Cách Làm Sữa Chua Cơ Bản Và Tất Cả Những Điều Bạn Cần Biết

Sữa chua là loại thực phẩm vô cùng thân thuộc vì những lợi ích đáng tự hào của nó. Cùng áp dụng thử công thức cách làm sữa chua vô cùng đơn giản và ngon miệng cùng team Thật Là Ngon nhé.

Các cụ ta thường có câu “Nhất dáng, nhì da”. Quả thật đối với con gái có được làn da đẹp là niềm mong ước. Các chị em luôn luôn tìm những công thức bổ dưỡng cho làn da và tốt cho sức khỏe của mình. Thứ nguyên liệu không thể thiếu trong các công thức làm đẹp của chị em từ trong ra ngoài đó là sữa chua.

Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của sữa chua vì nó là một loại thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe. Mọi người, đặc biệt là các chị em phụ nữ có thể ăn nó hàng ngày để tăng cường sức khỏe và sở hữu một làn da đáng mơ ước. Ngoài bổ sung bằng cách ăn uống thì mọi người còn chế ra vô vàn công thức làm đẹp từ sữa chua.

Ngoài bánh flan (caramen), sữa chua là một thành phần không thể thiếu trong menu của các quán cafe, giải khát. Nhưng với phương châm của người Việt Nam là “không ở đâu tốt bằng nhà làm” nên công thức để làm ra được một hũ sữa chua vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe được các chị em vô cùng chú ý.

Vậy tại sao chị em không giữ ngay cho mình một công thức cách làm sữa chua vô cùng đơn giản lại ngon miệng nhỉ?

Ngoài công thức cách làm sữa chua, mình cũng chia sẻ thêm nhiều điều thú vị về sữa chua cũng như những lưu ý để các bạn làm mẻ sữa chua nào cũng thành công ở cuối bài viết. Các bạn đừng quên tham khảo thêm nhé!

Xem công thức dưới định dạng Web Stories 👉 “Sữa Chua”.

Sua Chua Up Nguoc

  • Save

In Công Thức

5

from

9

votes

Cách Làm Sữa Chua

Sữa chua là loại thực phẩm vô cùng thân thuộc vì những lợi ích đáng tự hào của nó. Cùng áp dụng thử công thức nấu sữa chua vô cùng đơn giản lại ngon miệng cùng team Thật Là Ngon nhé.

Chuẩn bị

10

phút

Nấu

40

phút

Thời gian ủ

12

giờ

Tổng thời gian

12

giờ

50

phút

Khẩu phần:

6

người

Calories:

105

kcal

Nguyên Liệu

  • 60

    g

    đường trắng

  • ½

    hộp (190 g)

    sữa đặc

  • 1

    hộp

    sữa chua Vinamilk

    không đường

  • 2

    bịch

    sữa tươi Vinamilk

    không đường

  • 600

    ml

    nước

Dụng Cụ

  • Hũ đựng sữa chua

Hướng dẫn

Bước 1: Chuẩn bị làm sữa chua

  • Đầu tiên, bạn để hộp sữa chua cái ra ngoài nhiệt độ thường khoảng 1 giờ trước khi tiến hành làm sữa chua.

  • Sau đó, bạn mang hũ đựng sữa chua, dụng cụ làm đi tiệt trùng trong nước sôi khoảng 1 phút và để tự khô.

Bước 2: Pha chế sữa

  • Tiếp theo, bạn đổ một nửa lon sữa ông thọ vào một tô lớn. Sau đó, thêm 600 ml nước sôi vào tô. Rồi bạn đổ tiếp 60 g đường và 2 bịch sữa tươi vào và khuấy đều cho tất cả hòa tan vào nhau.

  • Sau khi đã hòa tan bạn cho hỗn hợp vào nồi và bật bếp đun ở lửa nhỏ. Đợi đến khi sữa sôi lăn tăn thì bắc xuống.

  • Bạn bắc sữa xuống để sữa nguội còn khoảng 35 đến 40°C là thích hợp cho quá trình lên men của sữa.

  • Khi sữa nguôi có một lớp váng sữa nổi lên bề mặt sữa, bạn dùng muôi vớt bỏ lớp váng đó đi.

Bước 3: Trộn men cái

  • Sau khi sữa nguội, bạn đổ hộp sữa chua cái vào tô và khuấy nhẹ theo một chiều để sữa chua cái tan đều trong sữa.

  • Khi hoàn thành, bạn đổ dung dịch sữa chua vào từng hũ đựng sữa chua và đậy nắp lại chờ đem đi ủ.

Bước 4: Ủ sữa chua

  • Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình làm sữa chua. Bạn phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp trong suốt quá trình ủ sữa chua. Nhiệt độ thích hợp nhất để ủ sữa chua là từ 40 đến 50°C.

  • Ban đầu bạn pha 700 ml nước sôi và 300 ml nước nguội để được hỗn hợp nước ủ sữa chua lần đầu. Sau đó cứ 4 tiếng bạn lại thêm nước sôi một lần để đảm bảo nhiệt độ khoảng 40°C trong suốt quá trình ủ.

Bước 5: Hoàn thành

  • Ủ sữa chua trong vòng 12 tiếng là hoàn thành. Bạn lấy sữa chua ra và kiểm tra xem sữa chua đã lên men đúng chuẩn rồi xếp sữa chua vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

Nutrition

Calories:

105

kcal

Bạn thử chưa?

Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!

Cách làm sữa chua chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị

Đầu tiên, các bạn cần làm là lấy hộp sữa chua Vinamilk để làm cái. Hiện nay có rất nhiều loại sữa chua trên thị trường nhưng chỉ có sữa chua Vinamilk là đem lại kết quả tốt nhất. Hơn nữa, sữa chua dùng để làm cái cần để ra ngoài nhiệt độ phòng khoảng 1 giờ trước khi tiến hành bước tiếp theo trong cách làm sữa chua.

Tiếp theo, các bạn cần tiệt trùng hũ đựng sữa chua, dụng cụ làm sữa chua với nước sôi trong khoảng 1 phút. Nếu không tiệt trùng sạch sẽ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lên men của sữa chua.

Bước 1: Chuẩn bị

  • Save

Không nên sử dụng khăn lau dụng cụ sau khi đã tiệt trùng vì không đảm bảo chiếc khăn của bạn có sạch sẽ hay không. Cách tốt nhất là để chúng tự khô sau khi tiệt trùng. Nếu dụng cụ đựng sữa chua của bạn không phải là nhựa thì có thể cho vào lò nướng sấy khô ở 100-120 °C.

Bước 2: Pha chế

Bạn sử dụng một nửa lon sữa đặc đã chuẩn bị và đổ vào một âu lớn. Lượng sữa đặc này đủ độ ngọt cho lượng sữa chua cần làm cho bốn người ăn. Tiếp đó, bạn đổ 600 ml nước sôi vào âu sữa đặc để hòa tan hoàn toàn sữa đặc.

Sau đó, bạn thêm 60 g đường và 2 bịch sữa tươi vào và khuấy đều hỗn hợp cho đến khi mọi thứ hòa tan vào nhau.

Bước 2: Pha chế

  • Save

Sau khi đã khuấy đều, bạn đổ hỗn hợp vào nồi và bật bếp đun trong lửa nhỏ. Bước này giúp bạn tiệt trùng sữa và sắp xếp lại protein có trong sữa để quá trình lên men của sữa diễn ra thuận lợi hơn.

Bạn đun đến khi sữa sôi lăn tăn thì tắt bếp và đổ ra âu lớn. Không nên để sữa sôi quá to vì làm như vậy sẽ làm sữa mất chất.

công thức sữa chua 3

  • Save

Sau đó, bạn để sữa nguội trong khoảng 30 phút. Khi sữa đã nguội còn khoảng 35-40 °C là khoảng nhiệt độ thích hợp nhất để ủ sữa chua. Lưu ý nên sử dụng nhiệt kế để có được nhiệt độ chính xác nhất.

Sau khi sữa nguội sẽ có một lớp váng sữa nổi lên trên bề mặt sữa, bạn lấy thìa vớt lớp váng sữa này và bỏ đi.

Cách Làm Sữa Chua

  • Save

Bước 3: Trộn men cái

Đây là bước quan trọng trong quá trình làm sữa chua. Bạn phải đợi để sữa đúng ở nhiệt độ thích hợp như đã nói ở trên thì quá trình lên men của sữa mới diễn ra thuận lợi. Nếu bạn để sữa quá nóng khi pha men cái vào sẽ làm vi khuẩn men chết hết và sữa chua sẽ không đông được.

Bước 3: Trộn men cái

  • Save

Khi đã đảm bảo nhiệt độ sữa thích hợp bạn đổ nhẹ nhàng sữa chua cái vào và khuấy đều theo một chiều. Lưu ý không được khuấy quá mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến sữa chua.

Bước 4: Ủ

Sau khi khuấy đều để men cái tan hoàn toàn vào sữa thì bạn nhẹ nhàng đổ dung dịch sữa vào những hũ đựng thủy tinh đã được tiệt trùng và đậy nắp lại.

Bước 4: Ủ

  • Save

Ủ là bước cuối cùng trong khi làm sữa chua. Đây là hành động tạo ra và duy trì một môi trường có nhiệt độ thích hợp để vi sinh vật có lợi (men sữa chua) hoạt động. Cách ủ cũng có ảnh hưởng lớn tới hương vị và độ sánh đặc của sữa, bên cạnh loại sữa và lượng men.

Vì vậy ủ sữa chua là bước khó nhất cũng là bước quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sữa chua của bạn.

Nếu ủ ở nhiệt độ quá cao vi khuẩn men sẽ không hoạt động được và sữa chua sẽ không đông. Còn nếu ủ ở nhiệt độ thấp sẽ làm vi khuẩn men hoạt động yếu dẫn đến sữa chua bị nhớt.

Về nguyên tắc, men sữa chua có thể hoạt động trong ngưỡng từ 20-48 độ C. Nhiệt độ lý tưởng nhất để ủ sữa chua là từ 35 đến 42 độ C.  Ngoài ra,

  • Nhiệt độ càng thấp (20-30 độ C), thời gian ủ càng dài, có thể lên tới 24 tiếng. Sữa vẫn có vị chua nhưng khá lỏng, thường hơi “nhớt”.
  • Nhiệt độ càng cao (38-48 độ C), thời gian ủ càng ngắn, có thể chỉ 4-6 tiếng. Sữa chua nhanh, sánh đặc. Sữa chua úp ngược kiểu Việt Nam cần được ủ ở nhiệt khoảng 30-40 độ C.

Tuy nhiên khó ở chỗ là bạn làm sao đảm bảo được mức nhiệt độ này trong suốt quá trình lên men sữa chua.

Hiện nay có rất nhiều cách ủ sữa chua và các loại máy làm sữa chua giúp quá trình ủ này đơn giản và dễ dàng hơn. Bạn có thể tham khảo ở phần cuối bài viết để tìm ra cách ủ sữa chua thích hợp nhất với điệu kiện nhà mình nhé.

Sua Chua Tln10

  • Save

Bạn ủ sữa chua từ 8-12 tiếng tùy điều kiện môi trường và cách thức ủ sữa chua. Nếu muốn vị sữa chua nhiều hơn có thể ủ đến 15-18 tiếng ở nhiệt độ khoảng 30°C

Bạn cần đặc biệt chú ý sữa chua cần được “yên vị” trong quá trình ủ. Khi sữa dần đặc lại, nếu bị rung lắc mạnh, nó có thể bị “tách nước”, long chân, vữa. Nhấc ra nhấc vào nhẹ nhàng thì không sao.

Bước 5: Cách Làm Sữa Chua – Hoàn thành

Sữa chua có mùi thơm dịu và ngọt nhẹ. Điểm quan trọng nhất là sữa chua phải đông và có bề mặt bóng mịn, không bị chảy nước. Khi bạn dùng thìa múc vào hũ sẽ thấy bề mặt  mịn và không bị nhớt. Đó là một mẻ sữa chua thành công!

Bạn để sữa chua vào ngăn mát tủ lạnh và dung dần trong vòng 7-10 ngày.

Sua Chua Thanh Pham Tln 13

  • Save

Những lợi ích mà sữa chua mang lại

Tất cả mọi người đều biết sữa chua vô cùng tốt cho sức khỏe con người vì hàm lượng vitamin có trong nó. Bạn còn biết là sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa vì có các lợi khuẩn. Còn gì nữa nào, cùng mình tìm hiểu thêm các tác dụng của sữa chua nhé.

Sữa chua có chứa nhiều protein, canxi, vitamin và men vi sinh, có thể tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột giúp khắc phục chứng đầy hơi, tiêu chảy. Những thành phần này của sữa chua cũng giúp xương và răng chắc khỏe.

Các thành phần trong sữa chua cũng giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch. Một nghiên cứu năm 2018 của nhóm các nhà nghiên cứu khoa học trường đại học Kangawa, Nhật bản đã chứng minh tiêu thụ sữa chua hằng ngày sẽ giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 .

Một tác dụng tuyệt vời của sữa chua là giảm cân và làm đẹp. Sữa chua ít béo lại có nguồn protein cao rất hữu ích trong chế độ ăn kiêng. Các dưỡng chất trong sữa chua cũng giúp chị em có làn da sang bóng, mịn màng hơn.

công thức sữa chua thật là ngon

  • Save

Những cách sử dụng sữa chua

Sữa chua là một loại thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Theo khuyến nghị của bác sĩ, mỗi người nên ăn một hũ mỗi ngày. Nhưng không phải chỉ dùng để ăn trực tiếp, chúng ta còn có thể sử dụng sữa chua cho nhiều mục đích khác.

Tạo nên thức uống ngon miệng

Đầu tiên phải kể đến là các món đồ uống, giải khát có thành phần chính là sữa chua. Đơn giản nhất là sữa chua đá. Bạn chỉ cần để hộp sữa chua lên ngăn đá cho đông cứng lại là đã có món sữa chua đá ăn mát lạnh và bổ dưỡng hơn kem 🍧.

Các bạn còn nhớ những túi sữa chua đá mua ở cổng trường học thủa nào không?

Cách Làm Sữa Chua

  • Save

Cầu kỳ hơn là các món sữa chua trộn. Ban có thể thỏa sức lựa chọn các thành phần khác để trộn cùng sữa chua. Nào là nếp cẩm, trân châu, thạch đen, thạch dừa,… hay bất kỳ một loại hoa quả nào. Khi bạn ăn sữa chua với hoa quả tươi sẽ tốt và ngon hơn rất nhiều các loại sữa chua có hương vị hoa quả bán trong siêu thị.

Là một nguyên liệu trong làm bánh

Tiếp theo, sữa chua có thể sử dụng như một nguyên liệu trong làm bánh. Trong các công thức làm bánh ngọt, sữa chua là một thành phần giúp bánh mềm, tạo một vị gắt, chua nhẹ đặc biệt cho món bánh. Tính axit của sữa chua sẽ giúp kích hoạt muối nở (baking soda) làm cho món bánh trở nên mịn và nhẹ.

Ban có biết sữa chua có thể dùng để thay thế các sản phẩm từ sữa, chất béo, thậm chí cả trứng trong các công thức làm bánh?

Bạn có thể thay thế sữa chua cho bất kỳ sản phẩm từ sữa trong công thức bánh. Sữa, buttermilk, cream, sour cream và creme fraiche đều có thể được thay thế bằng sữa chua với tỷ lệ bằng nhau. Ví dụ: nếu công thức dùng 1 cup sữa, bạn hãy thay bằng 1 cup sữa chua.

Cách Làm Sữa Chua

  • Save

Bạn muốn giảm lượng chất béo trong công thức bánh ngọt?

Hãy thử giảm lượng dầu hoặc shortening trong công thức của bạn và thay thế bằng sữa chua. Bạn có thể thay thế 1/2 lượng dầu bằng 3/4 lượng sữa chua. Ví dụ, nếu công thức của bạn cần 1 cup oil, hãy thử thay 1/2 cup dầu bằng 3/4 cup sữa chua.

Bạn có thể thay mỗi một nửa lượng bơ trong công thức bằng một lượng sữa chua có khối lượng bằng nửa của phần bơ muốn thay thế. Ví dụ, nếu công thức yêu cầu 100 g bơ, ban có thể thay thế bằng 50 g bơ và 25 g sữa chua.

Nếu công thức làm bánh có trứng nhưng bạn đang hết trứng hoặc là người không ăn trứng, bạn có thể thay 1 quả trứng bằng 60 g (1/4 cup) sữa chua. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể thay thế như vậy và thành phẩm có thể sẽ có kết cấu hơi khác so với nguyên bản.

Ngoài ra, sữa chua còn được sử dụng để thay thế cho bột nở (baking powder). Làm gì khi công thức cần bột nở nhưng bạn lại chỉ có muối nở (baking soda) trong tay?

Nhiều người mách bạn chỉ cần thay 1 lượng bột nở bằng 1/4 lượng muối nở. Nhưng tin mình đi, cùng với sự thay thế đó thì hãy thay thêm 1/2 cup bất kỳ chất lỏng nào trong công thức bằng 1/2 cup sữa chua thì sẽ cho một thành phẩm tuyệt vời hơn cả mong đợi. Ví dụ: nếu công thức gọi cho 2 tsp bột nở và 1 cup sữa, bạn hãy sử dụng 1/2 tsp muối nở, 1/2 cup sữa chua và 1/2 cup sữa.

Một loại gia vị trong nấu ăn

Sữa chua cũng có thể dùng để thay thế sour cream, cream cheese, mayonnaise hay crème fraîche trong nấu ăn. Sốt salad làm từ sữa chua rất ngon, có độ kem ngậy nhất định mà lại không hề béo các bạn ạ. Bạn chỉ cần cho sữa chua trộn đều cùng với một ít dầu olive, dấm, mật ong hoặc đường, và một chút muối. Bạn có thể cho thêm chút hành tây, rau mùi băm nhỏ để thêm hương vị cho sốt.

Cách Làm Sữa Chua

  • Save

Bạn có thể dùng sữa chua để làm đẹp!

Như mình đã đề cập ở trên, sữa chua có chứa nhiều vitamin C, vitamin nhóm B, các khoáng chất như canxi, kẽm, axit lactic,.. Đó là những thành phần có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, giúp phục hồi tế bào da bị mụn, vết thâm, giúp dưỡng da trắng mịn, hồng hào và se khít lỗ chân lông hiệu quả.

Bạn có thể sử dụng sữa chua để rửa mặt. Rửa mặt bằng sữa chua giúp bạn loại bỏ các tế bào da chết, bã nhờn và bụi bẩn bám trên bề mặt da. Bạn thực hiện bằng các lấy 3 thìa canh sữa chua không đường, thoa đều lên da mặt. Bạn mát-xa nhẹ nhàng, để yên trong khoảng 5 phút rồi rửa mặt lại nước ấm hoặc mát. Bạn nhỡ dùng nước hoa hồng và bôi kem dưỡng ẩm ngay sau đó nhé!

Bạn cũng có thể dùng sữa chua để làm mặt nạ. Nếu như khi chúng ta ăn sữa chua, cơ thể sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong sữa chua sau khi đã được chuyển hóa trong bộ máy tiêu hóa. Khi khi đắp mặt nạ bằng sữa chua thì những vitamin, chất khoáng sẽ thẩm thấu trực tiếp vào làn da bạn giúp da bạn “hồi sinh”, chống lại sự lão hóa.

Cach lam trang da bang sua chua nguyen chat

  • Save

Bạn có thể dùng sữa chua không đường trực tiếp thoa đều lên mặt để làm mặt nạ. Bạn cũng có thêm các thành phần khác để giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng cho da hơn. Tuy nhiên bạn hãy chú ý xem mình thuộc loại da nhờn hay khô để sử dụng các nguyên liệu khác cho mặt nạ sữa chua một cách hợp lý.

Những bạn có làn da nhờn nên lựa chọn những nguyên liệu có tính axit hoặc dạng bột để loại bỏ bã nhờn dư thừa tốt hơn, ví dụ như: chanh, cam, bột nghệ, bột mì, lòng trắng trứng, dâu tây, chuối.

Còn đối với những làn da khô, những nguyên liệu có nhiều nước, chất béo và ít axit như quả bơ 🥑, dầu dừa, dầu ô liu, nha đam, khoai tây 🥔,… sẽ giúp giữ ẩm cho da hiệu quả.

Các ban nên nhớ khi dùng sữa chua để làm đẹp thì luôn luôn dùng sữa chua không đường. Và sữa chua tự làm thì đặc biệt tốt. Tai sao?

Vì khác với sữa chua làm tại nhà, sữa chua đóng hộp thường có thêm các phụ gia khác để bảo quản hay tăng độ dẻo cho sữa chua. Bạn không muốn làn da của mình “ăn” trực tiếp những hóa chất này phải không nào!

Sữa chua thật là “vi diệu” các bạn nhỉ!

Hiểu rõ hơn về nguyên liệu trong công thức sữa chua

Sữa chua tốt và đa năng như vậy thì chắc chắn là bạn nên sử dụng sửa chua hàng ngày rồi. Và đồ “handmade” thì luôn làm chúng mình thấy ngon và tự hào hơn mỗi khi thưởng thức phải không nào?

Vì vậy, chúng mình nên hiểu thêm về các nguyên liệu trong công thức sữa chua để làm sữa chua trăm lần thì thành công cả trăm. Việc nắm rõ các nguyên liệu cũng giúp bạn có thể thử nghiệm thêm và tạo ra những công thức sữa chua cho riêng mình

Về bản chất, sữa chua là sản phẩm lên men từ sữa. nên để làm ra sữa chua chỉ cần 2 thành phần: sữa và men (lợi khuẩn). Bạn có thể làm thử sữa chua chỉ với hai thành phần như công thức trong bài này.

Tuy nhiên, để phục vụ cho nhu cầu ăn uống đa dạng của con người, cách làm sữa chua ngon có thể yêu cầu các nguyên liệu sau:

  • Sữa: sữa động vật (thường là bò, dê) hoặc sữa thực vật (dừa, đậu nành, sữa hạt, sữa gạo,…), sữa đặc, sữa bột.
  • Men: men cái từ hũ sữa chua khác hoặc men khô công nghiệp.
  • Chất tạo ngọt: đường, sữa đặc, mật ong, syrup,…
  • Chất ổn định: gelatin, pectin, agar, bột năng,…
  • Hương liệu: tinh dầu hương liệu chiết xuất hoặc nhân tạo, mứt hoa quả…
  • Nước

Sữa

Sữa là nguyên liệu quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến hương vị của món sữa chua. Những yếu tố trong sữa động vật tác động tới độ đặc của sữa chua là: lượng đường lactose, hàm lượng protein, hàm lượng béo.

Cach Lam Sua Chua 6024img 5ffdffc97ac30

  • Save

Sữa ít béo, ít đạm, sữa kiêng lactose, sữa thực vật sẽ cho ra loại sữa chua lỏng hơn sữa động vật nguyên kem. Đặc biệt, sữa chua thực vật thường cần bổ sung thêm chất ổn định để đạt được kết cấu sánh đặc như ý.

Nếu dùng sữa thanh trùng, bạn nên đun sữa trước khi làm sữa chua. Bước này thực tế là không bắt buộc nhưng nên làm để sữa chua được đặc hơn. Nếu dùng sữa tươi vừa vắt thì cần có quy trình xử lý riêng.

Nhiều công thức pha sữa với nước lọc giúp giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, sữa đặc, sữa bột, sữa công thức cũng có thể được sử dụng làm sữa chua kết hợp hoặc thay thế hoàn toàn sữa tươi. Trong trường hợp thay toàn bộ sữa tươi thì bắt buộc phải sử dụng chất lỏng là nước để pha sữa..

Men

Bạn có nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể dùng hũ sữa chua mua tại cửa hàng làm men cái. Sữa chua trắng không đường là tốt nhất. Ít đường hay có đường cũng được nhưng bạn tuyệt đối không dùng sữa chua có hương vị để làm sữa chua cái nhé.

Sau đó, bạn dùng chính hũ sữa chua mới ủ làm men cho mẻ tiếp theo. Nếu dùng sữa tự ủ làm men cái, bạn nên dùng trong vòng 5 ngày (còn chỉ ăn thì để được khoảng 10 ngày).

Tuy nhiên, không phải men nào cũng có thể dùng làm men cái mãi mãi. Sẽ có loại men khi bạn dùng đến lần thứ 3-4 liên tiếp là mất hiệu quả. Hiện tượng này là bình thường.

Men Lam Sua Chua

  • Save

Men dùng được ít lần hay vĩnh viễn sẽ được ghi chú kĩ nếu bạn mua men khô công nghiệp. Men khô công nghiệp cũng sẽ có nhiều lựa chọn thích hợp hơn với người làm sữa chua thực vật hoặc sữa chua kiêng lactose.

Tỉ lệ men có ảnh hưởng tới độ đông đặc của sữa, Dùng nhiều men thì sẽ cho sữa đông nhiều hơn nhưng cho quá nhiều men thi lại có khả năng sữa đông kém.

Nếu sử dụng sữa chua mua sẵn hay sữa chua handmade để làm men cái thì bạn dùng lượng men trong khỏng 4-10% tổng lượng sữa và chất lỏng. Còn nếu mua gói men công nghiệp thì bạn nên theo đúng công thức hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi tự thí nghiệm nha.

Chất tạo ngọt

Chất tạo ngọt có cho vào sữa hay không thường không ảnh hưởng lớn tới khả năng đông đặc của sữa. Tuy nhiên, một chút đường sẽ giúp các men sinh trưởng nhanh và “khỏe” hơn.

Đường có thẻ đến từ nhiều nguồn như đường kính, mật ong, syrup lá phong, syrup ngô, đường cỏ ngọt (stevia),… Bạn có thể tùy ý lựa chọn.

Công thức sữa chua Việt Nam thường cho sữa đặc để lấy vị ngọt và mùi thơm ngậy cho sữa. Bạn có thể bỏ qua toàn bộ sữa đặc trong công thức, thay bằng lượng sữa tươi tương đương, và thêm đường (nếu muốn ăn ngọt).

Độ ngọt của hỗn hợp thường giảm bớt sau thời gian ủ nên nếu thích ăn ngọt nhiều bạn cũng nên pha hỗn hợp sữa hơi ngọt hơn khẩu vị một chút.

Chất ổn định

Chất ổn định giúp sữa chua đạt được kết cấu sánh đặc như ý. Sữa chua công nghiệp sẽ có chất ổn định. Đó đều là các phụ gia an toàn. Khi làm sữa chua tại nhà bạn có thể hoàn toàn bỏ qua.

Hương liệu

Các hương liệu như tinh dầu vani, hưong cam, chuối,… bạn có thể cho vào trước khi ủ sữa. Còn mứt hoa quả bạn nên cho sau khi sữa đã ủ thành sữa chua để tránh làm ảnh hưởng tới khả năng đông đặc của sữa.

Làm sữa chua toàn bị hỏng?

Hiểu được nguyên liệu rồi thì các bạn cũng cần chú ý một số lỗi thường mắc khi làm sữa chua để né chúng ngay trước khi bắt tay vào làm. Dù là bạn làm sữa chua ăn hay sữa chua uống đều cần lưu ý nhé!

Chất lượng men cái không tốt

Khi mua sữa chua cái, bạn phải chọn những hộp có hạn sử dụng càng mới càng tốt. Việc sử dụng sữa chua cận date cũng là nguyên nhân khiến mẻ sữa chua của bạn hỏng do men lúc này đã không còn đủ mạnh để giúp sữa lên men.

Các sữa chua có quá nhiều phụ gia cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa chua, sữa chua có thể bị lợn cợn, không mịn.

Sua Chua Tln9

  • Save

Cho sữa chua cái vào khi sữa còn quá nóng

Sau khi đun sữa trên bếp, bạn cần phải để cho sữa nguội bớt về khoảng 35-48 °C. Nếu nhiệt độ cao hơn, men sẽ chết ngay. Và như vậy, mẻ sữa chua của bạn sẽ hỏng hoàn toàn.

Nhưng làm sao để biết sữa ở nhiệt độ 35-48°C?

Chuẩn nhất là bạn có nhiệt kế đo đồ ăn, nhưng đâu phải ai cũng có sẵn. Để kiểm tra sữa đủ nguội về nhiệt độ này thì bạn áp tay vào bát/ nồi đựng sữa và thấy hơi ấm ấm là được. Nếu mà nó còn nóng tới mức bạn phải rụt tay lại thì chắc chắn không được cho sữa chua cái vào.

Sử dụng sữa chua cái khi còn lạnh

Trước khi cho sữa chua cái vào sữa, bạn phải để nó về nhiệt độ phòng và khuấy cho sữa chua trở thành một hỗn hợp đồng nhất.

Nguyên nhân là nếu bạn dùng khi còn lạnh, cho vào sữa còn ấm sẽ làm những lợi khuẩn trong sữa chua bị thay đổi môi trường một cách đột ngột, khả năng sống và hoạt động sẽ kém đi.

Đồng thời, khi dùng sữa chua cái còn lạnh sẽ dễ bị vón cục và lắng xuống dưới, gây nên hiện tượng sữa chua bị nhớt ở đáy cốc.

cách làm sữa chua không bị nhớt

  • Save

Chưa kể khi bị vón cục bạn sẽ khuấy nhiều hơn. Việc khuấy nhiều cũng làm cho men hoạt động yếu đi và ảnh hưởng đến quá trình lên men sữa chua. Cách tốt nhất là bạn khuấy hoặc lắc nhẹ 1 hay 2 lần là được.

Ủ sữa chua không đúng cách

Bạn cần đảm bảo nhiệt độ ủ từ 32-48 °C. Nhiệt độ cao hơn men sẽ chết. Còn dưới nhiệt độ đó thì men hầu như không hoạt động, sữa không thể lên men nên không thể đông lại.

Tránh di chuyển hoặc lắc mạnh sữa chua khi đang ủ. Vì như vậy có thể làm vỡ kết nối trong quá trình đông đặc, dẫn đến việc sữa bị vữa hoặc tách nước.

lỗi thường gặp trong cách làm sữa chua

  • Save

Cách Làm Sữa Chua – 9 cách ủ sữa chua tại nhà

Dưới đây, Thật Là Ngon xin giới thiệu 9 cách tạo ra môi trường ấm nóng thích hợp để bạn có được món sữa chua úp ngược đặc sánh như ý.

1. Dùng máy làm (ủ) sữa chua

Máy làm (ủ) sữa chua được thiết kế chuyên để ủ sữa. Bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn sử dụng máy là trăm trận trăm thắng.

Sua Chua Tln12

  • Save

Ưu điểm

  • Không cần canh chừng.
  • Bất chấp thời tiết nóng lạnh.
  • Đảm bảo thành công, trừ khi máy hỏng hoặc làm chết men từ khâu trộn nguyên liệu.

Nhược điểm

  • Một lần không ủ được nhiều lắm, thường chỉ 1-2 lít.
  • Tốn chi phí: tiền mua máy + tiền điện (tuy nhiên công suất chỉ ngang 1 cái bóng đèn).

2. Dùng lò nướng/nồi chiên không dầu

Bạn bật lò 100 °C khoảng 5 phút cho lò nóng lên rồi mở cửa lò 30-60 giây cho nguội bớt (nơi lạnh thì lò thoát nhiệt nhanh hơn). Bạn xếp sữa vào khay, cho vào lò, đóng cửa. Bạn bật đèn lò liên tục trong thời gian ủ.

Nếu sợ nhiệt không đủ, bạn có thể đặt vào lò 1 khay nước nóng, vài tiếng thay 1 lần. Trời nóng thì không cần. Bạn không nên bật lò trong quá trình ủ vì nhiệt lò nướng thường rất cao, sẽ làm chết men.

Với nồi chiên bạn làm nóng ở 80 °C rồi cũng mở nồi ra cho nguội bớt. Sau 3-4 tiếng, nếu cảm thấy nồi nguội thì bạn có thể bật 80 độ khoảng 30-60 giây rồi tắt lò. Nếu nồi chiên không dầu có mức nhiệt thấp hơn 80 độ C thì càng tốt.

Ủ sữa chua - Thật Là Ngon

  • Save

Ưu điểm

  • Lò càng to ủ được càng nhiều, vài lít sữa.
  • Gọn gàng, không chiếm thêm diện tích bếp.

Nhược điểm

  • Bạn vẫn phải canh chừng. Nhiều loại lò nướng giữ nhiệt không tốt lắm, nếu lò bạn không có bóng đèn, dùng hơi nước nóng để ủ sữa thì càng phải chú ý thay nước.

3. Dùng máy sấy thực phẩm

Máy sấy tạo ra nhiệt độ thấp ổn định liên tục, rất hợp để ủ sữa. Bạn xếp sữa vào máy rồi để mức nhiệt khoảng 40 độ, cài đặt thời gian theo ý muốn.

Mức nhiệt của máy sấy có thể không chuẩn và không đều, bạn nên kiểm tra bằng nhiệt kế trước khi ủ nhé.

Sua Chua Tln3

  • Save

Ưu điểm

  • Không cần canh chừng.
  • Bất chấp thời tiết nóng lạnh.

Nhược điểm

  • Máy nhỏ dùng trong gia đình không ủ được nhiều lắm.
  • Tốn điện hơn máy ủ sữa chua.

4. Dùng nồi áp suất điện

Nồi áp suất điện thường có chế độ ủ sữa chua. Bạn chỉ cần đặt chế độ ủ sữa theo hướng dẫn sử dụng của máy là xong.

Nếu trời nóng (mùa hè, nhiệt độ phòng trên 30 độ C), bạn có thể không cần cắm điện luôn.

Bạn rót sữa ấm nóng (khoảng 40-45 độ C) vào nồi, đập nắp. Hoặc xếp hũ sữa chua vào nồi, rót thêm ít nước nóng 70-80 độ C, đập nắp. Nồi áp suất giữ nhiệt khá tốt, cứ để yên 8 tiếng sau là có sữa chua rồi.

Nếu trời man mát kiểu mùa thu, chưa lạnh hẳn, sau 4-6 tiếng có thể bạn nên châm thêm nước nóng. Hoặc bạn dùng luôn chế độ sẵn có của nồi cho nhanh 😀

Sua Chua Tln5

  • Save

Ưu điểm

  • Không cần canh chừng.
  • Bất chấp thời tiết nóng lạnh.

Nhược điểm

  • Tốn điện hơn máy ủ sữa chua (nếu bật máy).
  • Một lần có thể ủ rất nhiều, vài lít, tương đương với dung tích lòng nồi, xếp được nhiều cốc/túi hơn nồi cơm điện (vì lòng nồi thường to hơn).

5. Dùng nồi cơm điện

Lòng nồi cơm điện thường không to lắm, nếu bạn rót sữa vào cốc rồi mới xếp vào thì sẽ được rất ít. Dùng túi xếp được nhiều hơn chút. Vì thế, bạn có thể cân nhắc ủ sữa bằng lòng nồi cơm, sau đó mới chia vào từng cốc/túi nha.

Nồi cơm điện có chế độ ủ sữa chua thì ta cứ làm theo hướng dẫn của máy thôi.

Nếu trời nóng, bạn không cần cắm điện, thao tác tương tự như cách ủ sữa chua bằng nồi áp suất điện.

Nếu trời lạnh, với nồi cơ, bạn có thể chia sữa vào túi để làm sữa chua bịch. Bạn xếp túi sữa vào nồi, dựng đứng. Bạn rót nước nóng khoảng 50 độ C ngập lưng túi, đậy nắp nồi.

Bạn cắm điện, để nồi giữ nguyên chế độ ủ ấm (keep warm) trong khoảng 20-30 phút. Sau 20-30 phút, sờ vào nồi thấy ấm tay, bạn rút phích cắm, để yên nồi tới khi ủ xong.

Nếu sờ thấy nồi nguội nhanh bạn có thể cắm điện, chế độ keep warm vài phút rồi lại rút phích.

Sua Chua Tln6

  • Save

Ưu điểm

  • Tiết kiệm điện hoặc không tốn điện.
  • Dụng cụ chắc chắn nhà ai cũng có.

Nhược điểm

  • Một lần có thể ủ rất nhiều, vài lít, tương đương với dung tích lòng nồi. Nhưng không thích hợp để ủ cốc/hộp sữa.
  • Vẫn cần canh chừng vì nhiệt nồi cơm có thể không ổn định.

6. Dùng nồi ủ

Nồi ủ giữ nhiệt cực tốt nên rất thích hợp để ủ sữa chua.

Bạn thao tác tương tự như cách ủ sữa chua bằng nồi áp suất điện. Nồi áp suất thì chỉ thích hợp khi trời nóng, còn nồi ủ thì đông hè thoải mái.

Ưu điểm

  • Không cần canh chừng.
  • Bất chấp thời tiết nóng lạnh.
  • Không tốn điện.

Nhược điểm

  • Ủ được rất nhiều nếu rót thẳng sữa vào lòng nồi. Nếu chia từng cốc thì 1 lần thường chỉ ủ được khoảng 2 lít sữa đổ xuống (tùy độ to của nồi).

7. Dùng thùng xốp/nồi to hoặc thùng đựng đá

Cách này phổ biến ở Việt Nam nhất.

Nếu trời nóng, bạn thao tác tương tự như cách ủ sữa chua bằng nồi áp suất điện. Sau khi đậy nắp thùng/nồi, bạn phủ thêm 1 lớp chăn là được.

Vì thùng xốp và nồi thường giữ nhiệt không tốt, có thể sau 4 tiếng bạn nên châm thêm nước nóng 1 lần. Thùng đựng đá giữ nhiệt tốt hơn nhưng nếu vào mùa đông miền Bắc chẳng hạn, bạn vẫn nên kiểm tra nhiệt độ ủ 3-4 tiếng 1 lần nha.

Nếu thùng xốp của bạn lớn, để tránh xe dịch cốc/túi sữa chua mỗi lần thêm nước, bạn có thể xếp cả một vài âu nước ấm nóng vào trong thùng cùng với sữa chua. Sau 3-4 tiếng bạn lấy âu nước ra, thêm nước nóng mới vào là được.

Ủ Sữa Chua Trong Thùng Xốp

  • Save

Nếu dùng thùng xốp, bạn cũng có thể đục nắp thùng, mắc bóng đèn 9-25 W để tự chế 1 cái “máy ủ sữa chua”. Công suất bóng đèn ngang máy ủ sữa chua nên hiệu quả ủ sữa và mức tiêu thụ năng lượng là như nhau.

Sua Chua Tln7

  • Save

Ưu điểm

  • Dụng cụ dễ kiếm, rẻ.
  • Không tốn điện (nếu không dùng bóng đèn).
  • Rất hợp để ủ nhiều cốc/túi một lúc.

Nhược điểm

  • Cần phải canh chừng.
  • Khá lích kích.

8. Dùng ánh nắng mặt trời

Ánh nắng là món quà của xứ nhiệt đới. Khi trời nắng to, dự báo 33 độ C trở lên và không có mưa là chúng mình áp dụng được cách này.

Sau khi bạn rót sữa vào ca đựng hoặc chia sữa vào cốc/túi xong, bạn có thể cho tất vào 1 cái nồi, đậy kín rồi đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nếu nóng suốt đêm ngày thì khỏi cần phơi nắng, bạn để đâu sữa cũng lên men ngon lành.

Đặc biệt các nhà ở thành phố, sân gạch/ban công toàn xi măng, bê tông hấp nhiệt, nhiệt độ thực tế vọt lên rất cao (45-50 độ C) cho nên càng thích hợp để ủ sữa. Khoảng 5-6 tiếng có khi sữa chua đã đông lại rồi.

Cũng chính vì vậy nếu nhiệt độ hôm nào trên 37 độ C thì bạn không nên để trực tiếp xuống sân, nhiệt có thẻ quá cao gây chết men. Lúc này, bạn nên đề nồi sữa chua dưới mái hiên và cách mặt đất một chút bằng cách kê trên bàn hoăc ghế.

Sua Chua Tln8

  • Save

Ưu điểm

  • Dụng cụ luôn sẵn có.
  • Không tốn điện.
  • Không cần canh chừng.
  • Ủ bao nhiêu cũng được, miễn là có chỗ chứa.

Nhược điểm

  • Phụ thuộc vào thời tiết.

9. Tận dụng nhiệt lò sưởi

Dành cho các gia đình xứ lạnh cần bật lò sưởi.

Lò sưởi rất khô nóng. Thay vì phơi quần áo gần lò sưởi tăng nguy cơ cháy nhà, thì bạn có thể hong khô một số loại vỏ (quýt, bưởi, cam,…) hoặc làm sữa chua chẳng hạn.

Bạn thao tác tương tự như cách ủ sữa chua bằng ánh mặt trời, rồi bạn đặt nồi/hộp cạnh lò sưởi là xong. Bạn có thể “đắp” thêm cái chăn cho nồi sữa chua nữa 😄.

u sua chua

  • Save

Ưu điểm

  • Dụng cụ dễ kiếm, sẵn có, rẻ.
  • Không tốn điện (vì dùng ké lò sưởi).
  • Không cần canh chừng.
  • Ủ được nhiều, miễn là trong phạm vi lò sưởi tỏa nhiệt mạnh.

Nhược điểm

  • Phụ thuộc vào thời gian bật lò sưởi.
  • Nếu nhà có trẻ con thì không nên áp dụng vì dễ bị xô đẩy.

Sữa chua bị nhớt, tách nước còn “cứu” được không?

Bài viết có vẻ khá dài rồi đúng không? Thế nhưng mình vẫn muốn chia sẻ nốt với bạn một vấn đề nữa. Đó là làm sao cứu được sữa chua bị nhớt hay tách nước?

Đây là hai trường hợp phổ biến xảy ra khi bạn làm sữa chua lần đầu hoặc đôi khi “trời không thương” chúng mình lắm thì mẻ sửa chua vẫn có thể bị nhớt hay tách nước. Dưới đây là cách bạn xử lý chúng.

Sữa chua bị nhớt

Sữa nhớt là khi sữa vừa ủ xong, bạn xúc lên thấy sữa không thành miếng mà chảy thành dòng, cảm giác hơi “nhớt” như lòng trắng trứng.

Yogurtmistakes01

  • Save

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là:

  • Sữa pha quá loãng (tỉ lệ nước và sữa không thích hợp) hoặc dùng sữa thực vật.
  • Ủ nhiệt độ thấp.

Nếu bạn nếm thấy sữa ngọt chưa chua, đơn giản là bạn cho sữa vào ủ tiếp 6-8 tiếng, đảm bảo nhiệt độ ủ nha. Sữa chua có thể ủ đến 24 tiếng nên bạn cứ yên tâm nha.

Nếu bạn thấy vị chua đủ rồi thì dừng ủ. Sau khi cất tủ lạnh sữa sẽ sánh đặc hơn.

Nếu sữa đã đặc hơn mà bạn vẫn không ăn được, bạn có thể:

  • Dùng sữa này làm sinh tố, làm bánh, pha sốt, nấu cà ri, tẩm ướp,… đều ngon tuyệt.
  • Lọc sữa qua rây theo cách làm sữa chua Hy Lạp, bạn sẽ thu được thành phẩm sữa đặc quánh như phô mai, thơm ngon bình thường.

Sữa dù có nhớt, nhưng đã chua ngon, thơm thì vẫn dùng làm men cái được nha.

Lần sau, bạn hãy đong đếm đúng theo công thức. Nếu dùng sữa thực vật thì bạn tham khảo thêm cách dùng các loại chất ổn định. Và canh chừng nhiệt độ ủ thường xuyên nha!

Sữa chua bị tách nước

Còn gọi là sữa chua bị long chân, vữa. Sữa tách nước là khi sữa ủ xong, dưới đáy cốc ủ đọng 1 lớp nước màu vàng, còn phần sữa trắng nổi lềnh bềnh phía trên. Hoặc sữa lợn cợn không mịn màng.

Sua Chua Tln11

  • Save

Nếu bạn ủ xong mà thấy có 1 tí tẹo nước đọng láng trên mặt sữa thì không sao nha. Đó là 1 chút nước whey bị tách ra, hiện tượng rất bình thường.

Nguyên nhân gây ra sữa chua tách nước là:

  • Sữa tách 2 phần rõ rệt: Sữa chua bị rung lắc mạnh khi đang đông đặc lại. Sữa công nghiệp có thể vận chuyển uỳnh uỳnh không vữa 1 phần vì có chất ổn định. Hoặc do sữa ủ thời gian quá dài, nhiệt độ quá cao so với mức cần thiết (nhưng chưa đủ làm men chết).
  • Sữa lợn cợn: Nếu bạn có đun sữa trước khi làm sữa chua thì làm sữa sôi quá nhanh chính là nguyên nhân. Bếp từ quá khỏe nên có thể làm sữa sôi bùng trong vài phút ngắn ngủi, bạn nên hạ công suất của bếp để sữa ấm nóng lên từ từ nha. Ngoài ra, nó cũng có thể do sữa chua cái bạn mua có sử dụng quá nhiều chất phụ gia dẫn đến chất lượng men không tốt.

Sữa bị tách nước thì không cứu được về hình thức nhưng vẫn có vị chua thơm. Bạn có thể cho sữa ra bát rồi khuấy đều lên, ăn bình thường.

Hoặc bạn có thể dùng nó như gợi ý ở phần sữa chua nhớt. Tuy nhiên bạn không nên dùng sữa chua tách nước để làm men cái, có thể lại có được mẻ tách nước thứ hai đấy 😂!

Trên đây chính là nhũng kiến thức về công thức cách làm sữa chua rút ra từ kinh mghiệm của bản thân mình cũng như học hỏi từ các chị em nội trợ đảm đang. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn đủ tự tin để thử làm cho mình và gia đình mẻ sữa chua thật là ngon.

Nếu bạn vẫn có thắc mắc hay muôn chia sẻ gì vể cách làm sữa chua 🥛 thi hãy liên lạc với  Thật Là Ngon nhé!

*Ảnh: Nguồn Internet

7

Shares

  • Facebook

    7

  • More