dụ giữ ẩm cho da mặt, da tay,…

Lưu ý: Sản phẩm được sử dụng với mục đích duy nhất hoặc chính là làm sạch, làm thơm hoặc điều chỉnh mùi cơ thể hoặc bảo vệ, giữ gìn chúng trong những điều kiện tốt. Những sản phẩm hình thức được thể hiện như để phòng bệnh và chữa bệnh cho người hoặc vĩnh viễn điều chỉnh, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý.

4. Dạng trình bày: Chỉ lựa chọn một dạng thích hợp nhất trong 4 dạng sản phẩm. 

  • “Dạng đơn lẻ” được trình bày trong một dạng đóng gói đơn lẻ.

  • Một nhóm các màu” là một nhóm các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần tương tự nhau và đ­ược sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất, có cùng mục đích sử dụng, nhưng có màu sắc khác nhau (ví dụ như son, màu mắt, hoặc đánh móng tay) nhưng không phải là dạng đóng gói kết hợp của các dạng sản phẩm khác nhau.

  • “Bảng các màu trong một dạng sản phẩm” là một nhóm các màu như được định nghĩa ở trên, được đóng trong

    một loạt các bảng.

  • “Các sản phẩm phối hợp trong một bộ sản phẩm” là các dạng sản phẩm giống hoặc khác nhau và đ­ược bán trong cùng một bao gói. Không thể bán riêng từng loại (ví dụ như­ một hộp các màu mắt và môi, một hộp chứa cả các dạng kem chăm sóc da).

5. Thông tin về nhà sản xuất/ đóng gói.

Có thể có trên một công ty sản xuất hoặc đóng gói cho một sản phẩm (là các công ty tham gia các công đoạn sản xuất để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh). Phải nêu rõ tên và địa chỉ đầy đủ của từng công ty (trường hợp địa chỉ trụ sở chính khác địa chỉ cơ sở sản xuất thì phải khai báo cả hai).

– Công ty sản xuất là công ty tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tạo ra sản phẩm mỹ phẩm. Quá trình sản xuất bao gồm tất cả các giai đoạn từ sản xuất bán thành phẩm và thành phẩm, xây dựng công thức và sản xuất (ví dụ như nghiền, trộn, gói và hoặc đóng gói), kiểm tra chất lượng, xuất xưởng và các quá trình kiểm soát liên quan.

–  Công ty đóng gói chính là công ty tham gia vào qúa trình đóng gói sản phẩm vào bao bì đóng gói chính/ trực tiếp, bao bì này được hoặc sẽ được dán nhãn trước khi sản phẩm được bán hoặc phân phối.

 – Công ty đóng gói thứ cấp là công ty chỉ tham gia vào quá trình dán nhãn cho bao gói mà sản phẩm đã được đóng vào trong bao gói chính, hoặc đóng bao gói chính vào trong hộp carton, sau đó dán nhãn, trước khi bán hoặc phân phối.

6. Thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. 

Đó là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, có thể là công ty sản xuất trong nước hoặc đại lý được uỷ quyền bởi nhà sản xuất để bán sản phẩm ra thị trường hoặc đó, là công ty chịu trách nhiệm bán sản phẩm trên thị trường Việt Nam. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương phải được nêu rõ trong mẫu công bố, nếu có.

7. Thông tin về người đại diện theo pháp luật cho công ty.

Người đại diện cho công ty để nộp hồ sơ công bố phải có đủ trình độ và kinh nghiệm theo quy định của luật pháp và luật hành nghề của các nước thành viên, là người đại diện theo pháp luật của công ty nêu trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

8. Thành phần đầy đủ và danh pháp. 

– Thành phần có trong công thức sản phẩm phải được ghi đầy đủ theo thứ tự hàm lượng giảm dần. Các thành phần nước hoa, chất tạo hương và các nguyên liệu của chúng có thể viết dưới dạng “hương liệu” (perfume, fragrance, flavour, aroma). Những thành phần với hàm lượng nhỏ hơn 1% có thể liệt kê theo bất kỳ thứ tự nào sau các thành phần có hàm lượng lớn hơn 1%. Các chất màu có thể được ghi theo bất cứ thứ tự nào sau các thành phần khác theo chỉ dẫn màu (CI) hoặc theo tên như trong Phụ lục IV (Annex IV) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Những sản phẩm mỹ phẩm dùng để trang điểm, dưới dạng các màu khác nhau có thể liệt kê tất cả các chất màu trong mục “có thể chứa” hoặc “+/-”.

– Nêu đầy đủ tỷ lệ phần trăm của các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng tại các Phụ lục (Annexes) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Giữa hàng đơn vị và hàng thập phân được đánh dấu bằng dấu phẩy (“,”).

– Tên thành phần phải được ghi bằng danh pháp quốc tế (International Nomenclature of Cosmetic Ingredients – INCI) quy định trong các ấn phẩm mới nhất: Từ điển thành phần mỹ phẩm quốc tế (International Cosmetic Ingredient Dictionary), Dược điển Anh (British Pharmacopoeia), Dược điển Mỹ (United States Pharmacopoeia), Dữ liệu tóm tắt về hoá học (Chemical Abstract Services), Tiêu chuẩn Nhật Bản về thành phần nguyên liệu mỹ phẩm (Japanese Standard Cosmetic Ingredient), ấn phẩm của Nhật Bản về thành phần nguyên liệu mỹ phẩm (Japanese Cosmetic Ingredients Codex). Tên thực vật và dịch chiết từ thực vật phải được viết bằng tên khoa học bao gồm chi, loài thực vật (tên chi thực vật có thể rút ngắn). Các thành phần có nguồn gốc từ động vật cần nêu chính xác tên khoa học của loài động vật đó.

Những chất sau đây không được coi là thành phần của mỹ phẩm:

– Tạp chất trong nguyên liệu được sử dụng.

– Các nguyên liệu phụ được sử dụng vì mục đích kỹ thuật nhưng không có mặt trong sản phẩm thành phẩm.

– Nguyên liệu được sử dụng với số lượng cần thiết như dung môi hoặc chất mang của các thành phần tạo mùi.

Lưu ý: Ngôn ngữ trình bày trong Phiếu công bố là tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Các nội dung ghi tại mục 3 (Mục đích sử dụng), mục 7 (Thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường), mục 8 (Thông tin về người đại diện theo pháp luật của Công ty), mục 9 (Thông tin về Công ty nhập khẩu) trong Phiếu công bố phải ghi bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh.

Tham khảo thêm: Cách ghi thành phần công thức có trong sản phẩm mỹ phẩm

Dữ liệu công bố

Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường có thể nộp hồ sơ công bố theo quy định dưới 02 hình thức sau đây:

  • Khai báo trực tiếp: Tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm mỹ phẩm gửi văn bản về Cục Quản lý dược – Bộ Y tế để được cấp tài khoản truy cập vào cơ sở dữ liệu về quản lý mỹ phẩm, khai báo trực tiếp trên cơ sở dữ liệu. Phiếu công bố nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải được in ra từ cơ sở dữ liệu đó.
  • Truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược, tải cơ sở dữ liệu của Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 01-MP), điền đầy đủ thông tin theo quy định vào cơ sở dữ liệu, sao lưu vào phương tiện lưu giữ điện tử (USB, CD-ROM, …). Phiếu công bố nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải được in ra từ cơ sở dữ liệu đó.

Hình thức online, thảm khảo bài viết: Hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm online chi tiết

Lưu ý: Tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính phù hợp các nội dung của Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (bản có ký tên, đóng dấu) với dữ liệu công bố (bản mềm) đã khai báo hoặc nộp cho cơ quan quản lý.

dịch vụ công bố mỹ phẩm lavn

LAVN LAW FIRM

Địa chỉ : Lầu 3, Tòa nhà Lộc Thiên Ân, Số 49 Lê Quốc Hưng, F.12, Q.4, TP. HCM

VP Hà Nội: Phòng 302 – số nhà 94 ngõ 126 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (028) 6261 6569                      |      Fax: 028 6261 6639

Email: [email protected]         |       Website: www.lavn.com.vn

5/5 – (3 bình chọn)