Các quy định của pháp luật về địa giới hành chính là gì?

Pháp luật hiện hành về đất đai quy định như thế nào về địa giới hành chính? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm địa giới hành chính là gì?

” Địa” là nghĩa là đất, ” giới” tức là sự giới hạn. Từ đó, ta có thể hiểu “địa giới ” là sự giới hạn về đất. 

Nói cách khác, địa giới hành chính là sự giới hạn về đất để phân chia các khu vực hành chính. Đơn giản hơn, ta có thể hiểu địa giới hành chính là đường ranh giới để phân chia các đơn vị hành chính.

Đường địa giới hành chính được xác định trên cơ sở các mốc địa giới hành chính và các điểm đặc trưng trên thực địa. [1]

Căn cứ tại Khoản 1, 2, Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/08/2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường, đường địa giới hành chính là đường phân chia lãnh thổ các đơn vị hành chính theo phân cấp quản lý hành chính. Đường địa giới hành chính các cấp bao gồm: đường địa giới hành chính cấp tỉnh, đường địa giới hành chính cấp huyện và đường địa giới hành chính cấp xã.

Mốc địa giới hành chính được hiểu là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu đường địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính với nhau. Mốc địa giới hành chính các cấp bao gồm: mốc địa giới hành chính cấp tỉnh, mộc địa giới hành chính cấp huyện, mốc địa giới hành chính cấp xã.

Chương II, Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/08/2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường quy định rất cụ thể, chi tiết về kỹ thuật xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa chính các cấp.

Xem thêm: Các quy định về việc lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp là gì?

2. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định địa giới hành chính 

Căn cứ tại Khoản 1,2, Điều 29, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2013), trách nhiệm xác định địa giới hành chính được quy định như sau: 

Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương. Trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

3. Thành phần hồ sơ và việc quản lý hồ sơ địa giới hành chính 

Căn cứ tại Khoản 3, Điều 29, Luật đất đai năm 2013, thành phần hồ sơ và việc quản lý hồ sơ địa giới hành chính được quy định như sau: 

a. Thành phần hồ sơ địa giới hành chính 

Căn cứ tại Khoản 6, Điều 3, Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/08/2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường, hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm: hồ sơ địa giới hành chính cấp tỉnh, hồ sơ địa giới hành chính cấp huyện và hồ sơ địa giới hành chính cấp xã.

Điều 9, 10, 11,12, Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/08/2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường quy định về thành phần lập, việc lập hồ sơ địa giới hành chính, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ địa giới hành chính và kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ địa giới hành chính.

b. Quản lý hồ sơ địa giới hành chính

Hồ sơ địa giới hành chính cấp dưới do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp xác nhận; hồ sơ địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội vụ xác nhận.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó và Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Quy định về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính 

Căn cứ tại Khoản 4, Điều 29, Luật đất đai năm 2013, việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính được quy định như sau:

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. 

Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

+ Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;

+ Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Quy định này phù hợp với điểm mới tại Khoản 8, Điều 74, Hiến pháp 2013 thông qua ngày 28/11/2013 về nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội như sau:

” Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. 

Như vậy, trên cơ sở đệ trình của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định giải quyết trong trường hợp liên quan tới địa giới hành chính của cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn. [2]

Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.

Luật Hoàng Anh 

[1], [2], Ts. Phạm Thị Hương Lan (2018), Bình luận khoa học Luật đất đai (năm 2013), Nxb. Lao động