Cách chữa khàn tiếng lâu ngày hiệu quả

Khàn tiếng thường gặp ở những người công việc đặc thù phải nói nhiều nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh tiềm ẩn. Do đó, khi bị khàn tiếng lâu ngày, nên thận trọng và đi thăm khám để điều trị sớm.

Khàn tiếng là tình trạng giọng nói thay đổi, âm thanh không rõ, khó nghe hoặc người nói có cảm giác mệt do tổn thương ở dây thanh quản.

Trường hợp khàn tiếng xuất hiện và kéo dài trong 1 hoặc vài ngày rồi biến mất, là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu khàn tiếng kéo dài quá 3 tuần có thể là dấu hiệu một số bệnh lý sau đây:

1.1 Bệnh viêm thanh quản

Khàn tiếng là 1 trong những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm thanh quản cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó, khi mắc viêm thanh quản cấp tính, 2 dây thanh quản thường bị sưng và phù nề. Từ đó, các mép dây không thể rung linh hoạt, dẫn đến tình trạng khàn tiếng, thậm chí mất tiếng. Khi 2 dây thanh quản được phục hồi, khàn tiếng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hiệu quả, viêm thanh quản cấp tính sẽ có thể chuyển sang thể mạn tính, bệnh kéo dài.

1.2 Bệnh hạt xơ dây thanh

Đây là 1 trong những bệnh lý thường gặp ở những người phải dùng giọng nói quá mức như ca sĩ, giáo viên, phát thanh viên và báo cáo viên.

Khi mắc bệnh hạt xơ dây thanh, người bệnh thường có sức khỏe ổn định nhưng lại đi kèm dấu hiệu khàn tiếng kéo dài. Nguyên nhân chính là do phải gắng sức nói hoặc hát trong khi chứng viêm thanh quản cấp chưa được hồi phục khiến các sợi cơ trong dây thanh bị đứt.

Trong trường hợp này, dịch tiết ra để hàn gắn các sợi cơ sẽ tích tụ lại thành một hạt nhỏ ở mép dây thanh (có thể xuất hiện 1 bên hoặc ở cả 2 bên) làm ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây khàn tiếng và rè tiếng. Bên cạnh đó, hạt xơ dây thanh ở một mức độ nhất định có thể làm cho hai mép của dây thanh không khép sát với nhau, tạo khe hở thanh môn nên người mắc bệnh thường nhanh mệt khi phải nói.