Cách điều trị lồi mắt trong bệnh basedow

‏‏Biến chứng lồi mắt là biểu hiện thường gặp của cường chức năng tuyến giáp trong bệnh basedow.

Theo BSCKII Lê Thị Phương Huệ, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn, khoảng 50% bệnh nhân basedow gặp biến chứng lồi mắt. 3-5% trong số này phát triển thành bệnh mắt mức độ nặng.‏

‏‏Các triệu chứng lồi mắt thường bắt đầu trong vòng 6 tháng sau khi chẩn đoán bệnh basedow.Cụ thể, các biểu hiện của bệnh basedow diễn tiến biến chứng mắt bao gồm:‏

  • Cảm giác kích thích hoặc khó chịu ở mắt‏

  • ‏Đỏ hoặc viêm kết mạc‏

  • ‏Chảy nước mắt hoặc cảm giác khô mắt quá mức‏

  • ‏Sưng mí mắt‏

  • ‏Mắt lồi ra…

‏Khi có những biểu hiện trên, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. ‏

photo-1680507726372

‏‏Biến chứng lồi mắt là biểu hiện thường gặp trong bệnh basedow.‏

‏2. Các biện pháp điều trị biến chứng lồi mắt do basedow ‏

2.1. Điều trị chung

‏‏BSCKII Lê Thị Phương Huệ cho biết, khi gặp phải biến chứng về mắt trong bệnh basedow, các vấn đề điều trị chung có thể bao gồm:

  • ‏Điều trị nội khoa (dùng thuốc) để đạt bình giáp sớm và bền vững;‏

  • ‏Giảm kích thích tại mắt bằng cách đeo kính râm nhằm hạn chế tổn thương do tác hại của tia cực tím; tránh tiếp xúc với nguồn ánh sáng có hại…‏

  • ‏Nhỏ thuốc làm ẩm mắt (nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo…) giúp giảm khô và trầy xước. Nên tra thuốc trước khi đi ngủ để ngăn giác mạc bị khô vì mí mắt có thể không bao phủ toàn bộ mắt khi ngủ;‏

  • ‏Khi nằm giữ đầu cao hơn phần còn lại của cơ thể có thể làm giảm sưng và có thể giúp giảm áp lực lên mắt;‏

  • ‏Bỏ thuốc lá vì thói quen này có thể làm các triệu chứng ở mắt trầm trọng hơn. Người bệnh basedow nên bỏ thuốc lá (chủ động và thụ động) càng sớm càng tốt.‏

‏Nếu các biến chứng mắt của bạn ở mức nhẹ đến trung bình, các phương pháp trên kết hợp với điều trị cường giáp sẽ giúp cải thiện sức khỏe của mắt hiệu quả.‏

photo-1680507733410

Tra nước muối sinh lý hoặc sử dụng nước mắt nhân tạo để làm giảm khô mắt và trầy xước.‏‏

2.2. Điều trị theo mức độ của biến chứng lồi mắt

Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, biến chứng lồi mắt do basedow có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

‏- Điều trị dùng thuốc corticoid liều cao như hydrocortisone hoặc prednisone. ‏Thuốc có thể gây ra phản ứng phụ toàn thân như kích động thần kinh, mất ngủ, nguy cơ loãng xương… Vì vậy người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và đánh giá tình trạng định kỳ khi dùng thuốc. Một số trường hợp không đáp ứng có thể phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.‏

‏- Xạ trị: Dùng máy tạo chất phóng xạ chiếu vào vùng hốc mắt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả điều trị lồi mắt trước khi bệnh nhân bị teo các cơ vận nhãn và hình thành sẹo sau hốc mắt.‏

‏‏- Phẫu thuật: Trong trường hợp thất bại khi điều trị bằng hai phương pháp trên, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để làm giảm áp, tránh biến chứng mù cho bệnh nhân. 

‏3. Lưu ý ngăn ngừa biến chứng lồi mắt trong basedow ‏

‏‏Lồi mắt do basedow thường là một biến chứng liên quan không thể phòng ngừa.

‏Tuy nhiên, liệu pháp điều trị cường giáp bằng i-ốt phóng xạ có nhiều khả năng khiến tình trạng lồi mắt trở nên trầm trọng hơn. Do đó cách điều trị này cần tránh ở những bệnh nhân đã lồi mắt thể vừa hoặc nặng. ‏

‏‏Trong trường hợp cần điều trị với i-ốt phóng xạ, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid (prednisone) tại thời điểm điều trị, giảm dần trong vài tuần sau đó để giúp ngăn ngừa biến chứng lồi mắt trong basedow.

‏‏Hơn thế, những người hút thuốc lá thường có nguy cơ bị lồi mắt do basedow cao hơn so với những người khác. Vì vậy, bỏ hút thuốc hay tránh tiếp xúc với khói thuốc cũng được xem là một biện pháp hữu hiệu đề phòng bệnh basedow biến chứng mắt.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Thuốc tránh thai có thể giải nồng độ cồn – Đúng hay sai? | SKĐS