Cách đi giày cao gót không đau chân: Ồ! Quá dễ!
“Đầu, giày và tiêu chuẩn của bạn, tất cả những thứ ấy đều phải giữ cho thật cao!” (Lola Stark) – câu nói bất hủ ấy chính là hình dung hoàn hảo nhất của niềm đam mê giày cao gót ở phái đẹp. Là phụ nữ, việc mang trên mình đôi giày cao gót là đặc quyền, song đôi khi chúng lại trở thành gánh nặng.
“Tạm biệt” đau chân khi đi giày cao gót
Nếu bạn cảm thấy lúng túng với những bước đi thiếu vững chãi, e ngại sự đau đớn mà nó mang lại thì đây chính là bài viết bạn cần phải đọc.
9 mẹo được CANIFA Blog chia sẻ dưới đây sẽ là bí kíp “hay ho” để bạn có thể tự tin bước đi trên những đôi giày cao gót mà vẫn cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Chọn giày đúng size
Bàn chân của chúng ta có khuynh hướng sưng phù lên sau một thời gian đi giày cao gót, nhất là khi giày quá chật. Tuy nhiên quan niệm “giày thừa dép thiếu” cũng không phải lúc nào cũng đúng, bởi giày có thể bai giãn sau một thời gian sử dụng, đó là chưa kể đến việc di chuyển sẽ trở nên khó khăn hơn với đôi giày quá rộng.
Để lựa chọn đôi giày chuẩn kích cỡ nhất, ngoài việc trực tiếp đo cỡ chân, bạn có thể tìm ra đôi giày phù hợp bằng cách thử với các size khác nhau.
Hãy áp dụng cẩm nang chọn size giày sau đây của CANIFA để hiểu hơn về điều này.
Hiểu rõ về kiểu dáng bàn chân
Ngoài kích cỡ, loại chân cũng là một trong những yếu tố quyết định sự ảnh hưởng của những đôi giày cao gót.
Có một mẹo nhỏ cực kỳ đơn giản để xác dịnh bàn chân bạn bằng phẳng hay không. Trước tiên, hãy làm ướt bàn chân và đặt chúng lên trên mảnh giấy hoặc mảnh vải mỏng. Ấn mạnh bàn chân xuống, vết nước trên tờ giấy sẽ cho bạn biết độ bằng phẳng hoặc độ cong của bàn chân.
Nếu bàn chân bằng phẳng, sự đau đớn mà những đôi giày chênh vênh mang lại thường lớn hơn.
Gót giày càng thô càng tốt
Gót giày càng nhọn càng mang lại cảm giác đau đớn, bởi nó không đem lại cảm giác chắc chắn và khiến việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn hơn. Sự thay thế tốt nhất lúc này là những đôi giày với gót chắn chắn và cứng cáp, chúng sẽ giúp bạn cảm thấy vững chãi hơn và giảm cảm giác đau đớn đi đáng kể.
Nếu bạn muốn ăn gian chiều cao mà không muốn đau đớn trên những đôi giày cao chênh vênh, giày đế xuồng chính là lựa chọn lý tưởng nhất.
Chọn giày đế không quá mỏng
Khi đi giày cao gót, đặc biệt là những đôi giày cao chót vót, toàn bộ trọng lượng của cơ thể sẽ dồn về phía mũi chân. Phần đế trước dày dặn sẽ giúp cho bề mặt bàn chân tiếp xúc bằng phẳng hơn.
Vì thế, nếu không muốn mũi chân bạn bị tàn phá như cách giày ba lê tàn phá đôi chân của người múa, hãy tránh xa những đôi giày đế mỏng nhé!
Cho bàn chân thời gian thư giãn
Những lúc không cần phải đi lại như đang ngồi ở bàn làm việc, hãy “đá” đôi giày cao gót sang một bên để bàn chân thư giãn và giải thoát ngón chân và gót chân đang bị kìm hãm trong không gian chật hẹp.
Massage chân sau khi đi giày
Vài động tác cơ bản sẽ giúp cho đôi chân thư giãn khá hiệu quả sau một ngày mệt mỏi với những bước đi chênh vênh.
Duỗi thẳng bàn chân bằng cách chúc mũi chân xuống, sau đó massage nhẹ nhàng vào lòng bàn chân, ngón chân, bắp chân, vùng gân Achilles để máu lưu thông tốt hơn.
Một chậu nước nóng với vài giờ ngâm chân cũng cải thiện tình trạng ê ẩm bàn chân một cách đáng kể.
Sử dụng công cụ hỗ trợ
Nhiều nhà sản xuất vô cùng nhanh nhạy khi nắm bắt rất tốt nhu cầu của những “tín đồ” yêu giày cao gót. Những miếng lót hình bầu dục làm từ gel silicone lót dưới gót giày và đế giày có thể giảm thiểu phần nào cảm giác đau đớn.
Chúng giữ cho bàn chân bạn ổn định hơn, không bị trượt về phía trước, vì thế tránh việc các ngón chân bị ma sát quá nhiều vào mũi giày.Bạn có thể hỏi mua các sản phẩm này tại các cửa hàng bán giày nhé.
Mua giày vào buổi tối
Theo chuyên gia Franklin Polun khuyến cáo độc giả của tờ Washington Post, thời điểm thích hợp nhất để mua giày chính là vào cuối ngày, khi bạn đã phải di chuyển cả một ngày dài và bàn chân to hơn một chút. Điều này khá phù hợp với quan niệm “giày thừa dép thiếu” từ trước đến nay.
Di chuyển chân bằng bắp đùi thay vì bàn chân
Khi bạn đi bộ, hãy dẫn dắt bước đi bằng lực từ bắp đùi và di chuyển toàn bộ chân của bạn về phía trước. Thông thường, việc đi lại thường phụ thuộc nhiều vào bàn chân, tuy nhiên hãy cố gắng giảm áp lực lên chúng bằng cách trên. Quy tắc ở đây là: Di chuyển đôi chân của bạn từ hông và giữ đôi chân thật thẳng.
Sử dụng băng dán urgo
Những vi trí ma sát nhiều như gót chân có thể khiến vùng đó bị rớm máu, phồng rộp và chai sạn. Để hạn chế điều này, hãy dán miếng băng urgo vào gót chân, vật dụng “nhỏ nhưng có võ” này sẽ mang lại cảm giác thoải mái tối đa cho đôi chân bạn.
Sử dụng nến sáp hoặc xà phòng
Những nếp gấp của các mảng da giày phía bên trong có thể cọ sát vào bàn chân và gây cảm giác đau đớn. Vì thế, hãy sử dụng nến sáp hoặc xà phòng bôi vào những phần da cứng đó để làm mềm chúng lại.
Lời kết,
Với những gợi ý nho nhỏ trên đây, mong rằng việc bước đi trên những đôi giày cao gót không còn trở thành nỗi khiếp sợ với bất cứ cô gái nào nữa.