Cách dừng xe, đỗ xe đảm bảo an toàn có thể bạn chưa biết?
Xin chào Luật Minh Khuê, tôi là L, sắp tới tôi có đợt thi sát hạch bằng lái ô tô, có câu hỏi xin được giải đáp: Khi muốn dừng đô xe, để bảo đảm an toàn giao thông, thì tôi phải tuân thủ những quy tắc nào ?
Câu hỏi của Bạn đưa ra chúng tôi xin trích lại như sau:
Khi muốn dừng xe, đỗ xe, để bảo đảm an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải tuân thủ những quy tắc nào?
Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ tư vấn của Luật Minh Khuê. Câu hỏi được chúng tôi biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật giao thông của Công ty Luật Minh Khuê.
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Mục Lục
Cơ sở pháp lý:
– Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa 12;
Nội dung tư vấn:
1. Các khái niệm:
Bạn đang chuẩn bị thi lấy bằng lái ô tô nên câu hỏi sẽ về các phương tiện thuộc phần đường xe chạy của đường bộ. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi của bạn, ta cần hiểu được các khái niệm phương tiện tham gia giao thông là các phương tiện nào, người điều khiển phương tiện gồm những ai, dừng xe, đỗ xe là gì, vị trí được dừng xe, đỗ xe?
Về các khái niệm phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện đều đã được định nghĩa tại Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng. Trong đó, Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
– Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy. theo các định nghĩa trên, bạn là người người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (người điều khiển xe ô tô).
Về các khái niệm dừng xe, đỗ xe được quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Vậy, dừng xe, đỗ xe là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau của phương tiện giao thông, bạn cần lưu ý để phân biệt và hiểu đúng nghĩa luật định.
2. Các quy tắc khi tham gia giao thông:
Để tham gia giao thông đảm bảo an toàn và thuận lợi, cần tuân thủ chặt chẽ theo các quy tắc luật định. Quy tắc tham gia giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, cần lưu ý Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung mổ số điều của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hàng hải; Giao thông đường bộ, đường sắt; Hàng không dân dụng.
– Quy tắc chung (Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008):
+ Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
+ Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
– Các quy tắc cụ thể (Từ Điều 10 đến Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008):
+ Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
+ Chấp hành báo hiệu đường bộ: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
+ Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
+ Sử dụng làn đường: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
+ Vượt xe: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
+ Chuyển hướng xe: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
+ Lùi xe: Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
+ Tránh xe đi ngược chiều: Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
+ Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định pháp luật.
+ Dừng xe, đỗ xe trên đường phố: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và các quy định pháp luật khác.
+ Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ: Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.
+ Trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng.
+ Quyền ưu tiên của một số loại xe.
+ Qua phà, qua cầu phao: Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.
+ Nhường đường tại nơi đường giao nhau.
+ Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
+ Giao thông trên đường cao tốc.
+ Giao thông trong hầm đường bộ.
+ Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ: Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
+ Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc.
+ Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
+ Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác.
+ Người đi bộ.
+ Người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông.
+ Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ.
+ Các hoạt động khác trên đường bộ.
+ Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
+ Tổ chức giao thông và điều khiển giao thông.
+ Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.
Như vậy, để tham gia giao thông an toàn và thuận lợi, không bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông, bạn cần tuân thủ các quy tắc chung và từng quy tắc cụ thể nêu trên.
3. Về quy tắc dừng xe, đỗ xe:
Để đảm bảo an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần tuân thủ quy tắc chung và quy tắc riêng cụ thể như đã nêu ở phần trên. Với việc dừng xe, đỗ xe thì có hai khu vực luật định được dừng xe, đỗ xe là đường bộ và đường phố. Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố. (khoản 1, khoản 9 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008).
Khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện các quy định sau đây (Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2018):
– Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
– Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy (được hiểu là một phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại); trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
– Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
– Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
– Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
– Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
– Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Người điều khiển phương tiện cũng không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí được quy định theo khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, gầm cầu vượt;
– Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Nơi dừng của xe buýt;
– Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
– Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Đối với giao thông trong các khu đô thi do đặc thù thường có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, có nhiều công trình đường bộ… dễ xảy ra nguy cơ ùn tắc nên ngoài những quy định khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ (quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008) thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường phố còn phải tuân theo các quy định sau (Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008):
– Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
– Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Như vậy, tuỳ vào khu vực dừng xe, đỗ xe là đường bộ hay đường phố, ngoài quy tắc chung, bạn cần tuân thủ các quy tắc cụ thể tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như đã nêu. Luật Minh Khuê chúc bạn có một kỳ thi thành công.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Luật giao thông.