Các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp xã hội
Chú ý các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp xã hội để cuộc giao tiếp được trơn tru và hiệu quả.
(Nguồn: Thriveglobal)
Trong quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, để tạo được thiện cảm và xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp xã hội sau đây.
Các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp xã hội
1. Quan tâm
Trong mọi mối quan hệ, sự quan tâm sẽ giúp chúng ta gần nhau hơn, bền chặt hơn. Được người khác quan tâm là nhu cầu cơ bản của mỗi người. Khi quan tâm lẫn nhau, chúng ta đều cảm thấy vui vẻ và ấm áp hơn.
Dân gian có câu:
“Niềm vui được chia sẻ sẽ tăng gấp đôi
Nỗi buồn được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”.
Khi giao tiếp, ta cần quan tâm tới đối tượng giao tiếp để hiểu hơn về họ, tạo được cảm tình với họ và sẽ nhận lại được sự quan tâm từ họ. Sự quan tâm là nền tảng cho việc xây dựng và duy trì mối quan hệ chân thật và tốt đẹp.
Sự quan tâm của chúng ta đối với đối tượng giao tiếp được thể hiện ở việc chào hỏi lịch sự, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết; thăm hỏi, động viên, khích lệ nhau trong công việc và trong cuộc sống.
2. Tôn trọng
“Việc chuyển hóa từ chủ nghĩa vị kỉ sang tôn trọng người khác là nguồn gốc của mọi cách cư xử tốt”.
“Chỉ có tôn trọng mình là sa vào chủ nghĩa vị kỉ và không thể có những quan hệ đẹp với những người xung quanh. Địa vị, quyền thế, chức tước, sắc đẹp, sức mạnh, tài năng…cũng không cho phép ai đặt mình lên trên những người khác”.
Bất cứ ai cũng có quyền được tôn trọng, cho dù họ có địa vị, công việc… ra sao. Những lời nói, hành động, thái độ coi thường, sự chê bai không khéo léo, thiếu tế nhị sẽ làm người khác cảm thấy bị xúc phạm, và tất nhiên họ sẽ không muốn ở gần người đã xúc phạm họ.
Tôn trọng đối tượng giao tiếp là thỏa mãn nhu cầu được coi trọng ở họ, tôn trọng họ thì họ tôn trọng lại mình “Có qua có lại, mới toại lòng nhau”
Trong giao tiếp, tôn trọng đối tượng giao tiếp thể hiện ở các biểu hiện sau: biết lắng nghe; ứng xử lịch sự, tế nhị; không tò mò, soi mói, can thiệp vào đời tư của đối tượng, không nói xấu người khác; khiêm tốn, không tự đặt mình lên trên người khác…
Mối quan hệ của chúng ta với người khác có tốt đẹp, lâu dài hay không là do sự tôn trọng quyết định một phần không nhỏ.
3. Khen ngợi những ưu điểm
Một chuyên gia tâm lí nói: “Cái vốn quí nhất của chúng ta là năng lực kêu gọi được lòng hăng hái của mọi người. Chỉ có khuyến khích và khen ngợi mới làm phát sinh và gia tăng những tài năng quí nhất của mình mà thôi”
Nhà tâm lí học Emerson nói: “Đừng tiếc những lời cám ơn và khuyến khích! Những lời nói đó, ít lâu sau ta có thể quên đi, nhưng những người được ta khen tặng sẽ hoan hỉ và luôn nhớ tới”.
Con người ai cũng thích được khen ngợi những điểm mạnh, những điều tốt đẹp họ đã làm. Nếu được nhận những lời khen chân thành thì ai cũng cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy mình có giá trị, và hữu ích, và cũng cám thấy cảm mến người trao tặng lời khen.
Trong giao tiếp, chúng ta hãy tinh tế phát hiện ra những điểm mạnh dù chỉ là nhỏ ở đối tượng. Trên cơ sở đó hãy đưa ra nhưng lời khen chân thành, kịp thời. Đừng quá quan tâm hay chỉ trích những điềm yếu, điểm hạn chế ở người khác. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng lời khen chân thành sẽ giúp con người dường như có thêm động lực để phát huy những điểm mạnh.
Hãy luôn nhớ: lời khen thường dễ nghe nhưng lời chê, lời chỉ trích lại thường khó chấp nhận.
4. Đặt bản thân vào vị trí của đối phương
Người Việt Nam có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Mỗi người là một thế giới riêng, mang trong mình những đặc điểm tâm lí khác biệt với người khác, để hiểu được đối tác giao tiếp chúng ta phải biết đặt mình vào vị trí của họ để chia sẻ những suy nghĩ, tâm trạng, nhu cầu, mong muốn của họ.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, hiểu đối tác, biết được đối tác là ai và là người như thế nào để từ đó có cách ứng xử phù hợp là chìa khóa dẫn đến thành công.
Trong giao tiếp chúng ta hãy luôn nghĩ đến cảm nhận của người khác trước khi nói hay có bất cứ hành động gì như thế sẽ dễ dàng thông cảm, kết nối được với đối tượng giao tiếp và đạt được thành công trong giao tiếp.
5. Lời nói lịch sự, tế nhị
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
“Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”
“Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”
Con người ai cũng thích được nghe những lời nói dịu dàng, dễ nghe, không ai thích nghe những lời nói cộc cằn, thô lỗ. Để tạo được ấn tượng tốt, chiếm được tình cảm của đối tác giao tiếp, khi giao tiếp với họ chúng ta cần làm chủ cảm xúc, hành vi, lời nói của bản thân.
Trong giao tiếp, tuyệt đối không nên mỉa mai hay châm chọc người khác, làm chạm tự ái và tổn thương đến họ. Trong mỗi người tự ái rất nên giữ vì đó là tình cảm của con người có phẩm cách. Đừng nên nói đùa châm chọc, nhất là đối với những người quá nhạy cảm.
Người Pháp nói: mỉa mai hay tát vào mặt ông A, bà B, có gì khác nhau không? Điểm đặc biệt chung nhất là: Tát thì kêu nhưng thường lại không đau bằng. Hãy chôn vùi thói mỉa mai trong mộ.
6. Không chạm vào lòng tự ái của đối tác giao tiếp
“Nhân vô thập toàn”, con người không ai là hoàn hảo, mỗi người đều có những cái hay cái dở của riêng mình. Khi giao tiếp, chúng ta không nên nhắc tới những yếu điểm của người khác để chỉ trích, nhắc lại những lỗi lầm hay đau khổ trong quá khứ của người khác. Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, nhạy cảm, dế bị tổn thương, khi giao tiếp với họ chúng ta phải hết sức thận trọng.
Sau đây là một số câu nói chạm tự ái người khác:
– Vợ nói chồng: Anh kiếm tiền không bằng ông A bên cạnh.
– Đồng nghiệp: em kém thông minh quá.
7. Xử lí mọi vấn đề thấu tình, đạt lí
Lí và tình là hai mặt được quan tâm trong giao tiếp, ứng xử. Chúng ta đừng bao giờ quên một điều là: người thua ít ai chấp nhận họ thua và họ có lỗi cả. Trái lại họ thường đâm ra oán hờn người thắng và có khi họ để tâm trả thù.
Người quân tử xem sự thắng bại là lẽ thường tình. Kẻ tiểu nhân thường xem thắng là vinh, bại là nhục. Thông thường người thắng thì hân hoan vui thích, còn người bại thì buồn bực, khổ sở.
Chính vì vậy mà khi tranh chấp bất cứ việc gì, chúng ta ngoài việc kể về lí còn phải nghĩ đến tình nữa. Không bao giờ đối xử cạn tàu ráo máng với ai, ngay cả khi đó là kẻ thù.
Đối với kẻ thù, chúng ta thắng cũng nên chừa cho họ một lối thoát danh dự, đừng làm nhục họ. Không được tiểu nhân, vô nhân đạo đối với người sống cũng như người chết.
Ông cha ta đã dạy: “Oán thù nên mở chứ không nên kết”. Đối xử quân tử với kẻ địch, mở lối thoát cho kẻ thù, có thể cảm hóa nó để chấm dứt hận thù.
Đừng tự phụ và dồn ép đối phương vào đường cùng, sẽ có thể gây ra những trường hợp xấu, hơn nữa mối quan hệ sẽ mãi không bao giờ tốt đẹp lên được. Đây chính là thời cơ để bạn xử sự đẹp sao cho có thể biến thù thành bạn.
8. Giữ chữ tín
“Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”
“Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê”
“Nên từ chối lời hứa, nhưng đừng từ chối lời hứa”
Nếu bạn hứa trong điện thoại “Tôi sẽ gọi bạn vào lúc 10 giờ sáng”, thì hãy gọi vào đúng 10 giờ, đừng để đến 11 giờ. Tính chính xác và giữ lời là một đức tính cần phải có.
Đặc biệt, chúng ta càng phải thận trọng và giữ lời khi hứa với những đứa trẻ, nếu không muốn làm mất đi lòng tin và sự tôn trọng của chúng.
Trong kinh doanh, người Trung Hoa rất tôn trọng lời hứa, đó là điều ta cần phải học tập. Nhà tâm lí học Phan Kim Huê viết:
Người Trung Hoa trong việc hùn vốn có những đặc điểm sau:
– Họ không cần phải làm hợp đồng, cứ bàn bạc, thỏa thuận rồi giao vốn cho một người đứng ra buôn bán. Người đó không bao giờ gian dối bỏ túi tiền riêng cho mình…
– Người Trung Hoa được nhiều người tin tưởng và làm ăn với họ. Đó là yếu tố cần thiết để đưa đến thành công.
Trong kinh doanh, uy tín do hai thành tố cấu tạo thành:
– Cái “uy” do cái chức mà có.
– Cái “tín” do nhân cách của người lãnh đạo, do cách đối nhân xử thế công bằng, có đạo lí, do năng lực mà có.