Cách để có đủ sữa cho bé bú khi sữa mẹ ít dần

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết – Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Các mẹ sau khi sinh con đều mong muốn có thật nhiều sữa cho bé bú. Nhưng đôi khi nguồn dinh dưỡng này không được dồi dào, đặc biệt là sau 6 tháng sữa mẹ ít dần. Do đó, khi sữa mẹ ít dần phải làm sao là băn khoăn của nhiều chị em phụ nữ.

Dưới đây là những phương pháp giúp cải thiện tình trạng sữa mẹ ít dần:

1. Thay đổi chế độ ăn uống của mẹ

1.1. Thực đơn bữa ăn hàng ngày

Nhằm hạn chế tình trạng sữa mẹ ít dần, phụ nữ cần ăn đa dạng nguồn thực phẩm cũng như gia tăng khối lượng tiêu thụ so với bình thường, như vậy mới cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cả hai mẹ con. Trong một khẩu phần ăn nên có đủ bốn nhóm thực phẩm sau:

  • Chất đạm protein: Đến từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu/đỗ…
  • Chất béo lành mạnh: Có trong dầu, mỡ và bơ sữa
  • Chất đường bột: Thành phần chủ yếu của gạo, mì, khoai…
  • Vitamin và khoáng chất: Rau xanh và hoa quả tươi luôn là nhóm thực phẩm được khuyến khích sử dụng

Về khối lượng thức ăn, mẹ nên ăn 5 – 6 lần trong ngày, vào thời điểm trước khi cho bé bú để kích thích tiết sữa. Dưới đây là một khẩu phần ăn trung bình mẹ có thể tham khảo, cụ thể:

  • 200 gram thịt hoặc cá
  • 1 quả trứng
  • 1 lít sữa tươi hoặc sữa bột
  • 200 – 300 gram trái cây
  • 500 – 600 gram rau xanh

Bên cạnh đó, chị em cũng có thể tin dùng một số món ăn truyền thống nổi tiếng giúp lợi sữa như móng giò hầm đu đủ xanh, cháo lạc (đậu phộng), hay chè vừng (mè) đen. Không có nhiều thực phẩm bà mẹ đang cho con bú cần kiêng cữ, song có thể hạn chế ăn các loại gia vị cay nồng như tỏi, ớt, hành tây, … để tránh gây ảnh hưởng tới mùi vị của sữa mẹ.

1.2. Uống nhiều nước

Nước cũng có tác dụng giúp kích thích sinh sữa, do đó chị em nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày. Các thời điểm cần uống nước là khi cảm thấy khát, trước và sau khi cho bé bú, cũng như ban đêm chuẩn bị đi ngủ để khiến sữa mau về. Các loại thức uống được khuyên dùng bao gồm:

  • Sữa dinh dưỡng cho mẹ
  • Nước ép trái cây
  • Nước canh
  • Nước lọc
  • Nước trà vằng hoặc thảo mộc

Tuy nhiên phụ nữ cũng cần lưu ý rằng không phải cứ ăn uống càng nhiều là sẽ có nhiều sữa hơn. Ngược lại, chế độ ăn uống không điều độ và khoa học có thể gây rối loạn chức năng đường ruột của mẹ và thậm chí dẫn đến táo bón cho trẻ.

  • Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho cả mẹ lẫn bé như thế nào?

Đu đủ xanh hầm móng giò

2. Thói quen cho bé bú

2.1. Tư thế khi bú của bé

Mặc dù trước đây chị em vẫn có hai bầu sữa đầy nhưng nếu mắc sai lầm khi cho con bú sẽ khiến sau 6 tháng sữa mẹ ít dần hoặc sớm hơn thế. Mẹ nên chú ý để động tác mút của bé để cho con bú đúng cách theo các dấu hiệu sau:

  • Cả thân người bé áp sát và hướng về phía mẹ
  • Cằm bé chạm vào bầu sữa của mẹ
  • Miệng bé mở to, ngậm gần hết quầng vú chứ không phải chỉ mút đầu ti
  • Môi dưới của bé cong ra ngoài
  • Mẹ có thể nhìn thấy bé mút chậm và mạnh, cũng như nghe tiếng nuốt

2.2. Những lưu ý khi cho con bú

Trong trường hợp sữa mẹ ít dần, chị em vẫn nên tiếp tục cho bé bú đều đặn, bé mút đầu ti sẽ khiến sữa chảy ra. Hành động này có tác dụng tăng cường sản xuất sữa, giúp sữa mau về trở lại. Các mẹ nên ghi nhớ một số lưu ý sau:

Nên:

  • Thời gian mỗi lần bú mẹ khoảng 20 – 30 phút hoặc đến khi nào bé tự ngưng
  • Chọn nơi vắng người, chỉ có 2 mẹ con để bé tập trung bú thay vì ngó nghiêng
  • Bé bú hết bầu sữa này mới chuyển sang bầu bên kia, vừa tận dụng được hết nguồn sữa béo cuối bầu, vừa kích thích tạo sữa đều hai bên cân bằng
  • Mẹ và bé thư giãn thoải mái sau khi bú, bé dễ tiêu hóa còn mẹ bớt cảm giác đau

Không nên:

  • Lấy ti ra giữa chừng khi thấy bé đã ngủ vì khi no bé sẽ tự nhả ti mẹ
  • Đợi bé khóc đòi bú mới cho mà không theo giờ giấc
  • Để dành sữa còn tồn trong ngực, sẽ gây ức chế tiết sữa mới

Cách giúp mẹ nhiều sữa 1

3. Yếu tố tâm lý

Hiện tượng sau 6 tháng sữa mẹ ít dần hoặc trước đó sữa về chậm có thể là do vài nguyên nhân khác nhau, bao gồm sinh mổ, thuốc làm co tử cung sau khi sinh, cũng như yếu tố tâm lý và lối sống sinh hoạt của phụ nữ giai đoạn cho con bú.

Để có đủ sữa cho con bú, người mẹ nên ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, không được vội nản chí hay lo lắng khi thấy bản thân tự nhiên mất dần sữa. Yếu tố tâm lý lúc này giữ vai trò khá quan trọng, chị em cần bình tĩnh và tin tưởng rằng mình vẫn có khả năng tiết ra nhiều sữa cho bé. Xung quanh vấn đề sữa mẹ ít dần phải làm sao, các bác sĩ khuyên mẹ cứ kiên nhẫn bế con áp vào ngực cho bé mút như một hành động nhắc nhở cơ thể tiết sữa. Nếu phụ nữ quá căng thẳng và lo nghĩ về vấn đề này, hay dừng cho bé bú mẹ thì có thể bị mất sữa thật.

Bên cạnh đó, mẹ cũng được khuyến khích thử làm các động tác massage ngực, xoa bóp quanh ngực, bầu vú và núm vú để sữa chảy ra dễ dàng hơn. Tận dụng dòng nước chảy đều trên ngực khi tắm dưới vòi hoa sen cũng là một gợi ý hay mà các mẹ có thể áp dụng.

Nhìn chung, tình trạng sau 6 tháng sữa mẹ ít dần cũng khá phổ biến. Cũng có trường hợp chị em bỗng nhiên mất sữa chỉ vài tuần sau sinh. Lúc này, những cách để có đủ sữa cho bé bú khi sữa mẹ ít dần bao gồm ăn uống bổ dưỡng, lợi sữa, kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Điều quan trọng là dù sữa mẹ ít dần nhưng vẫn phải tiếp tục cho bé bú như bình thường thì mới có hi vọng sữa về nhiều trở lại. Các mẹ không nên cho bé dùng sữa khác thay thế hay ăn bột sớm vì sự phát triển toàn diện của bé.

>>Xem thêm: Chọn sữa công thức cho trẻ Bài viết được viết bởi TS. BS Phạm Thị Việt Hương – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.