Các phương thức cung cấp dịch vụ theo GATS tại TP.Hồ Chí Minh
Một số khái niệm về thương mại, dịch vụ
Trong khuôn khổ của GATT/WTO, tại vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, các nước thành viên của GATT đã thông qua Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (General Agreement on Trade in Services, viết tắt là GATS). Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không điều chỉnh một mình lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đó. Đối với nước ta, thương mại dịch vụ là một thuật ngữ còn khá mới mẻ. Trong quan niệm hiện đại, cơ cấu kinh tế quốc dân được chia ra ba khu vực chính, đó là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Theo Hệ thống kế toán quốc gia (SNA) thì nền kinh tế nước ta có 20 ngành cấp 1, trong đó nông nghiệp có 2 ngành (nông nghiệp và thủy sản), công nghiệp có 4 ngành (công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, sản xuất và cung cấp điện và nước và ngành xây dựng), còn dịch vụ có tới 14 ngành, có những ngành khá quen thuộc như thương mại, du lịch, vận tải, ngân hàng, thông tin liên lạc…, nhưng cũng có những ngành mới xếp vào lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, hoặc như hoạt động của các đoàn thể xã hội… Dịch vụ là một khái niệm rất rộng, từ việc đáp ứng nhu cầu cá nhân đến việc phục vụ cho một ngành sản xuất, là một ngành kinh tế độc lập, hiện nay đang chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân và không ngừng được tăng cao.
Như vậy, có thể hiểu dịch vụ là toàn bộ các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người mà sản phẩm của nó tồn tại dưới hình thái phi vật thể.
Việc coi các ngành sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa…thuộc khu vực dịch vụ và được hạch toán trong hệ thống kinh tế quốc dân có thể đuợc lý giải dưới bốn góc độ: Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, mọi sản phẩm đều là hàng hóa, mọi hoạt động đều là kinh doanh, mà kinh doanh là bỏ vốn ra để thu được lợi ích nhất định. Các ngành giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa…muốn hoạt động được cần đầu tư vốn và kết quả mang lại là sự phát triển toàn diện của con người, lợi ích đó còn giá trị hơn nhiều so với lợi nhuận mà một nhà kinh doanh hàng hóa vật thể đem lại. Người làm giáo dục, y tế, văn hóa cũng phải biết tính toán lỗ lãi, thiệt hơn. Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, tư nhân được quyền hoạt động giáo dục, khám chữa bệnh, lập các đoàn nghệ thuật, đoàn làm phim thì mục đích không phải chủ yếu là phục vụ không công cho xã hội mà mục đích là thu lợi, trực tiếp là lợi nhuận, tức là kinh doanh, tất nhiên nếu không đạt được mục tiêu xã hội thì cũng không thể kinh doanh được. Thứ ba, trong các ngành sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa đều có các doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp tất yếu phải kinh doanh, như Công ty thiết bị trường học, Công ty dược, Nhà xuất bản… là các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh; còn các trường học, bệnh viện, đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ bóng đá cũng có thể coi là doanh nghiệp. Thứ tư, những người được phục vụ nói chung đều phải trả tiền, phải tính toán thiệt hơn để thụ hưởng sự phục vụ có hiệu quả nhất.
Thương mại là một ngành kinh tế độc lập mà hoạt động của nó là mua, bán hàng hóa và dịch vụ. Luật thương mại quốc tế lại coi hoạt động đầu tư, tín dụng và chuyển giao công nghệ cũng là hoạt động thương mại. Trong ngành thương mại có ba lĩnh vực chính, đó là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư, trong đó thương mại dịch vụ là hoạt động mua bán các loại dịch vụ. Trong hoạt động thương mại lại có các loại hoạt động hỗ trợ như xúc tiến thương mại, dịch vụ thương mại. Dịch vụ thương mại là các dịch vụ phục vụ cho việc mua bán hàng hóa và dịch vụ, như maketing chẳng hạn.
Thương mại dịch vụ có một số đặc điểm:
Thứ nhất: Dịch vụ là loại sản phẩm vô hình, không sờ mó, nhìn thấy được nhưng lại được cảm nhận qua tiêu dùng trực tiếp của khách hàng. Quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ diễn ra đồng thời, nhưng hiệu quả của dịch vụ đối với người tiêu dùng lại rất khác nhau. Có loại xẩy ra tức thì, nhưng có loại chỉ đem lại hiệu quả sau nhiều năm, chẳng hạn dịch vụ giáo dục phải sau 5-10 năm mới có thể đánh giá đầy đủ. Do đó, việc đánh giá hiệu quả thương mại dịch vụ phức tạp hơn so với thương mại hàng hóa.
Thứ hai: Thương mại dịch vụ có phạm vi hoạt động rất rộng, từ dịch vụ cho tiêu dùng cá nhân đến dịch vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý trong tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, thu hút đông đảo người tham gia với trình độ cũng rất khác nhau, từ lao động đơn giản như giúp việc gia đình, bán các hàng lưu niệm ở khu du lịch đến lao động chất xám có trình độ cao như các chuyên gia tư vấn, chuyên gia giáo dục…, do đó đây là một lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển và tạo được nhiều công ăn việc làm, rất có ý nghĩa về kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay.
Thứ ba: Thương mại dịch vụ hiện nay đang có sự lan tỏa rất lớn, ngoài tác dụng trực tiếp của bản thân dịch vụ, nó còn có vai trò trung gian đối với sản xuất và thương mại hàng hóa, nên phát triển thương mại dịch vụ có ảnh hưởng gián tiếp lên tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, do đó tác dụng của thương mại dịch vụ là rất lớn. Người ta tính rằng, nếu thương mại dịch vụ được tự do hóa thì lợi ích của nó còn cao hơn thương mại hàng hóa hiện nay và xấp xỉ bằng lợi ích thu được khi tự do hóa thương mại hàng hóa hoàn toàn cho cả hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp.
Thứ tư: Thương mại dịch vụ khi lưu thông qua biên giới gắn với từng con người cụ thể, chịu tác động bởi tâm lý, tập quán, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ và cá tính của người cung cấp và người tiêu dùng dịch vụ, điều này khác với thương mại hàng hóa, sản phẩm là vật vô tri vô giác, đi qua biên giới có bị kiểm soát nhưng không phức tạp như kiểm soát con người trong thương mại dịch vụ, vì thế mà thương mại dịch vụ phải đối mặt nhiều hơn với những hàng rào thương mại so với thương mại hàng hóa. Các cuộc thương lượng để đạt được tự do hóa thương mại dịch vụ thường gặp nhiều khó khăn hơn tự do hóa thương mại hàng hóa, nó còn phụ thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa của nước cung cấp và nước tiếp nhận dịch vụ đó.
1. GATS và một số khái niện cơ bản
Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) là một hiệp định trong khuôn khổ WTo và điều chỉnh các vấn đề thương mại dịch vụ của các thành viên WTO. GATS là một trong số những hiệp định mà các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ khi gia nhập WTO.
Thương mại dịch vụ chiếm một phần rất quan trọng đối với mỗi nền kinh tế. Dịch vụ có thể hiểu là những thứ tương tự như hàng hóa, nhuwnglaf phi vật chất. Tuy nhiên, với các nhà đàm phán GATS, để đưa ra một định nghĩa dịch vụ hoàn chỉnh, chặt chẽ dường như không đơn giản. Do vậy, GATS không có khái niệm dịch vụ, song lại mô tả dịch vụ theo phương thức cung ứng dịch vụ. Các dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của GATS chỉ là các dịch vụ được đưa ra trên cơ sở cạnh tranh và loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của mình những dịch vụ được cung ứng để thi hành thẩm quyền của chính phủ.
2. Phương thức cung cấp dịch vụ (Modes of supply)
Phương thức chính là cách thức cung cấp các dịch vụ. Phương thức cung ứng dịch vụ được xác định trên cơ sở nguồn gốc của nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ, và vị trí địa lý của nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng khi dịch vụ được cung ứng.
3. Các phương thức cung cấp dịch vụ theo Hiệp định GATS
Theo quy định của Hiệp định chung về dịch vụ, tồn tại 04 phương thức cung ứng dịch vụ sau đây:
a. Phương thức 1 – Cung ứng dịch vụ qua biên giới (Cross-border supply): Cung ứng dịch vụ qua biên giới được hiểu là việc cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ của một thành viên đến lãnh thổ của bất kỳ một thành viên nào khác.
Ví dụ: việc cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến (e-learning), học viên có thể ngồi tại nhà để học, giáo viên nước ngoài cũng không cần di chuyển đến tận nơi người học để giảng dạy, việc cung ứng dịch vụ được thông qua internet, điện thoại… Hoặc đối với việc cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư có thể tư vấn cho khách hàng nước ngoài của mình qua điện thoại, mail…mà không cần gặp gỡ trực tiếp.
b. Phương thứ 2 – Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài (Consumtion abroad): Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài là việc cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một thành viên, cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác.
Ví dụ: khách du lịch đến một quốc gia và sử dụng dịch vụ khách sạn, lữ hành…ở tại quốc gia đó.
c. Phương thức 3 – Hiện diện thương mại (Commercial presence):
Đây là phương thức cung cấp dịch vụ bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên, thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của một thành viên khác.
Ví dụvề ANZ – một trong ba ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép thành lập tại Việt Nam. Đây chính là việc cung ứng dịch vụ ngân hàng thông qua hiện diện thương mại.
d. Phương thức 4 – Hiện diện thể nhân (Movement of natural persons): Đây là phương thức cung ứng dịch vụ, theo đó, dịch vụ được cung ứng với nhà cung ứng của một thành viên, thông qua hiện diện của nhà cung ứng này ở lãnh thổ của một thành viên khác. Tuy nhiên, trong phương thức cung ứng này, nhà cung ứng dịch vụ chỉ là một thể nhân.
Ví dụ: việc mời các giáo viên từ các trường đại học nước ngoài về Việt Nam dạy học chính là sự cung ứng dịch vụ giáo dục qua phương thức hiện diện thể nhân.
4. Sự khác nhau giữa các phương thức cung ứng dịch vụ
– Trong phương thức 1 (cung ứng dịch vụ qua biên giới), đối tượng dịch chuyển ở đây chính là dịch vụ được cung ứng. Trong ví dụ về e-learning, rõ ràng dịch vụ được cung cấp là việc giảng dạy đã “chạy” từ nước này qua nước kia thông ua internet.
– Ở phương thức 2 (tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài), đối tượng dịch chuyển của phương thức lại là người sử dụng dịch vụ. Với phương thức này, nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần ở nước của họ vì người sử dụng dịch vụ sẽ dùng dịch vụ tài nơi có nhà cung cấp.
– Đối với phương thức 3 (hiện diện thương mại) và phương thức 4 (hiện diện thể nhân), đối tượng dịch chuyển đều là nhà cung ứng dịch vụ. Do vậy, để phân biệt hai phương thức cung ứng này, có thể dựa trên quy chế pháp lý của nhà cung ứng dịch vụ: pháp nhân hoặc thể nhân. Ở phương thức Hiện diện thương mại, nhà cung ứng dịch vụ là pháp nhân, còn ở phương thức Hiện diện thể nhân, người cung ứng là thể nhân.