Các trường mầm non tư thục lo tuyển lại giáo viên

Đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến các cơ sở giáo dục mầm non phải ngừng hoạt động hơn 9 tháng. Vì không được nhận lương trong những tháng dịch bệnh nên nhiều giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã đi tìm việc khác ổn định hơn và nay không còn muốn trở lại với nghề cũ.

Giáo viên Trường mầm non Thái Quang (TP.Biên Hòa) dạy học cho trẻ. Ảnh: Công Nghĩa

Giáo viên Trường mầm non Thái Quang (TP.Biên Hòa) dạy học cho trẻ. Ảnh: Công Nghĩa

Hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đã được hoạt động trở lại bình thường, chủ các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bắt đầu “chiêu mộ” lại giáo viên nhưng cũng không dễ.

* Giáo viên mầm non chuyển nghề

Chị Phạm Thị Thu Hà trước đây là bảo mẫu của một trường mầm non tư thục tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) và đã có thâm niên hơn 5 năm làm việc. Chị chia sẻ, chị chưa từng có ý định nghỉ công việc bảo mẫu cho tới khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trong suốt thời gian 6 tháng đầu phải nghỉ việc, chị không hề được nhận lương. Điều này hoàn toàn thông cảm được với chủ trường, vì trường mới mở nên chưa thu hút được nhiều trẻ dẫn đến kinh phí rất eo hẹp. Trong thời gian nghỉ dịch, chủ trường nhiều lần hỏi thăm động viên nhưng điều đó không đủ cho chị yên tâm gắn bó với nghề.

Vì không thể kiên nhẫn chờ đợi nên chị Hà quyết định đổi nghề, sang đi làm công nhân cho một công ty giày da tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Công việc mới đã cho chị thu nhập khởi đầu cao và ổn định hơn công việc trước đây.

Chị Hà chia sẻ: “Mức thu nhập khởi điểm của tôi hiện tại là hơn 8 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca nhiều, thu nhập còn cao hơn. So với mức lương bảo mẫu trước đây thì khoản thu nhập này khá tốt, trong khi đó công việc mới lại bớt áp lực hơn, không phải đi sớm về muộn”.

Còn chị Nguyễn Thị Thoa, trước đây là giáo viên của một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại P.An Bình (TP.Biên Hòa), nay đang làm việc cho một công ty tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Lý do chị quyết định chia tay với nghề cũ cũng chính bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến chị phải nghỉ việc không lương dài ngày. “Đi làm công nhân ở các công ty nếu dịch có xảy ra thì vẫn được hưởng một phần lương cơ bản, thậm chí vẫn còn được sản xuất “3 tại chỗ”. Còn giáo viên mầm non bình thường công việc rất áp lực, lương lại thấp, còn dịch bệnh bùng phát mạnh thì phải nghỉ việc không lương” – chị Thoa tâm sự.

Chị Lê Thị Phương Thảo, chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, trong suốt 9 tháng phải đóng cửa vì dịch Covid-19, cơ sở giáo dục của gia đình chị không có nguồn thu, trong khi đó hằng tháng vẫn phải trả lãi khoản vay ngân hàng đầu tư trường trước đây. Những khó khăn khách quan do dịch bệnh khiến chị không thể xoay trở để trả một phần lương cho hơn 15 giáo viên, bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ của trường. Chị Thảo trăn trở: “Thời gian đầu nghỉ để phòng dịch, tôi còn chia sẻ với một số giáo viên, bảo mẫu ở trọ được vài kg thực phẩm và một phần tiền nhà trọ, nhưng sau đó thì cũng không thể kéo dài hỗ trợ vì tiền đã cạn kiệt”.

* Tăng tốc tuyển dụng

Ngay từ cuối tháng 12-2021, khi có thông tin trẻ em và học sinh toàn tỉnh sẽ được đi học trở lại vào ngày 14-2, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bắt đầu triển khai “chiêu mộ” lại giáo viên, bảo mẫu. Trên các fanpage, Zalo của các trường mầm non xuất hiện rất nhiều thông tin tuyển dụng với chính sách phúc lợi hấp dẫn người có nhu cầu tìm việc. Tuy nhiên, theo nhiều chủ trường mầm non, bình thường tuyển dụng giáo viên mầm non đã khó, nay các trường đồng loạt mở lại, đồng loạt tuyển dụng thì càng khó khăn hơn.

Thông tin từ Trường mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc tại P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa) cho hay, trường sẵn sàng trả mức lương từ 6-10 triệu đồng để tuyển một số giáo viên mới. Trong khi đó, Trường mầm non tư thục Bé Ngoan tại P.Trảng Dài đang có nhu cầu tuyển 5 giáo viên mầm non, 1 nhân viên bảo mẫu. Thậm chí có trường ngoài vị trí giáo viên, bảo mẫu thông thường còn tuyển cả cán bộ quản lý. Chẳng hạn Trường mầm non Ánh Dương (P.Long Bình), ngoài 6 vị trí giáo viên còn có nhu cầu tuyển dụng luôn cả vị trí phó hiệu trưởng…

Nhiều chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục cho biết, trong thời gian trường tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 đã phải chấp nhận tình trạng giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp sang tìm công việc khác ổn định hơn. Anh Trần Ngọc Anh, chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết: “Trường có 9 giáo viên mầm non, sau dịch chỉ còn 4 người quay trở lại làm việc, 5 giáo viên khác dù có hứa hẹn, hay thuyết phục kiểu gì cũng cương quyết rút hồ sơ xin nghỉ. Để tuyển bù đắp tại giáo viên đang thiếu hụt chắc sẽ phải cần thêm nhiều thời gian vì giáo viên mầm non ngày càng hiếm”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VĂN PHÚC: Tăng cường hỗ trợ đảm bảo đủ giáo viên khi trường học mở lại

Tại buổi kiểm tra công tác sẵn sàng đón trẻ em, học sinh trở lại trường học trực tiếp mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã nhấn mạnh, ngành GD-ĐT phải nắm được tình hình thiếu giáo viên, nhất là giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, vì sau dịch có nhiều giáo viên chuyển đổi nghề nghiệp. Cần tăng cường hỗ trợ các cơ sở giáo dục tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp ổn định hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non tư thục mà còn tránh được sự lãng phí trong công tác đào tạo giáo viên.

Công Nghĩa