Các quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần – Nghiên cứu, trao đổi – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Trong công ty cổ phần, thì phần vốn của công ty được chia thành các phần bằng nhau và do các chủ thể khác nhau sở hữu. Các cổ đông là người sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần, họ có quyền chuyển nhượng cổ phần mà mình sở hữu cho người khác khi có nhu cầu.

Công ty cổ phần đã đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể về hình thức tổ chức kinh doanh ,sự phát triển kinh tế và trình độ quản lí. Ngày nay ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, mặc dù hình thức tổ chức kinh tế hết sức phong phú và đa dạng nhưng phổ biến và quan trọng nhất vẫn là công ty cổ phần được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới, công ty cổ phần vẫn chứng tỏ là một phương thức tổ chức kinh doanh để khai thác và sử dụng đồng vốn cao nhất, tất cả các điều đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế về mọi mặt của nền kinh tế quốc dân. Trong công ty cổ phần, thì phần vốn của công ty được chia thành các phần bằng nhau và do các chủ thể khác nhau sở hữu. Các cổ đông là người sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần, họ có quyền chuyển nhượng cổ phần mà mình sở hữu cho người khác khi có nhu cầu. Vấn đề chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần chính là yếu tố quan trọng quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một hình thức chuyển nhượng khá phức tạp với nhiều cách thức khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.

1. Khái niệm về  cổ phần, cổ phiếu và chuyển nhượng cổ phần

1.1. Khái niệm về  cổ phần, cổ phiếu

  Theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

  Cổ phần: Trong Luật doanh nghiệp năm 2020 không đưa ra định nghĩa cụ thể về cổ phần, tuy nhiên ta có thể hiểu cổ phần là phần vốn điều lệ được chia ra làm nhiều phần bằng nhau. Căn cứ vào khái niệm trên ta có thể hiểu cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia ra từ phần vốn điều lệ. Những cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần gọi là các cổ đông. Giá trị của mỗi cổ phần (mệnh giá cổ phần) do công ty quyết định và được ghi vào cổ phiếu. Mệnh giá cổ phần có thể khác với giá chào bán cổ phần. Cổ phần là căn cứ pháp lý chứng minh tư cách cổ đông của công ty bất kể họ tham gia thành lập công ty hay không.

 Cổ phiếu của công ty cổ phần là : Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. (Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

1.2. khái niệm về chuyển nhượng cổ phần:

Trong Luật doanh nghiệp không đưa ra định nghĩa cụ thể về chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, từ các quy định của pháp luật tác giả đưa ra khái niệm sau: Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần là việc cổ đông chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ số cổ phần mà mình đang nắm giữ cho người khác (có thể là cổ đông hoặc không phải là cổ đông của công ty) và bên nhận chuyển nhượng cổ phần phải thanh toán cho bên chuyển nhượng cổ phần.

Chuyển nhượng cổ phần mang những đặc điểm sau:

– Chuyển nhượng cổ phần là sự chuyển dịch sở hữu của cổ đông đối với cổ phần của họ trong công ty. Bản chất của hành vi chuyển nhượng cổ phần là sự dịch chuyển sở hữu cổ đông đối với cổ phần của họ trong công ty. Việc chuyển nhượng cổ phần là hành vi làm thay đổi (mua bán, tặng cho, thừa kế,… ) số lượng cổ phần mình đang nắm giữ. Cổ đông chuyển nhượng sẽ giảm đi số lượng cổ phần đối với việc chuyển nhượng một phần hoặc không còn là cổ đông của công ty nếu như chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Và người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông mới của công ty, được hưởng tất cả các quyền và nghĩa vụ như các cổ động hiện hữu khác của công ty.

– Chuyển nhượng cổ phần không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty cổ phần trên thực tế. Chuyển nhượng cổ phần không làm tăng thêm hay giảm đi số cổ phần thực tế mà công ty đã phát hành. Việc chuyển nhượng cổ phần chỉ làm thay đổi chủ sở hữu cổ phần chứ không làm mất đi giá trị cũng như số lượng cổ phần. 

– Chuyển nhượng cổ phần có thể phát sinh lợi nhuận hoặc không. Hoạt động chuyển nhượng cổ phần là hoạt động mua bán nhằm tìm kiếm lợi nhuận của người sở hữu cổ phần đó. Thông thường, các nhà đầu tư mua cổ phần khi công ty mới thành lập và theo sự phát triển của công ty, giá trị cổ phần tăng lên họ có thể chuyển nhượng cho người khác có nhu cầu tham gia công ty để tìm kiếm lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá trị cổ phần so với ban đầu.

– Chuyển nhượng cổ phần sở hữu cổ phần phải theo nguyên tắc, điều kiện chuyển nhượng cổ phần quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Chuyển nhượng cổ phần theo nguyên tắc tự do, trừ các trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ hạn chế cổ phần ưu đãu biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập theo luật định. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần không chỉ theo pháp luật của công ty và còn theo Điều lệ công ty. Nếu điều lệ công ty có quy định về hạn chế cổ phần và nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng thì việc chuyển nhượng phải tuân theo quy định của Điều lệ công ty. Mối công ty có những đặc thù tiêng và những quy định khác nhau, nếu trong trường hợp quy định hạn chế chuyển nhượng cổ thì hành vi chuyển nhượng cổ phần đó sẽ không được công nhận.

– Chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện theo thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng thì các bên tham gia chuyển nhượng phải tuân thủ các quy định trong Bộ luật Dân sự. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

  2. Các quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

   2. 1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần

   2.1.1. Đối với cổ phần phổ thông: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ đông phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (điểm d, khoản 1, điều 115)  trừ trường hợp điều kiện hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông đối với cổ đông sáng lập ( khoản 3 điều 120 ) và trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế ( khoản 1 điều 127 ) . Theo đó, ta có các điều kiện cụ thể:

 Trường hợp thứ  nhất, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. (khoản 3 điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Cần phải lưu ý, số cổ phần phổ thông bị hạn chế chuyển nhượng này là số cổ phần phổ thông mà cổ đông mua khi góp vốn thành lập doanh nghiệp ( nằm trong số 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp ).Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hạn chế của cổ phần phổ thông đối với cổ đông sáng lập được bãi bỏ  nhằm bảo đảm các cổ đông sáng lập, các nhà đầu tư sẽ không tự ý rời bỏ công ty khi công ty chưa đi vào quỹ đạo ổn định, bên cạnh đó quy định trên còn mang tính chất ràng buộc nghĩa vụ vật chất của cổ đông sáng lập với người mua nhằm tránh tình trạng tuyên truyền lừa đảo.

Trường hợp thứ hai, nếu Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

2.1.2. Đối với cổ phần ưu đãi

– Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Theo khoản 3, điều 117, Luật Doanh nghiệp năm 2020:  “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế”. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. Bởi vì cổ phần ưu đãi biểu quyết là loại cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông nên nhằm giúp doanh nghiệp có thể ổn định khi vừa mới thành lập và hoạt động bằng việc hạn chế sự thay đổi trong cơ cấu, quyết định của doanh nghiệp.

– Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức : Loại cổ phần này có thể chuyển nhượng như cổ phần phổ thông. Bản chất cổ phần ưu đãi cổ tức chỉ mang ý nghĩa giá trị về mặt vật chất, tức là được nhận nhiều cổ tức hơn so với các cổ phần khác, nó không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều hành của công ty. Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức giống như các quyền khác như cổ đông phổ thông (tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần phổ thông trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần), ngoại trừ: cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Theo điểm c, khoản 2, điều 117 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quyền của cổ đông ưu đãi cổ tức giống như các quyền khác như cổ đông phổ thông ( tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần phổ thông trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần ), trừ các quyền: cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Vì cổ phần ưu đãi cổ tức chỉ mang giá trị về mặt tài sản, tức là được nhận nhiều cổ tức hơn so với các cổ phần khác, nó không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty bởi cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

– Cổ phần ưu đãi hoàn lại: Giống như cổ phần cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại được chuyển nhượng và người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại cũng có các quyền giống như sở hữu cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại sẽ có quyền yêu cầu hoàn lại vốn góp hoặc việc hoàn lại sẽ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần, tức là không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.

2.1.3.

Quy định về chuyển nhượng cổ phần trong một số trường hợp khác

Thứ nhất, chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp cổ đông là cá nhân chết, khoản 3 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.”

Trường hợp cố đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty. Như vậy, việc chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này sẽ căn cứ vào di chúc của cổ đông đó. Với quyền tự cho chuyên nhượng của mình, cổ đông có thể di chúc lại việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ số cổ phần mà mình nắm giữ, cho một người hay nhiều người tùy thuộc vào ý chí của mình. Hoặc nếu không có di chúc thì cổ phần của cổ đông sẽ được điều chỉnh theo pháp luật về thừa kế. Việc quy định trường hợp này nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông, vì cổ phần là một loại tài sản hợp pháp nên sau khi cổ đông chết thì số tài sản này được chia thừa kế như những loại tài sản khác.

Tuy nhiên, còn có những trường hợp khác quy định tại khoản 4 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

“4. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Đây là những trường hợp đặc biệt mà Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể. Theo pháp luật dân sự thì những trường hợp này giải quyết như sau: “Trưởng hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có những không được quyền hưởng di sản từ chối nhận di sản thi tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước (Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2015). Đây là trường hợp hiếm xảy ra, nhưng khi xảy ra trên thực tế thì phần cổ phần của cổ đông đó thường được để lại cho công ty.

Thứ hai, trường hợp cổ đông tặng cho cổ phần hoặc sử dụng có phần để trả nợ

Khoản 5, Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty” ghi nhận quyền tặng cho cổ phần của cổ đông công ty cổ phần cho người khác. Việc tặng cho một phần hay toàn bộ cổ phần tùy thuộc vào ý chí của cổ đông sở hữu cổ phần đó mà không cần thiết phải có sự thỏa thuận giữa bên tặng, cho và bên nhận. Còn việc dùng cổ phần để trả nợ thì buộc phải có sự thỏa thuận giữa hai bên Sử dụng cổ phần để trả nợ thực chất là việc chuyển quyền sở hữu số cổ phần mình nắm giữ cho chủ nợ, việc trả nợ đưa trên việc quy đổi giá trị của cổ phần theo giá thị trường hoặc theo thỏa thuận của hai bên.

2.2. Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

Tại điểm d Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.”  Dẫn chiếu theo quy định trên, thì tại Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp quy định như sau: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó”. Theo đó, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho nhau. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.” Như vậy, có thể hiểu các cổ đông sáng lập là cổ đông góp vốn, hay sở hữu cổ phần ngay từ khi thành lập công ty cổ phần. Tuy nhiên, trường hợp cổ đồng sáng lập muốn chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho các thành viên khác không phải là cổ đông sáng lập hoặc cho người không phải là thành viên của công ty thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần cũng không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Pháp luật ban hành quy định này nhằm để bảo vệ lợi ích của những người đến mua cổ phần sau khi công ty thành lập. Nghĩa là, các cổ đông đã có ý tưởng sáng lập ra công ty phải có trách nhiệm gắn bó với công ty, không được tùy ý từ bỏ công ty. Khi cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân khác dễ dẫn đến các bất ổn trong hoạt động của công ty vì họ là những người gắn bó với doanh nghiệp từ ngay những ngày đầu doanh nghiệp thành lập.  Việc một cổ đông sáng lập rời khỏi công ty phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, tức là phải được sự đồng ý của các cổ đông khác. Bên cạnh đó, quy định các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tương tự với quy định trên, thì tại Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.” Như vậy, theo quy định này ngoài trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với các cổ đông sáng lập, thì nếu trong điều lệ của công ty cổ phần có những quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì phải tuân theo những quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần đó. Việc quy định này là hoàn toàn hợp lý, pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các chủ thể khi thành lập và việc chuyển nhượng cổ phần cũng vậy. Bên cạnh việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, thì pháp luật còn quy định như sau: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.” (Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định trong Điều lệ công ty, do đó, pháp luật quy định cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác nhằm nâng cao trách nhiệm đối với công ty của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và không làm xáo trộn vị trí quản lý của công ty. Tuy nhiên quy định này cũng có những ngoại lệ đó chính là việc chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết đó chính là chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. Trong các trường hợp này thì người có cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ chuyển nhượng cổ phần theo bản án của Tòa án, khi đó có thể chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho cá nhân mà đã được chỉ định. Hoặc trong trường hợp người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết chết thì cổ phần ưu đãi biểu quyết đó sẽ được cho thừa kế lại cho người thừa kế. 

3.

Cách thức chuyển nhượng cổ phần

Việc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020: “ Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán”. Theo quy định ở trên, thì việc chuyển nhượng hợp đồng của các cổ đông được thực hiện theo hai cách là thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Tại khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “ Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty”. Như vậy, sau khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng; thì bên nhận chuyển nhượng cổ phần chỉ trở thành cổ đông của công ty khi hoàn tất việc chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong sổ đăng ký cổ đông của công ty. Công ty có trách nhiệm đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông; theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn 24 giờ; kể từ khi nhận được yêu cầu.

Theo quy định tại khoản 2, điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc chuyển nhượng có thể được thực hiện theo hai cách: Chuyển nhượng bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán gồm:

3.1. Chuyển nhượng theo cách thông thường bằng hợp đồng

Đây được xem như một hợp đồng dân sự mua bán chuyển nhượng của phần giữa bên chuyển nhượng (bên bán) và bên nhận chuyển nhượng (bên mua). Hai bên có thể thỏa thuận về giá chuyển nhượng, số cổ phần chuyển nhượng, cách thức thanh toán… Hợp đồng được lập bằng văn bản và phải có chữ ký của cả hai bên hoặc do người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Việc chuyển nhượng vẫn phải tuân thủ các điều kiện chuyển nhượng cổ phần.

3.2. Chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán

Bằng cách khác, cổ đông của công ty cổ phần có thể chuyển nhượng cổ phần của mình thông qua giao dịch chứng khoán trực tiếp hoặc gián tiếp khi đáp đứng được quy định của pháp luật. Cụ thể, Khoản 2, điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “ Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán”.

Công ty cổ phần là loại hình có cấu trúc vốn linh hoạt với nguyên tắc tự do chuyển nhượng cổ phần. Nguyên tắc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cổ phần huy động vốn cũng như dịch chuyển vốn từ cổ đông này sang cổ đông khác hoặc chủ thể khác. Hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần đang diễn ra thường nhật và ngày càng phát triển. Để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia chuyển nhượng cổ phần các tổ chức và cá nhân cần nắm rõ các quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần.

     Lê Tâm