Cách ăn mặc của thày cô giáo ảnh hưởng không nhỏ đến học trò
(GDVN) – Trong các nhà trường hiện nay, cách ăn mặc của giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của học trò.
LTS: Câu chuyện về việc cấm nữ giáo viên mặc váy khi lên lớp tại Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) đã nhận được nhiều ý kiến của các thầy cô giáo.
Trong bài viết này, thầy giáo Thanh An bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định cấm trên.
Bởi theo thầy, như vậy các cô giáo có thể thoải mái giảng bài trên lớp mà không phải lo những sự cố đáng tiếc.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.
Mấy ngày gần đây, dư luận đang bàn tán về chuyện Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) ra văn bản cấm giáo viên nữ mặc váy khi tham gia đứng lớp, tham gia các hoạt động giáo dục có học sinh.
Từ văn bản này, có nhiều người phản đối quyết định của thầy Nguyễn Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến tán đồng.
Bởi suy cho cùng thì nhà trường muốn xây dựng hình ảnh người thầy trọn vẹn nhất trong mắt học trò.
Thời hiện đại, hình ảnh những phụ nữ mặc váy đã trên nên quen thuộc trong các công sở nhà nước. Bởi nó không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn tạo nên sự gọn gàng, sang trọng cho nữ giới.
Tuy nhiên, trong ngành giáo dục thì hình ảnh những nữ giáo viên mặc váy khi đứng lớp hay tham gia các hoạt động giáo dục có mặt học sinh chưa hẳn đã là đẹp.
Bởi đôi khi hình ảnh này lại làm giảm đi vẻ trang trọng, sự trang nghiêm của môi trường sư phạm.
Cho dù không có văn bản nào cấm giáo viên nữ mặc váy khi tham gia các hoạt động giáo dục, nhưng rõ ràng Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng cũng có cái lý khi ban hành văn bản này.
Chúng ta đều biết, trong lớp học thì chỉ có thầy và trò, nhất là lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các em đang hoàn thiện về tâm sinh lí và đang ở tuổi chuẩn bị trưởng thành.
Những hình ảnh người giáo viên trong lớp có tác động rất lớn đến nhận thức và suy nghĩ của học trò.
Vì trong lớp thì giáo viên bao giờ cũng đứng ngược chiều với học trò ở vị trí cao hơn nên tất cả hình ảnh người thầy sẽ hiện hữu trong mắt học trò.
Nếu các nữ giáo viên mặc kín đáo thì không có gì đáng bàn luận nhưng nếu giáo viên nữ mặc váy mà lại ngắn trên đầu gối đôi lúc sẽ gây chú ý với đôi mắt học trò.
Không chỉ học sinh không tập trung cho học tập và những hình ảnh này sẽ còn là đề tài bàn tán cho học sinh, nhất là học sinh nam khi các em phải chứng kiến những hình ảnh chưa đẹp của người đang dạy mình.
Hơn nữa, khi giáo viên mặc váy cũng dẫn đến rất nhiều bất tiện như luôn luôn phải chú ý đến thế đứng, thế ngồi “khép chân” để tránh những phiền toái xảy ra dẫn đến sự khó khăn trong việc giảng dạy.
Ngoài ra, mỗi khi giáo viên ngồi giảng bài, đôi lúc cũng có thể xảy ra những “tai nạn” nếu như những chiếc khăn bàn bị quạt gió thổi vào sẽ tạo nên những hình ảnh phản cảm đối với các em học sinh đang ngồi đối diện.
Chúng ta đều biết, người thầy đứng lớp có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các em học sinh, không chỉ về tri thức mà còn định hình cho các em về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, sống có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những hành động, cử chỉ, lời lẽ của người thầy có tác động to lớn đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách của học trò.
Thực tế trong các nhà trường hiện nay, cách ăn mặc của giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của học trò.
Có những cô mặc những chiếc áo có cổ rộng thùng thình, chỉ cần cô cúi xuống chỉ bài cho học sinh là tất cả hiện hữu cả trong mắt các em;
Hoặc cô mặc những bộ quần áo vừa trắng, vừa ngắn, vừa mỏng… bao nhiêu đường nét trên người cô giáo cũng gợi rất nhiều tò mò cho những đôi mắt học trò tuổi mới lớn, để rồi sau mỗi tiết học là đám nam sinh thậm thụt bàn luận…
Trong quá trình đi dự giờ một số đồng nghiệp nữ, nhiều giáo viên nam chúng tôi cũng cảm thấy rất ngại ngùng.
Nhiều đồng nghiệp nữ chỉ chạy theo mốt này, mốt kia mà quên mất mình là những giáo viên đứng lớp.
Nhiều khi các cô diện những bộ quần áo mặc rất không phù hợp trong môi trường sư phạm.
Những chiếc áo quá ngắn thì khi cô viết những dòng chữ trên bảng mà cao quá thì vô tình sẽ lộ khoảng giữa áo và quần, những bộ đồ mỏng quá thì gần như lộ hết những “nét đẹp” của người phụ nữ trước học trò, trước đồng nghiệp.
Trong khi, học sinh ngồi học trong lớp thì phải nhìn vào cô giáo, không nhìn vào cô giáo thì bảo không tập trung, mà nhìn vào nhiều cũng… ngượng.
Nhiều khi chúng tôi là giáo viên dự giờ cũng còn thấy… ngại trước những hình ảnh như thế này.
Cho dù không có luật nào quy định cấm công nhân viên chức, giáo viên mặc váy khi đứng lớp, nhưng chúng ta cần hiểu môi trường sư phạm – nơi mà trang phục nhất thiết phải phù hợp với văn hóa, đạo đức của nhà trường.
Bởi đừng để ở chốn đông người mà mình trở thành trung tâm cho người ta bàn tán, dòm ngó.
Khi đứng lớp mà mặc những chiếc váy ngắn cũn cỡn hay quần áo mỏng manh không chỉ gây nên sự phản cảm cho học trò, đồng nghiệp mà những giáo viên đó còn đang làm mất đi nét đẹp, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Nhất là nét đoan trang, hiền thục, kín đáo của người phụ nữ.
Bởi cái đẹp không phải là sự phô trương cơ thể con người trước bàn dân thiên hạ mà cái đẹp là sự kín đáo, giản dị, phù hợp với môi trường sư phạm.
Người xưa từng dạy: “Y phục xứng kì đức” hay “Ăn cho mình, mặc cho người” là nhắc nhở mỗi con người chúng ta dù ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng cần chú ý đến trang phục của bản thân.
Trang phục đẹp mà không phù hợp với hoàn cảnh, với đạo đức con người sẽ trở nên kệch cỡm nơi chốn đông người.
Trang phục con người, nhất là đối với các nữ giáo viên cần phải có một qui chuẩn nhất định. Bởi trước các cô là hàng chục đôi mắt của học trò, của đồng nghiệp.
Vì thế, việc ăn mặc không kín đáo, gợi cảm sẽ rất dễ dẫn đến sự phản cảm. Cái đẹp bao giờ cũng đi liền với sự giản dị của con người.
Sự giản dị bao giờ cũng tạo được sự thoải mái và phù hợp với môi trường xung quanh. Chuyện trang phục không phải là khó, mà cái khó là biết mình đang làm gì, đang đứng ở đâu.
Thanh An