Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

Quản lí hành chính nhà nước (QLHCNN) là quản lí nhà nước trong lĩnh vực hành pháp hoặc QLHCNN là một hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước. Hoạt động quản lí này được các chủ thể có thẩm quyền thực hiện thông qua những phương pháp QLHCNNnhằm đạt được những hành vi xử sự cần thiết. Có bốn phương pháp QLHCNN bao gồm phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.

 

Luat Hanh Chinh Viet NamLuat Hanh Chinh Viet Nam

 

1. Hình thức quản lý hành chính nhà nước

 

Hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện bên ngoài cùng loại của họat động quản lý nhà nước trong những hành động cụ thể cùng loại.

Như vậy, hình thức quản lý hành chính nhà nước (với tư cách là cách thức thể hiện nội dung của quản lý hành chính nhà nước trong hoàn cảnh quản lý cụ thể) là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý.

Nói cách khác, hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện có tính chất tổ chức – pháp lý của những hoạt động cụ thể cùng loại của chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trước nó.

Do tính chất đa dạng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước nên việc xác định hình thức quản lý đem lại hiệu quả cáo là nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng. Việc xác định hình thức quản lý có hiệu quả phụ thuộc vào những điều kiện khách quan, những chức năng của quản lý, nội dung và tính chất của những nhiệm vụ (vấn đề) cần giải quyết, những đặc điểm của đối tượng quản lý, yêu cầu cụ thể đặt ra trước chủ thể quản lý,…. Đồng thời, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật vì hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.

Việc xác định hình thức quản lý hành chính nhà nước cần phải được tiến hành trên cơ sở những quy luật nhất định, trong đó có:

  • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với chức năng quản lý.

  • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với nội dung và tính chất của những vấn đề quản lý cần giải quyết.

  • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với những đặc điểm của đối tượng quản lý cụ thể.

  • Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với mục đích cụ thể của tác động quản lý.

Ngoài ra, để bảo đảm sự xác định đúng đắn, bảo đảm tổ chức quản lý hợp lý và khoa học cần phải phân loại các hình thức quản lý hành chính nhà nước thành những nhóm gồm những hoạt động quản lý giống nhau (hoặc tương tự) về tính chất, nội dung, những biểu hiện bên ngoài,…

Những hình thức cụ thể của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thường liên quan hữu cơ với những hình thức pháp lý của hoạt động nhà nước nói chung (lập pháp, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật). Nét đặc trưng của quản lý hành chính nhà nước là những hình thức pháp lý liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở sự thống nhất của chức năng chấp hành – điều hành. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước cần :

  • Xác lập những quy tắc xử sự dưới luật trong những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

  • Tiến hành hoạt động điều hành mà nội dung là áp dụng quy phạm pháp luật.

  • Giải quyết những trường hợp không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá hành vi xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính và áp dụng các biện pháp tác động có tính chất bắt buộc trong những trường hợp pháp luật quy định.

Đồng thời, thực tiễn quản lý hành chính nhà nước cũng cho thấy rằng hoạt động quản lý hành chính nhà nước còn có thể được tiến hành dưới hình thức không pháp lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cho phép các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện những hành vi trái pháp luật, bởi vì mọi hoạt động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước đều phải tiến hành trên cơ pháp luật và để thực hiện pháp luật.

Như vậy, ta có thể phân loại các hình thức quản lý hành chính nhà nước thành hình thức pháp lý và hình thức không pháp lý. Hình thức pháp lý bao giờ cũng được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục,… (ví dụ : đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì pháp luật quy định thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, thủ tục ban hành văn bản,…); còn hình thức không pháp lý thì pháp luật chỉ quy định những thủ tục chung để tiến hành chúng (ví dụ : thủ tục tiến hành hội nghị, hội thảo, tổng kết và phổ biến kinh nghiêm công tác,…).

Sự khác nhau giữa 2 loại hình thức này còn thể hiện ở chỗ hình thức pháp lý có thể dẫn đến sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể, còn hình thức pháp lý thì không có khả năng ấy. Hình thức không pháp lý có thể được tiến hành trước hoặc sau hình thức pháp lý (quyết định hành chính nhà nước được ban hành trên cơ sở báo cáo hoặc đề nghị của cấp dưới), hoặc đơn giản là tạo điều kiện cần thiết cho việc tiến hành hoạt động mang tính chất pháp lý (chuẩn bị những số liệu, tài liệu cần thiết).

Các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường kết hợp sử dụng cả hình thức pháp lý lẫn hình thức không pháp lý trong hoat động của mình.

Cần lưu ý rằng, hiện nay các hình thức pháp lý đang chiếm ưu thế nhưng hình thức không pháp lý ngày càng chiếm số lượng nhiều hơn trong hoạt động của các chủ thể quản lý nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương hướng và nội dung cải cách hành chính quốc gia hiện nay. Khi phạm vi của những chỉ thị, mệnh lệnh bắt buộc ngày càng thu hẹp thì việc hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động của cấp dưới, công tác giải thích, dự báo,… ngày càng được quan tâm hơn.

 

Cac Phuong Phap Quan Ly Hanh Chinh Nha Nuoc O Nuoc Ta Hien NayCac Phuong Phap Quan Ly Hanh Chinh Nha Nuoc O Nuoc Ta Hien Nay

 

2. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là gì?

 

– Định nghĩa: Phương pháp QLHCNN là cách thức thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước, cách thức tác động của chủ thể quản lý hành chính lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được những hành vi xử sự cần thiết.

– Đặc điểm của phương pháp QLHCNN:

  • Phương pháp QLHCNN do các chủ thể QLHCNN (các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước…) tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình;

  • Phương pháp QLHCNN là cách thức thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý;

  • Những phương pháp quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện dưới những hình thức QLHCNN nhất định (ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật…) và được tiến hành trong giới hạn do pháp luật quy định.

 

3. Những yêu cầu đối với phương pháp QLHCNN

 

Những yêu cầu đối với phương pháp QLHCNN gồm:

– Các phương pháp quản lý phải có khả năng quản lý lên các lĩnh vực chủ yếu của quản lý hành chính nhà nước.

– Phương pháp quản lý phải đa dạng, thích hợp để tác động lên những đối tượng khác nhau.

– Phương pháp quản lý phải có tính hiện thực. 

– Phương pháp quản lý phải có khả năng đem lại hiệu quả cao.

– Phương pháp quản lý phải mềm dẻo và linh hoạt.

– Phương pháp quản lý phải có tính sáng tạo.

– Phương pháp quản lý phải hoàn toàn phù hợp với đường lối chính trị quy định chương trình quản lý trong từng giai đoạn cụ thể.

 

4. Những phương pháp QLHCNN

 

Các phương pháp QLHCNN bao gồm phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.

 

a. Phương pháp thuyết phục

 

– Khái niệm: Thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện những hành vi nhất định hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định.

  • Nội dung của phương pháp thuyết phục:

+ Phương pháp thuyết phục do chủ thể QLHCNN sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình.

+ Bản chất của phương pháp thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định.

+ Phương pháp thuyết phục được thể hiện bằng những hoạt động như: giải thích, động viên, hướng dẫn, chứng minh… làm cho đối tượng hiểu rõ và tự giác chấp hành các yêu cầu của chủ thể quản lý.

 

b. Phương pháp cưỡng chế

 

– Khái niệm: Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định buộc cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể.

  • Nội dung của phương pháp cưỡng chế:

+ Chủ thể áp dụng phương pháp cưỡng chế phải là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như: cơ quan công an, ủy ban nhân dân…

+ Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế là cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định như: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

+ Biểu hiện của phương pháp cưỡng chế là buộc cá nhân, tổ chức phải chấp hành các quyết định đơn phương của chủ thể quản lý. Cụ thể là buộc cá nhân, tổ chức phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định về mặt tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân.

– Phân loại: Có bốn loại cưỡng chế nhà nước: Cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự, cưỡng chế kỷ luật và cưỡng chế hành chính.

+ Cưỡng chế hình sự: là biện pháp cưỡng chế do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội hoặc bị tình nghi phạm tội.

+ Cưỡng chế dân sư: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm dân sự, gây thiệt hại cho nhà nước, tập thể hoặc công dân.

+ Cưỡng chế kỷ luật: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với những cán bộ công chức có hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước.

+ Cường chế hành chính: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan và người có thẩm quyền quyết định áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính hoặc đối với một số cá nhân, tổ chức nhất định với mục đích ngăn chặn hay phòng ngừa các vi phạm pháp luật…

 

c. Phương pháp hành chính

 

– Khái niệm: Phương pháp hành chính là phương thức tác động tới cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý bằng cách quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và phục tùng.

– Đặc điểm của phương pháp hành chính

+ Đặc trưng của phương pháp này là sự tác động trực tiếp của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý bằng cách đơn phương quy định nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý.

+ Phương pháp này được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật.
Các quyết định hành chính được ban hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể quản lý do pháp luật quy định. Ví dụ: Chủ tịch UBND các cấp chỉ được ra chỉ thị, kiểm tra hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khuôn khổ, chức năng, quyền hạn của mình do pháp luật quy định.

Tóm lại, phương pháp hành chính là phương thức tác động đến cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý thông qua quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh và sự phục tùng.

 

d. Phương pháp kinh tế

 

– Khái niệm: Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người.

– Đặc điểm của phương pháp kinh tế

+ Đây là phương pháp tác động gián tiếp đến đối tượng quản lý thông qua lợi ích kinh tế như việc quy định chế độ thưởng, xử phạt.

+ Phương pháp kinh tế được thể hiện trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế như: quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; chế độ hạch toán kinh tế, chế độ thưởng… nhằm tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho hoạt động có hiệu quả của đối tượng quản lý phát huy năng lực sáng tạo, chọn cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Link bài viết: https://havip.com.vn/cac-phuong-phap-quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc-o-nuoc-ta-hien-nay/

Link trang chủ: https://havip.com.vn/