Cách chữa nhiệt miệng tại nhà hiệu quả bạn đã biết? | BvNTP

1. Các mẹo chữa nhiệt miệng đơn giản

1.1 Sử dụng bột sắn dây để trị nhiệt miệng

Bột sắn dây có vị ngọt tự nhiên, có chức năng thanh nhiệt cơ thể, giải độc làm dịu mát. Do vậy, bột sắn dây thường được sử dụng để chữa nhiệt miệng, làm giảm các vết loét lở trong khoang miệng một cách nhanh chóng mà lại tiết kiệm chi phí.

Sử dụng bột sắn dây là một trong những cách chữa nhiệt miệng tại nhà hiệu quả và tiết kiệm

Sử dụng bột sắn dây là một trong những cách chữa nhiệt miệng tại nhà hiệu quả và tiết kiệm

Người lớn bị nhiệt miệng chỉ cần pha bột sắn dây với nước đun sôi để nguội và uống 2 cốc mỗi ngày để điều trị lở miệng. Còn với trẻ em thì cần nấu chín bột sắn dây để tránh trẻ bị tiêu chảy do hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn thiện.

Những lưu ý khi sử dụng bột sắn dây để quá trình điều trị nhiệt miệng hiệu quả là:

– Không nên cho thêm đường khi uống vì đường sẽ khiến bột sắn dây giảm tác dụng, nhiệt miệng nặng hơn và tăng nguy cơ béo phì.

– Không nên pha sẵn và dùng cả ngày vì làm ảnh hưởng đến tác dụng của bôt. Mỗi lần uống cần phải pha mới, và uống hết một lần.

1.2 Cách chữa nhiệt miệng tại nhà bằng nước khế

Theo Y học cổ truyền, quả khế chua có tính bình, vị chua và ngọt, có công dụng trong việc kháng viêm. Với Y học hiện đại, khế chua chứa acid oxalic, vitamin C, B1, B2, A cùng các khoáng chất: Calci, Na, Fe, K nên có tác dụng thanh nhiệt cơ thể.

Cách chế biến nước khế chua chữa nhiệt miệng:

– Đun 3 quả khế đã được rửa sạch, cắt miếng trong 500ml nước. Đến lúc sôi thì chỉnh lửa nhỏ, đun thêm 5 phút.

– Lọc hỗn hợp đã đun lấy nước, chắt vào chai để sử dụng súc miệng hàng ngày.

– Cách dùng hiệu quả nhất là ngậm nước khế chua và nuốt dần, không phải uống. Thực hiện vào sau ăn và trước khi đi ngủ trong 3-4 ngày để thấy tác dụng.

1.3 Dùng củ cải trắng

Theo thuyết thực dưỡng tại nước Ấn Độ, củ cải trắng là thực phẩm vàng có hoạt chất kháng khuẩn tốt cho cơ thể. Do đó, củ cải trắng thường được sử dụng để chữa nhiệt miệng cực kỳ hữu hiệu.

Ép hoặc giã củ cải lấy nước cốt, sau đó pha với nước theo tỷ lệ 300 gram củ cải với 500ml nước. Một ngày nên ngậm dung dịch này khoảng 3 lần, ngậm như khi ngậm nước muối sinh lý. Chỉ sau 2-3 ngày các vết lở, loét, và hiện tượng nướu sưng đỏ do nhiệt miệng gây ra sẽ biến mất.

1.4 Cách chữa nhiệt miệng tại nhà bằng lá húng chó

Lá húng chó hay còn gọi là húng quế, là loại thảo dược có tính ấm, có thể làm mát máu trong cơ thể. Lá cây chứa nhiều tinh dầu có tác dụng giảm đau nên giúp chữa trị nhiệt miệng rất nhanh chóng.

Lá húng chó hay được sử dụng để chữa nhiệt miệng

Lá húng chó hay được sử dụng để chữa nhiệt miệng

Với lá húng chó, bạn có thể ăn trực tiếp bằng cách sau khi rửa sạch, nhai lá húng chó cùng với vài hạt muối. Sau 1-2 phút thì uống thêm vào ngụm nước, sau 3-5 ngày thực hiện đều đặn, các vết loét ở miệng sẽ có dấu hiệu tốt lên.

1.5 Vỏ dưa hấu

Đây là phương pháp rất ít người biết đến nhưng lại rất hiệu nghiệm với người bị nhiệt miệng. Vỏ dưa hấu có tính hàn, giúp thanh nhiệt, giải độc rất tốt nên được tận dụng để chữa nhiệt miệng. Cách này đòi hỏi nhiều công đoạn hơn tuy nhiên kết quả lại bất ngờ. Bạn lấy vỏ dưa hấu đem sao vàng và tán thành bột, sau đó trộn cùng với nước đun sôi để nguội. Có thể cho thêm mật ong trong lúc sao để tạo thành một dung dịch sệt. Khi hoàn thành, để nguôi và bôi dung dịch vào các nốt nhiệt trong miệng. Chỉ sau 1-2 ngày các vết nhiệt sẽ nhỏ lại và biến mất.

1.6 Chữa nhiệt miệng bằng baking soda

Sử dụng baking soda để súc miệng là một trong những cách chữa nhiệt miệng nhanh và đơn giản tại nhà. Loại muối nở này có tác dụng cân bằng độ pH và giảm viêm nhanh chóng từ đó vết loét mau lành hơn. Cách pha hỗ hợp baking soda để trị nhiệt miệng như sau: hòa 5g baking soda với khoảng 230ml nước lọc sau đó súc miệng trong 30 giây rồi nhổ ra. Thực hiện ngày 3-4 lần sẽ thấy hiệu quả sau 2 ngày sử dụng.

1.7 Trà hoa cúc

Azulene và levomenol là hai hợp chất có trong trà hoa cúc có khả năng chống viêm và sát trùng rất tốt, rất có lợi cho người bị nhiệt miệng. Có hai cách để sử dụng hoa cúc trị nhiệt miệng: bạn có thể có thể súc miệng 2-3 lần mỗi ngày bằng trà hoa cúc mới pha. Cách thứ hai là dùng bông hoa cúc trong túi trà đắp lên nốt nhiệt, thực hiện ít nhất trong 3 phút, vết nhiệt miệng sẽ giảm đáng kể.

Dùng bông hoa cúc trong túi trà đắp lên nốt nhiệt, thực hiện ít nhất trong 3 phút, vết nhiệt miệng sẽ giảm đáng kể.

Dùng bông hoa cúc trong túi trà đắp lên nốt nhiệt, thực hiện ít nhất trong 3 phút, vết nhiệt miệng sẽ giảm đáng kể.

1.8 Oxy già có khả năng trị lở miệng

Oxy già có khả năng làm vết loét trong miệng nhanh lành hơn, giảm thiểu vi khuẩn trú ngụ trong miệng. Bạn có thể sử dụng oxy già để chữa nhiệt miệng nhanh như sau:

– Dung dịch oxy già 3% pha loãng với lượng nước tương ứng.

– Thoa trực tiếp lên vết loét miệng bằng cách dùng tăm bông sạch để hạn chế đau đớn và đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập.

Ngoài ra, oxy già cũng có thể làm nước súc miệng hàng ngày. Sau khi súc miệng cần súc lại bằng nước lọc cho sạch.

 

2. Cách phòng tránh nhiệt miệng tái phát

Nhiệt miệng là bệnh có thể tái phát nhiều lần, do vậy sau khi điều trị khỏi, mọi người vẫn nên áp dụng những lời khuyên dưới đây để phòng tránh nhiệt miệng tái phát nhiều lần:

– Không là tổn thương niêm mạc miệng trong lúc đánh răng hoặc ăn uống.

– Thực hiện vệ sinh răng miệng một ngày 2 lần và súc miệng nước muối sinh lý để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

– Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng không tạo điều kiện nhiệt miệng tái phát. Nên ưu tiên ăn các món luộc, hấp, ăn nhiều rau, củ, quả và trái cây, uống nhiều nước để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể, giúp thanh nhiệt. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều sắt và kém vì đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiệt miệng.

Bằng những phương pháp trên bạn sẽ không còn phải đối mặt với bệnh nhiệt miệng nữa. Hy vọng bài viết đã cung cấp những cách chữa nhiệt miệng tại nhà giúp ích việc chăm sóc răng miệng của mỗi người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp