Cách chăm sóc cây hoa hồng khỏe mạnh, ít sâu bệnh, ra nhiều hoa – Vua Nệm

Hoa hồng là một trong những loài hoa đẹp nhất thế giới, được trồng nhiều nhất tại nước ta. Trồng cây hoa hồng rất đơn giản, cây khá dễ sống nhưng cách chăm sóc cây hoa hồng như thế nào cho đúng lại là điều mà nhiều người băn khoăn. Không ít người khi trồng hoa hồng gặp phải một số vấn đề như: cây dễ bị sâu bệnh, thân yếu, ra hoa ít, cánh hoa không dày… Để khắc phục những tình trạng này, bạn có thể tham khảo các cách chăm sóc cây hoa hồng đúng cách dưới đây.

1. Lưu ý trước khi chăm sóc cây hoa hồng

Trước khi thực hiện cách chăm sóc cây hoa hồng, bạn cần trồng cây đúng cách, đúng kỹ thuật. Cách trồng cây chính là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đối với khả năng sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và ra hoa của cây. Bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng dưới đây:

1.1. Chọn giống cây hoa hồng phù hợp

Hiện nay, có hai loại giống cây trồng được sử dụng phổ biến nhất là cây hoa hồng được ươm sẵn, được trồng ở trong chậu, một loại khác là cây hoa hồng rễ trần, mỗi loại có những đặc điểm riêng, bạn cần hiểu rõ từng loại để chọn được giống cây phù hợp nhất.

  • Với cây giống hoa hồng ươm sẵn: Giống cây kiểu này phù hợp với những người mới bắt đầu chơi hoa, chưa có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc hoa. Ưu điểm của cây hoa hồng ươm sẵn là khỏe mạnh, phát triển tốt và dễ chăm sóc, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Hạn chế của cây giống hoa hồng ươm sẵn là có ít chủng loại để bạn lựa chọn.

  • Với cây giống hoa hồng rễ trần: Đây là phần thân và rễ của cây hồng đã từng trồng trước đó, được nhổ và cắt lấy một phần thân để làm giống. Để trồng hoa hồng rễ trần, bạn cần ngâm rễ cây với nước và để qua đêm. Sau khi trồng xong, cần tưới nước thường xuyên để giữ cho cây luôn có đủ độ ẩm để phát triển. Ưu điểm của giống hồng rễ trần là có giá thành rẻ hơn so với chậu cây ươm sẵn, đồng thời chúng cũng có nhiều giống hoa để lựa chọn hơn.

chăm sóc cây hoa hồng

1.2. Trồng cây hoa hồng đúng thời điểm

Không phải mọi điều kiện thời tiết đều phù hợp để trồng hoa hồng. Thời điểm tốt nhất trong năm để trồng cây, giúp cây dễ sống, phát triển nhanh, ra nhiều hoa là mùa xuân, lúc thời tiết đã hết lạnh giá và bắt đầu ấm dần lên. Bạn cũng có thể trồng vào mùa thu nhưng nên trồng vào đầu mùa, như vậy thì bộ rễ của cây mới có thể hình thành và phát triển trước khi bước vào thời kỳ ngủ đông của cây.

1.3. Trồng cây hoa hồng ở nơi có điều kiện thuận lợi

Nên trồng cây hoa hồng ở những nơi có điều kiện thuận lợi để cây nhanh bén rễ, sinh trưởng và phát triển nhanh, ra nhiều hoa. Điều kiện lý tưởng cho cây hoa hồng là nơi nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, đất thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng.

Nếu trồng cây ở khu vực có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thì nên tránh để cây bị nắng chiếu trực tiếp vào buổi trưa. Ở những khu vực có khí hậu lạnh giá, nên chọn những khu vực kín gió để tránh cây bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt.

1.4. Trồng cây hoa hồng đúng cách

Có hai cách để trồng cây hoa hồng, đó là trồng trong vườn và trồng ở chậu cây, tùy theo điều kiện khu vực sinh sống và sở thích riêng mà bạn có thể lựa chọn cách trồng phù hợp nhất, cụ thể như sau:

  • Trồng cây hoa hồng trong vườn đúng cách: Đào hố sâu và rộng so với cây giống để cây dễ dàng sinh trưởng. Trộn phân chuồng cùng với than bùn hoặc trấu để tăng độ xốp và chất dinh dưỡng cho đất. Đổ khoảng ⅓ lượng phân đã trộn vào dưới đáy hố rồi bắt đầu trồng cây, sau đó dùng số phân còn lại để lấp đầy gốc cây, nhấn nhẹ phần đất xung quanh hố để cây đứng thẳng. Sau khi trồng xong, tưới nước xung quanh hố để rễ nhanh bám vào đất.

  • Trồng hoa trong chậu: Chọn chậu có kích thước phù hợp, phần đáy có lỗ nhỏ và nên lót một lớp than củi ở dưới đáy nhằm tăng khả năng thoát nước cho cây. Đổ đất vào đáy chậu rồi đặt cây vào, sau đó dùng đất để lấp kín chậu hoa, nhấn nhẹ đất xung quanh để cây không bị lung lay. Trồng cây trong chậu không cần tưới quá nhiều, chỉ cần giữ độ ẩm cho đất vừa đủ, khoảng 3-5 ngày mới tưới một lần.

chăm sóc cây hoa hồng mới trồng

2. Cách chăm sóc cây hoa hồng đúng cách, cho cây khỏe và nhiều hoa

Cách chăm sóc cây hoa  hồng cần tập trung vào một số việc làm chính là: bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Mỗi một vấn đề đều đòi hỏi phải thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, ra nhiều hoa. Cụ thể cách chăm sóc cây hoa hồng như sau:

2.1. Bón phân cho cây hoa hồng

Cách chăm sóc cây hoa hồng đúng cách là bón phân đầy đủ cho cây. Cây hoa hồng thích hợp với các loại phân chuồng đã ủ hoai, phân hữu cơ vì loại phân này vừa chứa nhiều chất dinh dưỡng lại vừa chứa nhiều vi sinh vật có lợi, giúp cân bằng độ pH cho đất, có lợi cho sự phát triển của cây. Tác dụng của phân hữu cơ trong quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho cây luôn ổn định và từ từ, đủ để cây phát triển khỏe mạnh, không làm cháy rễ cây mới ra.

Loại phân thích hợp nhất để sử dụng trong quá trình chăm sóc cây hoa hồng là phân trùn quế. Đây là phân hữu cơ 100%, là phân của con trùn quế (giun quế) với hàm lượng dinh dưỡng cao, hệ vi sinh vật phong phú. Phân trùn quế cũng không chứa kim loại nặng, côn trùng, vi khuẩn gây hại, mầm mệnh E.coli nên rất có lợi cho quá trình sinh trưởng của cây.

kỹ thuật chăm sóc cây hoa hồng

Bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây khi bón phân cho cây hoa hồng:

  • Sau khi trồng cây được 10 ngày, tùy theo gốc lớn hay nhỏ mà điều chỉnh lượng phân bón từ 300-500gr/gốc.

  • Bổ sung thêm phân chuối trứng cho cây hoa hồng theo cách sau: Dùng 1kg chuối + 3 quả trứng gà + 10gr mật rỉ đường + 3 lít nước sạch + 10 gói men tiêu hóa dành cho người. Trộn đều các nguyên liệu đã chuẩn bị và ủ khoảng 30 ngày rồi đem ra bón, thời điểm bón có thể là sáng sớm hoặc chập tối.

  • Trung bình từ 7-10 ngày thì bón phân trùn quế một lần. Bạn không cần lo lắng phân sẽ làm nóng cây vì cây có độ pH trung tính. Bón phân trùn quế thường xuyên sẽ giúp cây khỏe mạnh, ra nhiều hoa và lâu tàn, cánh dày và mượt.

  • Sau khi đã trồng cây hoa hồng được 3 tháng, bạn xới cho đất xung quanh gốc cây được tươi tốt và rải phân trùn quế lên trên nhằm giúp cây nhận được nhiều dinh dưỡng, chống chịu sâu bệnh. Bạn cũng có thể bón phân vào thời điểm cây ra nụ hoa, phân bón sẽ giúp cây nhận được thêm chất dinh dưỡng, từ đó hoa sẽ to hơn và dày cánh hơn. 

2.2. Tưới nước cho cây hoa hồng

Cách chăm sóc cây hoa hồng hiệu quả chính là tưới nước đầy đủ cho cây. Cây đều cần tưới nước để sinh trưởng và phát triển tốt, thiếu nước khiến cây chậm phát triển, dễ mắc sâu bệnh, ra hoa kém. Tuy nhiên, cần căn cứ vào một số vấn đề như: loại đất, khả năng thoát nước, khí hậu… để xác định lượng nước phù hợp với cây hoa hồng, tránh tình trạng thiếu nước họa thừa nước làm ngập úng.

Nên tưới cây vào buổi sáng và chiều mát mỗi ngày, nhất là với những khu vực có khí hậu nóng bức quanh năm. Khi tưới chỉ nên tập trung vào gốc cây, tránh tưới ướt lá cây vì có thể làm tăng nguy cơ mắc nấm bệnh cho lá.

2.3. Cắt tỉa cành và bấm ngọn cho cây

  • Bấm ngọn

Trong các cách chăm sóc cây hoa hồng, bạn cần lưu tâm đến việc bấm ngọn cho cây. Nhiều người cho rằng để cây phát triển tự nhiên sẽ khỏe mạnh, cho nhiều hoa hơn nhưng sự thật lại ngược lại. Nếu để cây phát triển quá tốt, các chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào việc nuôi thân cây và lá hơn so với việc nuôi hoa.

Tốt hơn hết là nên bấm ngọn cho cây hoa hồng khi sắp ra hoa. Khi bấm ngọn, chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào nuôi hoa, giúp hoa nở nhiều và bền lâu hơn, sản lượng hoa cũng tăng đáng kể.

kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hồng

  • Tỉa cành

Tỉa cành cũng là việc làm cần thiết nhằm giúp cây luôn khỏe mạnh và ra nhiều hoa. Nên áp dụng việc tỉa cành với những cây hồng khỏe mạnh, cắt càng gần gốc càng tốt vì như vậy sẽ giúp cho cây khỏe và cho nhiều hoa hơn. Trong trường hợp cây hồng yếu thì không nên cắt tược gốc vì có thể khiến cây bị chết hẳn. Sau khi tỉa cành xong, cần phun thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu để bảo vệ cây khỏi mầm bệnh, kích thích chồi phát triển nhanh chóng.

2.4. Cách phòng trừ sâu bệnh cho cây hoa hồng

Giống hoa hồng kháng bệnh sẽ chống chịu các bệnh của cây hoa hồng hiệu quả. Trong khi đó, giống cây hồng loại thường dễ mắc phải một số bệnh như: bệnh phấn trắng, đốm đen, bọ trĩ, nhện đỏ, nhện đen, nhện vàng… Cách phòng trừ các bệnh này có thể thực hiện như sau:

  • Bệnh phấn trắng: Nấm trắng có thể khiến cho lá bị khô héo và rụng trước thời điểm thay lá, nụ hoa ít, hoa nở chậm. Bạn có thể phòng bệnh bằng cách tưới nước sát gốc, cắt tỉa cây để phòng ngừa nấm bệnh xuất hiện. Nếu cây đã bị bệnh thì cần cắt bỏ lá, cắt tỉa nụ và hoa có xuất hiện nấm trắng. Mỗi tháng, bạn nên hòa baking soda với nước rồi phun lên lá hồng 2 lần để phòng tránh mầm bệnh xuất hiện.

  • Bệnh đốm đen trên lá: Bệnh này cũng gây nên hậu quả là làm rụng lá. Cách để phòng và trị bệnh cũng tương tự như khi cây mắc bệnh nấm trắng, đó là tưới nước sát gốc và phun nước baking soda.

  • Bọ trĩ trên cây hoa hồng: Bọ trĩ hút nhựa non ở lá, đọt non, lá non, nụ hoa và hoa đã nở, khiến cho lá xoăn và rụng hàng loạt, chất lượng hoa hồng giảm sút…Để phòng ngừa bọ trĩ, cần dọn dẹp gốc cây và xung quanh, không để bọ có chỗ trú ngụ. Khi cây đã bị bệnh, nên cắt tỉa hoa đang nở, nụ hoa và lá già trên cây.

  • Nhện đỏ, nhện đen, nhện vàng: Nhện đỏ, nhện đen, nhện vàng khi bám trên lá sẽ khiến cho lá xuất hiện từng mảng vàng, đỏ khác nhau. Khi cây bị bệnh, bạn dùng vòi xịt để xịt nước nhằm rửa trôi nhện, thực hiện đều đặn mỗi ngày để tránh tình trạng trứng nở ra nhện con. Sau khi đã phun nước được vài lần, pha nước rửa bát hoặc sữa tắm với 2 lít nước rồi phun lên cây. Bạn cũng có thể sử dụng dầu Neem hoặc thuốc diệt côn trùng để trị bệnh cho cây.

cách chăm sóc cây hoa hồng mùa hè

Trên đây là một số bí kíp về cách chăm sóc cây hoa hồng đúng cách, giúp cây luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và ra nhiều hoa, chất lượng hoa thương phẩm đảm bảo. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích thì có thể chia sẻ để mọi người cùng biết nhé.