Cách Trồng Rau Mồng Tơi Tại Nhà Đơn Giản Nhất
Mục Lục
Cách Trồng Rau Mồng Tơi Tại Nhà Đơn Giản Nhất
Cách Trồng Rau Mồng Tơi (Mùng Tơi) Tại Nhà
Trồng rau mùng tơi tại nhà đã và đang là một xu thế, không những mang lại nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn mà chúng còn mang lại một trải nghiệm khi được tự tay chăm sóc và quan sát từ lúc cây còn nhỏ cho đến ngày thu hoạch. Hãy cùng Xanh Bất Tận hướng dẫn cho bạn một cách chi tiết về cách trồng rau ngay bên dưới nhé.
Các Loại Giống Rau Mồng Tơi Bạn Nên Trồng
Đa phần các loại rau mùng tơi (mồng tơi) đều có hương vị và công dụng giống nhau. Hiện nay thì có rất nhiều loại rau mồng tơi được trồng. Tuy nhiên, có 03 loại giống rau mồng tơi được nhiều người trồng vì những đặc tính đặc trưng như sau:
– Rau mồng tơi tía: Chúng có tên khoa học là Basella rubra L. có thân tía, gân lá tía – mồng tơi tía, mồng tơi tím, mồng tơi đỏ), lá nhỏ thường được trồng theo giàn leo
– Rau mồng tơi lá to: Chúng có tên khoa học Basella alba L. có lá bản to màu xanh đậm, ít nhớt hơn so với các giống khác. Thân chủ yếu dạng đứng, ít bò
– Rau mồng tơi trắng: Chúng có đặc điểm khá giống với rau mồng tơi lá to. Nhưng đặc điểm khác biệt và dễ nhận diện là chúng có lá xanh nhạt, thân mảnh hơn, phiến lá nhỏ.
Điều Kiện Sinh Trưởng Của Rau Mồng Tơi
Thực vật nói chung hay rau mồng tơi nói riêng, chúng đều có những yêu cầu về điều kiện sinh trưởng bao gồm: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các thông số ngoại cảnh để chúng có thể sinh trưởng, phát triển một cách tốt nhất. Dưới đây là điều kiện sinh trưởng tối ưu nhất cho rau mồng tơi:
-
Nhiệt độ: Rau mồng tơi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và ôn đới. Điều kiện nhiệt độ lý tưởng nhất để rau mồng tơi sinh trưởng là từ 25 – 30 độ C.
-
Ánh sáng: Chúng là loại ưa bóng, không cần ánh sáng quá nhiều. Khi sinh trưởng trong điều kiện râm mát, ánh sáng vừa phải chúng phát triển nhanh hơn so với nơi nắng nóng. Theo khảo sát, nếu ánh sáng trên 8 tiếng/ngày có thể làm chúng sinh trưởng kém hơn.
-
Độ ẩm, độ pH đất: Độ ẩm tốt nhất là từ 85%, chúng yêu cầu đất trồng có độ acid nhẹ từ khoảng 5.5 – 6.5 là tốt nhất.
-
Mùa vụ: Nếu ở Miền Nam bạn có thể trồng rau mồng tơi quanh năm. Riêng đối với Miền Bắc, bạn có thể trồng vào Vụ Đông Xuân hoặc Vụ Hè Thu
Cách Trồng Rau Mồng Tơi Tại Nhà Đơn Giản – Dễ Làm
Để có những luống rau hay những khay rau mồng tơi xanh mơn mỡn, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn ngay dưới đây. Đây được xem là 05 bước đơn giản nhất để có thể trồng rau mồng tơi, cùng mình tìm hiểu ngay nhé!.
#Bước 1. Chuẩn Bị Nguyên Vật Liệu Cần Thiết
Ở bước này có 03 điều bạn cần lưu ý đó là. chọn vị trí trồng, hạt giống rau mồng tơi và chuẩn bị các dụng cụ trồng (khay trồng rau, thùng xốp,…) cần thiết. Cụ thể, bạn nên chuẩn bị các thứ cần thiết là:
-
Vị trí trồng: Đại đa số ở đô thị thì diện tích và không gian trồng thường không quá lớn, nên bạn lựa chọn nơi nào hợp lý và đủ không gian để có thể cho rau mồng tơi sinh trưởng tốt nhất là được. Thường sẽ là ban công, sân thượng hoặc hành lang,.. là tốt nhất.
-
Hạt giống (cây giống): Trồng rau mồng tơi có 02 cách đó là trồng rau mồng tơi bằng hạt và trồng rau mồng tơi bằng cành (trồng từ thân). Nếu trồng từ hạt giống thì tốt nhất bạn nên lựa chọn mua các chỗ bán hạt giống rau uy tín, chất lượng, nảy mầm cao nhé.
-
Dụng cụ trồng rau: Thông thường nhất thì người ta sẽ trồng rau mồng tơi trong thùng xốp, khay trồng rau thông minh,…. hoặc thậm chí có thể tận dụng các chậu trồng hoa nếu có đủ khoảng không thích hợp.
#Bước 2. Chuẩn Bị Đất Trồng, Giá Thể Trồng Rau Mồng Tơi
Để rau mùng tơi có thể phát triển mạnh nhất thì khi chọn đất trồng ta nên chọn đất không bị phèn và có độ pH thích hợp từ 5,5-6,5. Nên trộn đất trồng rau với xơ dừa và vỏ trấu, perlite để giúp đất trồng có thể thoát nước tốt nhất, tránh tình trạng độ ẩm quá cao sẽ làm úng rễ cây mùng tơi.
Hoặc bạn cũng có thể chọn đất hữu cơ đã qua xử lí như đất hữu cơ sfarm, đất tribat, đất sạch namix, đất sạch lavamix,.. với ưu điểm là đã phối trộn các cơ chất và dinh dưỡng cũng gần tương đối.
Xem thêm: Cách Trộn Đất Trồng Rau Tại Nhà Chuẩn Nhất
#Bước 3. Xử Lý Hạt Giống Và Cây Giống Rau Mồng Tơi
Như đã đề cập, rau mồng tơi được trồng bằng các cách như sau: Trồng từ hạt giống (gieo hạt) và trồng rau mồng tơi từ thân (cành). Mình sẽ hướng dẫn cơ bản 02 cách trồng rau mồng tơi cụ thể như sau:
-
Cách trồng rau mồng tơi bằng hạt: Sau khi chuẩn bị đất trồng và chọn hạt giống rau mồng tơi tốt nhất. Ta đem hạt ngâm trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 8 – 10 tiếng. Sau đó vớt ra và tiếp tục ủ trong khăn ấm đến khi nứt vanh thì đem đi gieo hạt. Đem hạt đi gieo ở phần đất đã được chuẩn bị, sau đó phủ một lớp đất cao khoảng 0,5 cm và tưới phun sương giữ ẩm tạo tiền đề cho hạt phát triển.
-
Trồng rau mồng tơi bằng thân (cành): bạn cũng có thể trồng bằng cách giâm bằng cành, chú ý chọn cành già không sâu bệnh có lá non hoặc mầm lá càng tốt. Cắt cành dài khoảng 15 – 20 cm, khoảng chừng 4 – 5 mắt cắt bỏ lá chỉ để lại thân. Xới đất tơi xốp và tạo hố cách nhau 15 cm, sau khi giâm cành vào các hố ta tiến hành tưới phun sương, tránh tưới nước trực tiếp vào gốc đã giâm.
#Bước 4. Chăm Sóc Rau Mồng Tơi Sau Khi Trồng
Sau khi gieo hạt từ 5 – 7 ngày thì chúng sẽ nẩy mầm và cây con sẽ mọc lên. Để tránh tình trạng cây quá dày và chen chúc nhau dẫn đến cây còi cọc bạn nên tỉa bớt cây con cho ra chậu khác với khoảng cách 15×15 cm để lá cây có thể phát triển toàn diện – đây là khoảng cách trồng rau mồng tơi được xem là tốt nhất. Các điểm cần lưu ý về cách chăm sóc rau mồng tơi phát triển tốt nhất:
-
Nước tưới: Tốt nhất là tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối tránh tưới vào lúc nắng gắt sẽ làm cây bị sốc nhiệt. Các bạn cũng nên chú ý vào thực trạng độ ẩm hiện tại của chậu rau mùng tơi để điều chỉnh lượng nước cần tưới cho phù hợp.
-
Bón phân, dinh dưỡng: Mặc dù rau mùng tơi không yêu cầu nhiều về phân bón. Nhưng để rau mùng tơi cho lá to và tươi xanh thì các bạn nên bổ sung phân bón NPK hoặc phân hữu cơ trước khi thu hoạch 10-15 ngày và sau mỗi lần thu hoạch.
-
Phòng trừ sâu bệnh hại: Khi cây mùng tơi phát triển tốt đồng thời nó cũng thu hút các loại sâu bệnh và ốc sên. Các bạn nên chú ý bắt ốc sên vào ban đêm và tỉa bớt lá vàng hoặc lá có sâu bệnh để tránh lây lan diện rộng. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học để diệt các loại sâu hại, côn trùng trên cây mồng tơi.
#Bước 5. Thu Hoạch Rau Mồng Tơi
Nhiều người hay thắc mắc, trồng rau mồng tơi bao lâu thu hoạch?. Câu trả lời là: thời gian thu hoạch của rau mồng tơi khoảng từ 30 – 32 ngày (khoảng 01 tháng), riêng đối với trồng bằng thân (cành) sẽ ngắn hơn. Cây mồng tơi sống trung bình sẽ từ 06 tháng cho đến 01 năm, thậm chí có giống mồng tơi sống từ 01 – 02 năm.
Khi thu hoạch, bạn nên lấy dao sắc cắt chừa gốc từ 5-10cm, chừa lại các mắt để rau tiếp tục phát triển. Sau khi thu hoạch tầm 3-4 đợt có thể nhổ gốc và trồng lại lứa mới vì lúc này cây mồng tơi cũng đã già cỗi. Nếu bạn làm giàn thì ngắt lá già và chừa lại đọt đợt đầu, vào các đợt sau có thể ngắt lá già và ngọn cách làm này giúp cây đẻ nhiều nhánh và mọc nhiều lá.
Trên đây mình đã chia sẻ cách trồng rau mùng tơi tại nhà đơn giản. Nếu bạn yêu thích bài viết này. Hãy đồng hành cùng Xanh Bất Tận để chúng tớ có động lực đem đến các bài viết chất lượng hơn để có tiếp nối đam mê trở thành các “Nông Dân Phố” chính hiệu bạn nhé. Chân thành cảm ơn bạn đã đọc bài viết, hãy chia sẻ bài viết này đến nhiều người đang có ý định trồng rau mồng tơi được biết nhé.
Tác Giả: Xanh Bất Tận