Cách Nuôi Ốc Nhồi Thương Phẩm Đúng Kỹ Thuật, Lãi Cao
Ốc nhồi là loại thực phẩm bổ dưỡng được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc hương trong bể dầu vừa mang lại lợi ích kinh tế cao, tiết kiệm thời gian, công sức nên đang trở thành mô hình mới được nhiều người lựa chọn.
Nuôi ốc nhồi trong bể bạt dễ chăm sóc, tiết kiệm chi phí và dễ dàng theo dõi quá trình phát triển của ốc. Điều cần chú ý là khi thả ốc vào bể không thả trực tiếp xuống nước mà đặt lên tấm xốp nổi, để ốc tự bò xuống nước, gần như hạn chế tỷ lệ hao hụt đến mức lớn nhất. Cùng Vy tham khảo cách nuôi ốc nhồi chi tiết phía dưới nhé.
Ốc Nhồi Là Gì? Đặc Điểm Sinh Học Của Ốc Nhồi
Ốc nhồi, được biết đến với nhiều tên gọi khác là ốc bươu đen, ốc mít Cônica hoặc ốc lác và có tên gọi khoa học là Pila conica. Chúng thuộc nhóm ốc nước ngọt, cùng với động vật thân mềm họ Ampullariidae.
Ốc nhồi được phân bố chủ yếu ở phía Nam của Trung Quốc, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, ốc nhồi tập trung sống tại những khu vực thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nam Bộ. Hơn nữa, người dân Nam Bộ còn phân biệt ốc nhồi thành 2 loại: là ốc nhồi có phần đuôi vỏ thẳng và ốc nhồi có phần đuôi nhọn.
Đặc điểm sinh học của ốc nhồi
Vỏ ốc nhồi hơi nhẵn và bóng, đối với ốc nhồi có kích thước lớn thường có lớp vỏ màu xanh đen, trong khi ốc nhồi có kích thước nhỏ thì màu xanh vàng. Ngoài ra, các rãnh sâu trên xoắn ốc xuất hiện những đường vòng màu nâu tím chạy song song.
Mỗi tầng ốc trông phồng với tổng số tầng xoắn dao động từ 5 – 5.5 vòng. Trong đó, tầng ốc cuối thường phình to còn tầng ốc trên thì nhỏ. Chình vì thế, nếu nhìn trực diện từ phần đuôi ốc thì chúng trông có dạng hình tròn.
Phần lỗ miệng hơi khum vô chút và rãnh miệng sắc kèm với lớp sứ bờ trụ mỏng. Nắp miệng ốc có tấm, nằm ở gần cạnh trong.
Trứng ốc nhồi màu gì?
Đến khoảng tháng 2 âm lịch, ốc nhồi bắt đầu ngoi lên mặt nước để tìm thức ăn. Sau đó, chúng sẽ đẻ trứng bắt đầu từ tháng 3 – 9 âm lịch hằng năm, trong khi những thời điểm khác thì ốc có xu hướng ngủ đông và không ăn gì.
Trứng ốc nhồi có màu vàng trắng hoặc có màu trắng hơi pha đen một chút, khác so với trứng ốc bươu vàng (thường có màu đỏ hoặc màu hồng).
Phân biệt ốc bươu vàng và ốc nhồi
Vì có hình dạng na ná nhau, nên rất nhiều người gặp phải khó khăn trong cách phân biệt giữa ốc bươu vàng và ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen). Do đó, bạn hãy thử dựa vào 3 đặc điểm sau đây để nhận biết nhanh chóng giữa hai loại ốc này:
Ốc bươu vàng
Ốc nhồi
Vỏ ốc
Dày, hơi xù xì và có đường vằn ngang.
Phần đít vỏ ốc không nhô cao.
Mỏng và có cảm giác nhẵn, bóng.
Phần đít vỏ ốc nhô cao ra ngoài.
Miệng ốc
Hơi loe ra một chút
Hơi khum vô
Thịt ốc
Phần dạ dày bên trong thịt ốc có màu cam (hoặc màu đỏ).
Dạ dày ốc không có màu, phần miệng ốc trắng ngà, cổ ngắn và thịt ốc cứng, dai.
Công dụng của ốc nhồi
Ốc nhồi là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn dân dã khác nhau: như ốc xào, bún ốc, canh ốc hay những món đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi hấp sả.
Trong 100g ốc nhồi có 77,6 g nước, 11,9g protid, 7,6g glucid, 0,7g lipid, cung cấp khoảng 86 Kcalo. Ngoài ra, ốc nhồi còn rất giàu muối khoáng, đặc biệt là canxi, photpho, các loại vitamin. Theo đông y, ốc nhồi vị ngọt, mặn, tính hàn, vào vị, đại tràng, bàng quang. Vỏ ốc cũng có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi thủy thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, bị phù nề, vàng da hoặc bị bệnh tiểu đường. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền.
Giá trị kinh tế của ốc nhồi
Giá bán ốc thương phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 80.000 – 120.000 đồng. Cũng tùy địa phương mà có mức giá khác nhau, tuy nhiên sự chênh lệch so với mức giá trung bình không nhiều. Mô hình nuôi ốc nhồi trong ao đất đã giúp nhiều bà con nông dân thu lại lợi nhuận cao từ việc bán ốc thương phẩm và kèm bán giống ốc nhồi.
Kỹ Thuật Nuôi Ốc Nhồi Thương Phẩm Giá Trị Cao
Chuẩn bị bể bạt nuôi ốc nhồi
Căn cứ theo nhu cầu, số lượng nuôi ốc nhồi trong bể bạt mà có thể làm các bể nuôi có diện tích phù hợp. Thông thường, bể có diện tích khoảng 5 – 30 m2/bể. Có thể là bể chìm hay bể nổi đều được, đặt ở nơi thoáng mát, có cây cối che càng tốt hoặc làm thêm mái che. Ở hình thức này, cần sử dụng bạt lót bằng nhựa HDPE. Đây là loại bạt chuyên dụng được sản xuất từ các nguyên liệu cao phân tử PE, có độ đàn hồi cực tốt, độ bền đến hàng chục năm.
Bể chìm: Độ sâu khoảng 1 – 1,5 m. Đáy bể hơi nghiêng một chút, gần nơi dễ cấp thoát nước. Làm phẳng đáy bể và các bờ, sau đó dùng bạt phủ kín tất cả bể và thành, dùng cọc cố định các góc sao cho phẳng.
Bể nổi: Cách này khá đơn giản, cần chuẩn bị các cọc dài 1,5 m trở lên. Có thể là cọc tre, gỗ hay thanh sắt đều được. Đóng các cột này vào vị trí làm thành bể, đóng cọc sao cho thừa ra 1 m tính từ mặt đất lên. Lấy bạt lót vào rồi cố định bạt cho chắc chắn.
Chọn ốc nhồi giống
Chọn giống là khâu rất quan trọng để đảm bảo ốc nhồi sinh trưởng và phát triển tốt. Ốc nhồi giống được chọn cần phải là những con khỏe mạnh, không bị sưng vòi và mòn đít, có chất lượng tốt. Phần vỏ ốc không được sứt mẻ, phần đỉnh vỏ ốc có màu tươi sáng. Kích thước ốc giống trong khoảng 0,4 – 0,6 g/con (ốc 2 tuần tuổi, cỡ hạt đậu xanh). Người nuôi ốc nhồi trong bể bạt cần vận chuyển ốc bằng phương pháp giữ ẩm, cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài, không nên bịt kín. Ốc giống chọn xong cần làm sạch rồi mới thả vào bể, tránh rong rêu bám ở vỏ ốc sẽ làm giảm ôxy ở trong nước và gây ra mùi khó chịu.
Thả nuôi ốc nhồi trong bể bạt
Con giống sau khi được vận chuyển về nên để 5 – 10 phút cho ốc ổn định và quen với môi trường mới. Thả giống vào lúc thời tiết mát hoặc phải che mát trước khi thả giống.
Mật độ thả thích hợp nhất khoảng 80 – 100 con/m2. Điều kiện để nuôi được ốc nhồi là nước ngọt không bị nhiễm mặn, nhiệt độ thích hợp nhất cho ốc nhồi phát triển là từ 21 – 30oC, pH từ 6,5 – 8.
Thức ăn nuôi ốc nhồi trong bể bạt
Ốc nhồi ăn các loại bèo, thực vật thân mềm, rau củ quả và các loại trái cây. Tuy ốc là loài ở bẩn nhưng ăn rất sạch, vì vậy thức ăn cho ốc cần rửa sạch, không nhiễm các loại thuốc sâu, các chất hóa học, nhiễm mặn, phèn.
Ốc rất thích ăn bèo cám, đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Do đó, nếu có điều kiện nên sử dụng thêm 1 ao để nuôi bèo cám cung cấp thức ăn cho ốc.
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm cho ốc các loại rau củ quả như rau muống, mướp, bầu, bí, rau khoai, lá sắn, lá chuối, lá đu đủ…
Cho ốc ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều tối, tới sáng thức ăn vừa hết là tốt nhất. Lượng thức ăn cho ăn trong ngày chiếm từ 5 – 7% trọng lượng ốc trong bể.
Chăm sóc, quản lý ốc nhồi trong bể bạt
Định kỳ 5 – 7 ngày thì thay nước một lần, thay khoảng 30 – 70% lượng nước bể. Khi thay nước xong tiến hành bổ sung vôi để sát trùng nguồn nước, ngăn ngừa ốc bị mòn vỏ. Không nên lạm dụng quá nhiều vôi vì sẽ làm tăng pH.
Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra và ổn định pH ở mức từ 6,5 trở lên. Khi trời mưa cần bón thêm vôi với liều lượng từ 3 – 5 kg/100 m2 để ổn định pH cho ao nuôi.
Đối với những cơn mưa đầu mùa. Lượng nước mưa sẽ mang theo axit, vì vậy, khi trời mưa xong cần tiến hành thay 20 – 50% nước. Thay bằng cách xả tràn. Quan sát bể nếu ốc có hiện tượng bò lên thành bể hoặc bèo thì tiến hành thay 80% lượng nước trong bể.
Trong quá trình nuôi nếu thấy ốc bò lên thành bể hoặc lên các cây thủy sinh nhô lên khỏi mặt nước thì tiến hành kiểm tra nguồn nước. Nguyên nhân có thể do mưa làm giảm pH nước hoặc nước nhiễm mặn, nhiễm phèn, thuốc hóa học, nước bẩn, ốc ăn phải thức ăn có độc tố. Nếu gặp trường hợp này cần tiến hành thay 80% lượng nước, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe của ốc để có biện pháp xử lý kịp thời. Nên hạn chế để nước mưa tiếp xúc trực tiếp lên ốc, làm ốc hao hụt nhiều.
Thu hoạch ốc nhồi trong bể bạt
Sau thời gian nuôi khoảng 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch được. Ngay từ tháng thứ 3 có thể lọc dần các con to để thu hoạch trước.
Có thể thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần, bắt những con lớn đạt trọng lượng trước, để lại những con bé nuôi tiếp. Đây là hình thức nuôi gối đàn thích hợp cho ốc phát triển và giảm lượng thức ăn không cần thiết.
Khi thu hoạch ốc, cần thu vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, lúc này ốc nổi lên trên đi tìm ăn nên rất dễ bắt. Người nuôi có thể bớt lại một lượng bố mẹ nhất định để nuôi ốc sinh sản cho vụ sau.
Kỹ thuật phòng và trị bệnh cho ốc nhồi
Ốc nhồi bị nhiễm ký sinh trùng:
– Dấu hiệu bệnh: Vỏ ốc bị ăn mòn thành các đường rảnh nhỏ như đường chỉ kim, ăn đục vào bên trong phần thân của ốc. Hoặc tình trạng nắp, miệng ốc bị ăn mòn làm mỏng mài ốc diễn ra ngay ở nắm miệng (nắp) của ốc.
– Nguyên nhân: Môi trường nước bị ô nhiễm hoặc chật chội, khiến cho ốc nhồi không có nhiều không gian để di chuyển, hoặc nguồn nước lâu ngày quá bị ô nhiễm, tình trạng ốc chỉ nằm 1 chỗ, ít hoặc không chịu di chuyển sẽ là cơ hội để các loại ký sinh trùng dễ dàng tất công và gây hại cho ốc.
– Phòng và trị bệnh: Định kỳ dùng vôi để khử trùng nước và ổn định PH ao nuôi với lượng 1- 2kg/100m2, 2lần/tháng.Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn để khử trùng ao nuôi như: Vicatô, BKC, vạn tiêu linh hoặc chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như TA – Gold, Zeofish…
Bệnh sưng vòi ở ốc nhồi
– Dấu hiệu bệnh: Đầu tiên là ốc nhồi ít di chuyển hơn so với bình thường, khả năng tiêu thụ thức ăn ít đi một cách nhanh chóng. Tiếp theo là ốc nổi trên mặt nước, ở giai đoạn này có thể quan sát thấy vòi của ốc bắt đầu bị thâm, sưng (dễ quan sát nhất là chiều tối và sáng sớm). Tiếp đến ốc khép miệng lại nổi trên mặt nước và có dấu hiệu mất thăng bằng, nằm nghiêng trên mặt nước. Khi vớt ốc lên có mùi hôi, mài của ốc có dấu hiệu không bám sát miệng ốc.
– Nguyên nhân: của căn bệnh này xuất phát từ môi trường bị ô nhiễm ở phạm vi diện rộng trong môi trường sống của ốc khiến ốc không thể di chuyển, hay tìm những nơi có môi trường sống phù hợp để né tránh.
– Phòng và trị bệnh: Thay toàn bộ nước và nên cách ly, vớt hết những con ốc nhồi đang bị bệnh để cách ly với những con ốc nhồi khỏe mạnh. Định kỳ dùng vôi để khử trùng nước và ổn định PH ao nuôi với lượng 1- 2kg/100m2, 2lần/tháng.Sử dụng các loại thuốc sát khuẩn để khử trùng ao nuôi như: Vicatô, BKC, vạn tiêu linh hoặc chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như TA – Gold, Zeofish…
Giá ốc nhồi bao nhiêu?
Đối với ốc nhồi dùng để ăn, không quá khó để bạn có thể tìm mua ốc nhồi (ốc bươu đen) tại chợ, các cửa hàng thủy hải sản hoặc siêu thị (thường bán dưới dạng ốc bươu đã làm sạch đóng gói hoặc đông lạnh).
Cập nhật giá vào tháng 11/2021, giá ốc nhồi khoảng 80.000VND/kg (đối với ốc nhồi còn nguyên vỏ) và từ 110.000 – 130.000VND/kg (đối với ốc nhồi đã làm sạch, không có vỏ). Trong khi với ốc nhồi giống thì dao động từ 250.000 – 300.000VND/kg tùy theo chuẩn giống.
Nuôi ốc nhồi liệu có dễ “hốt bạc”?
Theo anh Sỹ, nếu ốc nhồi được nuôi đúng kỹ thuật thì tầm 3 – 4 tháng là được thu hoạch, còn nếu thiếu chất dinh dưỡng hay không đủ oxy, ốc sẽ rất lâu lớn, thậm chí 6 – 7 tháng vẫn chưa được thu. Giá ốc nhồi ở miền Nam và miền Trung không được cao như miền Bắc, hiện tại chỉ khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Nuôi ít thì không có lời, mà nuôi mật độ lớn thì rủi ro cao, tỉ lệ số người thành công rất ít.
Ốc nhồi không hề dễ nuôi, nhưng cũng không phải quá khó để cho thu nhập tốt. Ảnh: TL.
“Bỏ qua chi phí cải tạo ao nuôi, chi phí lắp đặt hệ thống béc chuyên tưới và sụt khí venture hết khoảng 10 triệu đồng, chi phí đầu tư mua 30 vạn con ốc giống gần 75 triệu đồng. Chi phí tiền men vi sinh và thuốc kháng sinh khoảng từ 5 – 7 triệu đồng/vụ.
Ngoài ra, do Đăk Lăk chủ yếu là vôi đá, không có loại vôi dolomit và super canxi dành cho thủy sản như những vùng miền Tây nên chi phí mua vôi dùng cho ốc tại đây rất khan hiếm và đắt đỏ. Với diện tích 600m2, một tháng vào mùa mưa tôi phải tốn khoảng 10 bao vôi loại 25kg, chi phí 80.000 đồng/bao, tính ra giá đắt gấp 10 lần mua sỉ ở miền Tây. 30 vạn ốc giống nếu nuôi đúng kỹ thuật, sau 4 tháng sẽ cho ra năng suất đạt từ 4 – 5 tấn ốc” anh Sỹ cho biết.
Như vậy, nếu như bỏ qua các chi phí cải tạo ao nuôi, hệ thống thiết bị thì chi phí đầu tư cho một vụ ốc sẽ hết khoảng 86 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, sau 4 tháng sẽ bán được khoảng 150 – 200 triệu đồng, thu lời từ 64 – 114 triệu đồng. Có thể thấy, nuôi ốc nhồi không hề dễ như nhiều người nghĩ, nhưng cũng không phải là quá khó để kiếm lời. Hãy trang bị cho bản thân thật đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trước khi tham gia đầu tư để thành công.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc nhồi đơn giản, hi vọng sẽ giúp bà con nuôi ốc hương thương phẩm thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.