Các nguyên tắc giáo dục thể chất cho trẻ mầm non

Các nguyên tắc giáo dục thể chất cho trẻ mầm non

1. Nguyên tắc hệ thống:

a. Tính thường xuyên, lặp lại, biến đổi của các buổi tập với sự luân phiên hợp lý giữa vận động và nghỉ ngơi.

– Tính thường xuyên: Các buổi tập thường xuyên mang lại hiệu quả lớn hơn so với các buổi tập thất thường hoặc gián đoạn.

Những biến đổi về chức năng và cấu trúc tạo nên trong cơ thể con người trong thời gian luyện tập, kết quả đó có thể phát triển theo hướng ngược lại nếu ngừng tập luyện, dù chỉ trong một thời gian tương đối ngắn. Nguyên nhân là những mối liên hệ phản xạ có điều kiện vừa xuất hiện đã bị tắt, mức độ phát triển các khả năng chức năng vừa đạt được đã bị giảm và kể cả một số chỉ số về cơ cấu thể hình cũng bị giảm.

Sự luân phiên các buổi và nghỉ ngơi phụ thuộc vào các nhiệm vụ cụ thể, vào trình độ chuẩn bị của trẻ em, đặc điểm lứa tuổi, chế độ sinh hoạt và các điều kiện khác.

– Yếu tố lặp lại: Trong quá trình GDTC, yếu tố lặp lại được biểu hiện rõ nét hơn so với các quá trình giáo dục khác. Lặp lại không chỉ đối với các bài tập riêng lẻ mà cả thứ tự của các bài tập đó trong các buổi tập, không những thế còn phải lặp đi lặp lại cả tuần tự của chính các buổi tập trong các chu kì tuần, tháng, và các chu kì khác.

Không lặp lại nhiều lần thì không thể hình thành và củng cố vững chắc các định hình động lực được tạo nên.

– Tính biến đổi: Là sự thay đổi hình thức của các bài tập thể chất và các điều kiện thực hiện chúng

Đối với trẻ MN, tính biến đổi trong luyện tập là đưa những kích thích mới như thay đổi hình dạng của động tác, điều kiện thực hiện chúng, lượng vận động và phương pháp tập trong việc rèn luyện định hình động lực, nhưng không được thay đổi quá đột ngột, nếu không, có thể những kích thích mới sẽ dẫn đến sự phá vỡ định hình động lực.

– Sự luân phiên hợp lý giữa vận động và nghỉ ngơi: Khi vận động, cơ thể tiêu hao năng lượng, khă năng làm việc, nên cần nghỉ ngơi nhằm phục hồi sức khỏe. Để đạt được hiệu quả cao cho quá trình GDTC thì các quãng nghỉ ngơi thích hợp là điều kiện cần thiết.

b. Thứ tự và mối liên hệ qua lại giữa các buổi tập.

Trong mỗi giai đoạn GDTC cụ thể, thứ tự nội dung tập luyện phụ thuộc vào điều kiện cụ thể, nhưng quan trọng hơn cả là phụ thuộc vào những mối liên hệ tồn tại khách quan giữa các bài tập vận động đã đề ra để luyện tập, vào tính kế thừa và tác động lẫn nhau của chúng.

Như vậy, tính hệ thống được thể hiện ở sự thường xuyên, liên tục với sự luân phiên hợp lý giữa vận động và nghỉ ngơi, thứ tự hợp lý của từng buổi tập và mối liên quan các mặt khác nhau của nội dung bài tập trong suốt cả thời kỳ tuổi mầm non.

2.  Nguyên tắc tích cực và tự giác.

Người học chỉ tích cực đúng nghĩa khi hiểu được mục đích, ý nghĩa của kiến thức truyền đạt. Nguyên tắc này được hình thành theo 4 hướng cơ bản sau đây:

  • Hình thành hứng thú với nhiệm vụ được
  • Kích thích sự quan sát mẫu vận động một cách có ý thức.
  • Hiểu được mục đích, phương pháp thực hiện nhiệm vụ.
  • Khuyến khích trẻ tích cực, độc lập, sáng tạo khi thực hiện vận động

Muốn thực hiện được phương pháp này:

  • Giáo viên cần làm cho trẻ hiểu được nhiệm vụ bài tập một cách đơn giản và cụ thể, trẻ càng nhỏ thì nhiệm vụ được giao càng đơn giản.
  • Nội dung giảng dạy phải được lựa chọn vừa sức.
  • Phải làm cho bài tập sinh động.
  • Giáo viên phải làm mẫu chính xác, đẹp, chậm vừa để trẻ dễ nhìn.
  • Lời giảng giải ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, sinh động.
  • Chú ý động viên trẻ kịp thời.

3.  Nguyên tắc trực quan.

Bất kì một sự nhận thức nào cũng được bắt đầu từ mức độ cảm tính “ Trực quan sinh động’’. Tính trực quan biểu hiện trong việc sử dụng rộng rãi các cơ quan cảm giác và tri giác khác nhau để làm cho trẻ hiểu được vận động, chính xác hóa vận động và làm giàu hình ảnh động tác. Tất cả mọi nhận thức về vận động đều phải thông qua các cơ quan này.

Có 2 hình thức trực quan:

  • Hình thức thứ nhất là sự quan sát hình ảnh động tác được thực hiện trực tiếp trước mắt (quan sát cô làm mẫu)
  • Hình thức thứ hai là thông qua phim ảnh, tranh, lời nói để mô tả hình ảnh động tác, từ đó làm giàu thêm hình ảnh động tác.

Tính trực quan là tiền đề để nắm vững động tác. Khi dạy vận động, cô cần làm mẫu động tác để cụ thể hóa khái niệm về động tác, chỉ rõ cách thức thực hiện. Cô làm mẫu phải đẹp, chính xác, đứng ở vị trí mà tất cả mọi trẻ đều thấy.

4.  Nguyên tắc vừa sức và giáo dục cá biệt.

Nguyên tắc này nhằm mục đích xác định đặc điểm sinh lý của trẻ, xác định sự tác động của hệ thống bài tập thể chất đối với cơ thể trẻ và sự phản ứng của sức khoẻ.

Khi tổ chức giảng dạy, giáo viên cần nghiên cứu đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý, giới tính, tình trạng sức khoẻ, khả năng tiếp thu… để xây dung hệ thống bài tập thể chất, nội dung, phương pháp dạy học, khối lượng vận động hợp lý… sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ.

Khả năng vận động của trẻ lớn dần theo từng độ tuổi, cần phải tuân thủ theo quy luật tăng dần từ dể đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Muốn vậy, giáo viên phải nắm được khả năng tiếp thu, mức độ vận động của trẻ ở các độ tuổi khác nhau để chọn soạn những bài tập vận động cho phù hợp với trẻ.

Do khả năng của cơ thể, sức khoẻ, sự phát triển thể lực của trẻ cùng lứa tuổi rất khác nhau. Nên quá trình nắm bắt các bài tập vận động cũng khác nhau, đòi hỏi các nhà giáo dục phải thực hiện nghiêm túc con đường giáo dục cá biệt đối với trẻ trong quá trình giáo dục thể chất. Bằng cách giáo viên luôn chú ý giúp đỡ, sửa sai cho những trẻ tập không đúng, tổ chức luyện tập ngoài giờ, trong giờ tự hoạt động, uốn nắn cho từng trẻ.

5.  Nguyên tắc phát triển.

Trong quá trình luyện tập các bài tập thể chất, giáo viên phải củng cố, rèn luyện, tăng dần những yêu cầu đối với trẻ, đưa ra những nhiệm vụ mới khó hơn, đòi hỏi khối lượng và chất lượng nhiều hơn. Nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng vận động đã học, giúp trẻ xử lý vận động ở mọi nơi, mọi lúc

Ôn luyện và nâng cao vận động phải được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức khác nhau như: trò chơi, tham quan, thi đua… Để ôn luyện có kết quả cần nâng dần khối lượng vận động, đưa thêm tình huống mới, tăng sự hứng thú giúp trẻ thoải mái trong luyện tập.

Một số hình thức tăng dần lượng vận động:

  • Tăng theo đường thẳng: tăng lượng vận động một cách từ từ, không lặp lại vận động, tăng dần theo đường thẳng. Hình thức này không phù hợp với trẻ mầm non vì không có thời gian lặp lại để trẻ tiếp
  • Tăng theo bậc thang: tăng nhanh, tăng đột ngột lượng vận động rồi củng cố, không phù hợp với trẻ mầm non vì tăng lượng vận động nhanh, trẻ khó tiếp
  • Tăng theo làn sóng: vừa tăng lượng vận động, vừa củng cố những kỹ năng vận động đã học. Hình thức này phù hợp với trẻ vì lượng vận động tăng dần, có tính chất lặp lại và củng cố vận động.

6.  Nguyên tắc đảm bảo an toàn trong tập luyện.

Giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, tổ chức sắp xếp bài giảng hợp lý, phù hợp với nội dung và yêu cầu kỹ thuật, khối lượng vận động, sắp xếp sân bãi, dụng cụ…

Giáo viên cần chú ý:

– Đảm bảo thứ tự tiết học, hướng dẫn cho trẻ làm quen với kỹ thuật động tác, từ đó tăng dần độ khó của bài tập, lượng vận động.

– Giúp trẻ tự tin, sẵn sàng vượt khó trong tập luyện.

– Tiến hành kiểm tra thiết bị, dụng cụ tập luyện; quần áo, giày dép của giáo viên và trẻ phải gọn gàng.

– Có kế hoạch kiểm tra sức khoẻ cho trẻ.

7.  Mối quan hệ giữa các nguyên tắc giáo dục thể chất.

Nội dung các nguyên tắc giáo dục thể chất liên quan chặt chẽ với nhau . Bởi tất cả các nguyên tắc đó đều phản ánh các mặt riêng lẻ và các quy luật của cùng một quá trình.Do đó, không một nguyên tắc nào có thể đảm bảo chức năng hoạt động GDTC một cách đầy đủ nếu các nguyên tắc khác bị loại trừ.Vì vậy, cần phải thống nhất các nguyên tắc để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình GDTC.

Rate this post