Cách chăm sóc bưởi diễn sau khi thu hoạch quả để có năng suất cao nhất
Vườn bưởi diễn cho năng suất cao mỗi vụ là điều mà người nông dân trồng bưởi diễn nào cũng mong muốn. Có rất nhiều yếu tố quyết định đến năng suất nhưng trong đó kỹ thuật chăm sóc chiếm tới 50%. Do đó, kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn sau mỗi vụ thu hoạch đóng một vai trò cực kì quan trọng. Quá trình này bao gồm từ cắt tỉa, làm cỏ, bón phân… giúp cho quả bưởi thơm ngon đúng theo mong muốn.
Dưới đây là toàn bộ cách chăm sóc bưởi diễn sau mỗi vụ thu hoạch để có được năng suất và chất lượng quả tốt nhất ở những vụ kế tiếp.
1. Việc làm đầu tiên sau thu hoạch quả là cắt tỉa cành để tạo tán thông thoáng cho bưởi diễn
Những dụng cụ cần chuẩn bị trước khi cắt tỉa:
• Kéo cắt cành
• Cưa
• Thang nhôm rút đôi hoặc thang nhôm ghế có tay vịn
Việc cắt tỉa sau khi thu hết quả sẽ giúp bưởi ra đợt lộc ổn định, tạo tán thông thoáng, để tiếp xúc nhiều với ánh sáng, giảm sâu bệnh. Cần loại bỏ những loại cành dưới đây:
• Những cành vượt, cành lộc đông mới phát triển hay những cành tăm.
• Cắt tỉa hạ thấp chiều cao cây, mở rộng tán ở phần đỉnh.
Khi quá trình cắt tỉa hoàn tất, bạn nên dùng vôi nước đặc để quét vào thân cây từ phần gốc tới độ cao 80 – 100 cm.
2. Làm sạch cỏ sau thu hoạch để chuẩn bị cho quá trình bón phân cho bưởi diễn
Việc dọn sạch cỏ sẽ loại bỏ được tối đa sâu bệnh và côn trùng phá hại bưởi, hơn nữa, loại bỏ cỏ tại những vùng rễ bưởi phát triển sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho cây. Chú ý, không nên lạm dụng thuốc diệt cỏ vì loại thuốc này sẽ ảnh hưởng tới bộ rễ cây.
Những cách diệt cỏ thường được sử dụng hiện nay:
• Sử dụng các chế phẩm sinh học
• Dùng máy cắt cỏ
3. Kỹ thuật bón phân cho bưởi diễn sau thu hoạch theo từng giai đoạn
Bón phân đúng kỹ thuật là điều luôn được mỗi người dân trồng bưởi quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ra rễ cũng như năng suất và chất lượng quả.
Loại đất lý tưởng để trồng bưởi diễn là hơi kiềm với độ PH từ 6 – 7. Việc cân đối các chất đa – trung – vi lượng và kết hợp các chế phẩm sinh học phun qua lá rất cần thiết.
Bước 1: Xử lý bộ rễ bưởi
Dùng cuốc để làm đứt những phần rễ tơ vượt quá hình chiếu tán cây để tạo ra bộ rễ mới giúp tăng hiệu suất hấp thu dinh dưỡng, tăng độ ngọt của quả cũng như hạn chế lộc đông phát triển.
Xử lý bộ rễ trước khi bón phân đúng kĩ thuật:
Cuốc rãnh rộng 30 – 40 cm, sâu 20 – 30 cm và không tưới nước, để phơi khô từ 5 – 10 ngày, giúp hạn chế phát triển lộc đông. Vào thời gian này, cây sẽ ở trạng thái ngủ đông, tích lũy dinh dưỡng để chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa. Thông thường, từ sau 15 – 25 tháng 12 âm lịch sẽ tiến hành tưới nước cho cây.
Một số lưu ý trong quá trình xử lý rễ:
+ Nếu sau khi xử lý rễ mà vùng đất chứa rễ quá khô, kéo dài gây héo lá thì nên tưới nước duy trì để bổ sung.
+ Sau khi cuốc rễ, để hạn chế các loại nấm gây hại cho vết thương ở rễ thì chúng ta nên dùng các loại chế phẩn trừ nấm an toàn cho rễ như chế phẩm Trichoderma Nano để phun trực tiếp lên phần vừa xử lý.
Bước 2: Cách bón phân cho bưởi diễn
Tùy vào độ tuổi, thời giai đoạn sinh trưởng, đất, tập quán thâm canh của địa phương, tiềm năng năng suất giống… để xác định lương phân bón nhiều hay ít.
Cách bón phân cho bưởi diễn và những giai đoạn bón phân quan trọng
Bón tháng 11 – 12 (cơ bản): Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân.
Sau khi cắt rễ và phơi đất từ 5-10 ngày sẽ tiến hành bón vôi với lượng 1-2 kg/gốc tùy vào độ chua của đất cũng như độ tuổi của cây
• Bón vôi: Sau khi cuốc đất làm đứt rễ, bà con nên phơi khô từ 5 – 10 ngày sau đó mới bón vôi. Bón vôi bột 1-2 kg/gốc. Lượng vôi sử dụng nhiều hay ít phụ thuộc vào tuổi cây và độ chua của đất.
• Bón phân: Sau khi bón vôi được 5 – 10 ngày thì sẽ tiến hành bón phân bằng cách trộn đềuvà bón theo rãnh đã đào và phơi xung xung quanh hình chiếu tán trước đó rồi dùng đất lấp kín.
+ Trộn nấm đối kháng Trichoderma Nano với phân hữu cơ đã ủ mục từ và bón 30 – 50 kg/gốc.
+ Phân NPK tỉ lệ 5.10.3: có thể bón 0,5-2 kg/gốc tùy theo độ tuổi của cây
+ Nghiền nhỏ hạt đậu tương và bón với tỉ lệ: 1-2,5 kg/gốc theo độ tuổi cây
Hỗn hợp các loại phân bón theo lượng trên sẽ được trộn đều với đất và bón theo hình chiếu tán cây giúp cho những rễ tơ mới sinh trưởng tốt, cải tạp đất cũng như tăng cường sức đề kháng cho rễ.
Nếu thời tiết quá hanh khô và kéo dài và lá có biểu hiện héo nhẹ bạn mới nên tưới nước bổ sung, nếu thời tiết thuận lợi thì sau khi bón phân hoàn toàn không được tưới nước.
4 giai đoạn bón thúc cần chú ý:
Lần 1 (đón hoa): Tháng 1 – 2 bón 40% lượng NPK 5.10.3 hoặc 16.6.16.
Lần 2 (thúc quả): Tháng 4 – 5 bón 30% lượng NPK.
Lần 3 (thúc quả): Tháng 7 – 8 bón 30% lượng NPK.
Lần 4: Tháng 9 – 10 mỗi gốc bón 1kg NPK 16.6.16 hoặc 2kg NPK 5.10.3 (giúp chống tối đa việc quả bị nứt)
Trên đây là quá trình chăm sóc bưởi diễn sau khi thu hoạch quả. Chúc các bạn có một mùa vụ mới bội thu với đúng quy trình chăm sóc.